Mỗi tín hữu Kitô đang sống trên dương thế là một hành trình đức tin tiến về quê trời. Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người khi lãnh Bí tích Thánh tẩy, nhờ đó họ được gặp gỡ, đi vào trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa và nhất là được tham dự vào sự sống của Người. Mỗi tín hữu Kitô, khi đón nhận và sống đức tin, là khi đón nhận và sống những mạc khải của Thiên Chúa được trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời Nhập Thể. Những mạc khải ấy được lưu truyền qua Thánh Kinh và Thánh Truyền dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền. Đức tin là điều kiện tiên quyết để được ơn cứu độ: “Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Công đồng Trentô cũng đã khẳng định: “Đức tin là nền tảng của ơn cứu độ, nó là nền tảng và gốc rễ của sự công chính của chúng ta.” Tuy nhiên, nếu đức tin chỉ dừng lại ở lý thuyết không thôi thì thật là quá máy móc và mê tín. Đức tin phải được thể hiện qua hành động trong cuộc sống, như trong thư thánh Giacôbê viết: “Đức tin mà không hành động quả là đức tin chết” (2,17). Do đó, chúng ta phải sống đức tin với một thái độ vâng phục, phải để cho thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện trong chính cuộc đời của mỗi người.
Trong đời sống vâng phục đức tin, chúng ta không thể không nhắc đến Đức Maria, một mẫu gương hoàn hảo cho người tín hữu noi theo. Cả cuộc đời của Mẹ như là điểm quy chiếu cho một định nghĩa tròn đầy và sống động về đời sống đức tin. Qua tiếng “xin vâng” (fiat) theo thánh ý Thiên Chúa, đã bao trùm lên hành trình đức tin của Mẹ, nhất là từ biến cố Truyền Tin, cho đến dưới chân Thánh Giá ở đỉnh đồi Gôngôtha trong mối tương quan với Đức Kitô - Người Con Mẹ đã cưu mang. Chúng ta cùng chiêm ngắm về cuộc đời của Đức Mẹ, qua một số biến cố và từ đó cố gắng sống vâng phục đức tin như Mẹ qua sự trợ giúp của Mẹ.
Qua biến cố Truyền Tin
Cô Maria là một thiếu nữ miền quê đơn sơ, nghèo nàn theo đạo Do Thái giáo. Cô được sinh ra, nuôi dưỡng và giáo dục trong một gia đình đạo hạnh. Cô Maria đã sống dâng mình, khấn giữ đời khiết tinh cho Thiên Chúa suốt cả cuộc đời. Chính cuộc sống của người thiếu nữ đơn sơ, nhỏ bé ấy đã làm đẹp lòng Thiên Chúa và Người đã mời gọi thiếu nữ cộng tác, đưa lịch sử cứu độ sang một giai đoạn mới, giai đoạn của ân sủng. Đây là giai đoạn mà chính Thiên Chúa đã hứa khi tổ tông loài người sa ngã (x. St 3,15) và người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Emmanuel (x. Is 7,14; Mk 5,2-3). Người Con đó chính là niềm mong đợi để giải thoát toàn thể nhân loại đang sống trong cảnh nô lệ tội lỗi, cảnh thống trị của các thế lực thù địch. Người chính là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trở nên một con người.1
Qua biến cố Truyền tin (x. Lc 1,26-38), Đức Maria đã thưa hai tiếng “xin vâng”, một lời “xin vâng” làm cho trái đất như vỡ òa niềm vui, cả nhân loại hân hoan tưng bừng khôn tả vì muôn phước lành được trao ban. Còn với Đức Maria thì sao? Tiếng “xin vâng” (fiat), không chỉ dừng lại ở một sự đồng ý bình thường như bao người, một quyết định từ lý trí, nhưng vượt lên trên, đó là một thái độ của đức tin, một niềm tin tưởng phó thác cuộc đời cho ý định tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cánh trọn vẹn (x. Lc 1,45).2 Đức Maria đáp: “xin vâng”, tức sẽ chấp nhận những gì Sứ Thần nói: sẽ mang thai và sinh một người con trai mà không do có sự can thiệp của đàn ông (x. Lc 1,35). Quả là một mầu nhiệm vô cùng lớn lao vì Đức Maria được làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Như vậy, Đức Maria đã chấp nhận mầu nhiệm trong sự tự do, tức đi vào một hành trình đức tin, bất chấp những gì sẽ xảy đến tiếp theo cho mình, dù mang tiếng là phạm tội ngoại tình và theo Luật Do Thái giáo sẽ bị ném đá cho đến chết (x. Đnl 22,22-23).
