Trong vài tuần lễ cuối của mùa Chay, một ý tưởng quan trọng chợt nảy ra trong đầu tôi, đó là thật phổ thông chừng nào khi Xatan cám dỗ và đưa đến sự tiêu vong các linh hồn đang cố gắng trở nên thánh thiện.
Xatan là tạo vật thông minh nhất trong các thiên thần. Chúng ta không thể mường tượng được hoặc hiểu được mọi phương cách của nó mà không có sự cảnh giác từ chính Thiên Chúa, và các thánh trên thiên đường.
Các vị thánh vĩ đại đó, các Tiến Sĩ Hội Thánh, đã để lại cho chúng ta các văn bản về cách làm thế nào đừng mất ơn cứu độ; với những ai rất sốt sắng cho Chúa và Giáo Hội, các đấng thánh có lời khuyên về cách làm thế nào để tránh sự tiêu vong vào cuối cuộc đời khi phấn đấu vì sự thánh thiện.
Xatan cám dỗ người thánh thiện trong nhiều cách khác hơn cám dỗ người tội lỗi, vì những người ấy muốn trở nên thánh, muốn yêu mến Thiên Chúa thực sự, họ thường từ bỏ các tội trọng ngay từ đầu cuộc hành trình. Sau đó, mục tiêu là thoát khỏi mọi tội nhẹ, tiếp theo là nhu cầu loại bỏ những khiếm khuyết về tính khí và cá tính, tiếp theo là đập tan những lỗi lầm chính yếu, mà chúng thường dẫn đến tội trọng và tội nhẹ.
Đây là con đường dẫn đến sự thánh thiện. Tiến trình này phải mất nhiều năm.
Trong khi người theo đuổi sự thánh thiện có thể không phạm tội trọng, và không bao giờ lỏng lẻo đề phòng tội trọng, Xatan có những cách cám dỗ đặc biệt với những ai trên đường trọn lành.
Để tôi vạch ra một vài cám dỗ tinh tế, nhưng chết người mà tôi nhận thấy nơi những người tốt lành bị sa ngã hàng ngày, vì thế họ từ bỏ con đường thánh thiện và bị lừa dối phạm tội trọng.
Các tội nghiêm trọng nhất là tội về trí óc. Vì thế, tôi sẽ bắt đầu với các tội chống với trí óc. Chúng ta đến với Thiên Chúa bằng khả năng suy nghĩ, chứ không chỉ “con tim.”
Đây là cám dỗ thứ nhất – nghĩ rằng các cảm giác, những xúc động dẫn chúng ta đến tình trạng thánh thiện. Đây là sự xấu xa nhất của canh tân đoàn sủng (charismatic renewal), một phong trào mà trong đó những ai muốn trở nên thánh thường để ý đến cảm giác của mình và thấy an ủi vì được gia nhập vào hàng ngũ các thánh. Chống-lý-trí là một cám dỗ của Xatan. Chúng ta không thể đến với sự thánh thiện mà không thanh tẩy trí tuệ và, tuyệt đối, bỏ qua trí tuệ. Một thí dụ của điều này là có một bà đang cố gắng trở nên thánh, bà nói với tôi là bà “không đi vào thần học, nhưng đi vào tâm linh,” vì bà không đọc Giáo Lý Công Giáo hoặc bất cứ văn bản nào của Giáo Hội, hay của các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh. Bà chỉ theo đuổi những điều huyền bí. Đó là cách nguy hiểm khi bỏ qua việc thanh tẩy trí tuệ và sự cần thiết phải học hỏi đức tin. Không có sự học hỏi, người ta dễ rơi vào những giảng dậy sai lạc. Với sự nhấn mạnh đến “tâm linh”, người ta tự tách mình ra khỏi thực tại. Với sự nhấn mạnh đến con tim, người ta quên rằng ý muốn phải được dẫn dắt bởi một trí tuệ lành mạnh. Như thế, các tội khác đi vào linh hồn của những ai chú trọng đến cảm xúc hơn là trí tuệ. Đây là một vấn đề thông thường của các anh chị em Tin Lành. Thật buồn khi nhiều người Tin Lành ngày càng đi sâu hơn vào sự sai lầm khi tập trung đến việc họ cảm nhận về Thiên Chúa, về Luật lệ của Người, bỏ qua sự chính thống vững chắc của những giảng dậy trong Công Giáo, nhất là về Kitô Học và Thánh Mẫu Học, cũng như thần học bí tích.
Sự cảnh cáo này không có nghĩa mọi người phải trở nên một học giả, nhưng họ phải biết những nền tảng thực sự của Đức Tin.
