Trải qua hơn 12 năm trong chốn lao tù Cộng Sản, tôi có chút kỷ niệm về “ngôi sao lạ”. Đó là lễ Giáng sinh năm 1982, ở trại tù Nam Hà (Hà Nam Ninh, Bắc Việt) tôi cùng một người bạn tù, anh Phạm Tấn Mới (trước đây ở The Colony, Texas nay đã rời về Chicago) là người vừa ở trại kiên giam Mễ ra, nảy sinh ý định là làm một đèn ngôi sao trong dịp lễ Giáng Sinh. Tôi nghĩ đó là ý kiến khá táo bạo vì nếu cán bộ Cộng Sản phát hiện ra tác giả thì việc đi cùm một chân trong nhà kỷ luật, tức là bị “kiên giam” là điều chắc chắn. Chúng tôi phải mất một tháng cho dự án nguy hiểm này vì phải đi tìm kiếm vật liệu như giấy màu, dây buộc và tre, làm được nửa chừng cũng phải đem đi giấu. Phòng giam của chúng tôi có một lỗ trống vuông độ một thước trên trần nhà, nên chúng tôi khai thác giấu “ngôi sao” vào chỗ đó khi làm chưa xong sau nhiều công đoạn, để tránh con mắt bọn “quản giáo”, và một cây dương được chặt sẵn đem về ngụy trang để cạnh cửa sổ bên ngoài buồng giam. Tối đêm Noel lấy đèn sao xuống treo vào ngọn điện của buồng giam, buồng số 7, rút một cây dương nhỏ vào trang trí làm cây thông Noel. Sau đó, một số ít tù nhân Công Giáo quần tụ lại bên nhau, thầm lặng đọc kinh, hát thánh ca vừa đủ nghe dưới ngôi sao Giáng Sinh, với chút ít bánh trái của gia đình tiếp tế trong các dịp thăm nuôi đầy khó khăn. Không có linh mục tuyên úy ở chung buồng, chúng tôi mời một vị chức sắc Tin Lành, Mục sư Dương Kỳ chia xẻ về ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh và nhờ Thượng tọa Thích Thanh Long, Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật giáo, một bậc chân tu trong tù ai cũng kính trọng, “giảng thuyết” về cuộc sinh hạ của Chúa Giê Su, ý nghĩa “ngôi sao lạ”, cây thông v.v…Tối hôm đó Thượng tọa Thích Thanh Long nói rất hay, khiến nhóm nhỏ người Công Giáo trong buồng giam cũng thấy cảm động và ghi nhớ mãi. Mọi sự xảy ra tốt đẹp. Chính kỷ niệm đó đã gợi hứng cho tôi trong việc tìm kiếm một số tư liệu gặp thấy trên sách vở nghiên cứu để hình thành nên bài viết sau đây.
Trong sách Tân Ước Thánh sử Mát-Thêu nói về ngôi sao lạ như sau:
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Vidimus stellam ejus in oriente et venimus adorare Eum” Mát-thêu 2: 1-2).
Khi định nghĩa về văn chương, học giả Phan Kế Bính đã cho biết : “văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng”, vậy thì thiên văn 天 文 sau những danh từ kép như thiên nhiên, thiên tượng, thiên thể, thiên quốc, thiên mệnh v.v… sẽ phải được định nghĩa như là vẻ đẹp của trời đất, mà đẹp nhất trong mùa giáng sinh đối với người Kitô Hữu đó là hiện tượng ngôi sao lạ được Thánh sử Mát-thêu nói tới trong sách Tin Mừng của người.
Ngôi sao lạ là một hiện tượng phổ biến trong nền văn chương Ki-Tô Giáo nhất là từ khi Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226) thường gọi Thánh Phanxicô Khó Khăn có sáng kiến làm hang đá vào dịp Lễ Giáng Sinh từ thế kỷ XII và sau đó lan tràn khắp thế giới.
Tại Giáo Phận Huế có Linh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978) là người có nhiều tài năng, nhất là làm thơ và soạn nhạc thánh ca. Trong tập thơ Sảng Đình Thi Tập của linh mục do Giáo sư Đoàn Khoách biên soạn có bài hát “Ngôi Sao Lạ” ca được theo điệu Đăng đàn cung vốn là phần nhạc khi cử quốc thiều của Triều Nguyễn (Thanh Tịnh xb, California, USA, 2001, trang 112-114).