Qua thời thơ ấu của Chúa Giêsu 3
Biến cố Đức Maria viếng thăm người chị họ (x. Lc 1,39-56), được xem như là cầu nối giữa biến cố Truyền Tin và sinh hạ. Sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria vội vã lên đường đến thăm người chị họ, đã cho thấy Mẹ đã hoàn toàn mãn nguyện và cảm thấy tràn đầy hạnh phúc qua tiếng “xin vâng”. Điểm nhấn của biến cố viếng thăm: trước hết, sau lời chào của Đức Maria, hài nhi trong bụng bà chị họ nhảy mừng vì được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Điều này xác định qua lời “xin vâng” trong niềm tín thác của Mẹ, tất cả những gì Thiên Chúa hứa đều được thực hiện, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Đức Maria. Tiếp theo là lời xác tín của bà Êlisabét: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em"(Lc 1,45); lời này nói lên một điểm quan trọng nơi Đức Maria, đó là Mẹ đã lắng nghe, đã xin vâng và thực hiện trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Đáp lời người chị họ, Đức Maria đã cất bài ca cứu độ “Magnificat”, qua đó cũng đã diễn tả được thái độ của Mẹ như thế nào rồi. Hành trình của đức tin bao gồm cả ánh sáng và bóng tối, cả bình an và sóng gió... tất cả được diễn ra qua những biến cố trong cuộc đời của Mẹ.
Sau những ngày mang thai, Đức Maria đã tới ngày sinh, thế nhưng điều ấy lại xảy ra trong hoàn cảnh vô cùng bi đát (x. Lc 2,1-21), không nhà cửa, không người thân, không có sự chuẩn bị về điều kiện vật chất giữa đêm đông lạnh lẽo trong hang đá Belem, nơi trú ngụ của bò lừa súc vật... Ôi! Con Thiên Chúa mà thế sao? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, như trắc nghiệm về đức tin của Mẹ. Thế nhưng, Mẹ vẫn một niềm phó thác vào chương trình của Thiên Chúa không chút nghi nan, không phàn nàn kêu trách nhưng vẫn một niềm xác tín. Trong ngày đem con lên Đền Thờ để dâng hiến cho Thiên Chúa, Mẹ đã chấp nhận là thành phần của những người nghèo. Sau đó, Mẹ đã được nghe những lời của ông Simêon báo trước tương lai của Người Con và đau khổ sẽ đến với mình (x. Lc 2,34-35). Khi gia đình cùng nhau trẩy hội lên đền Giêrusalem năm Chúa Giêsu được mười hai tuổi và khi trở về thì lạc mất, hai ông bà đã lo lắng đi tìm Người và đã gặp Người khi đang ngồi đàm thoại với các thầy dạy luật trong Đền Thờ, đó là sứ vụ của Chúa Giêsu phải làm, mặc dù không hiểu nhưng Đức Maria hằng ghi nhớ và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2,41-51).
Tất cả những sự kiện đều nói lên sự vâng phục đức tin của Mẹ Maria cách tròn đầy nơi Thiên Chúa. Sự vâng phục ấy tiếp tục được thể hiện qua sự đồng hành cùng với Chúa Giêsu Kitô trong sứ vụ rao giảng.
