Thúc viết:
Tất cả quân cán chính miền nam là 1 lũ bán nước, một lũ đánh mướn bây giờ anh chống cộng với hàng ngũ nào? Tôi đã chán ngấy một tù sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với thành tích 27 năm tù nhưng qua Mỹ với một ông Chí Thiện không làm được một câu thơ bị cộng đồng phát hiện, lẽn qua Paris với Bùi tín. Tôi không mê nổi ''Dark at noon của Vũ Thư Hiên hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, (như mẹc) Rồi quảng đời đánh mất của Tiêu Giao Bảo Cự , Rồi viết cho mẹ và quốc hội. của Nguyễn Trấn, Rồi hoa xuyên tuyết của Bùi Tín, rồi tâm thư của Trần Ðộ. Còn nữa rồi đến Thiên đường Mù, Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương nhưng rốt cuộc sau cùng rồi phải ''tự bạch''. Ðịnh chơi canh bạc may rủi, định trở cờ đón gió nhưng chưa phùng thời... Ðồ láo toét... Nè, có nhiều anh chàng ''múa dao cùn'' mà ngỡ trung bảo Kiếm, phạt cỏ dại mà tưởng mình đang cứu Khó phò nguy''. Thiên hạ không đui chút nào, còn sáng lắm.
Tại sao em cho rằng Tất cả quân cán chính miền nam là 1 lũ bán nước, một lũ đánh mướn? Em tự kiêu hãnh với ý nghĩa của cụm từ trên đây hay sao? Em đọc kỹ lại thư anh xem anh có viết như thế không? Trước đây hơn một năm, khi anh còn ở Việt Nam, em đã viết cho anh rằng tất cả những chiến sỹ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều đã chiến đấu cho lý tưởng tự do. Theo anh nghĩ một người có lý tưởng tự do phải là một người biết tôn trọng sự tự do của kẻ khác. Một người có tinh thần chiến đấu cho tự do phải biết mục đích và ý nghĩa của tự do ấy là gì? Ðể cho ai? Ðâu chỉ đơn giản như Thúc nghĩ. Thúc tự cho mình là chiến sỹ chiến đấu cho tự do nên Thúc cũng tự ban cho mình cái quyền bạ ai chưởi nấy và Thúc xem những tiếng kêu gào của kẻ bị áp bức, tiếng than thở hối tiếc của người trót đi lạc đường đều là thứ chán ngấy !
Bây giờ anh chống lại tội ác của cộng sản, nhưng anh biết rằng có một số người cộng sản đang dần dần tỉnh ngộ, dù đang là số ít, nhưng họ vẫn còn lương tâm và lòng yêu nước. Phía Quốc Gia cũng có những người còn lương tâm và lòng yêu nước, chứ không phải tất cả đều giống như em. Nếu anh không gặp một người nào có lòng yêu quê hương, yêu đồng bào, yêu tự do thật sự (ví dụ thôi), anh vẫn tố cáo tội ác cộng sản. Không cần phải trở nên một nhà chính trị có tiếng tăm, hay được nhiều người ủng hộ mình mới bắt đầu tỏ thái độ chống lại tội ác cộng sản. Bất cứ một người nào có lương tâm, hay một người nhận thức được tội ác cộng sản và hậu quả của nó đều có quyền nói lên tiếng nói của lương tâm mình. Ngày nay rất nhiều người việt Nam nhìn thấy tội ác cộng sản mà đau lòng, nuối tiếc vì thấy mình đã trở nên bất lực, tuyệt vọng. Cũng có người thấy tội ác cộng sản mà vui mừng hý hửng trong lòng, vì nhờ có tội ác cộng sản họ mới được chấp nhận tỵ nạn, được trở nên giầu sang trên những nước tiến bộ, và được tiếng ''chống cộng''. Dĩ nhiên cũng không thiếu những người ngày xưa đã hưởng ''lý lịch chống cộng'' dưới chế dộ VNCH, có thế lực để làm lính kiểng, được làm sở Mỹ, được ăn cắp hàng quân tiếp vụ của Mỹ, nay được sống ở nước Mỹ để chưởi Mỹ và chưởi cộng sản. Là một cựu sỹ quan quân lực VNCH, sau gần 20 năm vừa bị học tập cải tạo, vừa sống dưới chế độ cộng sản, Thúc đã viết cho anh một lá thư dài như thế; nghĩa là Thúc đã tự xếp mình vào loại người nào?
