Một trong Bảy Mối Tội Đầu thường bị hiểu lầm là tội ươn lười. Điều này là vì hầu hết chỉ coi đó là sự lười biếng. Nhưng ươn lười thì còn hơn thế. Hãy dành chút thời gian và suy nghĩ về một số khía cạnh của tội ươn lười.
Chữ Hy Lạp ἀκηδία akedia (a = thiếu + kedos = chăm sóc) mà chúng ta dịch là ươn lười có nghĩa thờ ơ hay cẩu thả. T. Tôma nói về ươn lười là buồn chán ích lợi tinh thần. Bởi đó chúng ta xa lánh ích lợi tinh thần, coi như sự khó chịu.
Một số nhà bình luận ngày nay nói về sự ươn lười là một cảm giác bất cần, ngay cả như một loại xa rời tình yêu của Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa. Vì sự ươn lười, ý tưởng sống đúng đắn, và kết quả của sự biến đổi bản thân, thì không phải là niềm vui nhưng là sự chán ghét hoặc ngay cả ghê tởm, bởi vì nó được coi là sự khó chịu, hoặc vì bao gồm việc bỏ qua các vui thú hiện thời hoặc tội lỗi. Bởi sự ươn lười, nhiều người cảm thấy buồn chán, chứ không phải là niềm vui hoặc sự hăng hái khi đi theo Thiên Chúa và đón nhận một đời sống được biến đổi. Đúng hơn, họ chán nản ở viễn ảnh những gì phải xảy đến nếu họ yêu quý đức tin sâu đậm hơn.
Sự ươn lười có khuynh hướng giảm bớt sức mạnh của ơn sủng vì nó chú trọng đến “sự khó khăn” hoặc những nỗ lực để đi theo đường lối Kitô Giáo, thay vì hiểu đó là một công việc của Thiên Chúa.
Như đã nói ở trên, nhiều người ngày nay đồng hóa sự ươn lười với lười biếng. Nhưng ươn lười không chỉ là sự lười biếng, nó được hiểu thích hợp hơn là sự buồn chán hay thờ ơ. Trong khi đúng là đôi khi người ươn lười trông có vẻ chán chường và uể oải với ích lợi tinh thần, cũng đúng là người ươn lười có thể thấy cuồng nhiệt với những sự việc trần thế, như để tránh các vấn đề tinh thần hoặc để sống một cuộc đời có suy nghĩ.
Thí dụ, hãy nghĩ đến một người say mê làm việc (workaholic). Giả sử rằng người này có vợ con. Một người trong vị thế này có một số khả năng rất quan trọng và các nhiệm vụ bên ngoài sự nghiệp của ông. Ông là người chồng, người cha, và người lãnh đạo tinh thần trong gia đình. Ông còn là một môn đệ, là người mà Thiên Chúa mời gọi ông đến đời sống mới, để khám phá Thiên Chúa và các ý nghĩa sâu xa cũng như những thực tại của đời sống. Ông còn có phẩm giá cao quý là công bố các chân lý này cho vợ con.
Nhưng tất cả những nhiệm vụ và vinh dự của ơn gọi này làm ông ngột ngạt và ngay cả lo sợ. Tất cả dường như chán ngấy và công việc cũng không bao giờ cùng. Thành thật mà nói, ông không muốn suy nghĩ quá nhiều, bởi vì nó có thể buộc ông phải nghĩ đến những điều mà ông thường tránh suy nghĩ, tỉ như các vấn đề luân lý, hay những ưu tiên, hoặc ông có thực sự dành thời gian đủ cho vợ con không, hoặc cuộc đời ông có chú trọng đến những gì quan trọng nhất không. Không, tất cả dường như quá chán ngán, quá nặng nề với những điều không chắc chắn để đi vào đời sống tinh thần sâu hơn. Việc làm thì dễ hơn, và ở sở người ta gọi ông là “ngài” và thi hành những gì ông sai bảo.
Do đó, ông vùi đầu trong công việc. Và điều này giúp ông tránh cầu nguyện, và suy niệm. Dĩ nhiên “không có thời giờ” để đi lễ hay để vui đùa với vợ con. Không còn thời giờ để đọc sách thánh, để tĩnh tâm và những điều tương tự.