Bài hát ấy như sau:
Vidimus stellam ejus in oriente…
Lạ lạ lạ kìa áng (quang) hào quang
Vầng sao mới rực rỡ huy hoàng!
Rạng ngời trong đêm mờ mịt,
Đêm mờ mịt rày bóng đà tan.
Điềm Thiên Chúa hạ giáng nhân hoàn,
Nghiệm lời Thánh kinh đà nghiệm,
Nay đà nghiệm (phân) mười phân,
Chính sao dòng Gia-cọp,
Đêm mờ mịt rày bóng đà tan.
Et venimus adorare Eum…
Lòng khoan khoái vội bước lên đường,
Lạnh lùng xa xuôi nào ngại.
Muôn ngàn dặm dầm tuyết giày sương,
Từ quê vức vượt núi băng rừng,
Một lòng quyết cho tìm đặng,
Lo tìm đặng Chúa lòng thương, Bước ta cùng gắng bước,
Lo tìm đặng Chúa lòng thương, Bước ta cùng gắng bước,
Muôn ngàn dặm dầm tuyết giày sương.
Surge, illuminare, Jerusalem, quia venit lumentuum, et gloria Domini super te orta est…
Dậy dậy dậy! Thành thánh Jérusalem!
Nầy ơn Chúa giọi sáng êm đềm,
Một vùng vinh quang ngời rạng,
Cung và điện rực rỡ càng thêm
Đoàn xe giá chật trước sân thềm,
Một nhà cháu con vầy mặt,
Vui vầy mặt xem kìa xem,
Bốn phương đều đua đến,
Xe và ngựa nêm đường nêm,
Lễ hương vàng dâng tiến,
Vàng lời nguyện nhà Chúa ngày đêm.
Et tu, Bethlehem, nequaquam minima es in principibus Juda;
ex te enim exiet dux qui regat populum meum Israel…
Lời Kinh thánh, lại chỉ đem đàng,
Nọ thành Bethleem hèn mọn,
Nơi hèn mọn đầy yếng hào quang,
Nầy hang đá, một Trẻ đơn hèn,
Nệm nằm nắm rơm và rạ,
Rơm và rạ ôi (sang) giàu sang.
Yếng sao mầu soi đến,
Rơm và rạ ôi (sang) giàu sang,
Yếng sao mầu soi đến,
Nơi hèn mọn đầy yếng hào quang.
Quia melior est dies una in atriis tuis super millia. (Ps. 83)
Ngày ơn phước nặng giá muôn vàn,
Một ngày hơn trăm ngàn vạn,
Hơn ngàn vạn ngày phước trần gian;
Vì trông thấy mặt Chúa thiên đàng,
Gội nhuần ơn quang mầu nhiệm.
Tâm hồn đặng (an) bằng an,
Trí khôn đầy ánh sáng,
Tâm hồn đặng (an) bằng an,
Trí khôn đầy ánh sáng,
Hơn ngàn vạn ngày phước trần gian.
Et procidentes adoraverunt Eum;
et apertis thesauris suis, obtulerunt ei munera aurum, thus et myrrham.
Quì dâng hiến một lễ phi thường,
Nọ vàng, nhũ hương, mộc-dược,
Hương, mộc-dược cùng tấm lòng đơn.
Vàng yêu mến, dạ mến khôn lường,
Một đời đắng cay mộc-dược,
Thêm lời nguyện như (hương) mùi hương,
Chúa Hài Đồng thương đoái,
Thêm lời nguyện (hương) mùi hương,
Chúa Hài Đồng thương đoái.
