Tự do là quà tặng cao quý của con người nhận được trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.1 Thế nhưng, con người khi đứng trước một hành động nào đó, thường thấy mình chịu chi phối bởi nhiều thứ luật, những luật đó nó cho phép con người hành động hay không, hoặc hành động trong một mức độ nào đó thôi. Đôi khi so sánh với các loài vật khác ta thấy tại sao chúng được làm một cách thoải mái mà không ai ngăn cấm chúng, còn chúng ta thì lại không được phép làm, vậy bên nào có tự do hơn? Điều này chứng tỏ: “luật lệ chỉ thêm gánh nặng, gây nhiều phiền phức và làm cho con người mất tự do.” Người khác lại nói: Đã có tự do sao lại buộc tôi phải tuân theo những luật luân lý do người khác ban hành? Vâng đó là vấn đề mà nhiều người rất mong được sự trả lời cách thuyết phục nhất, vì nó có liên quan đến chính phẩm giá và cuộc sống của con người cũng như để duy trì các tổ chức trong xã hội. Để có thể giải quyết vấn đề, chúng ta cần tập trung vào hai đề tài chính là Sự tự do và Luật luân lý.
Theo trình thuật tạo dựng trong sách Sáng thế (x. St 1,26-31) thì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người. Do đó con người có đầy đủ những yếu tố căn bản để là một nhân vị: Linh hồn bất tử kết hợp trong một thân xác, có lý trí, ý chí và tự do, có quyền cai quản công trình sáng tạo, có tương quan với tha nhân, có khả năng yêu mến và đạt tới Thiên Chúa… (x. GLHTCG, 1731) Như vậy, ngay từ nguyên thủy con người đã là một thụ tạo tự do đích thực trong cấu trúc tạo dựng của Thiên Chúa. Tự do nó thuộc về bản chất của con người, bởi được chia sẻ từ nguồn tự do đích thực ở nơi Thiên Chúa. Nhờ có tự do mà con người có thể tự nguyện và dấn thân cho Chúa, cho đời và cho người, trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói rằng: “Thiên Chúa đã nắm lịch sử trong tay, Người giữ tôi trên tay, nhưng Người cũng để tôi tự do, để tôi tự mình trở nên một kẻ yêu hay chối từ tình yêu. Như thế, Chúa đã không đặt nơi tôi một hằng số bất biến, nhưng Người chấp nhận nó với những khả thể đổi thay và ta gọi cái đó là tự do.”3 Đó là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Nhưng vì con người cũng chỉ là một thụ tạo, nên sự tự do của con người cũng tuân theo những “khuôn khổ” của nó.
Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, nên con người càng hướng thiện (gần Thiên Chúa) càng đạt được tự do, hay nói cách khác để con người càng tự do thì họ càng phải đạt tới sự thiện (x. Rm 6,17). Vậy điều kiện để duy trì sự tự do trong con người đó là sự thiện, là luôn giữ mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1733). Thế nhưng, con người đã không giữ mãi được sự tự do tinh tuyền ấy, không còn duy trì sự tốt đẹp trong mối tương quan với Thiên Chúa thuở ban đầu. Vì đã lạm dụng sự tự do, đi quá giới hạn của một thụ tạo, con người kiêu ngạo muốn ngang bằng với Đấng Tạo Dựng (x. St 3). Như vậy, con người đã lựa chọn hướng đi ngược với ý hướng của Thiên Chúa, trở thành những tên nô lệ cho tội lỗi. Do đó, con người đã không còn giữ được mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, với tất cả các thụ tạo khác và ngay cả với chính mình. Vì không còn giữ được sự cân bằng trong các tương quan, nên tội lỗi đã ngày một lan tràn và gây nên biết bao đau khổ cho con người trong kiếp sống này. Đó là hậu quả do con người đã đi quá “khuôn khổ” của sự tự do, của loài thụ tạo và chắc chắn con người phải gánh chịu về quyết định của mình.
“Vì có tự do nên con người phải chịu trách nhiệm trong những hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Người càng đức hạnh, hiểu biết về sự thiện và sống khổ hạnh, ý chí càng làm chủ được các hành vi của mình.”5 Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp có nói: “Tự do phải được nhìn dưới hai chiều kích bất khả phân ly: Ân huệ và trách nhiệm.”6 Quả đúng là như thế, khi nói đến tự do nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh là ân huệ của Thiên Chúa không, thì nó đồng nghĩa với việc: nhờ sự tự do đó, con người muốn làm gì thì làm. Nhưng sự tự do, tự nó còn bị ràng buộc bởi phần trách nhiệm luôn đi theo như hình với bóng, như Đức Cha đã nói là “bất khả phân ly”. Vậy như thế nào là có trách nhiệm? Một người được gọi là có trách nhiệm khi người đó có khả năng tiến hành một hành vi cách có ý thức, tự do và cố tình; người ấy bảo đảm rằng mình là tác giả của một hành động: “Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai thì phải gánh chịu phần hậu quả.”7 Nếu xét theo quan điểm của Kitô Giáo, thì “trách nhiệm” là chúng ta phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về những tư tưởng, lời nói và việc làm của mình trong cuộc sống. Vì con người hay chiều theo những chuyện xấu xa tội lỗi trong các chọn lựa như Thánh Phaolô nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Nên Thiên Chúa đã quan phòng để con người có những chỉ dẫn trong các chọn lựa của mình để đạt tới Thiên Chúa, do đó có sự hiện diện của luật luân lý.
