Giữa một thế giới in hằn nhiều vết sẹo, mang trên mình những thương tích do sự cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia, công ty và trong đời sống thường ngày, việc sản xuất các loại vũ khí sinh học nguy hiểm gây hậu quả đau đớn cho những người dân vô tội với những cái chết thương tâm không mục đích, các cuộc chiến tranh giành hải đảo liên tiếp xảy ra gây bất hòa với nhau. Việc tàn phá môi sinh, môi trường một cách thái quá khiến cho tầng khí quyển và các động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, phân bổ giàu nghèo chia tầng giai cấp, phân biệt màu da, chủng tộc, hay tôn giáo làm cho các mối tương quan ngày càng có nguy cơ hủy hoại. Thật là điều đáng buồn khi hàng ngày chúng ta phải chứng kiến quả đất đang dần dần biến dạng, bởi sự vô cảm thờ ơ của mỗi người trước những nỗi đau của thực tại.
Điều này càng khó khăn và gây cản trở rất lớn trong sứ mạng truyền giáo, khi con người sống trong một xã hội ồn ào, náo nhiệt và đầy biến động. Sự phát triển vượt bậc nhanh chóng về khoa học, kĩ thuật và cả đời sống con người ngày càng cải thiện, khiến không ít người bị cuốn vào vòng xoáy theo nhịp đập của xã hội. Bản chất con người bị biến tấu một cách choáng ngợp. Con người lao đầu vào những danh vọng, chức quyền hư ảo chóng qua, hay chìm mình vào những cuộc nhậu thú vui đồi trụy, như một phần thưởng riêng và “xứng đáng” cho mình sau những ngày làm việc mệt nhọc, để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc tạm thời không suy nghĩ hậu quả, làm tổn thương cho nhiều người, nhiều gia đình phân gia bại sản và xã hội ngày càng loạn lạc.
Những thực trạng của xã hội nêu trên như hồi chuông cảnh tỉnh mỗi Ki-tô hữu hãy ý thức hơn trong việc kiến tạo quả đất ngày càng tốt đẹp và vững mạnh hơn mà Thiên Chúa đã tạo dựng, “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St1,28). Người Ki-tô hữu luôn là người tiên phong trong đời sống thường ngày bằng các việc làm thiết thực hữu hiệu nhất, mang lại lợi ích cho con người và thiên nhiên như những nhân chứng sống của Đức Ki-tô trong thời đại mới. Chúa cũng kêu gọi mỗi chúng ta “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này đòi hỏi mỗi chúng ta hãy biết nhìn nhận những lỗi lầm của mình mà ăn năn hoán cải, xin ơn thứ tha nơi nguồn mạch thương xót của Thiên Chúa.
Qua dòng thời gian, Giáo hội không ngừng mời gọi mỗi Ki-tô hữu hãy nhận ra sứ vụ của mình. Sau khi lãnh nhận bí tích Thanh tẩy, chúng ta nhận được hồng ân đức tin vào Chúa Giê-su, đấng đã chiến thắng cái chết và tội lỗi để phục sinh vinh hiển. Phép rửa tái sinh chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa, biến ta thành những chi thể của nhiệm thể Chúa Ki-tô. Trong sứ điệp Ngày Truyền Giáo Thế Giới 2019, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đưa ra sứ điệp: Được rửa tội và được sai đi – Giáo hội Chúa Ki-tô trong sứ mạng giữa thế giới. Một lời mời gọi hết sức thiết thực và cấp bách trong một thế giới đang bị bào mòn bởi các chủ nghĩa vô thần, và các lối sống văn hóa đang dần ăn mòn căn tính, sứ mệnh của mỗi người Ki tô hữu trong trách nhiệm đem tin mừng Chúa đến với muôn dân nước, “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,29).
Truyền giáo nghĩa là đem tin mừng tình thương đến với những người chưa nhận biết Thiên Chúa, để nhờ đó họ nhận ra được chân lý cứu độ và tình yêu mà Người dành cho con người nơi cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô. Tuy nhiên việc truyền giáo từ xưa tới nay không phải là công việc đơn giản, mà nó là một hành trình gian lao, thử thách, đầy gai chông trên bước đường của mỗi mục tử hay Ki tô hữu, cho nên đòi hỏi nơi mỗi chúng ta lòng yêu mến, cam đảm ra đi dứt khoát, ra đi và làm chứng cho Chúa trước những khó khăn, cạm bẫy, điều này khiến không ít người chán nản, thất vọng, mà không dám dấn thân trong sứ vụ rao giảng lời Chúa.
“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127). Một câu thánh vịnh hết sức tốt đẹp để nói lên sứ mạng của mỗi người Ki tô hữu trong việc đem lời Chúa đến với tất cả mọi người. Tuy vậy câu thánh vịnh cũng hàm chứa nhiều điều khiến mỗi người phải bình tâm ngẫm suy, một sự thổn thức không hề nhẹ chạm tới tâm can của mỗi con người. Sự hăng say phục vụ cánh đồng truyền giáo cũng có lúc thăng trầm, khó khăn và thử thách khiến cho mỗi người đôi khi cảm thấy tuyệt vọng, bị cô độc lẻ loi khi ít nhận được sự đồng cảm, quan tâm và giúp đỡ của những người có trách nhiệm cũng như mọi người chung quanh.
