Con người dù có lý trí là hồng ân cao cả giúp lý luận, phân định và hiểu biết, nhưng đành phải chấp nhận sự giới hạn của mình khi đứng trước những huyền nhiệm. Một cách rất gần gũi, trước huyền nhiệm cuộc sống con người, những câu hỏi thường được đặt ra như: Sinh ra từ đâu? Sống để làm gì? Sau cái chết sẽ như thế nào? Có đời sau hay không? Nếu có nó sẽ diễn ra như thế nào? Con người sẽ được gì khi sống hy vọng vào đời sau?... Những câu hỏi được đặt ra cũng chính là những gì mà thần học về sáng tạo - cánh chung sẽ đề cập tới dựa trên nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền của Giáo Hội. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về thần học cánh chung được mặc khải trong Tin Mừng theo Thánh Gioan.
Xét về từ ngữ
Từ “cánh chung”, tiếng Hy Lạp: eschata, nghĩa là những điều cuối cùng. Trong Hán Việt, từ “cánh” có nghĩa là chỗ chấm dứt, cuối cùng (chẳng hạn khi nói đến “cứu cánh”, từ “cứu” cũng có nghĩa là cuối cùng); từ “chung” là cuối cùng, toàn vẹn (chẳng hạn như trận bóng đá chung kết). Từ “cánh chung” ám chỉ sự tận cùng của con người (cánh chung cá nhân: những sự sau hết của đời người), hay ám chỉ sự tận cùng của thế giới (cánh chung tổng quát: những sự sau hết của vũ trụ).1
Trước đây, khi nói về cánh chung, người ta thường chỉ trình bày về: sự chết, phán xét, thiên đàng, luyện ngục hoặc hỏa ngục (còn gọi là: “tứ chung”). Điều này nổi bật trong các bài giảng tĩnh tâm, các đề tài để suy gẫm và quả thực nó giúp người ta dễ hoán cải hơn vì nó nhắm thẳng vào cá nhân: “Bạn hãy nhớ rằng, sau cùng bạn sẽ ra trước mặt Thiên Chúa với tất cả cuộc đời của mình; trước tòa Chúa bạn sẽ lãnh trách nhiệm về mọi hành vi của mình; không những bạn sẽ chịu phán xét về các hành vi và các lời nói của mình, mà còn bị xét xử về những tư tưởng, dầu là thầm kín của mình.”2
Sự hình thành nội dung tư tưởng trên trong các bài giảng được rút ra từ mặc khải của Thánh Kinh, nhất là do ảnh hưởng bởi sách Huấn ca 7,36: “Trong lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến những sự cuối cùng của đời con, thì mãi mãi con sẽ không phạm tội.”3
Ngày nay, người ta không hiểu cánh chung là sự chấm dứt (tận cùng), nhưng như là mục tiêu (cứu cánh) của cuộc đời và lịch sử, mở ra một niềm hy vọng cho tương lai và hướng tới chiều kích vũ trụ. Cách đặc biệt cánh chung không chỉ dừng lại ở “tứ chung”, mà đã lấy Đức Kitô là trung tâm và mang đặc tính vừa hiện tại vừa tương lai, vừa cá nhân vừa phổ quát.4
Trong mặc khải của Thánh Kinh, Cựu Ước nhấn mạnh đến cánh chung tập thể, khởi đi từ niềm hy vọng của dân Israel vào ơn cứu độ tương lai, qua lời tiên báo của các ngôn sứ và mở rộng ra cho toàn nhân loại (sau lưu đày) với văn chương Khải Huyền. Với Tân Ước, cách tổng quát, cánh chung gắn liền với cuộc đời, con người Chúa Giêsu Kitô trong sự liên hệ đến thực tại Nước Trời (hay Nước Thiên Chúa).
Với Tin Mừng theo thánh sử Gioan, thì thần học về cánh chung hướng đến “cánh chung cá nhân” nhiều hơn và được thể hiện qua bốn chủ đề chính: 1, Đức Giêsu Kitô là trung tâm của cánh chung; 2, Thực tại cánh chung là sự sống; 3, Thực tại cánh chung đã xảy ra; 4, Thực tại cánh chung sẽ hoàn tất trong tương lai.5
Nơi Tin Mừng Nhất Lãm, trình bày thần học về cánh chung gắn liền với thực tại Nước Trời qua lời rao giảng của Đức Giêsu (x. Mc 1,15; 13; Lc 21) và qua các dụ ngôn của Người (x. Mt 24; 25). Đây là một thực tại lớn lao của Khải Huyền mà chính Chúa Giêsu cũng mong chờ Nước Trời mau đến.
