Trong giáo lý Kitô giáo, có một điểm xem ra tạo thách đố và gây mặc cảm, đó là các mầu nhiệm. Phải chăng đây là những điều Thiên Chúa gởi tới chúng ta để đánh đố trí óc, thách thức khả năng suy nghĩ của người phàm? (Câu chuyện thánh Augustinô suy tư về Chúa Ba Ngôi bên bờ biển và thấy một thiên thần nhỏ lấy vỏ ngao múc nước biển đổ vào một hố cát bé tí). Đàng khác, với những điều quan trọng vào bậc nhất nhưng lại khó hiểu như vầy, phải chăng đức tin Kitô hữu là một niềm tin mù quáng, cưỡng bức? (Nhiều linh mục hay giáo lý viên, khi bí bách không giải thích nổi một điểm giáo lý nào đó thì buông câu: “Đấy là mầu nhiệm!”)
Vậy Thiên Chúa mạc khải các mầu nhiệm cho ta biết là nhắm mục đích chi và các mầu nhiệm mang bản chất gì? Tại sao có thể nói Thiên Chúa mạc khải các mầu nhiệm là để bày tỏ những nỗi lòng của Người? Thiết tưởng trước hết ta nên đặt vấn đề: Thế nào là hiểu biết? Hiểu biết có mấy cách? Có mấy loại đối tượng (sự thật) và mấy lãnh vực của sự hiểu biết? Cái gì là bằng chứng cho từng loại sự thật này?[1]
Thiên Chúa đã dựng nên mỗi người chúng ta và đặt vào giữa 3 thế giới: thế giới muôn loài, thế giới con người và thế giới Thiên Chúa. Thế giới muôn loài là thế giới vật chất, thế giới con người (xét như hữu thể có hồn thiêng) là thế giới tâm linh và thế giới Thiên Chúa là thế giới thần linh.
Để hiểu biết hầu có thể liên hệ với 3 thế giới này, Thiên Chúa cho chúng ta 3 khả năng:
a- Trước hết, chúng ta có ngũ quan (tai nghe, mắt nhìn, mũi ngửi, tay sờ, lưỡi nếm) hoặc tạo ra các dụng cụ, máy móc để tăng thêm khả năng của ngũ quan mà khám phá thế giới vật chất, thế giới hữu hình cho sâu hơn, rõ hơn nữa. Lãnh vực hiểu biết này thường gọi là lãnh vực của khoa học, bằng chứng cho kiểu hiểu biết này mang tên vật chứng, và kiểu cách hành động ở đây là mô tả.
b- Thứ đến, với bộ óc Chúa ban, chúng ta có khả năng suy luận để biết được chân lý, thực tại mà có khi chẳng cần ngũ quan. Suy luận là tìm mối liên hệ giữa nhiều sự vật, nhiều hiện tượng để có một cái nhìn tổng thể rồi rút ra một kết luận hợp lý, dựa trên một vài nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn nguyên tắc nhân quả (có quả tức đã phải có nhân, có tác phẩm ắt đã phải có tác giả...). Ví dụ thấy đồng hồ biết có thợ làm đồng hồ; thấy tạo vật tốt đẹp, vũ trụ hài hòa biết có Tạo hóa tài ba; thấy trong trời đất và trong lương tâm có những quy luật điều khiển thì biết có Đấng lập luật; thấy nơi con người có sự hiểu biết bao la, vượt thời gian không gian, có trái tim vĩ đại, yêu tha nhân đến độ hy sinh chính mình, thì biết có hồn thiêng, lý luận ra rằng có hồn thiêng. Lãnh vực hiểu biết này thường gọi là lãnh vực của triết học, bằng chứng cho kiểu hiểu biết này mang tên lý chứng (luận chứng), và kiểu cách hành động ở đây là giải thích.
c- Thứ ba, để đi vào thế giới tâm linh và thế giới thần linh, để hiểu biết các thực tại tinh thần, các hữu thể tinh thần, không thể dùng hai khả năng và các phương tiện nói trên. Tôi chỉ biết người khác nghĩ gì, cảm gì khi chính đương sự tỏ bày cho tôi biết. Vì những tư tưởng, tình cảm nằm trong linh hồn (hình ảnh hóa là trong trái tim, trong óc não) phải được chủ thể đích thân bày tỏ, còn đối tượng lắng nghe chỉ có việc tin vào. Việc bày tỏ tâm linh này đòi hai điều kiện: chủ thể cảm nghĩ nơi mình cách chân thật và yêu mến đối tượng cách chân thành. Thông thường, đó là bạn bè hàn huyên tâm sự với nhau. Sâu xa hơn, đó là vợ chồng bày tỏ ý tình cho nhau. Cao hơn nữa, đó là tín hữu cảm nghiệm về Thiên Chúa rồi nói lại cho người khác hay. Lãnh vực hiểu biết này thường gọi là lãnh vực của tâm linh và trong Kitô giáo là lãnh vực của thần học, bằng chứng cho kiểu hiểu biết này mang tên nhân chứng[2], và kiểu cách hành động ở đây là tỏ bày (mạc khải) - tin tưởng.