Ông này không lười biếng, nhưng ông thờ ơ. Nói cho cùng say mê công việc là sự ươn lười, vì nó buồn chán và không thích khả năng mà Thiên Chúa ban cho ông để ra chỗ nước sâu và thả lưới. Ông buồn chán với những ích lợi tinh thần, trong trường hợp này, được biểu hiện bởi một loại tránh né bắt nguồn từ sự sợ hãi. Vì ươn lười, ông không vui trước lời mời của Thiên Chúa hay của Giáo Hội. Thay vào đó ông buồn chán và không thích những gì ông coi là gian nan, và có thể phát sinh những điều khó chịu mà ông thà không muốn nhìn đến. Ông không ghét bỏ Thiên Chúa hay đức tin, nhưng dường như tất cả chỉ quá nhiều.
Nói như thế, sự ươn lười thường không biểu lộ như một loại lờ phờ, và loại chán chường mà nó không thể thu góp được bất cứ ích lợi, năng lực, niềm vui hay sự hăng hái nào nhờ các năng khiếu. Người như thế có thể hăng say về một số điều, nhưng Thiên Chúa và đức tin thì không thuộc những điều ấy.
Trong thời nay, sự chán chường được nâng cao hết mức và điều này thêm nhiên liệu cho sự ươn lười. Hậu quả là chúng ta bị siêu kích thích trong thế giới ngày nay. Nhịp độ điên cuồng, những gián đoạn không ngừng, và sự phong phú của việc giải trí, các phim ảnh tốc độ nhanh, các trò chơi video, tất cả để no thỏa cho đôi mắt nhưng chúng bị siêu kích thích. Từ lúc chúng ta thức giấc cho đến khi đi ngủ hầu như không có một chút thinh lặng, hoặc khi chúng ta không bị tấn công bởi các hình ảnh, thường thay đổi nhanh chóng.
Sự siêu kích thích này có nghĩa khi chúng ta gặp phải những điều như thinh lặng cầu nguyện hay tôn thờ, hoặc được yêu cầu lắng nghe trong một thời gian dài, hoặc khi hình ảnh không thay đổi mau chóng, chúng ta dễ bị chán chường.
Và sự chán chường nuôi dưỡng sự ươn lười. Tiếng “thì thầm, nhỏ bé của Thiên Chúa,” sự cầu nguyện trong thinh lặng, đọc Kinh Thánh và suy nghĩ, ý nghĩa tinh thần qua sự chiêm niệm, niềm vui nhẹ nhàng của sự đàm thoại với người khác khi cầu nguyện chung… không có điều nào hấp dẫn người bị siêu kích thích, và quen với tốc độ chóng mặt. Ngày Chúa Nhật, từng là cao điểm của tuần lễ đối với nhiều người (vì thánh nhạc, nghi thức phụng vụ, bài giảng, niềm vui hiệp thông, v.v.), bây giờ nhiều người thấy chán chường. Như thế, sự ươn lười được thêm nhiên liệu bởi sự chán chường mà văn hóa này cảm thấy ở bất cứ gì không chuyển động với tốc độ 90 dặm một giờ.
Peter Kreeft nói rằng
Sự ươn lười là một tội nguội lạnh, không phải tội nóng nẩy. Nhưng điều đó làm nó nguy tử hơn. [Vì] sự dấy loạn chống với Thiên Chúa thì gần với Người hơn là sự thờ ơ… Thiên Chúa có thể dễ dàng làm nguội cơn nóng giận của chúng ta hơn là hâm nóng cái băng giá của chúng ta, tuy Người có thể làm cả hai. Sự ươn lười là một tội thiếu sót chứ không phải sự vi phạm. Điều đó cũng làm nó nguy hại hơn, vì lý do tương tự. Vi phạm sự dữ thì tối thiểu phải tham gia cuộc chơi… Sự ươn lười đơn giản là không muốn chơi với Thiên Chúa, hoặc về phe với Người hay chống lại Người… Nó ngồi ở bên cạnh một cách chán chường… Thà nóng hay lạnh còn hơn hâm hâm [Back to Virtue, t. 154]
Dĩ nhiên sự ươn lười sinh ra nhiều tội khác mà qua đó chúng ta không cầu nguyện, không xem lễ, không đi xưng tội, hay đọc sách thánh, chúng ta không lớn lên trong đời sống tinh thần và bởi đó chúng ta không trở nên người mà Thiên Chúa đã muốn dựng nên. Trong ý nghĩa nào đó, mọi tội đều có yếu tố ươn lười vì khi chúng ta phạm tội, chúng ta biểu lộ một loại ác cảm với các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để trở nên trọn lành. Thay vì coi luật của Thiên Chúa như một sự mời gọi đến sự tự do, chúng ta buồn chán khước từ lời mời đó như thể nó quá nhiều khó khăn.
