Quyển sách Ðối Thoại Với Một Phật Tử:
Ðối Thoại Với Một Phật Tử không phải là một quyển sách do anh viết một mình. Một người trí thức Phật Giáo đã cùng anh viết về những cái hay cái dở của những giới người đi theo các triết học và tôn giáo khác nhau. Một quyển sách mà Thúc chưa hề thấy, nhưng đã tỏ ra không thèm đọc. Thúc chưa biết gì về quyển sách đó cả, nhưng Thúc sợ anh gởi qua để phải đọc. Chẳng có ai thông minh đến nỗi phải lấy làm kiêu hãnh, cương quyết không đọc một quyển sách mà mình chưa biết nội dung của nó là gì cả. Với tư cách là một người anh của Thúc về tuổi tác cũng như về từng trãi cuộc sống, anh lấy làm buồn và giận vì thấy đứa em mình tỏ ra kiêu căng dạy đời khi nó mới học lóm được vài chút kiến thức thô thiển của ai đó nơi xứ lạ quê người. Thật đáng hỗ thẹn!
Ðọc lá thư lắc léo của Thúc mà lòng anh thèm đọc thơ Bùi Giáng. Anh mê con người Bùi Giáng, vì đặc biệt nơi con người nầy rất ít khi xuất hiện sự ác ý đối với cuộc đời. Ông vui chơi như đứa trẻ, cho đến khi nhắm mắt cũng vì một trò chơi. Ở bên bờ vực nầy, anh yêu thái độ sống và thơ của Bùi Giáng bao nhiêu; thì ở bên bờ vực kia anh chán cái lý luận thiển cận của những người như em bấy nhiêu. Nhưng anh tin rằng trong con mắt Thượng Ðế, Người yêu mỗi cá nhân chúng ta như nhau, Người không hề tây vị ai cả.
Ở bên đó có thành lập ''Công Ty kháng chiến'',' 'Mặt trận cứu quốc'' Cộng đồng xổ số gây quỹ, hợp tác xã lạc quyên, Hội đoàn nầy, hội đoàn nọ Khiêu vũ, Rồi đêm thức... trắng, nhận yểm trợ đồng bào Thái bình Xuân Lộc? Nếu có nên kiếm một chân vừa có miếng và cũng có tiếng. Lỡ có chết. đám đưa đông người, Nếu có con lớn lập gia đình nhà hàng không có chỗ ngồi, quà không có chỗ để, Nếu đứa nào chống đối chơi cho nó cái nón cối, đôi dép râu. V.C bên nhà nay không đi dép râu, đội nón cối nữa chúng đã xuất khẩu qua Tây phương nhất là Mỹ. Rồi thì cáo phó, chia buồn, chúc mừng đầy ắp trên các tờ báo chợ tha hồ khoe chức khoe bằng.
Trước khi ngừng bút nhớ đến câu thơ của anh.
''Nầy anh nhé chớ căm thù cộng sản''
Tôi xin thêm: ''Họ như ta, khi cướp được chính quyền'' .
Gởi anh bài thơ của thầy Quảng Ðộ.
Tây chẳng phải Tây, Ðông chẳng Ðông.
Quỉ quái sinh ra một lủ ngông.
Mồ mã cha ông cày xới hết.
Ðình chùa miếu mạo phá bằng không.
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn.
Cha mẹ giống như khúc gỗ thông.
(Trang 139)
Phưởng phất đâu đây hồn Lạc Việt?
Bốn ngàn tuổi sử, tủi hay không?
Hai câu đầu tôi thích đổi thành:
Ðông chẳng phải Ðông Tây chẳng Tây
Quỉ quái sinh ra một lủ cầy
Thôi nhé bye - bye hẹn thư sau . Thúc.