Con người và chế độ chính trị của họ không bao giờ hoàn hảo, nhưng điều đáng quý là họ luôn luôn có thiện chí vươn tới sự hoàn hảo. Trong thể chế chính trị chân chính ý kiến của đối lập luôn luôn được tôn trọng. Nhờ có đối lập mà các nhà độc tài bớt chủ quan và khó độc chiếm quyền thống trị. Nhờ có đối lập mà tiếng nói đa phương của người dân có cơ hội phát biểu. Nhà chính trị biết thừa nhận những sai sót để sửa chữa là điều bình thường. Khi biết sai sót thì nhận lỗi, chịu trách nhiệm và trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho những người hiểu biết hơn, chứ không phải sai rồi sửa, sửa rồi sai và càng sai càng sửa, càng sửa càng sai; càng sai càng khư khư nắm hết quyền bính như đảng Cộng Sản. Một chế độ chính trị chuyên môn lường gạt, tù đày dân chúng, đưa ra những chính sách ngu dân, phân rẽ dân tộc, tiêu diệt văn hóa truyền thống, đặt những chủ thuyết phi nhân lên hàng đầu, bỏ tù bất cứ ai khác chính kiến... Ðó là một chế độ đầy tội ác, không có gì phải sửa chữa nữa. Ðó là chế độ cộng sản bất trị. Tuy nhiên không phải nhờ chế độ cộng sản đầy dẫy tội ác nên các chế độ không-cộng-sản tự nhiên được tốt lành. Không phải ai chống cộng cũng đều là người hoàn hảo cả. Anh không nuôi ảo tưởng đi tìm những con người, những tổ chức lý tưởng nhất để cùng họ chống cộng. Nhưng anh sẵn sàng đứng chung với bất cứ ai đã nhận biết tội ác cộng sản và sẵn sàng đứng lên chống lại tội ác đó, miễn rằng họ là những người thành thật với chính họ, với quê nhà và ít nhất họ có biết giá trị tự do dân chủ. Khi đã không có cái hoàn hảo thì mình chọn cái ít xấu nhất. Sự chọn lựa một thái độ chính trị là cả một vấn đề nhận thức của lương tâm đối với tương lai của dân tộc, của quê hương, chứ không chỉ đơn giản vì một vài tình cảm căm ghét chế độ nầy và muốn binh vực một chế độ khác. Ngày nay tại hải ngoại, một người Việt Nam chống lại tội ác cộng sản là người phải biết nhẫn nhịn, biết lắng nghe tiếng nói đa phương. Thậm chí phải chịu đựng sự chỉ trích của những kẻ vô trách nhiệm, đồng thời cũng phải biết chịu đựng sự nghèo thiếu bên cạnh sự giầu có xa hoa nữa.
Sau khi hiểu rõ sự gian ác vô độ của chế độ cộng sản tại quê nhà, anh trốn ra ngoài để tìm cơ hội nói lên tiếng nói của lương tâm mình dù rất cô đơn. Khi còn ở trong nước, anh không công khai đứng vào một tổ chức chống cộng nào cả. Anh muốn cẩn thận quan sát lũ người vô thần để ghi lại cho con cháu mình những tội ác đáng phải tránh. Sau đó anh tìm đường ra đi để viết lại những gì mình đã thấy, đã biết. Ðể thực hiện ý định của mình, anh phải nắm lấy những cơ hội và hoàn cảnh đưa đến cho mình; dù anh bị cài vào một cái bẫy gián điệp tôn giáo và chính trị; nghĩa là phải toa rập, phải phục vụ cho sự gian ác của Cộng Sản ở nước ngoài thì bọn chúng mới cho ra đi. Nếu anh nhận một công tác như thế, sẽ rất có lợi cho cá nhân anh. Vì được ở nước ngoài, được hưởng tự do, được ăn lương cộng sản, được về nước bất cứ lúc nào... Nhưng anh không thể bán lương tâm mà làm theo Cộng Sản, nhất là khi mình thờ Chúa; lòng mình không thể vừa dung chứa sự gian ác và sự nhân lành chung một chỗ được. Tiếc thay anh không phải là một nhà chính trị, suốt nửa năm bị chúng thăm dò để vận động anh qua Mỹ làm việc cho chúng, anh lại ngấm ngầm làm bộ đồng ý nhằm tò mò tìm hiểu cái lũ công an phản gián A 16, A 18 và PA 25 nên anh mới bị chúng gài bẫy suýt toi mạng; buộc lòng anh phải trốn ra ngoài. Cái bẫy nầy có một cái chốt cài rất có giá, đó là tờ hôn thú ràng buộc vợ chồng của anh. Một bà vợ đã ký giấy ly hôn rồi trốn ra nước ngoài hơn 10 năm, nhưng vẫn tuân theo chế độ cộng sản với mục đích ''nghiệp vụ'' bằng cách treo lơ lửng tờ giấy ly hôn ấy chứ không chịu dứt khoát ly dị. CSVN và bà ta vốn đã có những toan tính muốn sử dụng anh từ trước cũng như sau khi anh tin Chúa. Ðây là một hành động có tính toán, có sự điều khiển của một tổ gián điệp hải ngoại nhằm tìm cách khống chế cho được đời sống cá nhân của anh, một là để sử dụng anh, hai là kẹp anh vào một cái thế không thể làm lộ bí mật của họ.
