Một ông thợ hớt tóc rất đạo đức, ông tin rằng ông phải chia sẻ đức tin với khách hàng nhiều hơn trước. Sáng hôm sau, khi vừa thức dậy, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, hôm nay con sẽ làm chứng cho Chúa với người khách đầu tiên bước vào tiệm.” Không lâu, một ông khách bước vào tiệm và nói, “Tôi muốn cạo râu”. “Dạ được. Mời ông vào ghế ngồi, tôi sẽ trở lại ngay,” ông thợ trả lời và ra đằng sau tiệm cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con sự khôn ngoan để biết phải nói gì với người này. Amen.” Sau đó, ông bước ra với con dao cạo ở tay phải, và cuốn Kinh Thánh ở tay trái. Ông nói, “Chào ông. Tôi có câu hỏi với ông… Ông có sẵn sàng chết chưa?”
Câu chuyện vui này nhắc nhở chúng ta về một khía cạnh của chức năng ngôn sứ mà chúng ta nhận được khi rửa tội để tham dự vào ba chức năng của Chúa Kitô, đó là tư tế, vương đế và ngôn sứ.
Chúng ta tham dự chức năng tư tế của Chúa Kitô bằng cách dâng hiến chính mình, công việc của mình, và đời sống gia đình như một hy lễ “được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Chúa Giêsu Kitô” (1 Pherô 2:5).
Chúng ta tham dự chức năng vương đế của Chúa Kitô bằng cách cố gắng chế ngự tội lỗi của chính mình và thế gian bằng sự hy sinh bản thân và sống thánh thiện. Chúng ta tham dự các sinh hoạt để phục vụ cộng đồng và đưa các giá trị luân lý vào sinh hoạt xã hội.
Chúng ta tham dự chức năng ngôn sứ của Chúa Kitô bằng việc đón nhận Lời Chúa, công bố lời ấy cho thế gian qua việc làm chứng bằng đời sống, lời nói, và việc truyền giáo, cũng như dạy giáo lý.
Với các tóm lược ngắn ngọn này, chúng ta có thể thấy chức năng ngôn sứ thì khó nhất bởi vì sự loan truyền lời Chúa bằng lời nói của chúng ta, nhất là khi phải đương đầu với lỗi lầm của người khác. May mắn là trong các bài đọc hôm nay có một vài chi tiết về chức năng này để giúp chúng ta thi hành.
Qua bài đọc một, chúng ta thấy chức năng ngôn sứ là trách nhiệm của chúng ta. Đó là một bổn phận của Kitô Hữu. Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-kien, nếu “ngươi không chịu nói để cảnh cáo kẻ xấu xa từ bỏ con đường của nó, nó sẽ phải chết vì tội của mình, nhưng Ta sẽ quy trách nhiệm cho ngươi về cái chết của nó. Nhưng, nếu ngươi cảnh cáo kẻ gian ác, cố thay đổi con đường của nó, và nó từ chối, không trở lại, nó sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng ngươi cứu được chính mình” (Ed 33:8b-9).
Mệnh lệnh này khiến chúng ta ngạc nhiên bởi vì ít khi chúng ta nghe sự sửa sai từ người khác. Chúng ta thường nghe rằng, “phải tốt với người khác”, “phải lịch sự”, “phải bao dung,” “đừng để ý đến chuyện của người khác,” v.v. Thành thật mà nói, chúng ta thường dùng sự “tử tế,” hay “lịch sự” để bào chữa cho mình khỏi phải lên tiếng nhận xét xây dựng đối với những người cần được nghe biết, nhất là đối với những người trong gia đình, như con cái và người phối ngẫu. Chúa Giêsu thì hiền lành và khiêm nhường, nhưng Người không tử tế với những ai sai lầm. Chúa lật đổ bàn của những kẻ đổi tiền trong Đền Thờ. Chúa gọi những người giả hình là “mồ mả tô vôi trắng xóa”, “con cái của nòi rắn độc.” Chúa sửa sai họ vì tình thương. Chúa muốn cứu họ dù có phải chịu hậu quả là cái chết thảm thương trên thập giá.
Chúng ta thi hành chức năng ngôn sứ này như thế nào? Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một khía cạnh khó khăn nhất của chức năng này và cách đối xử khôn ngoan trong bài phúc âm hôm nay. “Nếu người anh em của anh phạm tội đối với anh, hãy đến nói lỗi lầm của người ấy chỉ giữa anh và người ấy mà thôi” (Mt 18:15). Chúng ta phải coi người khác như anh chị em, chứ không phải người xa lạ dù họ có lỗi đối với chúng ta. Đây là động lực đầu tiên để hành động, và mục đích của nó là tìm sự thật – để biết chắc đó không phải là hành động tình cờ hay vô ý. Ngoài ra, chúng ta phải khiêm tốn đủ để nhìn nhận rằng chúng ta có thể sai khi nhìn thấy lỗi lầm của người khác. Nói về lỗi của người khác một cách riêng tư, đó là sự khôn ngoan vì điều đó sẽ bảo vệ danh dự của họ và của chúng ta.