Cám dỗ thứ hai là về sự lập dị. Đây là một cảnh giác của T. Bênêđích với các đan sĩ. Sự lập dị có nghĩa một vài điều, nhưng để đơn giản, nó có nghĩa người ta nghĩ mình tốt hơn người khác, và người ta cần có kiến thức đặc biệt, hay được ban cho kiến thức đặc biệt bởi Thiên Chúa. Sự lập dị khiến người ta nghĩ rằng họ đặc biệt, và nếu họ tham gia nhóm nào họ lại càng đặc biệt hơn vì chỉ họ mới có được những cái nhìn sâu sắc về Thiên Chúa mà không ai có. Đây là căn bản của chủ nghĩa Tri Thức Kitô Giáo (Gnosticism), vẫn sống mạnh trong năm 2019. Xatan chia cách người ta thành những giáo phái và đặc trưng hóa các nhóm qua sự cám dỗ này. Những ai không còn tương quan bình thường với gia đình, hoặc với các phần tử trong giáo xứ, vì họ đã tham gia một loại nhóm đặc biệt này, hoặc theo một người được thị kiến hay thần bí gia, họ đang rơi vào loại lập dị này. Đó là một tội nghiêm trọng, và làm chia cắt Thân Thể của Chúa Kitô. Người Công Giáo phải thận trọng và chống lại sự cám dỗ để được coi là đặc biệt, có kiến thức đặc biệt.
Cám dỗ thứ ba là chú trọng đến sự phát triển bên ngoài hơn là tinh thần bên trong. Cuốn “Đêm Tối của Linh Hồn” cho thấy sự theo đuổi thánh thiện là một công việc khó khăn, rất khó khăn. Quỷ hoạt động mạnh hơn đối với những ai muốn trở nên thánh và cứ nhấn mạnh Thánh Lễ Truyền Thống, hoặc một nhóm cầu nguyện đặc biệt, hoặc kinh cầu nào đó, những sự bề ngoài, tất cả những điều này có thể đưa những người muốn nên thánh xa rời khỏi con đường nên thánh, khi càng ngày họ càng lưu tâm đến những sự bề ngoài, thay vì sự thanh tẩy bên trong về ký ức, sự hiểu biết, và ý muốn.
Cám dỗ thứ tư mà Xatan muốn dụ dỗ những ai tìm kiếm sự thánh thiện là cám dỗ độc hại trong tất cả – đó là sự tự phụ. Hai thí dụ sau cũng đã đủ: một thanh niên nói với tôi là anh ta không thích Tuần Thánh, vì anh ta không được tiếp tục sự kiêng khem nghiêm nhặt của anh trong mùa Chay. Tôi ngạc nhiên khi anh không thấy được rằng việc gắn bó với sự kiêng khem của anh là tinh thần tự phụ. Một người khác nói rằng Thiên Chúa không muốn chúng ta cử hành các ngày lễ – một kiểu cách của phái Calvin, nhưng xuất phát từ tinh thần tự phụ, vì anh so sánh chính mình với thế giới của những người ăn uống và vui thích. Dĩ nhiên, chúng ta hân hoan trong những thời gian vui mừng được ấn định, và dấu hiệu của vị thánh đích thật là niềm vui. Ngay cả các nữ tu dòng kín cũng ăn xô-cô-la trong Tuần Thánh, và việc kiêng khem lâu dài của các đan viện cũng được quân bình với thời gian ăn tiệc. Tinh thần tự phụ bắt buộc người ta phải “thánh thiện hơn” những người khác, và kiêng khem, hoặc khắc khổ trong y phục hoặc thực phẩm, bộc lộ tinh thần tự phụ. Tinh thần tự phụ dẫn đến sự nổi loạn chống với thẩm quyền của Giáo Hội.
Cám dỗ thứ năm của Xatan là “thần hóa” cuộc sống hàng ngày để người ấy không còn sống trong một thế giới thực tế. Phải, chúng ta cần cầu nguyện không ngừng, nhưng chúng ta cũng phải thi hành bổn phận giặt giũ, mua sắm, giúp đỡ những ai có nhu cầu, lắng nghe người cô đơn, v.v. Những người “thần hóa” không muốn nói về những sự việc hàng ngày, họ nghĩ rằng biết về các tin tức chính trị thì xấu, và đời sống bình thường đó không phải là một cách nên thánh. Dĩ nhiên, chúng ta biết một số vị đại thánh lại trở nên thánh trong các khó khăn hàng ngày. T. Rose ở Lima và T. Têrêsa Bông Hoa Nhỏ là những ví dụ chính, cũng như T. Têrêsa ở Calcutta. Người Công Giáo là người nhập thế, theo gương Đấng Nhập Thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã làm rượu hóa nhiều và ăn uống với người tội lỗi. Đây là một phần trong con đường nên thánh của chúng ta. Tôi biết có những người chỉ nói về những điều linh thiêng, không bao giờ nói về những sự trần tục. Họ không thấy cảm động trước những lo lắng hay tiếng than khóc của người nghèo, vì họ đắm chìm trong thế giới linh thiêng của mình.