Thúc mỉa mai các tổ chức, hội đoàn Việt Nam một cách vô tội vạ. Anh mới rời khỏi quê nhà và đang nằm trong trại tỵ nạn. Anh không có đủ điều kiện để quen biết nhiều hội đoàn như em. Ðọc thư Thúc càng về cuối anh càng thấy lời văn trở nên rối loạn. Thế mà lâu nay anh cứ tưởng Thúc là người có tình cảm đồng tộc, đồng hương. Là một người Việt Nam, khi thấy một người Việt Nam khác chỉ chăm vào lợi lộc vật chất mà quên nghĩa tình đồng tộc, anh rất đau lòng. Ðối với Thúc, anh cũng cảm thấy thế. Thật đáng khen người Hoa khắp thế giới, họ luôn luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau, nhưng vẫn có một nhà văn Trung Hoa viết quyển sách Người Trung Hoa Xấu Xí để tự trách về những cái dở của mình. Trong các trại tỵ nạn ở đây, anh thấy người Hoa đàng hoàng hơn người Việt mình.
Càng thương, càng thấy đau lòng!
Nước mắt khóc giọt máu hồng hư hao
Bao giờ dân Việt tìm nhau
Tay bắt, mặt hớn hỡ chào đoàn viên?
.......
Tu chùa, tu núi , tu tiên?
Râu tóc cạo láng, ưu phiền ví von...
.......
Tóc nhớ quê nhà tóc héo hon
Ðường xa từng sợi đếm hao mòn
Có thương mới chịu ngàn đau xót
Biết gạn đục trong, nước vẫn còn.
Ðáng lý ra ngang đây, anh không muốn viết thêm nữa. Nhưng anh thấy cần tỏ một thái độ kính trọng đối với thầy Quảng Ðộ, người đã làm thơ nói lên tội ác cộng sản. Là người tu hành, thầy Quảng Ðộ không có lời thơ thô lỗ như Thúc. Nếu Thúc muốn làm thơ, cứ dùng ngôn ngữ và ý tưởng riêng mà diễn đạt phong cách văn nghệ của mình. Ðừng mượn ý, mượn chữ trong thơ người khác rồi sửa lại cho mình một câu tục tằn thô lỗ.
Thúc bảo rằng Ðọc thư anh, cả nhà ngồi ăn bình luận. Anh viết thư cho Thúc chứ anh có viết cho vợ con của Thúc đâu! Anh nghĩ rằng lời lẽ trong thơ anh không chắc gì thích hợp với Thím và nhất là các cháu. Nhưng Thúc đã đem thư anh ra đọc cho cả nhà. Thôi cũng được. Tuy nhiên anh muốn hỏi Thúc rằng cả nhà Thúc bình luận là bình luận cái gì? Cả nhà Thúc bình luận, hay là một mình Thúc đọc cho cả nhà nghe, rồi cũng một mình Thúc chủ tọa một buổi đàm tiếu trong gia đình để cho vợ, các con Thúc học theo cái kiến thức thiển cận, và ba hoa của Thúc? Hãy biết cái nhục của kẻ mất nước đang ăn nhờ ở đợ nơi đất khách quê người. Hãy học bài học thất bại, để còn có cơ hội về lại với quê nhà trong tư cách một đứa con trai nước Việt. Hãy nuôi một tinh thần Việt Nam của bốn ngàn năm văn hiến. Hãy có một chút tự ái dân tộc để gây dựng hột giống tự trọng của một dân tộc mà cha ông chúng ta đã cặm cụi sinh thành, nuôi dưỡng, trông chờ nơi chúng ta, vì chúng ta là máu thịt, là kẻ tiếp nối con đường tổ tiên mình. Ðừng bán rẻ những gì quý báu đã nuôi dưỡng chúng ta lớn lên suốt nửa thế kỷ qua tại Việt Nam để chỉ lấy làm kiêu hãnh với 15 USD mỗi giờ lao động và vài cây hot dog. Ðừng tưởng rằng những đồng Ðô La em gởi về đã đủ làm đẹp lòng cha mẹ mình. Hãy nhớ rằng một giọt máu đào còn hơn ao nước lã.
Anh không tiếc về những gì anh đã giúp em, nhưng anh tiếc rằng anh đã có một đứa em thiếu tình nghĩa. Thôi cho anh chào Thúc. Anh gởi lời chào thăm thím và các cháu như bình thường. Thân chúc cả gia đính Thúc và thím cùng các cháu bình an. Hy vọng rằng Thúc không dạy các cháu nhạo báng bác Nhật. Mai sau gặp lại các cháu, bác Nhật không cảm thấy ngượng về cha của các cháu.
