Khi nhắc đến nơi lạnh nhất trên trái đất, ta thường nghĩ ngay đến Bắc Cực với những cơn gió lạnh buốt và những tảng băng trôi khổng lồ. Tuy nhiên, có một nơi còn đáng sợ hơn, lạnh lẽo hơn mà không thể đo bằng nhiệt độ. Đó là cái lạnh của lòng người, cái lạnh của sự thiếu vắng tình thương, cái lạnh của bệnh vô cảm.
Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình người.
Bắc Cực với nhiệt độ có thể xuống dưới -50°C chỉ khiến cơ thể con người run rẩy trong khoảng một thời gian ngắn. Nhưng khi lòng người trở nên lạnh lùng, vô cảm, sự thương tổn mà nó gây ra có thể kéo dài cả đời người.
Những con đường dẫn đến trái tim nhau,
Giờ bị chôn vùi dưới lớp cát lãng quên.
Chúng ta vẫn tồn tại, nhưng không thực sự sống. (Sưu tầm)
Bệnh vô cảm không chỉ là một căn bệnh tâm lý mà còn là một thách thức tinh thần sâu sắc, làm suy yếu mối quan hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Nó ăn mòn tâm hồn một cách âm thầm, khiến con người dần trở nên thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi đau của tha nhân. Những câu chuyện đau lòng như người bị nạn không ai giúp đỡ, trẻ em bị bạo hành không ai quan tâm, hay người già neo đơn không ai chăm sóc đã trở thành những hình ảnh quen thuộc đến đau lòng.
Trong Thông điệp 'Fratelli Tutti' (Tất Cả là Anh Em) của Giáo Hoàng Phanxicô (2020) về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội đã khẳng định về tình yêu thương không biên giới cần phải được thể hiện cách cụ thể hoá trong cuộc sống hàng ngày, “Chúng ta đã thấy ập tới trên thế giới mình những bóng tối của thờ ơ và bạo lực, để phục vụ cho những lợi ích ti tiện của quyền lực, lòng tham và sự chia rẽ. Câu hỏi có thể là: phải chăng chúng ta sẽ bỏ nạn nhân và chạy đi để tránh bạo lực, hay chúng ta sẽ đuổi theo bọn cướp? Phải chăng nạn nhân đầy thương tích kia rốt cục là sự biện minh cho những chia rẽ không thể hòa giải của chúng ta, cho sự thờ ơ độc ác của chúng ta, cho những xung đột bên trong chúng ta” (Fratelli Tutti, số 72)
Dụ ngôn Người Samari Nhân Hậu ( x. Lc 10,29-37) là một minh chứng sống động về lòng trắc ẩn và tình thương dành cho người cùng loại khi đối diện với nỗi đau. Bài Tin Mừng kể về một sự việc trên con đường Giê-ri-khô, nơi có sự xuất hiện của ba nhân vật: thầy tư tế, biểu tượng của tầng lớp tôn giáo cao cấp trong xã hội Do Thái, người Lê-vi, đại diện cho những người phụ tá tôn giáo và có trách nhiệm gìn giữ lề luật, và cuối cùng là người Samari, một người bị người Do Thái khinh miệt và coi là ngoại đạo. Cả ba đều có những công việc riêng, những nơi cần đến trong ngày. Tuy nhiên, chỉ có người Samari nhân hậu, người bị coi thường nhất, đã gác lại mọi kế hoạch cá nhân, hy sinh thời gian và tâm sức để giúp đỡ người gặp nạn.
Cái “dành thời gian cho người khác” là một lời mời gọi chúng ta bước ra khỏi lịch trình cá nhân và những kế hoạch đã lên trong một thế giới quy kỷ. Đôi khi, chính những lý do biện minh cho sự ích kỷ hẹp hòi, không chính đáng khiến chúng ta đồng thanh xin kiếu, đánh mất cơ hội tham dự bữa tiệc nước Trời mai sau (x. Lc 14,15-24). Chính sự dửng dưng này là một biểu hiện của sự thiếu vắng lòng thương xót, và hơn thế nữa, đánh mất căn cốt của một con người phải có, xét về khía cạnh giá trị nhân bản cốt lõi.
