Một bà đạo đức sống trong một khu vực đang bị lụt, nhà của bà cũng bị ngập nước hơn một gang tay. Khi bà ngồi ở hàng hiên trước nhà, một người cấp cứu chèo xuồng ngang qua và nói, “Tôi đến để cứu bà.” Bà trả lời, “Cảm ơn ông. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu lụt tệ hơn nữa, Chúa sẽ cứu tôi.”
Ngày hôm sau, nước dâng lên ngập hết tầng thứ nhất. Khi bà đứng ở cửa sổ tầng thứ hai nhìn ra ngoài, lại có một người lái chiếc xuồng máy xuất hiện và nói, “Tôi đến để cứu bà.” Bà trả lời, “Cảm ơn ông. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu lụt tệ hơn nữa, Chúa sẽ cứu tôi.”
Ngày hôm sau, nước dâng lên gần đến mái nhà. Khi bà đang ngồi trên mái nhà, nhân viên cứu cấp đến trên máy bay trực thăng và nói, “Tôi đến để cứu bà.”
Bà trả lời, “Cảm ơn ông. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Nếu lụt tệ hơn nữa, Chúa sẽ cứu tôi.”
Ngày hôm sau nữa, nước ngập cả căn nhà và bà bị chết chìm. Khi gặp Thánh Phêrô, bà nói: “Tôi muốn than phiền một điều. Tôi tin tưởng rằng Chúa sẽ cứu tôi khỏi nạn lụt, nhưng Người đã bỏ mặc tôi!”
Thánh Phêrô bối rối nhìn bà và nói, “Tôi không biết là Thiên Chúa có thể làm gì cho bà hơn nữa. Người đã gửi đến cho bà hai chiếc thuyền và một chiếc máy bay trực thăng, bà còn muốn gì nữa!” (trích trong bài giảng của Cha Mark Link).
Đây là một câu chuyện vui để nói lên một thái độ về đức tin. Bà đạo đức trong cơn lụt và người phụ nữ trong bài Phúc Âm hôm nay có cùng một điểm chung là cả hai đều có đức tin rất mạnh, và cả hai đều bị thử thách đức tin, nhưng phản ứng của hai người thì khác nhau.
Trong câu chuyện nước lụt, bà đạo đức kiêu hãnh về lòng tin của mình đến độ bà không thể khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ của người khác – mà đó lại là điều Thiên Chúa muốn. Trong khi người phụ nữ Canaan thuộc một dân tộc vô thần mà người Ít-ra-en khinh chê, không muốn giao tiếp, nhưng bà lại khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình và kiên nhẫn nài xin sự giúp đỡ của Đức Giêsu là một người Ít-ra-en, khác dòng giống với bà.
Thái độ của người phụ nữ Canaan có thể nói là gương mẫu đức tin cho chúng ta, những người không phải gốc Ít-ra-en, nhưng muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa Kitô.
Thiên Chúa chọn dân Ít-ra-en là dân riêng của Người và hứa sẽ làm cho dân tộc ấy thành một dân tộc hùng mạnh với điều kiện là họ trung thành với giao ước của Thiên Chúa. Thuộc về dân tộc Ít-ra-en là thuộc về gia đình của Thiên Chúa – là con cái của Thiên Chúa. Qua dòng thời gian, dân Ít-ra-en đã bất trung với Thiên Chúa – họ thờ các tà thần, không tuân giữ các giới răn của Chúa và lâm vào cảnh nô lệ cho ngoại bang. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước và Người hứa sẽ giải thoát họ bởi một người từ dòng dõi vua Đavít.
Khi người phụ nữ Canaan lớn tiếng nài xin Đức Giêsu, “Xin thương xót tôi, hỡi Con Vua Đavít!”, bà đã nhìn nhận rằng Đức Giêsu là Mêsia, là Kitô, là Người được Thiên Chúa gửi đến để cứu dân Ít-ra-en.
Trước lời van xin của bà, Đức Giêsu không phản ứng gì. Không nản lòng, bà tiếp tục đi theo van xin đến độ các môn đệ cảm thấy khó chịu và yêu cầu Đức Giêsu đuổi bà đi. Nhưng Đức Giêsu từ chối với câu trả lời gián tiếp cho bà, “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”. Câu này có nghĩa Đức Giêsu được sai đến để sửa sai, chỉnh đốn những sự hư hỏng của dân Ít-ra-en chứ Người không muốn đụng chạm gì đến những người ngoài dân tộc Ít-ra-en. Trong Phúc Âm, chưa bao giờ Đức Giêsu quở trách người La Mã, là dân tộc đang thống trị người Ít-ra-en, dù rằng họ cũng có nhiều thói hư tật xấu.
Lời từ chối gián tiếp của Đức Giêsu, đối với người phụ nữ Canaan, đây là một thử thách đức tin. Lần này bà nói lên lòng tin của mình qua cách xưng hô. Lúc đầu, bà xưng tụng Đức Giêsu là “Con vua Đavít”, lần này bà đã quý xuống, tha thiết van xin, “Lậy Ngài, xin giúp tôi” (“Lord, help me” - NABRE).
Câu trả lời của Đức Giêsu khiến chúng ta sửng sốt, “Lấy thức ăn của con cái và quăng cho các con chó thì không đúng.” (It is not right to take the food of the children and throw it to the dogs - NABRE). Người Do Thái thường ám chỉ dân ngoại là chó mà họ không nuôi chó ở trong nhà, muốn cho chó ăn thì phải mất công đem thức ăn ra ngoài sân. Đức Giêsu trả lời một câu đúng văn hóa thời bấy giờ trong sự đối xử với dân ngoại. Nhưng đó là một câu trả lời thật khắc nghiệt và khó nghe.
Trước thử thách này, người phụ nữ Canaan thật nhanh trí một cách đáng khâm phục, bà cũng dùng văn hóa để trả lời Đức Giêsu, nhưng là văn hóa của dân ngoại, họ có thói quen nuôi chó ngay trong nhà. “Ngài ơi, ngay cả con chó cũng được hưởng các mẩu thừa rớt từ bàn ăn của chủ nó chứ” (“Please, Lord, for even the dogs eat the scraps that fall from the table of their masters” - NABRE).
Bà muốn nói với Đức Giêsu một điều hợp lý rằng, “Ngài không phải mất công ‘mở cửa, đi ra ngoài sân’, chỉ cần Ngài mở lòng thương xót”.
Các bài đọc hôm nay muốn nói lên một điều là ơn cứu độ của Thiên Chúa, tuy xuất phát từ dân Ít-ra-en, nhưng được mở rộng cho mọi dân tộc. Trong bài đọc một, qua miệng Ngôn Sứ Isaia, Thiên Chúa dậy “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, … cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.”
Trong bài đọc hai, T. Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta, “Cũng như xưa anh chị em đã từng không tuân theo Thiên Chúa nhưng bây giờ, vì sự bất phục tùng của họ [dân Isreal] mà anh chị em được lãnh nhận ơn thương xót” của Thiên Chúa.
Chúng ta không phải là dân Ít-ra-en nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa và qua bí tích rửa tội trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta trở thành phần tử của một dân tộc mới, có Chúa Giêsu là Đầu và có Thiên Chúa là Cha của chúng ta.
Nhưng cũng như tuyển dân Ít-ra-en đã từng bất trung với Thiên Chúa thì chúng ta cũng có thể mất đức tin nếu chúng ta không lắng nghe và tuân giữ sự dậy bảo của Thiên Chúa, thực tế là Mười Điều Răn và sau này là Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu.
Nói về nguồn gốc Do Thái của Đức Giêsu, lịch sử Kitô Giáo nhiều khi không để ý đến sự kiện rất quan trọng này mà nhiều nền văn hóa muốn dân-tộc-hóa Đức Giêsu, Đức Mẹ, T. Giuse trở thành những người thuộc dân tộc mình qua những tranh ảnh, hình tượng.
Dĩ nhiên không ai biết rõ chân dung của Đức Giêsu, nhưng ngày nay tìm được một tấm hình của Đức Giêsu người vùng Trung Đông, da nâu sậm, mắt nâu đen thì hầu như không có. Đa số chúng ta thấy chân dung của Đức Giêsu là một người Âu Châu, da trắng, mắt xanh. Đức Mẹ cũng thế.
Có lẽ bản chất con người là kỳ thị chủng tộc nên một sắc tộc này thì không thích sắc tộc khác? Nhiều người Công Giáo Việt Nam tuy sống ở Hoa Kỳ nhưng thái độ của họ là “chỉ đóng góp cho nhà thờ Việt Nam thôi chứ giáo xứ Mỹ thì không phải của mình”!?
Nếu không để ý, đời sống đức tin của chúng ta bị lấn lướt bởi cảm xúc. Chúng ta chỉ tin những gì mình muốn, còn những gì đúng với sự thật thì lại bỏ qua.
Câu chuyện của Đức Giêsu và phụ nữ Canaan cho thấy Đức Giêsu tôn trọng sự thật nên Người đã thi hành điều mà bà này cầu xin.
Lòng tin của bà nơi Đức Giêsu thật mạnh mẽ vì bà nhìn thấy sự thật. Chúng ta cũng có thể gia tăng đức tin nơi Thiên Chúa, nếu chúng ta đi tìm và yêu quý những sự thật trong đời sống.