Tuy nhiên, với thánh sử Gioan thì trọng tâm về cánh chung so với Tin Mừng Nhất Lãm đã có sự thay đổi. Theo thánh sử thì chính nhờ Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa nhập thể làm người (x. Ga 1,14), đã đi vào trong lịch sử nhân loại, biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa cách hữu hình nơi nhân loại, mà thực tại của cánh chung và của thiên giới đã được hiện diện. Hơn nữa, nhờ Người Con đó, các tín hữu được trở thành con cái của Thiên Chúa (x. Ga 1,12), như Thánh Irênê đã nói: “Người đã nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người.” Chính nhờ mầu nhiệm nhập thể mà những thực tại cuối cùng và thời gian đã rút ngắn lại. Qua đó, cho ta thấy tương lai đã trở thành hiện tại nơi Chúa Giêsu Kitô.6
Như vậy, việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô phục sinh đã thay thế vị trí của sứ điệp về Nước Trời. Vương quốc của Đức Vua phải nhường chỗ cho Đức Vua. Đấng Mêsia quan trọng hơn là Nước Trời! Đấng mang Nước Trời đến quan trọng hơn Nước Trời. Nói rõ hơn, chính Đức Giêsu Kitô đã được đồng hóa với chính Nước Trời. Từ khi Đức Giêsu đã bị treo trên thập giá và đã phục sinh, thì Nước Trời đã mất dần ảnh hưởng, đến độ ơn cứu độ chỉ có trong Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ không cần đến Nước Trời!7
Thuật ngữ “Nước Thiên Chúa” chỉ thấy xuất hiện trong đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô nơi Tin Mừng theo Thánh Gioan (x. Ga 3,3.5). Còn trong câu trả lời của Đức Giêsu trước tổng trấn Philatô (x. Ga 18,36), Người muốn nói lên phẩm cách vương đế của Người, vương quốc của Người thì siêu việt và là vương quốc của chân lý, vương quốc ấy không thuộc về thế gian này.
Đức Giêsu đã nói với Nicôđêmô rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3). Nước Thiên Chúa ở đây đồng nghĩa với ơn cứu độ, với sự sống đời đời. Qua đó, thánh sử Gioan cũng đã nhấn mạnh đến chiều kích nội tâm và cá nhân về phương diện Nước Thiên Chúa.8
Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, thì Nước Trời (Nước Thiên Chúa), đã được nâng lên hàng siêu nhiên. Thiên Chúa Cha có sự sống nơi bản thể Người và đã trao ban sự sống ấy cho Người Con (x. Ga 5,26). Người Con do bởi thánh ý Chúa Cha, đã nhập thể làm người, đi vào lịch sử nhân loại để ban lại sự sống đó cho con người (x. Ga 10,10), cho họ khả năng trở thành con Thiên Chúa (x. Ga 1,12-13).
Trong diễn từ về bánh hằng sống, Đức Giêsu cũng đã mặc khải cho chúng ta về sự sống đời đời, khi chúng ta đón nhận chính Người qua Bí tích Thánh Thể (x. Ga 6,32-58). Sự sống vĩnh cửu mà Đức Giêsu trao ban, chính là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa (x. Ga 4,10; 6,65) và là đích điểm cho những ai tin vào Người (x. Ga 3,36). Qua đó, chúng ta có thể khẳng định rằng thực tại cánh chung đã và đang xảy ra cùng với Đức Giêsu Kitô.
Trong khi thánh sử Máccô nhấn mạnh đến tính tương lai của thực tại cánh chung, thì thánh sử Gioan lại nhấn mạnh đến tính hiện tại nhiều hơn. Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày: “Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18), hoặc trong Ga 5,24-25 cũng đều mặc khải về tính hiện tại của cánh chung.
Vì thế, không lạ gì khi người ta dựa vào Tin Mừng theo Thánh Gioan để bênh vực chủ thuyết “cánh chung đã thành tựu”. Theo thánh sử, sự cứu rỗi đã được quyết định ngay từ bây giờ nhờ lòng tin của mỗi người; những lợi ích mà ơn cứu độ tương lai mang đến, thì cộng đoàn đã được cảm nghiệm rồi qua các cách thức như: ân huệ của Thánh Thần, sự sống vĩnh cửu, phán quyết của Thiên Chúa và sự hiện diện của Đức Giêsu trong tư cách là Đấng Mêsia.9 Khẳng định này được củng cố hơn khi Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Mặc dù thánh sử Gioan đã nhấn mạnh đến tính hiện tại của thực tại cánh chung trong sự gắn kết với chính Đức Giêsu Kitô, nhưng không phải vì thế mà loại bỏ tính tương lai. Điều này được chứng minh cách cụ thể qua các bản văn trong Tin Mừng với một số chủ đề như: Sự phục sinh sẽ diễn ra trong ngày sau hết (x. Ga 5,28-29; 6,39.40.54); ngày Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai để đem các môn đệ vào ở với mình như lời Người đã hứa, đó là sự hiệp thông với Người sau khi chết (x. Ga 14,3.18; 21,21-23)10 và cuộc phán xét tương lai trong ngày sau hết (x. Ga 12,48). Tương lai đó sẽ là sự hiện diện của một “trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất” (Kh 21,1).11
Tất cả những đề tài trong thần học về cánh chung trong Tin Mừng theo thánh sử Gioan đều có sự gắn kết với chính Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Giêsu là suối nguồn, là nguyên nhân của sự sống viên mãn và là hạnh phúc đời đời. Khi biến cố nhập thể được thực hiện, Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử con người, Người chính là trung tâm của thực tại cánh chung. Từ đó, thời sau cùng đã được bắt đầu nơi con người, cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Người (x. Kh 1,17). Đức Giêsu chính “là đường, là sự thật và là sự sống”, nên hễ ai tin vào Người thì được sự sống rồi. Mặt khác, chính nhờ Người, chúng ta cũng được liên kết trong một Thần Khí duy nhất đến cùng Chúa Cha, Đấng là cùng đích của mọi sự (x. Ep 2,18). Tuy nhiên, thực tại cánh chung đó mới chỉ là khởi đầu và chỉ được thành toàn trong ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm lần thứ hai trong vinh quang (x. 1 Ga 3,1-2).