Vậy đâu là nguyên nhân của bệnh vô cảm? Trước hết, đó là do sự suy giảm của các giá trị đạo đức và tinh thần trong xã hội. Con người ngày nay dễ dàng đánh mất lòng trắc ẩn và sự quan tâm đến người khác khi chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân. Cánh cửa đóng sập lại thật mạnh, khi lẽ ra trong khả năng có thể giúp đỡ một người đang cần đến miếng cơm dư thừa qua ngày, chiếc áo ấm mà bạn chưa mặc đến, một ly nước để giải khát.
Chúng ta vô tình đứng nhìn lương thực bị đổ đi trong khi nhiều người đang chịu đói, chúng ta bị cuốn vào xu hướng của nền văn hóa “dùng một lần rồi vứt bỏ” mà không mảy may suy nghĩ đến hậu quả. Bằng cách này một trào lưu tiêu thụ thuần túy xuất hiện và từ từ biến người Kito hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng, những kẻ bàng quan như ông phú hộ giàu có không tên trước sự chờ đợi của anh Ladarô khốn khổ. (x Lc 16,19-31)
Tiếp đến, sự phát triển của công nghệ thông tin. Dù mang lại nhiều tiện ích đa chức năng cho người dùng, lại vô tình khiến con người dần trở nên thờ ơ và lạnh lùng với thế giới xung quanh. Nhiều người cố tìm cho mình một thế giới ảo qua các nền tảng xã hội, dựng lên những bức tường vô hình ngăn cách khỏi sự kết nối chân thực và ý nghĩa với cộng đồng. Một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm và một lương tâm chai lỳ. Chính trong Thông điệp “Laudato Si'” (Chúc Tụng Chúa) của Giáo Hoàng Phanxicô (2015), người bày tỏ lòng thao thức cho công cuộc bảo vệ môi trường và nhấn mạnh đến lối sống thờ ơ với người đau khổ và nghèo khổ, “Sự ảo tưởng này đóng vai trò như một giấy thông hành để tiếp tục với lối sống, các mô hình sản xuất và tiêu thụ hiện tại của chúng ta. Đây là cách thế mà con người đang lập mưu để nuôi dưỡng những tệ nạn mang tính tự phá huỷ: cố gắng không nhìn thấy, không nhận biết chúng, trì hoãn những quyết định quan trọng và giả vờ như không có gì xảy ra.” (Laudato Si', số 59).
Cuối cùng, áp lực cuộc sống hằng ngày với những gánh nặng công việc, trách nhiệm gia đình, và sự cạnh tranh không ngừng trong xã hội khiến con người dần đánh mất đi sự tin tưởng lẫn nhau. Trong sự vội vã và lo toan, lòng người trở nên khép kín và thiếu đi sự sẻ chia, đồng cảm. Nhiều người dễ rơi vào tình trạng cô lập, tạo ra những vỏ bọc an toàn cho bản thân, sợ rằng nếu mở lòng ra, họ sẽ phải đối diện với những tổn thương hoặc thất bại, hay nói cách khác “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ mang phần đến cho.” (Tục ngữ VN)
Câu hỏi được đặt ra làm sao chúng ta có thể nâng tầm nhìn lên để nhận ra những người thân cận của mình, hay giúp đỡ những người gục ngã trên đường? Chúng ta có thể dễ dàng lướt qua họ, rồi thốt lên những lời an ủi đầy thương cảm nhưng đủ tiếc nuối như “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? (Gc 2,16). Đây chính là câu hỏi thách thức chúng ta, vì “đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14).