Trong cuốn ĐỨC GIÊ-SU, CUỘC ĐỜI VÀ THỜI ĐẠI, viết bằng tiếng Anh (Jesus and His times) của sáu tác giả người Mỹ, Charles Bricker, Lionel Casson, Charles Flowers, Wendy Murphy, Bryce Walker, Bernard Weisberger do Nguyễn Ước dịch, có viết rằng: “Khi Đức Giê-su ra đời, chúng ta được kể về Các Nhà Chiêm Tinh – (còn gọi là nhà thông thái, đạo sĩ, hoặc theo truyền khẩu, ‘các vua’) – “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt. 2:1-2) Mát-thêu không diễn tả đầy đủ ngôi sao mà Các Nhà Chiêm Tinh đi theo, ngoài việc mô tả nó là một hiện tượng lạ lùng. Nó là ngôi sao chuyển động thẳng phía trước Các Nhà Chiêm Tinh và dừng lại ngay trên ngôi nhà Đức Giê-su ở. Những nhà khảo cứu bằng chứng lịch sử thấy chẳng có gì ăn khớp. Không có chỉ dấu nào về một ngôi sao chỗi lớn xuất hiện cách tự nhiên vào thời Đức Giê-su ra đời, dù người ta có thể thấy sao chỗi nổi tiếng Ha-lây vào năm 12 trướcCông Nguyên. Nhiều sao chổi xuất hiện suốt lịch sử theo chu kỳ đều đặn đáng tin nhưng hiếm khi xảy ra chuyện chúng có vẻ báo điềm lạ hoặc điềm xấu.” (Nhà xb. Văn hóa Thông Tin, 2003, trang 45). Đọc tiếp đoạn dưới, các tác giả này viết: “Một số người suy đoán Mát-thêu, vốn không phải chiêm tinh gia, đã có thể dễ dãi diễn tả hiện tượng đặc biệt đó cách giản dị là ‘một ngôi sao’.” (trang 46).
Quả thật, các tác giả người Mỹ trên đây đã hời hợt không biết Mát-thêu đưa ra tín hiệu nào về “một ngôi sao”, nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh của Công Giáo, Chính Thống Giáo hay Tin Lành chắc chắn là phải biết ý nghĩa của ba chữ “một ngôi sao” là muốn nói điều gì.
Trong sách The Catholic Study Bible, các nhà chú giải Kinh Thánh đã viết: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người: đây là một niềm tin cũ mang tính phổ quát là một ngôi sao mới đã xuất hiện vào thời có một đấng thống trị sinh ra. Mát-thêu cũng trích dẫn câu chuyện của Balaam trong Cựu Ước, người đã nói tiên tri rằng ‘một ngôi sao sẽ xuất hiện từ Gia-cóp’ (Dân số, 24, 17), mặc dầu ở đó ngôi sao không có nghĩa là một hiện tượng thiên văn mà chỉ một ông vua.” (Oxford University, 2006, trang 1254).
Trong cuốn The Orthodox Study Bible, các học giả Kinh Thánh đã viết về “ngôi sao lạ” như sau: “Ngôi sao nói lên ý nghĩa quan trọng khác thường của việc hạ sinh Chúa Cứu Thế Hài Nhi. Trong thời cổ đại ngôi sao tượng trưng cho một vị thần, một quân vương được thần hóa (Dân số 24:17). Ngôi sao này là dấu hiệu của chính Đấng Messia, có nghĩa là ánh sáng Người sẽ soi chiếu trên thế gian.” (Nhà xb. Thomas Nelson Publishers, Nashville, Tennessee, 1993, trang 6).
Trong sách Dân Số của Cựu Ước, Balaam là một tiên tri ngoại giáo đã nói: “… một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp” (Dân số 24: 17) tức là nói trước về sự sinh hạ của Đấng Cứu Chuộc qua “ngôi sao lạ”, thì việc ba nhà chiêm tinh, đạo sĩ hay ba vua ở phương Đông nhờ ánh sao chỉ đường mà có thể tìm tới thờ lạy Hài Nhi Giê- su quả là một biến cố mang ý nghĩa trọng đại.