Cá nhân anh đã yêu nhằm một người đàn bà Cộng Sản vốn đam mê ngành an ninh chính trị từ lúc còn bé. Bản thân anh là một người quá ngây thơ về chính trị mà lại nhiều tình cảm hơn lý trí. Anh tôn trọng sự thành tín, và hứa làm một điều gì cho ai là làm hết mình. Anh đã suy nghĩ rất vất vả, vì nếu hứa đại với chúng để được ra đi, sau nầy qua Mỹ mình sẽ chối, nhưng làm như thế không đúng với đức tin thờ Chúa của anh. Hiểu được điểm yếu của anh, bà ta tương kế tựu kế với ngành công an bảo vệ chính trị của Cộng Sản để kéo anh vào con đường tối tăm của nó. Bà ta biết anh là người tin Chúa hết lòng và có tính cả tin, nhẹ dạ. Bà ta biết anh được các Hội Thánh Tin Lành tin yêu và sử dụng, nên muốn cài anh vào cái thòng lọng phi nhân, để dựa vào anh, bà ta có thể theo dõi những người Tin Lành ở hải ngoại. Nhưng anh vẫn một mực từ chối, do đó bà ta đã nhẫn tâm phá nát cả gia đình anh, phá nát cuộc sống của anh vừa để trả thù vừa làm cho anh dồn hết nổ lực vào sự đối phó với nan đề cá nhân để bà ta có đủ điều kiện ém nhẹm bí mật nhà nghề. Khi đã được phép sống tại Mỹ, bà ta đã khéo léo len lỏi vào một trường thần học Tin Lành, làm con nuôi một vị mục sư cao niên nổi tiếng. Bà đã được một số mục sư tín nhiệm. Nhưng cuối cùng vẫn không thể kéo anh vào con đường ác, bà ta đã dạy cho một đứa con ngoan trở thành đứa con coi cha mình như một thằng khốn nạn. Bà ta cố tình gây tổn thương tình cha con của anh, nghiên cứu cách vu khống những điều xấu xa của anh từ trong thời kỳ anh ở chùa cho đến cả thời kỳ hơn 10 năm bà ta bỏ trốn khỏi VN vừa để trả thù vừa để làm cho chất lượng của đức tin trong anh mất khả năng kết quả. Là một gián điệp chuyên nghiệp, nhưng bà ta và công an CSVN vẫn bị anh qua mặt. Bây giờ họ phải cố gắng vớt vát bằng cách khai thác mặt tiêu cực của những lời đồn để vu cáo những điều xấu cho anh nhằm làm hại uy tín cá nhân anh khiến cho tiếng nói lương tâm của anh bị nhiễu.