Cách phổ quát theo từ điển Công giáo: “Luật luân lý là hệ thống những quy tắc làm chuẩn mực, giúp con người – cá nhân hay xã hội – sống đạo làm người. Người sống theo luân lý thì biết cân nhắc và điều chỉnh tốt các thái độ, hành vi để sống đúng với nhân phẩm.”9 Sống đạo làm người, tức là con người với lý trí, ý chí và tự do phải chọn lựa cho mình những quyết định xứng phận làm người khác với tất cả các tạo vật khác không có nhân vị. Con người là ai? Sống để làm gì? Chết rồi đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà qua những câu trả lời, sẽ giúp chúng ta có được thái độ sống thích hợp hơn với nhận thức của một con người.
Với Kitô Giáo thì luật luân lý ở một mức độ cao hơn: “Các tín hữu phải sống đúng tư cách Kitô hữu. Thiên Chúa chính là cùng đích và nguồn hạnh phúc của con người. Con người được mời gọi quy hướng về Người, trở nên giống hình ảnh Người qua việc “bước theo” Đức Giêsu Kitô.”10 Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, có đầy đủ tất cả các yếu tố làm nên một nhân vị như đã trình bày ở phần “tự do”, nên con người có mối tương quan với Thiên Chúa, một mối tương quan tùy thuộc, nhờ đó mà con người có thể đạt được hạnh phúc đích thực. Chính vì thế mà tất cả cuộc sống con người phải hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa. Con người chỉ thực sự là con người khi xét trong mối tương quan với Thiên Chúa. Như vậy luân lý Kitô Giáo nghiên cứu lẽ sống và cách sống xứng với phận là con người và là con cái Thiên Chúa.
Để hiểu rõ hơn về luật luân lý ta cần phân biệt theo hai nghĩa: Thứ nhất, theo nghĩa rộng, luật luân lý là một chỉ thị để hướng các hoạt động của con người tới mục tiêu cuối cùng, bao gồm cả những đòi hỏi bó buộc và những lời khuyên. Luật đó bao gồm tất cả những sinh hoạt thường ngày của cá nhân hay cộng đoàn hướng đến mục tiêu cuối cùng của lịch sử cứu độ. Thứ hai, theo nghĩa hẹp, luật luân lý chỉ có tính bền vững, tổng quát và bó buộc, hướng hoạt động của con người về mục tiêu tối hậu. Đó là sự bắt buộc lý trí con người phải tuân theo những hoạt động của nó để hướng đến lợi ích chung, đưa con người vào trong ơn cứu độ của Thiên Chúa dưới hình thức một sự hợp tác, để thực hiện mục tiêu cuối cùng của mình.
Tóm lại luật luân lý rất cần thiết để hướng dẫn và giúp con người sống và xử sự xứng với nhân phẩm của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, tha nhân, tạo vật và với chính mình, hầu đạt tới cùng đích của đời mình là hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Theo truyền thống thì luật luân lý được chia thành ba loại đó là: Luật tự nhiên, Thiên Luật và Nhân Luật. Chúng ta cùng lần lượt tìm hiểu từng loại, để thấy được tầm quan trọng của luật luân lý chi phối đến đời sống con người như thế nào?
Luật tự nhiên: Đó là một thứ luật xuất phát từ bản tính của con người, luật đó được lý trí con người nhận ra, không nhờ đến mạc khải siêu nhiên của Thiên Chúa hay nhân luật. Theo Thánh Thomas d’Aquin định nghĩa: “Luật tự nhiên là sự thông phần vào lề luật vĩnh cửu của Thiên Chúa nơi loài thụ tạo có lý trí.”11 Luật tự nhiên làm nền tảng chung cho một trật tự luân lý phổ quát. Thúc đẩy con người làm lành lánh dữ hay hướng con người tới điều thiện, tránh điều ác. Luật đó được Thiên Chúa khắc ghi trong bản tính của con người, có nguồn gốc nơi Thiên Chúa. Luật đó là biện pháp duy nhất thích đáng để chống lại sự độc đoán của những quyền lực chính trị và lập pháp, không ai dưới đất này có quyền miễn chuẩn luật đó ngoại trừ Thiên Chúa. Sống theo luật tự nhiên sẽ giúp con người xứng đáng với nhân phẩm của một con người tự nhiên.
Thiên Luật: Là luật xuất phát từ Thiên Chúa được mạc khải qua Kinh Thánh, được gọi là luật Thiên Chúa thiết định hay luật do Thiên Chúa ban hành. Mặc dầu nó chưa phải là những khoản luật cụ thể như trong các bộ luật khác, nhưng đó là những chỉ dẫn, những nguyên tắc và những quy định mà Thiên Chúa nêu ra để dân Chúa thực thi tốt trong lãnh vực tôn giáo cũng như trong xã hội.
