Thời sự tôn giáo được chia ra thành nhiều loại. Có những thời sự được loan đi ồn ào trên các phương tiện truyền thông. Có những thời sự rất âm thầm, nhưng thực là quan trọng, gây nhiều ảnh hưởng sâu xa. Trong loại thời sự âm thầm này tôi để ý đến những sự kiện trở về.
Sự trở về thường được hiểu là sự quay trở về một con đường đạo đức. Nói chung, nó là lựa chọn tốt hơn trước. Nếu đi sâu vào các tính chất của sự trở về, người ta có thể thấy được nhiều màu sắc. Ở đây, tôi xin phép đưa ra vài màu sắc đáng suy nghĩ hơn.
Nhiều người trước đây có thói quen hay suy nghĩ chuyện này chuyện nọ. Nay họ vẫn suy nghĩ, nhưng với cái nhìn mới của một con người được đổi mới. Dưới đây là mấy ví dụ:
Trước đây, Phaolô cũng được gọi Saolô, nghĩ rằng: tố cáo bắt bớ những môn đệ Ðức Kitô là việc đạo đức theo tiếng gọi lương tâm, và là sứ vụ của tinh thần bảo vệ đức tin. Nhưng trên đường đi Ðamas, ông bị Chúa đẩy xuống ngựa. Trong sợ hãi, ông nghe tiếng hỏi: “Saolô, Saolô, tại sao anh bắt bớ Ta? Ông trả lời: Ngài lài ai? Tiếng lạ đáp: Ta là Giêsu, mà anh đang tìm bắt. Nhưng hãy đứng lên, hãy cứ vào thành, rồi Ta sẽ nói cho anh biết anh phải làm gì” (Cv 9,1-6). Sau đó, câu chuyện diễn tiến thêm thế nào, thì chúng ta đã biết. Saolô đã trở lại. Tư tưởng của người đã trở về với sự thực. Từ đây người suy nghĩ hoàn toàn khác trước.
Nhiều sự trở về cũng một phần nào giống sự trở về của Phaolô. Trước đây, nhiều người cứ tưởng chính mình đã chọn Chúa, nhưng bây giờ họ nhận ra điều ngược lại. Chính Chúa đã chọn họ “Không phải con đã chọn Cha, nhưng chính Cha đã chọn con và sai con đi, để sinh ra nhiều hoa trái” (Ga 15,16).
Nhiều người trước đây đã tưởng mình yêu mến Chúa trước. Nhưng bây giờ họ nghĩ khác. Bởi vì thánh Gioan viết: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước và sai con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).
Nhiều người trước đây đã tưởng mình đi tìm Chúa trước. Nhưng bây giờ họ thấy rõ: Chính Chúa đã đi tìm họ trước. Chúa xác định sự thực đó qua dụ ngôn con chiên bị mất: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho bằng được con chiên đã bị mất? Tìm được rồi, người ấy mững rỡ vác lên vai” (Lc 15, 4-5).
Từ những cuộc trở về của tư tưởng như trên, nhiều người đã khám phá ra một sự thực mới. Ðó là sự mình trở về với Chúa là một hồng ân của tình yêu thương xót Chúa. Cuộc đời của mình cũng sẽ phải trở về theo sự thực đó. “Có sự gì con có mà con đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4,7).
Cũng nhờ sự trở về của tư tưởng, nhiều người đã nhìn các vấn đề một cách mới. Có một số vấn đề trước đây họ cho là hết sức lớn lao, nhưng sau khi được ơn trở lại, những vấn đề lớn lao ấy chẳng còn nghĩa lý gì.
Trước đây, họ quen đối chiếu quan điểm này với quan điểm kia. Nhưng giờ đây, sau khi trở về, họ đối chiếu các quan điểm với biến cố Chúa đến với họ, với Hội Thánh, với lịch sử. Họ thấy trong mọi biến cố đều có sự Chúa đến. Chúa đến vì mục đích cứu độ. Trong nhãn quan đó, họ khiêm tốn cầu nguyện và tỉnh thức lắng nghe Chúa. Rồi họ được Chúa cho thấy: Kế hoạch cứu độ của Chúa rất khác với những suy nghĩ của họ và của bao người, dù họ thuộc hạng đạo đức và thông minh. Họ chỉ có thể được Chúa mạc khải cho, khi họ thực sự trở về với tinh thần khiêm tốn thơ ấu thiêng liêng. Với tinh thần này, họ trở về gắn bó với bổn phận yêu thương phục vụ.