Dù không hiểu biết nhiều về chính trị, nhưng anh vẫn nói lên tội ác cộng sản bằng ý thức và lương tâm của mình qua phương tiện truyền thông văn hóa, văn nghệ. Dù khả năng của anh hạn hẹp, nhưng lương tâm không cho phép anh yên lặng. Khi còn ở VN, anh dùng mọi lời lẽ mềm mại để thuyết phục người cộng sản. Anh đã khuyên họ nên làm đúng như chữ họ viết và miệng họ nói. Lương tâm anh luôn luôn mong người cộng sản thay lòng đổi dạ, quy chánh cải tà. Nhưng Cộng Sản xem bất cứ một con người nào muốn sống với lương tâm nhân bản ngoài ý thức hệ cuồng tín của Mác-Lê là kẻ thù của họ. Cộng Sản bắt buộc người dân phải yêu nước trong cái khuôn "yêu chủ nghĩa xã hội". Trong khi họ thừa biết rằng đó là một cái khuôn lừa bịp, vì chưa hề có một nước nào trên thế giới đã áp dụng thành công một tý tẹo về cái khuôn "yêu chủ nghĩa xã hội" bịp bợm ấy cả. Quá bé nhỏ, anh không đối đầu nỗi với Cộng Sản, đành phải trốn ra ngoài để kêu gào với đồng bào và với thế giới. Nhưng nếu tiếng kêu gào của anh chỉ là vô vọng như đàn gãy tai trâu thì anh cũng đành chịu thôi. Có thể thái độ thành thật của anh sẽ bị xem là một trò hề ngu xuẩn, bản thân anh có thể bị trả về Việt Nam. Nhưng anh không cho đó là một sự thất bại. Vì anh đã được ra ngoài để nói lên điều mình muốn nói. Nói xong mà không ai tin vẫn còn hơn là không được nói và bị chết trong bóng tối đến nỗi con mình cũng hiểu sai mình.
Có thể bây giờ không ai tin anh nói, nhưng về sau sẽ có người tin. Có thể bây giờ người ta chán ngán điều anh nói, nhưng sau nầy người ta thấy đúng và tin. Nghĩa là anh đang được nói điều mình biết, nghe và thấy trước khi chết. Em là một trong những người đã biết ít nhiều về những tai nạn chính trị của anh khi anh còn ở Việt Nam. Anh chỉ sợ mình bị giết trước khi được nói ra sự thật về tội ác cộng sản. Một điều quan trọng nữa là đứa con trai của anh ở Mỹ sẽ không hiểu gì về cha nó, nếu anh bị giết oan trong bóng tối. Anh đã chịu đựng, nhẫn nhục trước những âm mưu đen tối của Cộng Sản đối với riêng bản thân anh như con chuột bị mèo vờn.
Việc anh thoát khỏi Việt Nam là một phép lạ rất lớn. Nếu không nương tựa vào Ơn Chúa, anh không thể nào còn sống sót và được đứng vững trong thời gian qua. Anh là người rất khinh ghét cái nghề làm gián điệp. Có lẽ thành kiến nầy có trong anh từ khi còn bé vốn đã nghe người lớn nói về những chuyện rình mò của mật thám Pháp. Ðến thời chính phủ Ngô Ðình Diệm thì sợ mật vụ, và thời cộng sản thì đầy dẫy công an chìm. Vì tin Chúa và sinh hoạt trong hội thánh Tin Lành, anh là người trực diện với nhiều pha rình mò, tiếp xúc của công an chìm cộng sản được gọi là cán bộ mặt trận, công an tôn giáo, bảo vệ chính trị 3, trí thức yêu nước, cán bộ văn hóa, thể thao, người đạp xích lô, nguời đi vẽ dạo, kẻ bán hàng rong, bác sỹ, nghệ sỹ, lực sỹ, tu sỹ và cựu tu sỹ, những đứa trẻ con nhà hàng xóm...Thậm chí có cả những bà mua bán ve chai. Trong khi cố gắng tìm một lối thoát để khỏi bị chết oan trong bóng tối, anh đã gởi cho Thúc một ít hồ sơ để nhờ Thúc tìm hiểu giúp đỡ. Mặt khác, anh cũng đã tìm cách gởi một ít hồ sơ cho FBI như họ đã quảng bá trên đài VOA mà anh nghe được tại Việt Nam. Khi qua Ðức, anh đinh ninh rằng mình sẽ liên lạc được với chính phủ Mỹ để xin tỵ nạn và bắt đầu viết ra sự thật. Thế nhưng sau khi nghe và làm theo những quảng cáo của FBI Mỹ, anh vẫn còn lưu lạc nơi vùng đất chết của Ðông Ðức cũ. Mỹ đã nhận hồ sơ về nhân quyền của anh sau mấy năm khi anh còn ở VN, và suốt mấy tháng sau khi anh gặp lãnh sự quán Mỹ tại Berlin; thế nhưng họ không hề có một tiếng nói để xác nhận thái độ của họ đối với hồ sơ của anh. Có thể nhân viên chính quyền Mỹ không tin anh, vì nghĩ rằng anh chỉ là một người Việt Nam trong hàng triệu người Việt Nam vượt biên đi kiếm sống. Tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật; người ta có thể không tin sự thật, nhưng không vì thế mà sự thật bị thay đổi bao giờ.