Sau đó, “nếu họ không chịu nghe, hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi sự kiện có thể được xác nhận dựa trên lời khai của hai hay ba chứng nhân này” (c. 16). Trong bước này, chưa có sự phán xét – chỉ xác nhận sự kiện. Các nhân chứng sẽ giúp người lỗi phạm nhận lỗi của mình, chứ chúng ta không dùng áp lực để buộc họ phải nhận tội. Chúng ta phải phân biệt rằng hai và ba nhân chứng thì khác với sự rỉ tai, tin đồn, nói sau lưng, để tôn trọng danh dự của người khác.
Một khi sự kiện được nhận biết và đối chất, “Nếu nó không nghe họ, hãy đi nói với Hội Thánh. Nếu nó không nghe ngay cả Hội Thánh, hãy đối xử với nó như một dân ngoại hay một người thu thuế” (c. 17). Chúng ta không phải là quan tòa xử tội người khác. Chúng ta tùy thuộc vào thẩm quyền của Giáo Hội được Chúa trao cho khi Người nói, “Bất cứ gì anh em cầm buộc ở dưới thế sẽ bị cầm buộc ở trên trời, và bất cứ gì anh em tháo cởi ở dưới thế, cũng sẽ được tháo cởi ở trên trời” (c. 18). Với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, chúng ta tin rằng quyết định của Giáo Hội thì tốt nhất dù chúng ta có thể không đồng ý.
Khía cạnh này của chức năng ngôn sứ thường được gọi là sự sửa sai trong tình huynh đệ. Nó không có nghĩa là thắng được một cuộc tranh luận, nhưng là để không mất một người anh chị em. Chúng ta không phải là quan tòa để vạch tội người khác bởi vì chúng ta không thể thấy được tất cả các lý do, nhiều khi rất thầm kín hoặc bị thi hành dưới áp lực.
Chúng ta áp dụng sự giảng dạy này như thế nào trong đời sống thực tế? Thật không dễ để nói về lỗi lầm của người khác, nhất là khi họ ở trên chúng ta, dù đó là cha mẹ, giáo sĩ, hay thừa tác viên trong Giáo Hội. Nhiều gia đình Công Giáo đổ vỡ, nhiều giáo phận trên thế giới ngày nay bị phá sản vì phải bồi thường cho những lạm dụng của giáo sĩ. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta cần thi hành chức năng ngôn sứ, nhất là sự sửa sai trong tình huynh đệ. Chúng ta phải phân biệt giữa nói sự thật và rỉ tai và tin đồn. Chúng ta tôn trọng phẩm giá và danh dự của người khác. Nhưng chúng ta cũng cần sự can đảm để chu toàn bổn phận này thay vì lịch sự và giữ im lặng.
Chúng ta cần thi hành chức năng ngôn sứ trong gia đình. Vì tình yêu, chúng ta nhắc nhở con cái, người phối ngẫu về các giới răn của Chúa. Chúng ta lắng nghe sự giải thích để tìm ra sự thật, và chúng ta sẵn sàng xin lỗi nếu đó là sự sai lầm của chúng ta. Khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm là bài học tốt nhất cho người khác.
Chức năng ngôn sứ còn có thể thi hành trong xã hội để giúp người khác nhận ra chân lý, sự mỹ miều và tình thương trong các giới răn của Chúa. Nếu chúng ta không thể tham dự xuống đường phò sự sống, chúng ta có thể đóng góp tài chánh cho các tổ chức này. Chúng ta có thể góp tiếng nói để phản đối chính phủ hay một tổ chức nào đó có những điều trái luân lý hay vi phạm phẩm giá con người.
Sau cùng, về phía bên kia của sự giảng dạy này là khi ai đó đến với chúng ta để sửa sai trong tình huynh đệ, chúng ta phải cảm ơn họ. Chúng ta phải khiêm tốn để nhìn nhận lỗi lầm, và coi sự sửa sai đó là để giúp chúng ta trở nên tốt hơn. Họ là những người bạn đích thực của chúng ta. T. Phaolo nói trong bài đọc hai, “Ai yêu thương người khác đã chu toàn lề luật” (Rm 13:8b).
Xin Thiên Chúa mở mắt chúng ta để thấy được những khuyết điểm và nhận sự sửa sai từ người khác, và cũng xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự can đảm để thi hành sự sửa sai trong tình huynh đệ để xây dựng một Giáo Hội tốt đẹp hơn.