Nhân chứng kinh nghiệm tâm linh càng đầy thuyết phục khi chứng nhân nhờ đó mà trở nên sống đạo đức và nhất là vì đó mà chấp nhận chết anh dũng. Trong Kitô giáo, đấy là cảm nghiệm thần bí (hay thần nghiệm, tức giao tiếp với Thiên Chúa trong tâm hồn) mà ta thấy nơi những nhân vật kiệt xuất của Cựu Ước, của Tân Ước, nơi nhiều thánh nhân đặc biệt của Giáo Hội. Họ được gọi là những chứng nhân của Thiên Chúa.
Nhưng chứng nhân số một chính là Đấng mà Tin Mừng Gioan 1,18 đã nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Chúa Giêsu cũng đích thân xác nhận như thế với các Tông đồ trong Diễn từ giã biệt: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Rồi để làm chứng cho lời mình nói là chân thật, Chúa đã sống rao giảng và gieo rắc tình thương, đoạn chịu chết trong đau khổ ô nhục. Và cũng để làm chứng cho lời mình nói là hữu hiệu, Người đã sống lại trong vinh quang. Mà sở dĩ Chúa Giêsu đã làm như thế cho các Tông đồ và cho chúng ta, đó là vì “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Đó cũng là vì Chúa Kitô coi Hội Thánh và mỗi tín hữu như hôn thê của mình, đáng được Người thổ lộ tâm can.
Vậy Chúa Giêsu đã mạc khải cái gì từ Thiên Chúa cho chúng ta? Thưa đó là những điều mà giáo lý gọi là các “mầu nhiệm”. Như thế, theo mấy điểm nói trên kia, có thể cho rằng các mầu nhiệm chính là những nỗi lòng của Thiên Chúa, những tâm sự về gia đình Thiên Chúa, về hoạt động của Thiên Chúa mà Ngôi Con bày tỏ với loài người, như giữa bạn bè và vợ chồng với nhau. Tất cả chỉ tóm gọn trong 2 chữ TÌNH YÊU.
Trên hết và trước hết là mầu nhiệm Ba ngôi, mạc khải qua biến cố Chúa chịu phép rửa, cuộc Hiển dung trên núi, lời tâm sự trong bữa Tiệc ly, mệnh lệnh làm phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa chỉ có một (một bản thể), nhưng vì là tình yêu nên thành 3 ngôi vị. Nơi Người có 3 ngôi vị nhưng vì là Tình yêu nên chỉ làm thành một bản thể. Bởi lẽ tình yêu vừa đòi có nhiều vừa đòi nên một. Nơi loài người đó là ước mơ, nơi Thiên Chúa đó là hiện thực.
Tình yêu ấy không khép kín trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng tràn ra qua việc sáng tạo trời và đất (mầu nhiệm Sáng tạo). Trời thì có các thiên thần, đất thì có loài người và vạn vật. Tình yêu Thiên Chúa đối với thụ tạo còn biểu lộ cách đặc biệt qua việc ban cho hai loài thượng đẳng hình ảnh của Người là có lý trí và ý chí, nhất là có tự do, khả năng chọn hay chống Người, vì coi họ như con cái, đúng như tình Cha đòi hỏi.
Sau cuộc sa ngã trong vườn địa đàng, Thiên Chúa không tiêu diệt tự do của phàm nhân để mình được yên thân. Tình yêu của Người vẫn tiếp tục bằng việc sai Thánh Tử xuống trần làm người, thực hiện cuộc hôn nhân giữa trời với đất (mầu nhiệm Nhập thể), để dễ dàng nói cho nhân loại biết Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không muốn tạo vật của Người bơ vơ trên cõi thế, khốn đốn vì tự do và đi vào cõi hư vô tuyệt diệt. Rồi vừa với thần tính, vừa với nhân tính, Thánh Tử đền thay tội lỗi nhân loài cách hữu hiệu, tạo sự hòa giải, khôi phục tình yêu, gieo mầm sống lại (mầu nhiệm Cứu chuộc), đồng thời cho thấy tột đỉnh của tình yêu là thí mạng mình.
Chưa hết, tình yêu Thiên Chúa còn mong muốn tạo vật phàm nhân trở nên giống mình, kết hợp với mình, và đó là ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh hóa. Thần Khí được sai đến, tràn ngập trần gian, để làm cho nhân loại nên thánh (nghĩa là yêu như Thiên Chúa), liên kết họ lại thành một thân thể vĩ đại mang tên Nhiệm Thể với Chúa Kitô phục sinh là đầu và mọi tín hữu là những chi thể (đúng ra là tế bào); thành một cộng đồng tình yêu mệnh danh Hội Thánh: những gì thánh thì hội lại: tâm là Thiên Chúa Đấng Thánh, bao quanh là thần thánh (thiên thần và thánh nhân), rồi dân thánh (Kitô hữu) với những gì thuộc về Thiên Chúa (thời gian thánh, không gian thánh, đồ vật thánh), ngoài cùng là cả thế giới cần được thánh hóa (loài người lẫn vạn vật), để cuối cùng, Thiên Chúa là “tất cả trong mọi sự”, một sự hợp nhất vĩ đại, như tình yêu đòi hỏi.
