Trong các văn kiện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta nhận thấy hình ảnh người mục tử được nhấn mạnh và đề cập khá nhiều. Vậy người mục tử là ai?
Theo nghĩa tự nhiên, thì “mục tử” là những người chăn chiên, một hình ảnh quen thuộc đối với người Dothái, vì tổ tiên của họ là người du mục, và đời sống thường nhật của họ chủ yếu dựa vào nghề trồng trọt và chăn nuôi. Chiên với số lượng nhiều tạo thành những đàn chiên và để được bảo vệ, hướng dẫn và chăm sóc thì cần có các mục tử (cũng có thể hiểu cách gián tiếp qua hình ảnh của người chăn dê, chăn bò... ở những vùng quê có đồi núi cao và rộng lớn).
Theo nghĩa tôn giáo, với những ai thường tiếp xúc với Thánh Kinh và các văn kiện của Giáo Hội thì hình ảnh người mục tử được trình bày khá nhiều. Tựu trung, mục tử là người “vương mùi Chúa” và “bén mùi chiên”.
Mục tử là một hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước, Israel tự coi mình là đoàn chiên của Đức Chúa (x. Tv 79,13; Hs 4,16) và nhận ra Đức Chúa chính là vị Mục Tử Tốt Lành luôn chăn dắt, nuôi dưỡng và bảo vệ họ: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11; x. Tv 23; Gr 23,3; Ed 34,11-16; Dcr 10,8).
Ngoài ra, hình ảnh mục tử còn được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng, để chỉ đến những người thay mặt Đức Chúa lãnh đạo đoàn chiên Dân Chúa (x. Ed 37,23-24; Gr 10,21). Đức Chúa đã chọn Môsê và Aharon (x. Tv 77,21) và người kế vị là Giôsuê để coi sóc đoàn chiên Israel (x. Ds 27,15-20). Người đã chọn Đavít, một con người đã chăn chiên từ thuở nhỏ, để chăn dắt Dân Người trong sự tài tình, công minh và chính trực (x. 2Sm 7,8; Tv 78,70-72). Một số người khác cũng được gọi là mục tử như: các thủ lãnh (x. 2 Sm 7,7), các vị lãnh đạo dân chúng (x. Gr 2,8), các vua chúa các quốc gia (x. Is 44,28; Gr 25,34; Nk 3,18) và nhất là các vị lãnh đạo Israel (x. 1V 22,17; Gr 23,1-2; Ed 34,1-10).
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã hành động như những kẻ chăn thuê: chỉ biết vơ vén cho bản thân mình (x. Ed 34,2), khiến cho đoàn chiên bị phân tán (x. Gr 10,2; Ed 34,6). Vì thế, các ngôn sứ cho biết đã đến lúc Đức Chúa lên án các mục tử xấu xa (x. Ed 34,1-10; Gr 23,2). Người sẽ lấy lại đoàn chiên khỏi tay họ (Gr 23,3), quy tụ chúng lại (Mk 4,6) và sẽ yêu thương chúng (x. 34,11-16). Cách đặc biệt, Đức Chúa sẽ cho xuất hiện một vị mục tử lý tưởng và đẹp lòng Người (x. Gr 3,15), thuộc dòng dõi vua Đavít để chăm sóc đoàn chiên của Người. Vị mục tử này sẽ chăm sóc đoàn chiên trong hoan lạc và bình an (x. Ed 34,24).
Vị mục tử mà các ngôn sứ đã loan báo nay được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. Các Tin Mừng đã mô tả Đức Giêsu chính là Vị Mục Tử đã chạnh lòng thương dân chúng như đoàn chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36; Mc 6,34). Người có trách nhiệm đi tìm những con chiên lạc (x. Mt 18,12-14; Lc 15,3-7), nhất là những chiên lạc nhà Israel (x. Mt 15,24; Lc 19,10). Sau cùng, trong tư cách là Vị Mục Tử và Thẩm Phán, Người sẽ xét xử giữa chiên với dê trong ngày chung thẩm (x. Mt 25,32).