Theo từ nguyên, Magi là tiếng Hy lạp có nghĩa là các nhà thông thái, các đạo sĩ hay ba vua theo truyền thống của Hòa Lan, Đức và kể cả Việt Nam. Tại các quốc gia Âu châu lễ ba vua được tổ chức rất lớn. Các nhà thông thái này là những người có thể xuất phát từ Ba Tư, Babylon hay Ả-rập đến bái lạy trẻ Giê-su là Đấng Thiên Sai. Tiếng Hy lạp dùng trong Mát-thêu chỉ các nhà thông thái được dịch ra tiếng Anh là các nhà chiêm tinh. Dõi theo một ngôi sao, họ từ phương Đông tìm đến Bethlehem với các lễ vật là vàng, nhũ hương và một dược. Tại sao họ đến từ phương Đông? Đọc trong Cựu Ước chúng ta thấy Abraham là tổ phụ dân Do Thái, được Thiên Chúa gọi từ miền Ur tức phía đông đất nước Do Thái hiện nay, rồi đi tới một miền đất mới. Khi tổ phụ Abraham ra đi khoảng thế kỷ 18 trước C.N, bà con của ông còn lại ở vùng Ur rất nhiều cho nên các nhà chiêm tinh có thể là hậu duệ của Abraham trong nhiều sắc dân ở phương Đông. Tổ phụ Abraham từ Ur tiến lên phía bắc dọc theo sông Euphrates qua Larsa, Erech hoặc Nippur tới Babylon lên Sippar… rồi hướng về phía tây đi tới đất Canaan. Một vài câu chuyện truyền thống cũ đã nối kết các nhà chiêm tinh này với Zoroaster và truyền thống này còn tồn tại khi khoảng năm 614 quân đội xâm lăng Ba Tư chừa lại Thánh đường Giáng sinh của Giáo đoàn Thánh Justinian mà không triệt phá vì ở đó có một thánh tích là trang phục Ba Tư của một trong ba nhà chiêm tinh được cất giữ ở đó. Nhà thần học Tertullian của thế kỷ thứ hai nhắc nhở các nhà chiêm tinh như là những vị vua và đến thế kỷ thứ sáu thì truyền thống này được phổ biến rộng rãi. Nhà thần học Origen trong thế kỷ thứ ba cho rằng các vị vua đó là những nhà thông thái, cho đến thế kỷ thứ sáu họ được gắn cho các tên là Caspar, Melchior, và Balthasar. Trong thời Trung Cổ, các nhà chiêm tinh này được coi như là các vị thánh và các thánh tích của họ được Frederick Barbarossa đưa về Giáo đường Cologne năm 1162 (Theo Who’s Who In The Bible của Joan Comay và Ronald Brownrigg, 1971, trang 262).
Trong đại tác phẩm Catena Aurea của Thánh Thomas Aquinas nhằm thu tập lại tất cả các đoạn văn từ những tác phẩm của các Giáo Phụ (hơn 88 vị trong lịch sử của Giáo Hội) như là những chú thích của họ đối với bộ Tân Ước, người ta đọc thấy Remigius, linh mục tu sĩ của Auxerre, năm 880, cho biết xuất xứ của các vị đạo sĩ như sau: “ REMIG. It should be known, that opinions vary respecting the Magi. Some say they were Chaldaeans, who are known to have worshipped a star as God; thus their fictitious Deity shewed them the way to the true God. Others think that they were Persians; others again, that they came from the utmost ends of the earth. Another and more probable opinion is, that they were descendants of Balaam, who having his prophecy, There shall rise a Star out of Jacob, as soon as they saw the star, would know that a King was born.” (Catena Aurea, ST. Thomas Aquinas, Edited by John Henry Newman, Volume I Gospel of St. Matthew Parts 1 & 2, USA, Second Reprinting, 2009, trang 62). Tạm dịch: “Remig. Cần phải biết rằng có nhiều ý kiến khác biệt liên quan đến các nhà đạo sĩ. Một vài người nói rằng họ là người xứ Can-đê nổi tiếng vì thờ một ngôi sao như là Chúa của họ, nhờ vị Chúa hư cấu đó đã chỉ cho họ đến với vị Chúa thật. Những người khác nghĩ rằng họ là người Ba Tư; các kẻ khác một lần nữa cho rằng họ đến từ những miền tận cùng trái đất. Kẻ khác với ý kiến cho rằng họ là hậu duệ của Balaam, người đã nói tiên tri rằng, Sẽ mọc lên một vì sao Gia-cóp, khi họ vừa thấy ngôi sao, liền biết rằng một vì Vua đã sinh ra.”