Về phương diện xã hội cũng có nhiều biểu hiện của sự ươn lười. Nhưng dưới đây chỉ là hai điều phổ thông trong thế giới ngày nay.
1. Chủ Nghĩa Thế Tục – Chủ nghĩa thế tục ở đây không có nghĩa là thái độ thù nghịch với đức tin tôn giáo xảy ra gần đây, nhưng ý nghĩa xưa hơn về chữ này mà trong đó thiết yếu là người ta bận tâm với thế tục. Thật lạ lùng khi chúng ta say mê và ưa thích những sự việc ở trần gian này. Có thể đó là một trận đấu banh, hay chính trị, hay một dụng cụ điện tử nào đó vừa mới ra lò. Có thể đó là sự nghiệp của chúng ta hay thị trường chứng khoán hay điều gì đó mới mẻ.
Tuy thế, nhiều người reo hò trong các trận đấu, hay say mê tham gia cuộc vận động chính trị, hoặc phấn khởi trước các món hàng thời trang thì lại không thích thú gì với sự cầu nguyện, xem lễ, hay học hỏi Kinh Thánh. Và nếu họ có đi lễ, họ có vẻ khổ sở cho đến khi hết lễ.
Đây là chủ nghĩa thế tục và một hình thức của sự ươn lười. Chúng ta có thời giờ và đam mê đủ mọi thứ, nhưng không dành cho Thiên Chúa. Nó là một động lực rất thâm trầm. Chúng ta bị mê hoặc bởi nhiều thứ của thế gian, nhưng lại chán chường, buồn bã và ươn lười với những điều của đời sống thiêng liêng. Niềm vui ở đâu? Hăng hái ở đâu? Khát khao thành đạt trong Chúa ở đâu?
Đây là sự ươn lười. Nó không chỉ là sự trầm cảm hay chán nản, nó là sự ươn lười, nó là sự buồn chán với các ơn sủng tinh thần của Thiên Chúa. Nó là một động lực sâu xa của xác thịt. Nhưng chỉ có Thiên Chúa và sự mở lòng đón nhận các ơn sủng của Người mới có thể cứu chúng ta và đem chúng ta đến sự sống, thoát khỏi động lực nguy tử này.
2. Chủ Nghĩa Tương Đối – Nhiều người ngày nay thích thú với nhận xét rằng không có chân lý tuyệt đối mà chúng ta được mời gọi đến và phải thực sự tuân theo. Đây là chủ nghĩa tương đối. Và nhiều người thi hành nó lại tự khen mình là “bao dung” và cởi mở. Họ nghĩ chủ nghĩa tương đối là một nhân đức. Nhưng thông thường, chủ nghĩa tương đối chỉ là sự ươn lười được ngụy trang là bao dung. Sự thật là, nếu có một sự thật thì tôi phải hân hoan tìm kiếm điều đó, và đời sống của tôi sẽ căn cứ vào những đòi hỏi và hứa hẹn của sự thật đó.