Thúc đã đọc các sách văn, thơ của Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên, Tiêu Giao Bảo Cự, Nguyễn Văn Trấn, Trần Ðộ. Dương Thu Hương (mà em cho là như mẹc) rồi Thúc chê hết thảy. Thúc cho rằng họ Ðịnh chơi canh bạc may rủi, định trở cờ đón gió nhưng chưa phùng thời...Ðồ láo toét...Nè, có nhiều anh chàng ''múa dao cùn'' mà ngỡ trung bảo Kiếm, phạc cỏ dại mà tưởng mình đang cứu Khó phò nguy''. Thiên hạ không đui chút nào, còn sáng lắm.
Ðối với sách của các vị nêu trên, anh chưa được đọc nhiều như Thúc. Anh có gặp ông Nguyễn Văn Trấn và đọc vài quyển sách của ông, và một ít của tướng Trần Ðộ. Riêng với Nguyễn Văn Trấn thì anh kính phục. Ông là một người trí thức, một nhà văn, nhà báo lão thành rất khí tiết; là người lớn tuổi thuộc thế hệ cha, ông mình. Ðọc Nguyễn Văn Trấn, anh gặp gỡ một tâm hồn yêu ruộng đồng làng xóm; yêu con sông bạt ngàn Lục Tỉnh. Yêu vườn dừa ao cá Bến Tre. Yêu con sông bến nước chợ chiều. Yêu con đò xuôi ngược chở mắm chở lu, chở khô chở gạo, chở xoài chở nhãn, chở dừa chở dưa, chở đường chở lúa... Yêu con cá lóc trui và cốc rượu đế miệt vườn. Yêu cuộc sống đơn sơ điền dã và sự tự do của dân chúng. Yêu cái mộc mạc mà thanh cao của xóm làng. Yêu con đường đi ngược về xuôi men theo bờ tre thôn xóm. Ngày xưa ông chống Pháp, vì lính viễn chinh pháp đã xâm chiếm làng mạc Việt Nam. Ngày nay mặc dù ông có địa vị trong chế độ cộng sản, nhưng ông chống lại chế độ cộng sản, vì ông nhận thấy sau khi Cộng Sản nắm chính quyền, chính sách cai trị của cộng sản gian ác hơn đế quốc Pháp nhiều. Ông đã can đảm cộng tác với những người bạn cũ trong Hội Cựu Kháng Chiến của Việt Cộng như Nguyễn Hộ, Hai Khuynh, Tạ Bá Tòng... Và những tu sỹ có lương tâm và tinh thần dân tộc như L.M Chân Tín, G.S Nguyễn Ngọc Lan. Quyển sách Viết Cho Mẹ và Quốc Hội là một quyển sách mang đầy khí tiết của một con người yêu tự do, yêu nước, yêu đồng bào. Quyển sách đó nói lên sự phản bội của người cộng sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam. Ðó cũng là một tác phẩm văn chương bình dân Nam Bộ vừa bình dị vừa bác học rất hiếm thấy. Dù ông Nguyễn Văn Trấn đã đi sai đường theo chế độ cộng sản, nhưng lý tưởng hạnh phúc quê nhà trong ông không vì vậy mà bị thui chột như hàng triệu đảng viên khác. Khi về già, dù đủ tư cách và điều kiện thụ hưởng tuổi già có quyền thế, ông đã nhìn thấy người miền Nam chịu thua Cộng Sản về sự giết chóc, nhưng vẫn còn giữ lại trong con người của họ đức tính nhân bản và truyền thống văn hóa, trong khi nhiều người cộng sản đã đánh mất đức tính ấy. Vì vậy ông đã chống bạo quyền cộng sản bằng cây bút. Ông đã chịu khó đòi hỏi tự do báo chí, tự do xuất bản. Cộng Sản bịt miệng người dân, nhưng không bịt nổi miệng một ''đồng chí'' còn lương tâm. Nguyễn Văn Trấn đã để lại một áng văn chương đầy mùi vị Lục Tỉnh, đậm nét truyền thống dân tộc thuần chất nam bộ. Cộng Sản Việt Nam rất sợ tư tưởng và văn chương của ông. Sau khi cụ Nguyễn Văn Trấn qua đời, bọn công an cộng sản