Con đường của tổ phụ Abraham đi từ Ur tới Canaan cũng được Stephen M. Miller vẽ lại qua một bản đồ trong tác phẩm The Complete Guide To The Bible bán hơn 700,000 ấn bản (Barbour Books, An Imprint of Barbour Publishing, Inc, 2007, trang 17). Cũng trong sách này tác giả Miller dự đoán con đường các vị đạo sĩ đi phải hơn một nghìn dặm và phải mất từ một đến hai năm, nghĩa là lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã lên một, hai tuổi. (Sách đã dẫn, trang 305)
Linh mục Dwight Longenecker trong cuốn sách có tên “Mystery of the Magi, The Quest To Identify The Three Wise Men” (Bí mật của Ba Vua, Nỗ lực tìm ra căn cước ba vị đạo sĩ) nói một cách quả quyết rằng: “Cuốn sách ‘Bí ẩn của các Đạo Sĩ của tôi đã được xuất bản cách đây vài năm, và trong đó tôi đưa ra hai tuyên bố đáng ngạc nhiên: Thứ nhất, các đạo sĩ thực sự hiện hữu… Câu chuyện này không phải là một chuyện cổ tích được thêu dệt ra bởi Giáo Hội sơ khai. Thứ hai, các đạo sĩ đến từ vương quốc láng giềng Nabatea - quốc gia thương mại có lãnh thổ bao trùm các quốc gia ngày nay là Jordan, Syria, Ả Rập Saudi, Yemen và vùng sừng Phi Châu. Dưới đây là một số gạch đầu dòng trong luận điểm của tôi:
Thánh Matthêu nói đó là “Từ phương Đông”. Trong Cựu Ước, “người phương Đông” gần như luôn luôn là những bộ lạc khác nhau sinh sống trên bán đảo Ả Rập. “Những người từ phương Bắc” là người Babylon - Người Ba Tư – vào thời kỳ Chúa Giáng Sinh được gọi là người Parthia.
Thánh Matthêu đang viết thư cho những người Do Thái ở Giuđêa. “Phương Đông” đối với họ là kiểu nói tắt đề cập đến Ả Rập KHÔNG PHẢI Ba Tư.
Chỉ khi trung tâm của Giáo Hội di chuyển theo hướng Bắc và Tây sau khi Giêrusalem thất thủ vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh thì “Phương Đông” mới được cho là Ba Tư / Babylon / Parthia.
Trong lịch sử, các đạo sĩ là một giai cấp bao gồm các pháp sư, các chiêm tinh gia, học giả và “nhà thông thái” đến từ Babylon, nhưng vào thời điểm Chúa Giáng Sinh, họ đã được lan truyền khắp thế giới cổ đại nên Thánh Matthêu sử dụng “Magi” như một thuật ngữ chung để chỉ những nhà tư vấn giỏi cho một triều đình. Hầu hết các vị vua trong thế giới cổ đại đều có các chiêm tinh gia, thầy bói, người giải mộng và các pháp sư.”
Từ khảo cổ học, chúng ta biết rằng tôn giáo của người Nabatea là tôn giáo liên quan đến các vì sao. Các ngôi đền của họ thẳng hàng với các vì sao và chuyển động của mặt trời và một cung hoàng đạo chạm khắc bằng đá đã được phát hiện tại ngôi đền Nabatea tại Khirtbet et Tannur. Các Đạo Sĩ người Nabatea là những người ngắm sao.
Tôn giáo của người Nabatea là sự pha trộn giữa Do Thái giáo, tôn giáo của các bộ lạc Ả Rập du mục và tôn giáo bao gồm cả đạo Zoroast. Cả ba hệ thống tôn giáo đều có những tiên đoán về một Đấng Mesia sắp đến. Các đạo sĩ Nabatea hẳn đã biết những lời tiên tri của Zoroast cũng như những lời tiên tri trong kinh thánh Do Thái.”
Nabatea là một quốc gia buôn bán - họ lấy hàng hóa từ các con tàu cập cảng Yemen và vận chuyển chúng bằng các đoàn lạc đà băng qua sa mạc Ả Rập đến cảng Gaza của Địa Trung Hải và phiá Tây đến phần còn lại của Đế quốc La Mã. Họ cũng chạy các tuyến đường thương mại từ Nam sang Phi Châu và Bắc vào Syria và Parthia. Thành ra, họ đại diện cho “mọi quốc gia” như đã được tiên tri trong chương 60 sách Tiên tri Isaia.” (Mười hai lý do tại sao các đạo sĩ là người Ả Rập chứ không phải là người Ba Tư, bản dịch Việt ngữ của Kim Thúy, Vietcatholic).