Nhưng nhiều người ưa thích ý niệm của thuyết tương đối, bởi vì đó là một lối thoát dễ dàng. Nếu không có chân lý thì tôi không buộc phải tìm kiếm nó, và đặt đời tôi trên đó. Thành thật mà nói, nhiều người có ác cảm và buồn chán đối với chân lý bởi vì họ thấy những đòi hỏi của nó thì khó chịu. Đây là sự ươn lười, vì sự buồn chán của họ thì trực tiếp đối với một quà tặng rất quý báu của Thiên Chúa, món quà chân lý. Thay vì hân hoan tìm kiếm chân lý, người theo thuyết tương đối thì buồn chán và tránh món quà này dù cho họ che đậy sự ươn lười của mình bằng các chữ khác, tỉ như “đầu óc phóng khoáng” và “bao dung.”
Chắc chắn là có sự bao dung. Nhưng nhân đức bao dung đích thực thường bị hiểu lầm và được coi là tương đương với sự chấp thuận. Sự hiểu biết thích hợp về bao dung là sự chấp nhận có điều kiện, hoặc không can thiệp vào niềm tin, hành động hay các thực hành mà một người cho là sai những vẫn “dung thứ”, để như thế chúng không bị cấm hay bị ép buộc cách vô lý. Điểm chính thường bị ngày nay bỏ qua là các niềm tin hay các thực hành được dung thứ ấy được coi là một sự phản đối, sai hay xấu. Nếu thiếu yếu tố phản đối này, chúng ta không còn nói về sự “khoan dung” nhưng về sự “dửng dưng” hoặc “xác nhận.”
Như thế, người theo thuyết tương đối ươn lười cho rằng không có sự thật để tìm kiếm thì họ không thể gọi lập trường của họ là “khoan dung.” Sự thật, nó chỉ là sự thờ ơ, một hình thức của sự ươn lười.
Với những yêu sách ngày nay là phải khoan dung và cởi mở, thực tế thường xuyên hơn là chúng ta chỉ lười biếng và ươn lười khi nói đến việc tìm kiếm chân lý. Chúng ta (nói chung) không yêu quý chân lý nhưng xa lánh, buồn chán nhìn đến các yêu sách của chân lý đối với chúng ta. Chúa Giêsu nói đúng, Đây là phán quyết: Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng vì các việc làm của họ thì xấu xa. Ai làm điều xấu thì ghét ánh sáng, và sẽ không đến với ánh sáng vì sợ rằng việc làm của họ sẽ bị phô bày. Nhưng ai sống theo sự thật thì đến với ánh sáng, để như thế có thể được thấy rõ ràng là những gì họ làm thì được thực hiện qua Thiên Chúa (Ga 3:19-21).
Sau đây là một vài suy nghĩ về sự ươn lười.
Tìm cách nhận biết sự ươn lười là gì, hãy gọi đích danh nó và tìm hiểu sự chuyển dịch của nó, đó là bước đầu trên con đường chữa lành. Dĩ nhiên, sự ươn lười là một trong những động lực quá sâu kín đến độ chúng ta phải quỳ xuống xin Chúa giải thoát chúng ta, Người là đấng duy nhất có thể chữa lành chúng ta.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta thì được hứa trong phúc thật này: Phúc cho ai đói khát sự công chính (Mt 5:6).
Chúng ta cũng phải xin và tìm kiếm các hoa trái của Chúa Thánh Thần, nhất là tình yêu, niềm vui, và bình an. Các quà tặng này sẽ khơi dậy lửa yêu trong tâm hồn chúng ta đối với Thiên Chúa và những gì Người ban cho.
Vì sự ươn lười là một động lực sâu kín, chúng ta phải phó thác bản thân cho sự chăm sóc của Thiên Chúa với sự khiêm tốn lớn lao, hãy nhìn nhận sự nghèo hèn của mình và tìm kiếm những ơn lạ lùng của Người để chúng ta có được một tâm hồn biết ơn, đầy bác ái và nhiệt thành.
Sau cùng, vì sự ươn lười có thể phát sinh bởi cảm giác bị choáng ngợp trước lời mời gọi trở nên trọn lành, chúng ta cần nghĩ đến hai điểm:
Hãy cầu xin sự hăng hái, niềm vui, hy vọng, tin tưởng và đói khát những điều thánh thiện. Hành trình của Kitô Hữu được có ý định là một hành trình ly kỳ vì chúng ta cảm nghiệm cách Thiên Chúa biến đổi chúng ta hoàn toàn.