Trước hết, chúng tôi xin xác định rõ là khi dùng chữ "Đức Giêsu", chúng tôi không có ý coi thường Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng chữ "Đức Giêsu" được dùng chỉ để nhấn mạnh đến nhân tính, còn chữ "Chúa Giêsu" để nói về thiên tính của của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, thánh sử Máccô cũng có sự phân biệt này khi kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu khi còn sống ở trần gian. Trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa sống lại, thì bản dịch New American Bible vẫn chỉ dùng chữ "Jesus" (Đức Giêsu) để thuật lại các biến cố cuộc đời của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng sau khi Người sống lại và lên trời thì bản dịch viết, "So then the Lord Jesus, after he spoke to them, was taken up into heaven and took his seat at the right hand of God" (Mc 16:19 - Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa).
Trong văn hóa Âu Mỹ, khi các tác giả dùng chữ "Jesus" (Đức Giêsu) họ muốn nhấn mạnh đến nhân tính của Người. Hoặc nói cách khác, như Đức Thánh Cha Bênêđích XVI đã cho xuất bản cuốn sách của người viết về "Jesus of Nazareth", mà trong đó đức giáo hoàng nhấn mạnh đến con người Giêsu (Đức Giêsu), ngày nay các thần học gia cũng đang chú trọng đến con người Giêsu: về lối sống, lối suy nghĩ của một con người có thân xác, có nhu cầu và đã sống giữa chúng ta.
Sự chú trọng đến con người Giêsu có lợi điểm là đưa đến việc áp dụng Phúc Âm vào đời sống của chúng ta (là con người giống như Đức Giêsu). Nếu chúng ta chỉ nhìn đến thiên tính của Ngôi Hai Thiên Chúa (Chúa Giêsu) thì không nhận ra được cách áp dụng thực tế. Nói cách khác, khi chỉ nhìn thấy quyền năng của một Thiên Chúa, chúng ta có khuynh hướng cho rằng vì là Chúa nên Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự, còn chúng ta là con người nên không thể sống như Đức Giêsu.
Xin đưa một thí dụ để sáng tỏ vấn đề. Khi Đức Giêsu đến sông Giođan để được thanh tẩy bởi ông Gioan Tẩy Giả và ông này đã nhận biết Đức Giêsu là ai nên từ chối không thanh tẩy cho Người, nhưng Đức Giêsu bảo: "Allow it now, for thus it is fitting for us to fulfill all righteousness" (Bây giờ hãy để như vậy, vì có như thế chúng ta mới giữ trọn mọi điều công chính - Mt 3:14-15). Nếu nhìn đến "Chúa" Giêsu thì chúng ta sẽ cho rằng vì là Chúa nên Đức Giêsu mới có thể khiêm tốn như vậy, chứ là con người thì không ai có thể làm được. Nhưng nếu nhìn đến "Đức" Giêsu, thì chúng ta phải suy nghĩ xem điều gì có thể giúp Người khiêm tốn? Với não trạng đó, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Giêsu đã chu toàn bổn phận của một người Do Thái đạo đức trong xã hội thời bấy giờ. Từ đó, đưa đến nhận xét: việc chu toàn bổn phận là điều quan trọng chứ đừng nghĩ đến vinh dự. Nói cách khác, phải nhìn thấy bổn phận của mình trước đã, và chỉ khi nào chu toàn bổn phận ấy thì mới có vinh dự. Và cái nhìn này có thể áp dụng vào đời sống. Chồng đừng cho mình hơn vợ nếu chưa chu toàn bổn phận của người chồng (vì xã hội Việt Nam "trọng nam khinh nữ" nên đây là một thách đố cho các ông sống lời Chúa). Các linh mục, phó tế đừng chỉ nhìn đến vinh dự của chức thánh nếu chưa chu toàn bổn phận mình. Người bề trên cũng đừng vì chức vụ mà chèn ép, ức hiếp người dưới, mà nên sống trọn bổn phận của mình.
Qua sự trình bầy trên, quý độc giả thấy rằng, chúng tôi không có ý coi thường Chúa Giêsu nhưng muốn nói đến sự khó khăn của ngôn ngữ, và văn hóa khác biệt. Nếu bất cứ khi nào đề cập đến Ngôi Hai Thiên Chúa thì chúng ta đều phải dùng chữ "Chúa" thì e rằng người Việt mình không thấy được sự khác biệt giữa nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu.
Trân trọng