Linh mục Dwight Longenecker lớn lên trong một gia đình theo giáo phái Evangelical ở Pennsylvania. Sau khi tốt nghiệp Thần học Căn Bản từ trường Đại Học Bob Jones với học vị về Ngôn Ngữ và Anh Văn, người theo học thần học ở Đại Học Oxford và được thụ phong linh mục Anh Giáo, phục vụ như một tuyên úy trường học ở Cambridge, và là một cha xứ thuộc một giáo xứ thôn quê ở The Isle of Wight. Nhận thấy Giáo hội Anh Giáo và bản thân người đang đi trên những con đường khác biệt nhau, nên năm 1995, người cùng gia đình trở lại Giáo Hội Công Giáo. Trong suốt 10 năm người sống ở Anh Quốc với nghề cầm bút với những sinh hoạt bác ái. Năm 2006, người được phép đến Hoa Kỳ và được thụ phong là một linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo. Bây giờ người đang phục vụ trong cương vị là một Cha Sở Nhà Thờ Mân Côi (The Rosary Church) ở Greenville, South Carolina. Tháng 11 năm 2017, Linh mục Dwight Longenecker xuất bản cuốn sách “The Mystery of the Magi” giải mã sự bí mật về các nhà đạo sĩ, và hiện nay cha đang viết một cuốn sách về các Thiên Thần. Tác phẩm “The Mystery of the Magi, The Quest To Identify The Three Wise Men”“, 210 trang, là một cuốn sách biên khảo sử học tôn giáo có giá trị cần đọc trong mùa lễ Giáng sinh.
Theo linh mục Dwight Longenecker, Thánh Bede Khả Kính viết vào những năm đầu thế kỷ thứ tám ở Anh, đã suy tư về nguồn gốc quốc tế của ba vị đạo sĩ cũng có thể hiểu là ba con trai của ông Noah, như truyền thống kể lại, đã sinh sôi này nở trên khắp địa cầu và họ chính là nguồn gốc của ba giống người căn bản. Vị thánh này đã tóm tắt câu chuyện về ba nhà đạo sĩ như sau: “Các vị đạo sĩ là những người đã mang quà tặng đến cho Chúa. Vị thứ nhất được gọi là Melchior, một người già cả có tóc trắng và râu dài… dâng vàng cho Chúa như một vì vua. Vị thứ hai, tên gọi Gaspard, trẻ và không có râu, nước da mầu đỏ dâng Chúa nhũ hương như lời cầu nguyện thánh thiêng. Vị thứ ba, với nước da đen và râu rậm, tên gọi Balthasar,… dâng một dược ý chỉ Con Người sẽ phải chết.” (trang 33). Ở trang tiếp vị linh mục này còn cho biết theo Gioan viết, ngôi sao sáng như mặt trời. Melchior đã trải cuộc hành trình từ Nubia và Arabia, Balthasar từ Godolia và Saba, còn Caspar đến từ Tharsis và Egrisoulle. Mỗi ông vua với một đoàn tùy tùng hoành tráng đã đi theo ngôi sao trong mười ba ngày.
Ý nghĩa của ba lễ vật vàng (gold), nhũ hương (frankincense) và một dược (myrrh) được các nhà chiêm tinh dâng lên Chúa Hài Nhi mang nhiều yếu tố cao cả đặc biệt: vàng, tượng trưng cho uy quyền của vị quân vương, nhũ hương chỉ sự thánh thiêng thơm ngát chốn cung điện và một dược tượng trưng phẩm liệu ướp xác người quyền quý khi họ mất.