đã đến nhà tịch thu toàn bộ sách vở của cụ, vì chúng rất sợ viên đạn văn chương của lương tâm và chính nghĩa. L.M Chân Tín và G.S Nguyển Ngọc Lan đã bị chúng ám sát hụt ngay trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất khi đang trên đường đi dự đám tang cụ Nguyễn Văn Trấn vào thượng tuần tháng 5/1998. Thúc nên hiểu rằng lời văn chân thật và sâu sắc mạnh hơn thái độ võ biền. Sách Châm ngôn 11:2 viết: Khi sự kiêu ngạo đến, sự sỹ nhục cũng đến nữa. Nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường
Anh có đọc chút ít về hồi ký của tướng Trần Ðộ, Nhưng ít quá nên chưa dám bàn, dầu vậy anh cũng kính trọng những tâm hồn của người đi trước khi họ dám nói lên tiếng nói lương tri chống lại các nhà độc tài cộng sản. Có thể ông trần Ðộ muốn ăn năn lỗi lầm trước khi chết. Tự họ thấy trách nhiệm lương tâm mình nên phải nói ra chứ chẳng ai bắt buộc. Dù cả một đời sai lầm, nhưng khi về già, người ta thức tỉnh cũng là quý lắm rồi. Là kẻ sinh sau đẻ muộn, anh rất muốn nghe tiếng nói đa phương của người đi trước. Riêng về các ông, bà khác trong số người mà Thúc đề cập, anh chưa đọc gì của họ cả. Nhưng anh luôn mong ước có dịp đọc để hiểu thêm. Trong khi đang cặm cụi viết lá thư nầy cho Thúc, anh được đọc một đoản văn của Dương Thu Hương mang tựa đề Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Quạ Ðen. Dương Thu Hương viết đoản văn nầy vào tháng 5/99 trong giai đoạn mà bọn cộng sản Việt Nam hô hào đưa người qua Nam Tư chiến đấu để bảo vệ tội phạm diệt chủng Slobodan Milosevic. Theo anh, Dương Thu Hương là một con người trẻ, một nữ nhi đã từng sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản; đã từng bị Cộng Sản lừa bịp. Cả tuổi thơ trong sáng của bà đã hiến dâng cho quỷ dữ một cách chí thành để tham gia cuộc chiến xâm lăng miền Nam. Ðược sống sót sau chiến tranh, bà đã nhận thức ra đâu là tà đâu là chánh cũng giống như nhiều người trí thức khác ở miền Bắc có hoàn cảnh như bà. Dù tìm thấy chân lý muộn màng, nhưng bà và những người trí thức đó vẫn dấn thân và trả giá cho lương tâm và trí tuệ của mình ở giữa lòng dân tộc. Bà chịu tù đày cam khổ mà vẫn tìm đủ cách để nói lên tội ác cộng sản. Bà là một trong những chứng nhân quan trọng của sự hiếu chiến tham tàn cộng sản. Bà đã lột trần sự thật của tội ác cộng sản một cách sâu sắc với một văn phong thật là hoành tráng, bi ai, mượt mà lẫn chua xót. Bà cũng nói lên tính hèn hạ cầu an hiện tại của những con người ngày xưa đã từng anh dũng vào sinh ra tử. Bà tố cáo sự lừa bịp của bọn cộng nô đằng sau cái đền thờ lừa mị của già Hồ. Bà ta đúng là một nhà văn có tài, có lương tâm và lòng can đảm đáng khâm phục. Chỉ một đoản văn gói gọn trong vài trang giấy, Dương Thu Hương đã lột tả cụ thể sự gian ác của người cộng sản và tính ươn hèn của kẻ cầu an, tính bẩn thỉu của bọn tiểu nhân hiêu hiêu tự đắc. Tiếng Việt của bà vừa sâu sắc vừa phong phú và mang những âm điệu, hình ảnh, mầu sắc mênh mông. Chỉ chừng đó cũng đủ cho anh cảm phục, quý mến.