Bây giờ con cháu đi ra
Mai nầy tình nghĩa quê nhà còn không?
''Én đầu xuân tuyết đầu đông
Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa'' (1)
(1) Thơ Bùi Hài Nhi.
Lá thư dài nầy anh viết một mạch rất vội. Những chuyện cũ được nhắc lại qua trí nhớ còn sót trong đầu hôm nay. Những trang nhật ký của anh đã bị Cộng Sản tịch thu sau 30.4.75 nên không còn để xem lại. Một số nhật ký viết sau 1975 đã bị bà vợ công an chìm thủ tiêu hoặc ăn cắp gởi cho cấp trên nghiên cứu. Một số khác đã được gởi ra ngoài, nhưng đang nằm ở một quốc gia khác, do đó anh viết bằng ký ức và với cả tâm tình buồn vui, thương, giận nhưng không dấu diếm điều chi. Một số chi tiết cần được coi lại, nhưng anh không có một tài liệu nào để tham khảo cả. Do đó các dấu chỉ thời gian, và những dữ kiện quá khứ rất có thể bị thiếu sót do ký ức có hạn. Tuy nhiên nỗi lòng của anh đối với quê hương làng xóm đã được viết ra một cách thành thật. Anh bày tỏ cả những gì riêng tư và có thể thiếu sót hay là trái ý Thúc và người đọc, nhưng đó là sự thành thật của Tình Riêng trong Nghĩa Chung.
Dù ngày xưa còn mặc áo cà sa, ngày nay thờ Kính Thiên Chúa; anh vẫn là một con người được nhìn lại một phần về cá nhân mình trong một bối cảnh chung. Cái chính không phải là những dữ kiện khách quan của hôm qua và hôm nay, mà là cái cảm nghĩ chủ quan của anh đã được hình thành qua các dữ kiện ấy từ quá khứ đến hiện tại. Những dữ kiện lịch sử không thể thay đổi được, nhưng những nhận thức và quan điểm khác nhau trên các dữ kiện ấy cần được trao đổi cho bước đi tới của tương lai được chính chắn hơn. Chắc chắn nhiều người khác có những cảm nghĩ khác dù họ cũng đã nhìn qua những dữ kiện như anh đã thấy. Rất có thể những dữ kiện mà anh đã thấy từ góc độ của anh, vẫn được Thúc và nhiều người khác nhìn thấy qua những góc cạnh khác nữa. Vậy những điều anh viết ra với lòng thành thật vẫn cần được sự chia xẻ và bổ sung của Thúc nếu em thành thật muốn trao đổi thêm. Một lá thư tâm tình khác với một tài liệu khoa học. Vậy chúng ta có thể nói cho nhau mà không cần phải dùng đến bằng cấp hay tài liệu cụ thể mới đủ để chứng minh nỗi lòng của nhau. Thúc đã viết cho anh một lá thư dài 6 trang giấy vở học trò. Khi đọc xong thư ấy, anh ngẫm nghĩ và thấy nó gợi lên trong ký ức và con tim của anh rất nhiều điều để anh phải viết cho em. Dù đã viết xong, anh vẫn chưa thấy đủ. Dù đã xem lại và điều chỉnh tới mấy lần cho khỏi bị trùng lặp, nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn với những gì anh đã viết ra. Nghĩa là lòng anh vẫn còn nhiều điều muốn nói cho Thúc và cho bạn bè. Nhưng làm sao anh có thể biết chính xác những gì mà Thúc và bạn bè còn muốn đổi trao? Ở đây không còn là sự tranh cãi hơn thua nữa, mà là sự chia xẻ, những nhận xét về ý nghĩa và cuộc sống cá nhân mình có liên quan đến cộng đồng tôn giáo, gia tộc, đồng hương và quê nhà. Anh năm nay đã hơn 50 tuổi, tự thấy mình có đủ tư cách để học lại bài học của người đi trước và sẵn sàng gởi gắm tâm tình cho thế hệ đến sau.