Để chú thích các chữ “vì sao của Người” mà Thánh Mát-Thêu viết trong Tin Mừng trích dẫn ở đầu bài viết này, Giám Mục Frederick Justus Knecht, D.D. trong tác phẩm A Practical Commentary on Holy Scripture, ấn bản đầu tiên bằng tiếng Đức ra mắt năm 1883, được tái bản ở Đức mười sáu lần, ấn bản tiếng Anh năm 1894, đã viết như sau: “His star. This star which the Magi, before they left their home, had seen rising in the direction of Judaea, and therefore in the west, was no ordinary star, for it “went before them” from Jerusalem to Bethlehem, and there stopped over the house where the Child Jesus dwelt. It was, we may suppose, a sort of meteor, an appearance of light in the form of a star, of an extraordinary and brilliantdescription. The holy bishop of Antioch, Ignatius, a disciple of the Apostle St. John, thus writes about it in his epistle to the Ephesians: ‘A star appeared in the heavens which eclipsed all the other stars; its light was indescribable, and its novelty caused astonishment’. The holy kings who, full of faith, were waiting for the promised Saviour, by divine inspiration recognized this star to be the sign which was to herald the Birth of the Messias; therefore they called it His star.” (TAN Books, Charlotte, North Carolina, 2003, trang 465).
Tạm dịch: “Ngôi sao của Người. Ngôi sao này, mà các nhà đạo sĩ, trước khi họ rời nhà của họ, đã mọc lên chỉ hướng Judaea và bởi vậy ở về hướng tây, không phải là một ngôi sao bình thường, vì nó “đi trước họ” từ Jerusalem đến Bethlehem và đã dừng lại trên ngôi nhà có Trẻ Giêsu trú ngụ. Chúng ta có thể đoán rằng đó là một loại thiên thể, một vầng sáng xuất hiện dưới hình thức một vì sao lạ thường và sáng láng khi miêu tả. Thánh giám mục của Antioch, Ignatius, học trò của Thánh Tông Đồ Gioan, đã viết về nó trong một thư gửi cho các tín hữu Ê-phê-sô như sau: ‘Một ngôi sao xuất hiện trên bầu trời che khuất các vì sao khác; ánh sáng của nó không thể diễn tả được và câu chuyện của nó gây ra sự ngạc nhiên’. Các vị vua thánh thiện, tràn đầy đức tin, đã trông chờ vị Cứu Thế được hứa hẹn và nhờ nguồn cảm hứng thánh thiêng đã công nhận ngôi sao này là dấu chỉ báo trước cuộc Sinh hạ của Đấng Messia; vì thế họ gọi nó là ngôi sao của Người.”
Đã có nhiều nỗ lực trong việc giải thích nguồn ánh sáng tích tụ lại qua sự chiếu sáng khác thường của ngôi sao lạ, cũng được các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi là “Ngôi sao Bê Lem” (Star of Bethlehem). Trong cuốn sách Archaeological Study Bible, An Illustrated Walk Through Biblical History And Culture, nhà xuất bản Zondervan, do nhóm Walter C. Kaiser và Colman M. Mockler chủ biên, 2005, trang 1560 có ghi “đó không phải là một ngôi sao bình thường, một hành tinh hay một ngôi sao chổi, mặc dù một vài nhà chú giải đã nói nó là một sự phối hợp của Jupiter và Saturn hoặc với một vài hiện tượng thiên văn khác.”
Trong cuốn sách của Stephen M. Miller đã được trích dẫn ở trên, tác giả này cho biết khoảng một nghìn năm lại có hiện tượng Jupiter và Saturn cùng với trái đất nằm trên một đường thẳng ba lần trong chỉ một năm. Vào năm 7 BC, một vài nhà chiêm tinh đã ước đoán chúng nằm trên một trục thẳng trong giải sao Pisces. Theo hệ thống tử vi cổ Trung Đông, Jupiter tượng trưng cho các vị vua, Saturn tượng trưng người Do Thái và Pisces (“con cá”) là quê hương Do Thái. Chính sự hội ngộ của ba luồng sáng hiếm hoi này có thể đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Israel tìm chiêm bái vị vua mới sinh. (trang 304) Cũng trong cuốn sách này, Miller đã ghi lại lộ trình của ba nhà chiêm tinh khởi sự từ Susa đi qua Babylon dọc theo sông Euphrates theo về hướng tây, đối diện với Caesarea Philippi vòng xuống Capernaum tới núi Tabor đi dọc xuống hữu ngạn sông Jordan.