Ðối với Nguyễn Chí Thiện, anh kính trọng thái độ của một nhà thơ can đảm nói lên sự thật dù phải chịu tù đày lâu dài trong chế độ cộng sản. Tại sao Cộng Sản không giết Nguyễn Chí Thiện mà phải hành hạ ông suốt 27 năm? Tại vì những vần thơ của ông đã lột mặt nạ của chúng, nên trước khi giết Nguyễn Chí Thiện, chúng phải hành hạ ông tối đa cho thỏa mãn lòng lang dạ thú của chúng. Thế nhưng Cộng Sản Việt Nam đã không lường nổi ý chí sắt đá và tinh thần chịu đựng dẻo dai của Nguyễn Chí Thiện. Chúng càng hành hạ ông, càng làm cho thế giới biết đến thơ của ông; cuối cùng cả một đảng gian hùng vô độ phải chịu thua ý chí kiên cường của một tù nhân trong tay chúng. Giá như hôm nay ông Nguyễn Chí Thiện không làm thêm câu thơ nào như Thúc đã viết, thì đó là một chuyện khác. Chẳng có một cộng đồng nào đi phát hiện một thi sỹ không làm thơ nữa để kết án ''tội không làm thơ''. Chẳng có một thi sỹ nào vì không còn làm thơ nữa nên phải sợ cộng đồng phát hiện đến nỗi phải đi trốn như Thúc viết. Nếu đi trốn là đi trốn một cái gì khác, chứ không thể trốn vì lý do không tiếp tục làm thơ. Không làm thơ thì tội gì phải đi trốn? Có thể một con người can đảm chống cộng, nhưng sau khi qua Mỹ gặp phải những thành phần chống cộng giống như Thúc, nên ông ta ngán ngẩm đến nỗi phải lánh mặt chăng? Sợ hay thất vọng? Thơ gắn liền với cuộc sống. Thi sỹ phải có thời gian từng trải, cọ xát, nhận thức, kham nhẫn với từng bước đi của mình mới có thể thấy được vần mạch của câu thơ xuất hiện. Thái độ của ông Nguyễn Chí Thiện nói lên khí tiết của một kẻ sỹ rất đáng tôn trọng. Những vần thơ đau đớn của ông mang đầy máu, nước mắt của chính ông, chứ không phải là những câu văn tưởng tượng. Ông ta đã liều mình vì lương tâm và ý thức công lý nhân bản rất cao. Ít ai dám trả giá cho tiếng nói lương tâm mình một cách mạo hiểm như thế. Nguyễn Chí Thiện đã chịu đựng sự đau khổ cùng cực để trả giá cho tiếng nói chống lại sự bất công gian ác phi nhân của Cộng Sản là một hành động vô cùng đáng kính trọng đối với hàng trăm triệu người yêu hòa bình trên thế giới. Một con người khí tiết như thế rất đáng được giải Nobel. Tiếc thay người ta chưa có giải Nobel cho tinh thần Nguyễn Chí Thiện. Em nên nhớ rằng một thánh tử đạo đổ xăng lên mình và bật lửa tự thiêu để chống độc tài còn dễ hơn nhiều so với tinh thần chịu đựng tù đày 27 năm để chống cộng sản như Nguyễn Chí Thiện. Ðồng bào trong nước đã được an ủi, được động viên bởi những hành động kiên cường của những người trí thức nghệ sỹ đó. Khi người dân càng cảm phục Nguyễn Chí Thiện, họ càng vững tin mà chống lại sự gian ác của Cộng Sản.
Các vị khác nữa, anh chưa hiểu, nhưng vẫn hy vọng rằng họ có những điều hay mà mình nên học hơn là chỉ mới nuốt trộng vài quyển sách của họ rồi vội vàng ba hoa. Thúc nói thiên hạ không đui trong khi em chưa thấy chữ và nghĩa khác nhau như thế nào! Sự hiểu biết rất là quan trọng, nhưng cần một chút lương tâm trong sáng trước đã. Cá nhân em chưa đáng xách dép cho bất cứ một người nào mà em chê ở trên. Cũng có kẻ cầm kiếm cùn nhưng vẫn múa đúng chiêu thức như Lệnh Hồ Xung trong hang núi Hoa Sơn. Có kẻ khác cầm thanh bảo kiếm mà chỉ múa ở vườn hoang giúp cho quỷ tham khoe của, cuối cùng về gây rối trong gia đình ruột thịt, trong giòng dõi dân tộc, sau đó đem thanh bảo kiếm đi đổi một miếng bơ và một khúc bánh mì mà vẫn chưa biết hỗ thẹn.