Ngay cả các người chiêm niệm trong đan viện cũng biết họ ăn uống với người tội lỗi. Và họ không bị “thần hóa” đến độ không muốn chùi cầu tiêu hay đổ rác.
Cám dỗ sau cùng thì xấu nhất và dẫn đến sự hủy hoại và đó là quá tự tin. Đây là tội lớn nhất của anh chị em Tin Lành, họ tin rằng chỉ cần được cứu một lần là đủ. Việc thanh luyện hàng ngày không xảy đến trong tâm trí của họ. Những người Công Giáo nào muốn trở nên thánh, họ phải coi chừng, đừng quá tự tin vì thiếu khiêm tốn. Người ta không thể nào quá tự tin là mình được cứu độ. Hàng ngày chúng ta cầu xin ơn bền vững đến cùng. Không có ơn Chúa, chúng ta sẽ chết trong tội. Người tự tin quên đi điều này. Cũng như tinh thần tự phụ, người tự tin cho rằng họ có được mức độ thánh thiện mà người khác không thực sự có được.
Hai điều có thể giúp chúng ta giữ vững trên con đường nên thánh. Đây là một – mười hai bước khiêm tốn của T. Bênêđích. Và đó là công việc khó khăn.
Thứ hai là suy ngắm về những Cám Dỗ của Đức Kitô, những cám dỗ đối với Đấng Thánh. Hãy đọc và suy niệm về cách chống trả cám dỗ của chính Đức Kitô. Tất cả các Phúc Âm Nhất Lãm đều cho chúng ta biết yếu tố cần thiết này. Đức Kitô dùng Kinh Thánh để đánh bại quỷ, với sự hiểu biết về ý nghĩa của những đoạn văn đó.
Bước 1. Bước thứ nhất là vâng phục một cách có ý thức tất cả các điều răn của Thiên Chúa, không bao giờ bỏ qua điều nào nhưng luôn luôn biết kính sợ Thiên Chúa.
Bước 2. Bước thứ hai đạt được khi người ta không nghĩ về việc làm vui lòng chính mình nhưng thay vào đó, hãy tuân theo mệnh lệnh của Chúa.
Bước 3. Bước thứ ba đạt được khi vì tình yêu Thiên Chúa, người ta quy phục bề trên để noi gương Chúa.
Bước 4. Bước thứ tư đạt được khi người ta, vì sự vâng phục, họ kiên nhẫn và âm thầm chịu đựng mọi sự gây ra đau khổ cho họ. Dù các thử thách đó thì đau lòng, bất công hoặc ngay cả ngoài sự hiểu biết, họ không bao giờ bỏ cuộc.
Bước 5. Bước thứ năm đạt được khi người ta khiêm tốn tỏ lộ cho bề trên biết những tư tưởng xấu trong tâm hồn, cũng như những sai lầm và hành vi xấu xa họ đã thực sự vi phạm.
Bước 6. Để đạt được bước thứ sáu, người ta phải chấp nhận tất cả những gì là thô lỗ và khắc nghiệt mà không ngại ngùng; lúc nào họ cũng tự cho mình là một người làm việc tồi tệ và bất xứng.
Bước 7. Bước thứ bảy đạt được khi người ta không chỉ thú nhận rằng họ yếu kém và tầm thường, nhưng thực sự tin như vậy. Họ phải sẵn sàng khiêm tốn.
Bước 8. Người ta đạt được bước khiêm tốn thứ tám khi họ chỉ thi hành những gì được đòi hỏi bởi quy luật chung của những cấp trên.
Bước 9. Bước thứ chín có thể đạt được khi người ta giữ im lặng, chỉ lên tiếng khi có câu hỏi.
Bước 10. Bước thứ mười là người ta kềm chế đừng cười trước những điều không đáng và phù phiếm.
Bước 11. Để đạt được bước mười một người ta phải nói ôn tồn, không có cử điệu, nhưng đơn giản, nghiêm trang, ngắn gọn, hợp lý và nhỏ nhẹ.
Bước 12. Bước sau cùng đạt được khi người ta lúc nào cũng có thể cho thấy sự khiêm tốn không chỉ trong điệu bộ và hành động, nhưng còn trong tâm hồn.
(Trích trong https://thestormatimeofmercy.wordpress.com/2019/04/06/how-does-satan-tempt-the-holy/)