Không dừng lại ở sự mô tả của các Thánh Sử trong Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi chính là mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14). Người đã tự nguyện đón nhận cái chết vì đoàn chiên và phục sinh để quy tụ đoàn chiên tản mác trở về để được sống đời đời (x. Ga 10,10). Chúa Giêsu đã trao quyền chăn dắt đàn chiên của Người cho người đứng đầu nhóm Mười Hai là Phêrô (x. Ga 21,15-17), để tiếp tục sứ vụ mục tử của Người. Với những gì Chúa Giêsu đã nói và làm cho chúng ta nhận ra những phẩm tính của người mục tử đích thực phải là: yêu thương, hy sinh và phục vụ hết mình vì đoàn chiên, đó cũng chính là phẩm tính của người môn đệ Đức Kitô (x. Ga 10; 13,11-20; Mt 20,28).1
Chúa Giêsu trong khi thi hành sứ vụ mục tử của mình, Người luôn luôn kết hợp với Chúa Cha (x. Lc 6,12; Ga 14,7). Chính Mục Tử Giêsu đã khẳng định: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đức Giêsu đã cho thấy, Người luôn giữ tương quan mật thiết trong Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 14,23-26). Đó cũng là bài học mà Chúa Giêsu đã dạy cho Nhóm Mười Hai, khi Người chọn gọi họ, để ở với Người, đi theo Người và được Người sai đi (x. Mc 3,14).2
Được thông phần với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, các linh mục cần thiết lập và sống mối tương quan cách thâm sâu và cá vị với Ba Ngôi Thiên Chúa.3 Các linh mục trở thành những mục tử “vương mùi Chúa,”4 tức để cho con người của mình mang “hương thơm của Chúa Kitô.” Điều đó, các linh mục kín múc qua đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, để cho Chúa chiếm trọn con người của mình từ đôi mắt, suy nghĩ đến con tim ... như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Các linh mục trở thành những mục tử thánh thiêng vì được chia sẻ sự thánh thiêng của chính Đức Kitô qua Bí tích Truyền Chức, như cành nho gắn liền với cây nho (x. Ga 15,1-8). Người linh mục sẽ thi hành sứ vụ “nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi), hay các đấng trở thành “Đức Kitô khác” (alter Christus). Các linh mục sẽ nhìn, suy nghĩ và hành động trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành đối với đàn chiên.5 Phải để cho mình “vương mùi Chúa” trước khi “bén mùi chiên,”6 đây chính là quy tắc cần phải có nơi người mục tử khi thi hành sứ vụ như Đức Grêgôriô Cả đã nói:
“Vị mục tử chân chính phải sống thâm sâu trong chiêm niệm. Vì chỉ như thế, vị ấy mới có thể đón nhận những nhu cầu của kẻ khác trong chính thâm tâm của mình, đến độ những nhu cầu đó trở nên chính nhu cầu của chính mình. ‘Nhờ lòng đạo đức người có thể chuyển sự yếu đuối của những người khác vào mình.’” 7
Sự nhân lành nơi người mục tử là sự thể hiện của lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Ep 2,4) mà Chúa Giêsu là dung mạo.8 Lòng thương xót của Chúa chính là con đường, là kim chỉ nam cho đời sống và sứ vụ người linh mục để trở nên những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước (x. Gr 3,15).
Đây chính là hình ảnh mà Đức Phanxicô thích dùng khi nói về sứ mạng của Giáo Hội hay cách riêng khi nói với các nhà truyền giáo, phải là người “có mùi của con chiên.” 9 Với các mục tử thì đặc tính đó dường như phải gắn liền trong sứ vụ của mình, bởi các đấng chính là người chăn chiên. Các linh mục trong khi thi hành sứ vụ, được mời gọi theo gương Vị Mục Tử Nhân Lành, họ phải bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn đàn chiên (x. Ed 34,11). Các đấng phải “thoát ra” khỏi cái tôi của mình để có thể thấu hiểu, gần gũi và yêu thương đàn chiên của mình (x. Is 40,11; 66,12), nhờ đó chiên mới có thể biết được tiếng của người mục tử (x. Ga 10,4). Các linh mục phải có trong mình tinh thần “nhập thể” và “nhập thế” giống như Đức Giêsu (x. Pl 2,6-11); luôn hết mình vì đàn chiên, sẵn sàng hy sinh ngay cả đến mạng sống mình (x. Ga 10,11). Các đấng phải quan tâm đến từng con chiên, từng giáo dân một vì họ là một ngôi vị, là hình ảnh của Thiên Chúa (x. Lc 15,4-7), là đối tượng để Thiên Chúa thương yêu và cứu chuộc (x. Ga 3,16-17). Vì thế, ý nghĩa bậc sống của người linh mục được gắn bó với lợi ích của dân chúng (x. 1Cr 9,22).
Người mục tử được mời gọi tránh những thái độ dửng dưng, lãnh đạm hay vô trách nhiệm như người chăn thuê, lại cũng phải tránh thái độ lạm dụng, ích kỷ chỉ biết vơ vét ích lợi cho cá nhân mình từ đàn chiên (x. Ed 34,1; Is 56, 10-12; 57,1-2a; Dcr 11,16; Ga 10,12-13). Vì thế, nền tảng cho mối tương quan giữa mục tử và chiên là tình yêu, một tình yêu trưởng thành và nhân bản dựa trên sự tôn trọng nhân vị, một tình yêu vô vị lợi đến nỗi sẵn sàng chết cho người mình yêu (x. Ga 15,13).
Thiên Chúa là Mục Tử Tốt Lành của nhà Israel, và Chúa Giêsu chính là Mục Tử đích thực mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân (x. Gr 5,15). Khi thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ, để trở thành những mục tử luôn hết mình vì đoàn chiên theo gương của Người. Trước khi được sai đi thi hành sứ vụ, người môn đệ có thời gian ở lại với Chúa Giêsu, có thể nói đó là thời gian để cho “hương thơm của Đức Kitô” thẩm thấu con người môn đệ, để trong mọi hoàn cảnh họ luôn có Chúa trong mình (x. Mt 28,20; Cl 3,12-17). Nhờ mang “hương thơm của Chúa” mà khi “bén mùi chiên,” các mục tử giúp cho “trong mùi chiên luôn có mùi của Chúa,” nhờ vậy mà chiên có được sức sống dồi dào (x. Ga 10,10), đó chính là ý nghĩa và mục đích của người mục tử mà các linh mục đang từng ngày dấn thân.