Công cụ của việc thánh hóa, kết hợp đó chính là Mình Máu Chúa Kitô, dấu chỉ sự tự hiến đầy tình yêu của Người cho chúng ta và sự hiện diện đầy âu yếm của Người bên chúng ta (mầu nhiệm Thánh Thể). Mình Máu ấy duy trì nơi ta sự sống thần linh, là thức ăn nuôi sống lẫn liên kết các tế bào trong Nhiệm Thể với Đầu và với nhau, đồng thời xây đắp cho Nhiệm Thể đạt tầm vóc Chúa Kitô toàn thể (Christ total). Đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao?
Những mầu nhiệm khác như Thiên đường, Hỏa ngục cũng không ra ngoài ý nghĩa tình yêu. Thiên đường là nơi các phúc nhân hưởng toàn phúc không phải vì thỏa mãn được mọi ham muốn (như Hồi giáo khẳng định), nhưng vì có thể yêu thương bất tận và trọn vẹn. Hỏa ngục là nơi các đọa nhân đau khổ không phải vì bị bọn ngạ quỷ tiểu yêu tra tấn ngày đêm (như Phật giáo thuyết giảng), nhưng vì không thể yêu thương do đã quyết sống ích kỷ khi còn ở gian trần. Bởi lẽ chỉ có tình yêu và yêu như Thiên Chúa mới làm cho chúng ta hạnh phúc thật sự.
Dĩ nhiên các mầu nhiệm của Thiên Chúa được Ngôi Con mạc khải thì thâm sâu, khó hiểu. Chuyện đó chẳng có gì lạ. Ngay cả những điều thuộc thế giới, vũ trụ hữu hình thì cũng đã thâm sâu rồi. Khoa học tới nay vẫn chưa khám phá ra hết mọi sự nằm trong cái vô cùng lớn, cái vô cùng nhỏ và cái vô cùng phức hợp, nên đã gọi chúng là các bí nhiệm. Những gì ở trong tâm hồn con người càng thâm sâu hơn: vợ chồng ăn đời ở kiếp chưa chắc đã hiểu dạ nhau; bạn bè lâu năm tri kỷ chưa hẳn đã rõ lòng nhau; tâm hồn các vĩ nhân, thánh nhân lại càng thâm sâu hơn nữa, vì thế triết học hiện sinh gọi tâm hồn mỗi người là một huyền nhiệm. Huống chi là những điều thuộc về tâm lòng Thiên Chúa, thế giới Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mạc khải các mầu nhiệm để thách thức óc não, đánh đố suy nghĩ của nhân loài, hầu cho ra vẻ ta đây siêu việt. Đừng nghĩ thế mà tội nghiệp cho Người. Vung chữ “mầu nhiệm” để thôi suy tư, tìm hiểu chính là chỉ chú ý đến phương diện tri thức của điều mạc khải, đang khi bản chất của nó là tình yêu. “Mầu nhiệm chẳng phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (G. Thibon). Một đại dương tình yêu bao la, một nỗi lòng thiết tha sâu thẳm.
Qua những mầu nhiệm mà đã Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta để rồi Hội Thánh nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm, tất cả đều nói lên nỗi lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nỗi lòng đó biểu lộ ra qua chuyện Thiên Chúa làm cái việc mà ta có thể gọi là “tổ chức đám cưới cho con trai mình”. Hiển nhiên quý tử ấy là Ngôi Lời nhập thể. Người nhập thế, xuống trần để cưới một hôn thê Người yêu say đắm và Cha Người cũng thương rất mực: nhân loại. Hình ảnh đám cưới này như một sợi chỉ bạc chạy suốt Kinh Thánh: Hs 1-3; Is 54,4-8; 61,10; 62,4-5; Gr 2,2;31,3; Ed 16; Tv 45,7-8; toàn bộ Diễm ca; Mt 9,15; 25,1-13; Mc 2,9; Ga 3,29; Ep 5,25; 2Cr 19,29; 21,2-9; 22,17; Kh 20,9; 21,2-9... Vâng, từ đầu đến cuối Mạc khải, các tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại - như mọi mầu nhiệm cho thấy - là một “giao ước”, “hôn lễ”. Đây là câu chuyện đẹp nhất trần gian, một love story vĩ đại. Điều ấy sẽ thay đổi gì nơi “tôn giáo” của tôi nếu thay vì coi nó như những chân lý phải tin (đôi khi miễn cưỡng mà tin) hay những huấn lệnh phải giữ (đôi khi miễn cưỡng mà giữ), tôi đi đến chỗ thật sự coi nó như một “chuyện tình”?