Trong bài hát “Ngôi sao lạ” của Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích mà chúng tôi đã nêu lên ở phần đầu của bài viết này, có hai chữ mộc dược được vị học giả này dùng để chỉ một trong những báu vật ba vị đạo sĩ dâng lên cho Chúa Hài Đồng ngoài hai món vàng và nhũ hương. Chúng tôi muốn dừng lại đây và thử hỏi nên dùng hai chữ mộc dược 木 藥 hay một dược 沒 藥? Chúng tôi đã tra các tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Văn Khôn, Gustave Hue mà không thấy hai chữ này, chỉ có chữ dược thảo mà sách của Đào Duy Anh có chua thêm tiếng Pháp là plantes pharmaceutiques, còn sách của Gustave Hue ghi thêm là plantes médicinales. (id. végétaux). Không bằng lòng với những gì có trong tay, chúng tôi tìm thêm trong cuốn Pháp-Việt Từ-Điển của cụ Đào dày cộm có tới 1960 trang khổ lớn và thấy ghi: “Myrrhe n.f. (Thực) Nhựa cây mật nhi lạp 密 兒 拉 thường gọi là một-dược . 沒 藥”(Đào Duy Anh, Pháp-Việt Từ-Điển (Chú thêm chữ Hán) Dictionnaire Francais – Vietnamien, In lần thứ hai, Deuxième Édition, Minh-Tân, Paris, 1951, trang 1120).
Cũng trong tác phẩm A Practical Commentary on Holy Scripture này có ghi chú chữ một dược như sau: “Myrrh. This is a bitter though sweet-smelling resin which is laid on the bodies of the dead to preserve them from corruption.” (trang 466) Tạm dịch: “Một dược. Đây là một thứ nhựa cây đắng mà có mùi ngọt dùng để đặt trên xác chết để giữ khỏi hư thối.” Chữ một theo Hán văn có nghĩa là chết. Như vậy một dược là loại thuốc làm từ nhựa cây để ướp xác người chết, đúng như trong nhiều tư liệu trước đây.
Trong Traduction Oecuménique De La Bible, bản dịch Kinh Thánh đại kết do Tin Lành, Chính Thống Giáo và Công Giáo dịch chung thường gọi là bản TOB viết: “Entrant dans la maison, ils virent l’enfant avec Marie, sa mère, et, se prosternant, ils lui rendirent homage; ouvrant leurs coffrets, ils lui offrirent en present de l’or, de l’encenset de la myrrhe.” Tạm dịch: “Vào trong nhà, họ thấy hài nhi với Marie, mẹ Người, và họ quỳ gối thờ lạy, họ dâng lên tặng phẩm gồm có vàng, nhũ hương và một dược.” Ở dưới ta đọc thấy ghi chú: “Parfums traditionnels de l’Arabie .- or et encens Es60.6 nghĩa là “Các hương liệu truyền thống của xứ Ả Rập” (Bản in của Société biblique francaise & Editions du Cerf, Paris, 2004, trang 1397).
Tham khảo sách Chronological Study Bible, Explore God’s Word In Historical Order, chúng tôi thấy ghi: “The gifts given to Jesus by the foreign rulers were luxury items (Matt. 2: 11), like the symbolic gifts exchanged by rulers today, and like the wealth brought by Gentiles to Israel’s king (Ps. 72:10; Is. 60:6). Frankincense and myrrhe are resins or gums taken from plants that grow in Arabia or the Horn of Africa. They were used for incense and perfume.” Tạm dịch: “Các tặng phẩm do các vị vua ngoại quốc dâng lên Chúa Giêsu là những loại quý báu, cũng giống như các tặng vật mang tính tượng trưng trao đổi giữa các vua chúa ngày nay tương tự các đồ quý giá người nước ngoài mang đến cho vua Israel (Ps. 72:10; Is. 60:6). Nhũ hương và một dược là loại nhựa hay chất keo lấy từ các thảo mộc trồng ở Ả rập hoặc vùng Sừng Phi châu. Chúng được dùng để xông hương hoặc ướp thơm.” (Bản in năm 2008 do Thomas Nelson, Inc., trang 1087).
James Jacques Joseph Tissot (khoảng năm 1894) đã để lại một tác phẩm hội họa bất hủ có tên “The Journey of the Magi” (Cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh) hiện trưng bày tại Minneapolis Institute of Arts có lẽ cũng đã tạo nên nguồn cảm hứng nghệ thuật lai láng cho nhiều người trên thế giới từ đó cho đến ngày nay.