Qua đời sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu
Vì Mẹ đã tin Người Con mà mình đã cưu mang chính là Con Đấng Tối Cao, nên những biểu hiện của Chúa Giêsu trong thời thơ ấu, Mẹ đã ghi nhớ tất cả và Mẹ thấy những gì Mẹ phó thác vào Thiên Chúa đang được chứng minh cách rõ ràng. Mẹ đã đưa tình mẫu tử xuống thứ yếu, để cho Đức Giêsu được thi hành sứ mạng cách trọn vẹn theo ý của Cha Người. Tuy nhiên, khi chia tay Con để ra đi thi hành sứ vụ, Mẹ đã không xa cách Con mà hằng gắn bó và dấn thân trong sứ vụ của Con Mẹ. Điều này được rõ ràng hơn qua biến cố tại tiệc cưới Cana, nhờ sự nhạy cảm của một người giàu tình thương và nhất là nhờ niềm tin vào Con của Mẹ là Con Thiên Chúa, nên Mẹ đã can thiệp để cho uy quyền của Con Mẹ được thể hiện qua dấu lạ biến nước thành rược ngon, làm cho niềm vui của bao người được thăng hoa (x. Ga 2,1-12).
Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Mẹ đã nhận ra được sứ điệp Nước Trời được đặt lên hàng đầu và để có được Nước Trời, thì phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Qua biến cố: Đức Mẹ và anh em muốn gặp Đức Giêsu (x. Lc 8,19-21) và người phụ nữ đã lên tiếng “phúc cho ai đã cho Người bú mớm” (x. Lc 11,27-28), cho chúng ta thấy rằng chính Chúa Giêsu đã tôn vinh Mẹ trong sâu thẳm và khẳng định rằng: tất cả những gì Mẹ đón nhận được từ Thiên Chúa không chỉ bởi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng còn nhờ vào sự vâng phục đức tin của Mẹ; điều đó cũng sẽ đến với tất cả chúng ta, nếu ta biết sống tâm tình như Mẹ. Hành trình đức tin của Mẹ Maria tiếp tục được thể hiện trong sự dấn thân, gắn bó và kết hiệp hoàn hảo với sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu cho đến dưới chân Thánh Giá. 5
Hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu 6
Từ tiếng “xin vâng” (fiat) của Đức Maria chính là con đường đưa Mẹ đến với đỉnh đồi Gôngôtha dưới chân Thánh Giá. Trong suốt hành trình đức tin của Mẹ đầy ắp những sóng gió, đau khổ khi Mẹ gắn liền với cuộc đời của Con Mẹ và giây phút khốc liệt nhất là lúc mà lời tiên tri của cụ già Simêon về Đức Mẹ được ứng nghiệm ở đỉnh đồi Gôngôtha. Chính qua biến cố này thể hiện một sự vâng phục hoàn hảo nhất của Đức Maria cho thánh ý của Thiên Chúa.
Tình mẫu tử như đang xé nát tâm hồn Mẹ khi Người Con duy nhất của Mẹ giờ này đang bị lôi đi, bị xét xử, bị đánh đòn, đội mão gai, vác cây thập giá lê từng bước từ dinh tổng chấn đến Gôngôtha để rồi sẽ bị đóng đinh và chắc chắn là chết cách nhục nhã. Lời Sứ Thần năm xưa nói với Mẹ đang chịu thử thách, khi Con Đấng Tối Cao, Đấng Mêsia, Người làm biết bao nhiêu phép lạ nhãn tiền: kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què đi được, phong hủi được sạch, kẻ chết trỗi dậy... mà giờ này bất lực trước sự độc ác của con người. Lòng Mẹ như bị lưỡi gươm xuyên qua, trái tim Mẹ đang rỉ máu cùng Con. Ôi! Ai có thể hiểu được nỗi đau của Mẹ giờ này ngoài trừ chính Người Con của Mẹ khi đang bị treo trên Thánh Giá vẫn hướng nhìn Mẹ và trước khi chút hơi thở đã lối Mẹ cho người môn đệ thân mến nhất cũng là cho mỗi chúng ta (x. Ga 19,26-27).
