Giả như có một người đứng trước mặt quý vị và hỏi, “Ông/bà/anh/chị có biết tôi là ai không?”, quý vị sẽ trả lời như thế nào?
Có lẽ phản ứng đầu tiên của chúng ta là cố gắng nhớ lại xem có bao giờ chúng ta gặp người ấy hay chưa. Có thể đó là người học cùng lớp với chúng ta khi còn ở tiểu học, trung học, hay đại học; hoặc một người làm cùng sở với chúng ta trước đây, hoặc một thừa tác viên trong giáo xứ mà chúng ta có sinh hoạt ở đó đã lâu, v.v. Và nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ chào hỏi, trao đổi một vài câu xã giao, rồi sau đó, có thể hai trường hợp xảy ra: một là đường ai nấy đi, bởi vì sự gặp gỡ với người này không làm thay đổi nếp sống thường ngày của chúng ta; hai là chúng ta sẽ ân cần thăm hỏi, lấy số điện thoại, email, địa chỉ của họ nếu chúng ta có nhu cầu cần người này giúp đỡ.
Tôi nhớ những ngày đầu định cư ở quốc gia Hoa Kỳ cách đây gần 40 năm, lúc ấy người Việt còn rất ít và rải rác khắp nơi nên gặp được người Việt là điều rất vui mừng và ai cũng muốn làm quen, muốn trở nên bạn thân của nhau, bởi vì lúc đó ai cũng có nhu cầu gặp gỡ người đồng hương. Nhưng sau một thời gian, số người Việt đông hơn, và chúng ta cũng đã quen dần với nếp sống ở đây, nhu cầu gặp gỡ người đồng hương không còn cần thiết như trước.
Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai loại tương giao khi Người hỏi các môn đệ, “Người ta nói thầy là ai?”, rồi sau đó Chúa lại hỏi chính các ông, “Nhưng anh em nói thầy là ai?”
Câu hỏi đầu của Chúa Giêsu, “Người ta nói thầy là ai?”, là loại tương giao khách quan, là quan điểm nhận xét được từ người khác. Câu hỏi này thì dễ trả lời.
Qua câu trả lời của các môn đệ, chúng ta thấy người Do Thái thời bấy giờ cho rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, giống như Gioan Tẩy Giả, Êligia, hay Giêrêmia. Ngôn sứ là một người đặc biệt được Thiên Chúa chọn để làm “phát ngôn viên” cho Thiên Chúa, nhưng ngôn sứ chỉ là người thi hành lệnh của cấp trên chứ chính họ thì không có quyền gì.
Câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu, “Nhưng anh em nói thầy là ai?”, thì khó khăn cho các môn đệ, bởi vì câu trả lời sẽ nói lên sự tương giao chủ quan của các môn đệ. Họ nghĩ gì về Thầy của mình sau một thời gian đi theo Thầy?
Để thấy sự khó khăn của các môn đệ, hãy giả sử rằng ngay bây giờ Đức Giêsu đứng trước mặt chúng ta trong hình dáng của một thanh niên khoảng 30 tuổi, và hỏi, “Anh/chị nghĩ tôi là ai?”, chúng ta sẽ trả lời như thế nào?
Tổng quát, câu trả lời sẽ tùy thuộc sự tương giao của chúng ta với Chúa Giêsu. Và sự tương giao ấy phát sinh từ nhu cầu của chúng ta về đời sống tinh thần.
Nếu chúng ta không có nhu cầu về đời sống tinh thần, chúng ta theo đạo vì được rửa tội ngay khi sơ sinh, hay khi lập gia đình với người Công Giáo, nên nhiều khi chúng ta đến nhà thờ là vì thói quen, vì cha mẹ bó buộc, hay vì vợ/chồng thúc giục, thì Chúa Giêsu là một người đứng bên lề cuộc đời của chúng ta.
Nếu chúng ta theo đạo nhưng chỉ tìm đến Chúa khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tỉ như khi bị bệnh ung thư, khi gia đình có khó khăn giữa vợ chồng, hay giữa con cái và cha mẹ, hay khi sắp sửa lấy vợ lấy chồng, v.v., thì hình ảnh của Chúa Giêsu cũng không khác gì các ngôn sứ ngày xưa, là người mà chúng ta muốn họ thi hành “mệnh lệnh” của chúng ta qua vài chục đô la xin lễ gửi cho các linh mục để được như ý riêng của mình! Và nếu không được như ý, chúng ta sẵn sàng chạy đến các tà thần khác để tìm sự giúp đỡ! Những lúc đó, Chúa Giêsu cũng chỉ là một phương tiện thuận lợi cho chúng ta chứ không phải là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Những gì chúng ta biết về Đức Giêsu là qua sự tường thuật, qua lời các nhân chứng thời bấy giờ, được ghi lại trong các phúc âm. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Mêsia, là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, nhưng sự hiểu biết đó có được thể hiện trong đời sống hàng ngày của chúng ta hay không? Đó mới là điều quan trọng.
Nhiều người Công Giáo hãnh diện xưng mình là tín hữu Kitô, nhưng họ cũng dễ dàng lên án, chỉ trích người khác để đả phá hơn là xây dựng, bởi vì họ coi ý riêng của mình trên hết, không cần lắng nghe người khác, không cần biết đến sự thật.
Chúng ta đi theo một Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường, nhưng khi bị chạm tự ái -- dù chúng ta sai đi nữa -- con bồ câu trở nên một con rắn xảo quyệt để bào chữa và tìm cách trả đũa người khác.
Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu trao cho ông Phêrô chìa khóa Nước Trời, “Điều gì anh trói buộc ở dưới đất, trên trời cũng sẽ trói buộc; và điều gì anh tháo cởi ở dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi.” Chìa khóa ấy được trao truyền lại cho các giáo hoàng mà chúng ta gọi là truyền thống tông đồ với những tín điều, những quy luật phải tuân theo, nhưng ngày nay, nhiều người Công Giáo coi thường các quy tắc của Giáo Hội, họ sống theo ý riêng, họ chỉ tuân giữ những gì họ muốn. Thí dụ, họ vẫn đi nhà thờ, vẫn lên rước lễ dù rằng họ phá thai hay tiếp tay cho việc phá thai, hoặc họ sống chung chạ như vợ chồng mà không qua bí tích hôn phối.
Khi sống theo ý riêng, không muốn vâng theo các quy luật trong Giáo Hội, nguy hiểm trước mắt là chúng ta tự ý tách rời khỏi Giáo Hội, cổng Nước Trời khóa lại trước mắt chúng ta. Khi sống theo trào lưu xã hội, một nguy hiểm khác là chúng ta đang mất dần căn tính đích thật của mình -- chúng ta không còn thấy ý nghĩa của Kitô Giáo: chúng ta sẽ thấy mình dại dột khi hy sinh cho người khác, sẽ thấy sự tha thứ cho người khác là yếu hèn, sẽ thấy sự thương yêu tha nhân là thiệt hại, và hậu quả đương nhiên là Đức Kitô không còn là một Thiên Chúa mà chúng ta phải kính sợ và vâng phục.
Nếu Đức Giêsu đứng trước mặt chúng ta và hỏi, “Anh/chị nghĩ tôi là ai?”, chúng ta sẽ trả lời như thế nào?
Có lẽ chúng ta sẽ run sợ không biết phải trả lời như thế nào vì nhìn thấy những khuyết điểm đầy dẫy trong con người chúng ta. Có lẽ lúc bấy giờ chúng ta chỉ biết lập lại lời của ông Phêrô, “Lậy Thầy! Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” bởi vì Đức Kitô là Đấng gánh tội trần gian để tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.
Khi ông Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, ông đã được Đức Giêsu khen ngợi rằng, “… Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”, thì cũng vậy, khi chúng ta nhìn nhận rằng Đức Giêsu là Đấng gánh tội trần gian, đó là một hồng ân Chúa ban, bởi vì không phải ai ai cũng có can đảm nhìn nhận tội lỗi của mình để xin tha thứ, không phải ai ai cũng tin rằng chìa khóa Nước Trời đã được Chúa trao cho Giáo Hội để tha tội cho chúng ta qua bàn tay các linh mục trong bí tích hòa giải. Đây là một lợi điểm cho người Công Giáo, chúng ta đừng nên bỏ qua.
Nếu Đức Giêsu đứng trước mặt chúng ta và hỏi, “Ông/bà/anh/chị nghĩ tôi là ai?”, câu trả lời của chúng ta sẽ tùy thuộc vào sự tương giao của chúng ta với Chúa Giêsu.
Sự tương giao đó được gọi là cầu nguyện hàng ngày, là lãnh nhận các bí tích, là tuân giữ các giới răn của Chúa, là thay đổi nếp sống cũ để theo gương Chúa Kitô. Sự tương giao đó rất có lợi cho chúng ta, vì ngoài ơn sủng Chúa ban chúng ta còn được vững mạnh tinh thần để vượt qua những yếu đuối của bản tính con người, để đem lại hạnh phúc cho chính bản thân và những người chung quanh.
Bài phúc âm hôm nay, thoạt nghe qua, chúng ta có cảm tưởng như Đức Giêsu muốn đề cao chính mình. Nhưng nghĩ cho cùng, các môn đệ, cũng như chúng ta, thật may mắn khi được Đức Giêsu hỏi “Anh em nghĩ thầy là ai?” khi chúng ta còn sống, còn có cơ hội để làm lại cuộc đời. Thử tưởng tượng Chúa Giêsu hỏi chúng ta câu ấy khi chúng ta vừa trút hơi thở cuối cùng và đứng trước tòa phán xét thì sự sợ hãi của chúng ta sẽ khủng khiếp biết chừng nào.
Chúa Giêsu yêu thương loài người và câu hỏi của Chúa trong bài phúc hôm nay là một cơ hội để chúng ta nắm lấy chìa khóa Nước Trời.