Dù không phải một người chuyên quan tâm về chính trị, nhưng anh cũng viết ra tất cả những nhận xét của mình về chính trị. Ðó là anh không ngại tránh né về cái sở đoản của mình. Những gì anh hiểu và cảm nhận với tư cách là một con người bình dị giữa làng xóm và thị thành, có thể không chính xác như các nhà chuyên môn. Tuy nhiên đó là tâm tình của một người dân đã trãi qua suốt nửa thế kỷ với gần 20 chính phủ khác nhau mà anh được trực tiếp làm công dân của họ. Mẹ anh nói rằng bà sinh ra anh vào năm 1945 khi Nhật bị đảo chánh. Biến cố nầy anh không biết gì cả. Trận đói ở miền Bắc đã giết chết 2.000.000 người Việt Nam. Anh cũng chỉ nghe nói lại và đọc sách mà thôi. Kể từ 1952 anh được vào học tại Huế cho đến 1953 sau trận lụt lớn ở Huế, anh đã bị Việt Minh bắt buộc gia đình phải đem anh về Quảng Trị, vì học ở Huế có nghĩa là theo Tây. Theo Tây là Việt Gian. Như vậy anh đã bị xem là Việt Gian lúc mới 8 tuổi. Thời đó anh nghe qua loa về chế độ nhà vua Bảo Ðại và chính phủ bảo hộ Pháp, nhưng còn nhỏ quá anh không biết gì cả. Cuối năm 1953 anh về Quảng Trị để tiếp tục chứng kiến những trận đánh giữa Việt Minh và Pháp. Việt Minh bắt sống lính Pháp đem ra chợ chém đầu. Nhà nhà đào hầm bí mật để nuôi bộ đội. Tây về hiếp dâm phụ nữ, bắt gà bắt heo, đốt nhà, giết trâu bò... Chỉ trong một năm 1953-1954 là anh chứng kiến đủ các cảnh hãi hùng ấy. Mùa hè 1954 anh nghe nói Hiệp Ðịnh Genève đã ký kết chia đôi đất nước. Mùa thu tiếp theo đó là lính Bảo An về bắt và tra tấn những người Việt Minh trong làng anh. Những cảnh người Việt Nam công khai tra tấn chém giết nhau còn hãi hùng hơn Tây nhiều. Thời gian đó anh trốn về quê ngoại ở Ðại Hòa. Cậu Việt của chúng ta rất thương anh, nhưng anh phải theo Bà Ngoại trở vể làng Cổ Lũy. Lúc chưa được 10 tuổi là anh đã đi bộ một mình từ Cổ Lũy ra quê ngoại 18 cây số đường. Ðây là thời kỳ Bột Bắp Do Dân Chúng Hoa Kỳ Tặng Nhân Dân Việt Nam. Ðến năm Bà Ngoại mất mà anh vẫn chưa biết một người nào trong gia đình của Thúc cả, trừ Dì Vò và Dì Sót. Anh cũng không nhớ rõ là trong đám tang Bà Ngoại ở Ðại Hòa, Thúc có về hay không! Từ 5 tuổi đến 10 tuổi, tức là thời gian từ 1950 đến 1955, anh chỉ nhớ lại rất mập mờ. Nhưng đặc biệt năm 1974 khi đang ngồi thiền, anh đã thấy lại rất rõ chính mình và gia đình Cậu Việt lúc anh mới 02 tuổi. Anh được chị Cầm bồng đi chơi, khi ấy anh rất sợ hãi tiếng kêu của những con heo đói vào các buổi hoàng hôn. Ðến bây giờ cái cảnh tuổi thơ bé dại ấy vẫn còn in rõ trong trí như mới ngày hôm qua.
Thân chúc em và gia đình luôn an vui hạnh phúc, mãi mãi còn tình quê trò chuyện trong bầu không khí thân thương, dù tất bật kiếm sống hàng ngày. Một khi em dám tỏ ra can đảm tìm kiếm Ðấng Tạo Hóa của mình, em sẽ thấy được nhiều điều quý báu cho em.
Anh chào em và chào cả nhà.
Nguyễn Huệ Nhật.
Viết xong tại Ðức tháng 12/1999.