Càng đón nhận ơn Chúa, người trở lại càng nhận ra dung mạo Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ, và bộ mặt mình là kẻ tội lỗi. Ðúng như thánh Phaolô nói: “Chúa Giêsu đến trong thế gian là để cứu chuộc những người tội lỗi. Trong số đó có tôi. Tôi là người tội lỗi thứ nhất” (1Tim 1,15).
Từ nhận thức ấy, người trở lại không những để ý đến việc bỏ những gì là tội lỗi, mà còn để ý nhiều hơn đến việc gắn bó với Chúa Giêsu. Trở về là đi vào một giao ước. Tôi giao ước gắn bó hơn với bổn phận yêu mến Chúa. Tôi giao ước trung thành hơn với bổn phận yêu thương mọi người.
Yêu mến Chúa không những trong lòng mà còn bằng việc làm. Yêu thương mọi người không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động.
Hơn thế nữa, người trở lại muốn tình yêu thương trở thành bầu khí thiêng liêng, để mình hít thở thường xuyên. Ý muốn đó được thực hiện nhờ Chúa Thánh Linh. Chúa Thánh Linh là Thần Khí tình yêu. Nhờ Thần Khí tình yêu này, mà tất cả sự sống con người trở lại đều thấm nhuần tình yêu Chúa. Họ trở nên lễ tế cảm tạ, đồng thời cũng trở thành một sự dấn thân phục vụ con người trong yêu thương và khiêm tốn.
Họ ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong họ. “Ai ở lại trong Cha, và Cha ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
Một trong những hoa trái, mà Chúa làm cho sinh ra nơi họ, là họ luôn đi về phía trước. Không phải đó là nơi họ muốn, nhưng là nơi Chúa sai họ đi.
Như thánh Phaolô xưa: “Tôi chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được kêu gọi trong Ðức Giêsu KiTô” (Phil 3,13-14).
Người trở lại như thánh Phaolô là người được kêu gọi luôn tìm thực thi thánh ý Chúa Cha. Ai thực thi thánh ý Chúa Cha mới được lãnh thưởng. “Không phải kẻ kêu lạy Chúa, lạy Chúa, là kẻ sẽ được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý Cha Ta trên trời mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21).
Người trở lại như thánh Phaolô là người được kêu gọi luôn luôn đặt bác ái yêu thương lên bổn phận hàng đầu. Như lời thánh Phaolô nói:
”Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có bác ái, thì tôi chẳng khác gì thanh la kêu to nhưng trống rỗng”.
”Giả như tôi được ơn tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao sâu, hay có đức tin chuyển núi dời non, mà không có bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì”.
”Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nạp mình để chịu thiêu đốt, mà không có bác ái, thì chẳng ích gì cho tôi” (1Cor 13,1-3).
Thoáng nhìn chân trời mới trên đây của sự trở về, chúng ta có thể đoán được người trở về là người luôn phải phấn đấu với chính mình. Nhất là phấn đấu bằng sự cầu nguyện thường xuyên và khiêm nhường thinh lặng tỉnh thức để có thể nghe được tiếng Chúa, và để biết đón Chúa. Bởi vì Chúa đã phán: “Cha đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe tiếng Cha và mở cửa ra, thì Cha sẽ vào đó để dùng bữa. Cha ở bên họ, và họ ở bên Cha” (Kh 3,20).
Số người trở về như trên là một số đáng kể. Nhiều trường hợp rất cảm động. Thời sự này đang xảy ra đó đây tại Việt Nam hôm nay. Rất đa dạng. Rất phong phú. Rất lạ lùng.
Thiết tưởng thời sự này, tuy âm thầm, nhưng là một yếu tố rất quan trọng cho việc phục hưng đạo đức tại quê hương Việt Nam.