Tuy vậy chúng ta không bao giờ được tuyệt vọng trước những khó khăn và thử thách trước mắt, bởi đó là sự thử thách trong cánh đồng truyền giáo, để mọi người biết được niềm vui đích thực và bền vững chỉ dành cho những ai kiên trì, bền đỗ đến cùng. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn!” Thật vậy mỗi mục tử, Ki-tô hữu hay tất cả mỗi người đều mang hình ảnh Thiên Chúa, bản chất tốt đẹp, vị tha và thương mến nhau, cho nên chúng ta phải trở thành chứng nhân niềm vui của tình yêu để ban phát mọi nguồn ơn Thiên Chúa ban tặng mà sẻ chia với anh chị em đồng loại.
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau. Cho dù nó có quên thì Ta, ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Trên cánh đồng truyền giáo của mỗi người mục tử, việc ra đi dấn thân vào các môi trường mới thì thường khó khăn và nhiều thử thách cho mỗi vị linh mục, người được Chúa gọi và sai đi để phục vụ dân Chúa, và đem Tin mừng đến cho muôn dân nước. Một con người yếu đuối, mỏng dòn như bao người khác, cám dỗ luôn là kẻ thù lớn nhất trên bước đường rao giảng lời Chúa của mỗi linh mục. Điều này có khi làm chùn bước chúng ta bởi sự đau khổ nội tâm, cám dỗ thể xác luôn luôn làm cho chúng ta yếu đuối. Tuy vậy đối với Ki-tô hữu, chúng ta phải luôn sống trong hy vọng, lấy Đức Ki-tô làm trung tâm điểm của đời sống, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta trên mọi bước đường.
“Tôi trồng, anh Apolo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Tất cả mọi việc chúng ta làm đều có sự quan tâm, chở che của Thiên Chúa nếu chúng ta biết tín thác và hy vọng vào Người. Việc này đòi hỏi mỗi chúng ta phải có tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, qua cung cách sống hằng ngày của chúng ta đối với Thiên Chúa, tha nhân và thân nhân bằng các việc bác ái và liên lỉ cầu nguyện, như lời của Thánh tử đạo Phao-lô Lê Bảo Tịnh có nói: “Một nhà truyền giáo mà không quý trọng việc cầu nguyện thì lời rao giảng sẽ không thuyết phục”. Cầu nguyện như một công thức quan trọng của mỗi người để giúp chúng ta đi vào nguồn ơn thánh sủng, nơi đó ta được nói chuyện mật thiết với chính Thiên Chúa của ta, nơi chúng ta giãi bày biểu lộ tâm tư, nỗi khắc khoải của chính bản thân, từ đó kín múc nguồn ân sủng nơi Lòng Thương Xót Vô Biên của Thiên Chúa.
“Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17), thật vậy nếu chúng ta nói mà không làm thì chẳng đem lại kết quả gì. Tôi muốn mượn một câu truyện châm biếm trong kho tàng sách Việt Nam để liên tưởng về đức tin và việc làm. Câu chuyện nói về một người nằm dưới gốc cây sung, há miệng đợi trái trên cây rơi xuống miệng để ăn, nhưng đợi mãi chẳng có trái nào rơi vào. Anh này gọi một người khác nhờ bỏ sung vào miệng, nhưng lại gặp phải người cũng lười, nên thay vì lấy tay, người này lấy chân gắp sung bỏ vào miệng anh ta! Câu chuyện thật buồn cười về sự lười biếng của cả hai người. Câu chuyện trên cho ta một bài học về sự lười biếng, lười lao động, chỉ chờ ăn sẵn và kết quả nhận lại được là gì. Quả thật như Thánh Gia-cô-bê khẳng định “Đức tin không có hành động là đức tin chết”. Đúng vậy, muốn đạt được kết quả nào đó ngoài việc suy nghĩ, có ý tưởng, lên kế hoạch và đặt mục tiêu, nó còn đòi hỏi chúng ta phải hành động qua những việc làm thiết thực. Khi thể hiện đức tin qua hành động, Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn công chính hóa.
Truyền giáo cũng không phải là ngoại lệ, vì khi tin vào Thiên Chúa chúng ta phải sống đức tin đó qua các việc bác ái đối với mọi người trong môi trường sống, trong sự học tập, làm việc, để họ nhận ra gương mặt nhân hậu của Thiên Chúa đang sống nơi mỗi người chúng ta. Để đem lời Chúa đến với những người chưa nhận biết Người quả là một vấn đề khó khăn, thử thách và đầy gian nan, nhưng chúng ta phải có niềm tin vào Chúa như lời Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ khi Người hiện ra ở Ga-li-lê và sai các môn đệ đi đến với muôn dân, “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Người truyền giáo là người không ngại khó khăn, phải biết chấp nhận những gì mà Thiên Chúa ban cho mình, từ đó nảy sinh các hoa trái từ ơn ích đã được lãnh nhận mà ban phát cho mọi người chung quanh, không được chán nản, buồn phiền, và than trách dù cho người đời nhạo báng, chèn ép đến mức đường cùng hay bị cô lập khiến cảm giác bị bỏ rơi không ai quan tâm, chính những lúc đó Đức Ki-tô đang sống trong mỗi người để chúng ta chiêm niệm về Người nhiều hơn, thao thức hơn để đi vào cuộc đối thoại với Đấng mà ta muốn tuyên xưng nơi những môi trường chưa nhận biết Chúa.
Thay lời kết, xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho cánh đồng truyền giáo trong thời đại hôm nay, giữa một thời đại con người đang lao đao, khốn quẫn, mất bình an trong cuộc sống bởi họ không tìm đâu được hạnh phúc đích thực. Xin cho mỗi mục tử, Ki-tô hữu nhiệt thành phục vụ trong việc đem lời Chúa đến với mọi người, như lời thao thức của Chúa Giê-su “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49).