Mẹ đã hiệp thông trọn vẹn với Con của Mẹ trong cuộc thương khó, Mẹ đã như hấp hối cùng Con. Chính lúc đó lại cho thấy đức tin của Mẹ thật tuyệt vời, không hề lung lay giữa muôn vàn đêm tối, Mẹ vẫn luôn xác tín vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta xác tín rằng: chính Đức Mẹ đã luôn trung thành và tử đạo cùng Con trong sự vâng phục đức tin.7
Sau khi chết khoảng ba ngày, Chúa Giêsu đã Phục Sinh và nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ và một số nhân chứng khác trong bốn mươi ngày rồi người lên Trời (x. Cv 13,29-31). Người hứa sẽ đổ tràn ơn Thánh Thần xuống sau mười ngày. Trong khoảng thời gian đó, Đức Mẹ cùng với một số người phụ nữ và các Tông Đồ cùng đồng tâm hiệp ý cầu nguyện để được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Qua đó chúng ta thấy được Đức Maria là con người khiêm nhường trong đức tin khi hiệp thông với Giáo Hội ngay từ những ngày đầu. Mẹ là thành phần của Giáo Hội, là Mẹ của Giáo Hội và đang cầu khẩn ơn Chúa Thánh Thần xuống thánh hóa Giáo Hội, thể hiện một niềm tin mang tính cộng đoàn. Hành trình đức tin của Đức Mẹ đã được trọn vẹn trong sự vâng phục tuyệt đối suốt cả cuộc đời khi gắn bó và hiệp thông với Con Mẹ, nhờ đó Thiên Chúa đã đưa “Mẹ về trời cả hồn lẫn xác hưởng vinh quang thiên quốc cùng Con của Mẹ” (ĐGH. Piô XII, Tông hiến “Munificentissimus Deus” ngày 01/11/1950). 9
Hành trình đức tin của người tín hữu ngày nay đang phải đối đầu với một thế giới đầy biến động và xáo trộn. Các trào lưu hưởng thụ, chủ nghĩa vô thần, duy tương đối, duy thực dụng, duy vật chất và duy khoái lạc... đang làm đảo ngược các giá trị luân lý đạo đức, khiến con người đang đánh mất cảm thức về đức tin và dần loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Chính trong hoàn cảnh đó, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên mẫu gương Đức Maria và hãy sống vâng phục đức tin qua việc lắng nghe và thi hành lời Chúa trong từng biến cố của cuộc đời. Như Đức Maria năm xưa đã dấn thân bằng cả cuộc đời, chúng ta cũng hãy diễn tả niềm vui và tình yêu Đức Kitô cho mọi người trong cuộc sống qua cử chỉ yêu thương, bác ái và thánh thiện của chúng ta trong mọi nơi mọi lúc. Chúng ta hãy là men, là muối là ánh sáng soi vào một thế gian tăm tối của một nền “văn minh sự chết”. Chúng ta hãy mau mắn dấn bước theo Thầy Chí Thánh Giêsu trên con đường thập giá với một niềm xác tín, chính con đường đó sẽ dẫn chúng ta vào Nước Trời cùng với Mẹ được chiêm ngưỡng Thiên Nhan Chúa.
Qua thái độ vâng phục của đức tin, Đức Mẹ đã lãnh trọn tình yêu nhưng không và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Qua Mẹ tình yêu đó, lòng thương xót đó cũng được dành cho tất cả loài người chúng ta nữa, nếu ta biết lắng nghe, vâng phục và thi hành Lời Chúa như Mẹ. Chính vì thế nên Giáo Hội luôn tôn kính, noi gương sống đức tin nơi Mẹ và hằng xin Mẹ cầu bầu, để con cái Giáo Hội sẽ được nên giống như Mẹ, hầu đón nhận tràn đầy ân sủng từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Giáo Hội cũng không quên sẽ trở nên gương mẫu đức tin, sống chứng nhân tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như Mẹ trong lòng thế giới hôm nay. Xin Mẹ cùng đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường.