Ba khía văn hóa vùng Địa Trung Hải đưa đoạn phúc âm này vào một phối cảnh mới.
Khi sai nhóm Mười Hai đi rao giảng, Đức Giêsu ra lệnh họ đến “với chiên lạc của nhà Ít-ra-en” và thúc giục họ hãy tránh xa Dân Ngoại và người Samari (Mt 10:5-6). Bây giờ chính Đức Giêsu hướng về dân ngoại, tiến đến vùng Tia và Xiđô, và được gặp bởi một phụ nữ dân ngoại (người Canaan) từ vùng đó (c. 21). Liệu Người có tự mâu thuẫn không? Nếu vậy, nó sẽ là sự đảo ngược ô nhục về trách nhiệm vinh dự trước đây Người giao cho nhóm Mười Hai.
Hãy luôn nhớ đến chiều kích công cộng của sinh hoạt đời sống ở Trung Đông. Lúc nào cũng có một đám đông dòm ngó, phán đoán, và quyết định nên ban cho vinh dự hay sỉ nhục. Người phụ nữ Canaan dùng đám đông để lợi thế cho mình và tung ra một thách đố trước Đức Giêsu.
Cũng như những người khác trong phúc âm, bà khôn khéo xưng hô Đức Giêsu với một danh hiệu đầy vinh dự: “Lạy Ngài, Con Vua Đavít,” và dùng danh hiệu này như một nền tảng cho lời cầu xin: “xin thương xót tôi.” Trong thế giới Trung Đông, sự thương xót là một nhạy cảm và một cảm nhận trách nhiệm về các món nợ của một người đối với Thiên Chúa và người khác. Người nào xin sự thương xót thì cảm thấy họ bị mắc nợ điều gì; người nào tỏ lòng thương xót thì nhận biết và đền trả những gì họ nợ.
Thỉnh cầu của người phụ nữ này được dựa trên việc nhìn nhận dòng dõi Đavít của Đức Giêsu và hy vọng rằng Người sẽ hành động phù hợp với danh tiếng của Vua Đavít vĩ đại. Người sẽ ban cho một phương thuốc, có lẽ một sự chữa lành, cho đứa con gái bị quỷ hành hạ của bà.
Đức Giêsu không buộc phải trả lời sự thách đố này. Bà là một dân ngoại, Đức Giêsu là một người Ít-ra-en. Cả hai không ngang nhau, và trò chơi vinh dự chỉ có thể diễn ra bởi những người ngang hàng. Theo quy tắc vinh dự của văn hóa thời ấy, Đức Giêsu có thể làm ngơ không biết đến bà.
Người phụ nữ không bỏ cuộc. Bà tiếp tục đi theo đám đông và la hét đằng sau Đức Giêsu và các môn đệ của Người (c. 23). Không hồ nghi, thái độ của bà lại thu hút một đám đông hơn nữa. Các môn đệ giục Đức Giêsu hãy đuổi bà đi. Đề nghị của họ thì không rõ: đuổi bà này đi bằng cách chữa trị cho con gái bà hay không làm gì cả? Câu trả lời của Đức Giêsu dường như ám chỉ rằng các môn đệ muốn nói đến phần trên. Đức Giêsu tiếp tục từ chối bằng cách nêu lên sự cam kết của mình “chỉ với con chiên lạc của nhà Ít-ra-en.”
Nhưng người phụ nữ này không bị từ chối dễ dàng. Bà tiến đến, quỳ tôn kính Đức Giêsu, và lại dùng danh hiệu đầy vinh dự, “Lạy Ngài.” Lần này, thỉnh cầu của bà thì đơn giản và xúc động: “Hãy giúp tôi.”
Đức Giêsu trả lời một cách khắc nghiệt và lý luận từ chối việc quăng thức ăn của con cái cho các con chó. Đây là một sự sỉ nhục lớn lao đối với người phụ nữ này. Dân ngoại thường được ám chỉ là các con chó. Hiển nhiên Đức Giêsu lập lại kiểu cách văn hóa thời bấy giờ. Gọi một phụ nữ là chó thì xúc phạm trong mọi ngôn ngữ. Đức Giêsu không thấy e ngại.
Trước sự sững sờ của mọi người, kể cả Đức Giêsu, bà này đáp lại với sự thông minh: “Thưa Ngài, ngay cả các con chó cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (c. 27). Bà chứng minh rằng bà có thể cho đi cũng như có thể nhận. Bà ngang cơ trong trò chơi thách đố và đối đáp. Bà là người duy nhất trong các Phúc Âm chứng tỏ là một đối thủ cân xứng với tài trí của Đức Giêsu.
Sự kiện này không qua mắt Đức Giêsu. Người phản ứng tương đương với sự đồng ý và ban cho lời thỉnh cầu của bà. Người con gái đã khỏi ngay lập tức.
Trong một thời gian lâu dài các tín hữu Tây Phương có đức tin được trí tuệ hóa, đôi khi coi nó giống như sự tin tưởng hay kiến thức. Trong Trung Đông đức tin được hiểu tốt nhất là sự trung thành và nhất quyết với một người, “bất kể gì”. Người phụ nữ này nhất quyết đến với Đức Giêsu ngay từ đầu cuộc trao đổi này và có lẽ ngay cả trước khi bà đến gặp Người. Bà không bị nản lòng bởi thái độ xa cách ngay từ đầu của Người, hoặc sự cộc cằn và sỉ nhục sau đó. Bà nhất định trung thành cam kết với Người bất kể sự thô bạo của Người. Trong Trung Đông, sự trung thành và nhất quyết như thế được đền bù.
Người Hoa Kỳ có cảm nghiệm khác biệt về sự trung thành. Các cảm nghiệm kinh tế mới đây dường như cho thấy điều đó không hiệu quả. Nhân viên thâm niên bị sa thải ít khi được giải thích sau đó. Các công ty mà trước đây thường đối xử với nhân viên như gia đình, bây giờ không có lựa chọn nào khác là thu hẹp hoạt động và sa thải các nhân viên trung thành lâu năm. Khi điều này xảy ra trong Giáo Hội, hậu quả của nó lại tệ hơn. Tín hữu Hoa Kỳ có thể làm gì để làm sống lại sự cam kết trung thành với Đức Giêsu và Giáo Hội của Người?