Để trả lời, trước tiên chúng ta cần phải “Nhập cuộc”, chúng ta không đứng ở ngoài khoanh tay, hay đứng từ xa xa quan sát, chỉ đạo. Nhưng thiết nghĩ, việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ không chỉ dừng lại ở lời nói, mà đòi hỏi được chứng thực qua hành động cụ thể, qua việc nhận ra Đức Kitô nơi những kẻ hèn mọn nhất, nơi những con người cần đến sự giúp đỡ, và coi người đó như chính là Chúa đang đến với chúng ta lúc này đây. Chỉ khi chúng ta biết nhìn thấy và phục vụ Chúa trong những anh chị em bé nhỏ, nghèo khổ, chúng ta mới thực sự sống đúng với lời mời gọi yêu thương của Tin Mừng và trở nên nhân chứng sống cho đức tin của mình. Quả vậy, lời tuyên xưng đức tin mà không có tình yêu thì chỉ có cái vẻ bề ngoài chứ không phải là đức tin đích thực. “Nếu không có đức ái, tức là hành động đức tin, thì dù có tuyên xưng đức tin cũng chỉ là hão huyền. Nhưng nếu được đức ái thúc đẩy, thì những lời tuyên xưng ngoài miệng của chúng mới thực sự trở nên hữu hiệu. Hành vi đức tin là một hành vi mang tính hiện sinh cá nhân hướng về Thiên Chúa” (x. Dermot Late, Kinh nghiệm về Thiên Chúa, biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, Nxb. Phương đông, tr, 118.)
Thứ hai, sự sẻ chia niềm vui ơn cứu độ không mang bộ mặt u sầu hay gượng ép, mà xuất phát từ một tâm hồn tràn đầy niềm vui và sự tự nguyện. Đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc phải làm, mà là một lời mời gọi để sống và lan tỏa niềm vui của Tin Mừng. Một nụ cười, một lời hỏi thăm chân thành hay một hành động nhỏ bé nhưng xuất phát từ tình yêu thương cũng đủ để sưởi ấm trái tim người khác, và đồng thời, cũng chính là cách thế mà chúng ta tìm thấy hạnh phúc đích thực cho chính mình.
Chúng ta được mời gọi để loại bỏ men cũ – những thói quen ích kỷ, sự lạnh lùng và vô cảm – để tất cả bột dậy men, rượu mới trong bầu da mới (x. 1 Cr 5,7a; Mt 9,17). Khi khoác lên mình con người mới trong Đức Kitô, chúng ta không chỉ sống cho riêng mình mà còn sống vì người khác, với tình yêu thương và lòng bác ái. Chỉ khi tiến gần đến tha nhân, chúng ta mới thực sự khám phá ra chiều sâu của chính bản thân mình. Chỉ khi vượt qua ranh giới của cái tôi hạn hẹp, chúng ta mới tìm thấy sự giải thoát và cảm nghiệm trọn vẹn con người mình theo ý muốn của Thiên Chúa.
Qua việc hiện diện với người khác, qua việc bước ra khỏi vỏ bọc của chính mình để phục vụ và yêu thương tha nhân, bản chất đích thực của chúng ta mới được bộc lộ và tái sinh. Đó là cuộc hành trình xuất hành – rời khỏi sự ích kỷ của bản thân – để trở về với nguyên bản tinh tuyền mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho mỗi người ngay từ thuở ban đầu (x.St 1,31).
Cuối cùng, chẳng điều gì nhỏ bé mà vô công ích trước mặt Thiên Chúa, không một hành vi yêu mến nào sẽ bị mất đi, không một cố gắng quảng đại nào là vô nghĩa, không một sự chịu đựng đau đớn nào bị phí phạm. Xin cho chúng ta biết xây dựng cho mình một đời sống cầu nguyện. Vì khi nguyện cầu, trái tim của chúng ta trở nên nhạy cảm hơn trước những nỗi thống khổ của người khác, giúp chúng ta không chỉ nhìn thấy mà còn cảm nhận được nỗi đau và sự khó khăn của họ. Vì “Chúng ta không thể ủng hộ một lý tưởng về sự thánh thiện mà lại thờ ơ trước những bất công của thế giới này, trong đó một số người thì chè chén say sưa, tiêu xài hoang phí và chỉ biết mua sắm, hưởng thụ những món hàng mới nhất, trong khi đó những người khác chỉ đứng nhìn từ xa, và sống trọn cuộc đời mình trong cùng khổ.” (Gaudete et Exsultate, của ĐGH Phanxico, 2018 số 101).