Với Kinh Thánh Cựu Ước: Tất cả luật luân lý được chứa đựng trong Torah (Ngũ Thư). Nội dung của luật luân lý trong Ngũ Thư gồm 3 phần: Thứ nhất, những luật luân lý được tóm trong Mười Giới Răn; thứ hai, các qui tắc về nghi lễ, tế tự; thứ ba, pháp luật tư pháp gồm các luật về hành chính và tư pháp của riêng dân Do Thái. Luật đó là món quà của Giavê ban tặng cho dân riêng Người, để họ sống thân mật với Thiên Chúa và luôn tuân phục thánh ý Người: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5). Trong tương quan với tha nhân thì: “Ngươi phải yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18).
Với Kinh Thánh Tân Ước: Luật chính là Đức Giêsu Kitô (x. Gl 6,2) chi phối tất cả đến đời sống con người. Người đến để kiện toàn luật cũ (luật Cựu Ước) như chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Tóm lại luật của Đức Kitô là luật của Thần Khí, nhờ Thần Khí soi sáng và hướng dẫn (x. GLHTCG, số 1966); Luật đó là luật của tình yêu, vì giới răn mà Đức Kitô loan báo là mến Chúa và yêu người (x. Mt 22,37-40); Luật của Đức Kitô là luật mới vì nó đồng nghĩa với ân sủng của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tình yêu của con người trở thành phương thế quan trọng biến đổi con người về mặt luân lý và nhân bản. Đức Giêsu chính là nhà lập pháp của luật mới khi Người nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giêsu Kitô đã trở nên mẫu mực cho con người, giúp con người sống sao cho xứng với nhân phẩm con người và làm con Thiên Chúa, vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6). Chỉ nơi Đức Giêsu chúng ta mới tìm được tất cả giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Nhân luật: Là luật do con người ban hành, đề cập đến một trật tự pháp lý của một xã hội, trong đó có các quốc gia, tổ chức chính trị, các cộng đoàn và cả Giáo hội… để duy trì trật tự và bảo vệ công ích. Nhân luật đưa ra những truyền buộc làm lành lánh dữ, luôn tôn trọng mọi điều thuộc Luật tự nhiên và Thiên luật, không được phép ngược lại, luôn lấy Luật tự nhiên làm nền tảng để ban hành các lề luật. Luật đó phải có tính cưỡng bách, thúc đẩy các thành phần trong xã hội thi hành cách có trách nhiệm, nhưng cũng phải để ý đến khả năng của người có thể thi hành luật. Nhân luật chỉ đụng chạm đến những ứng xử bên ngoài, không được đi sâu vào nội tâm của con người, chỉ giới hạn đối với những cộng đồng mà luật làm ra để phục vụ. Nhân luật phải thay đổi tùy theo điều kiện và hoàn cảnh sống của con người trong môi trường xã hội khác nhau. Nó phải hướng đến trách vụ trong tương lai, không quy định các hình phạt do tội phạm trong quá khứ. Nhờ có sự hiện diện của Nhân luật con người mới an tâm sống và hoạt động trong các tổ chức và môi trường khác nhau, họ không còn sợ cảnh áp bức bóc lột, cảnh xúc phạm đến nhân phẩm… nhưng có sự hòa bình. Vì thế họ có quyền lợi và nghĩa vụ trong việc xây dựng và thực hiện những luật đã ban hành.
Trên đây là sự tổng quát về ba loại luật được phân chia trong luật luân lý, qua đó cho chúng ta hiểu rõ hơn từng loại luật có sự liên hệ đến đời sống của chúng ta, nhất là khi đứng trước những sự chọn lựa có tính cách quan trọng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân cũng như mọi người.
Qua những phần trình bày về “tự do” và “luật luân lý,” để cho thấy được giữa chúng có mối tương quan như thế nào trong các hành động của con người. Qua những gì đã trình bày, cho ta biết “tự do” không hệ tại ở việc chúng ta thích làm gì thì làm, nhưng nó phải đi liền với một trách nhiệm trong đó. Con người càng làm việc tốt, càng cảm thấy tự do và được tự do hơn, ngược lại nếu làm những việc xấu thì con người đang đánh mất tự do và trở nên nô lệ cho tội lỗi. Sự hiện diện của “luật luân lý”, sẽ giúp con người trong các hành động của mình luôn hướng đến các điều tốt để thực hiện; như thế là chúng ta đang đạt được tự do hơn, chứ không phải là vì luật đó mà chúng ta mất tự do. Luật luân lý, nó không phải là một gánh nặng cho con người, nhưng nhờ sự hướng dẫn của nó chúng ta sẽ được giải thoát khỏi các việc làm xấu xa do ma quỷ, thế gian và xác thịt giăng bẫy. Khi chúng ta hành động theo những chỉ dẫn của luật luân lý, khi đó chúng ta đang sống đúng với nhân phẩm của mình, cách riêng với người Kitô hữu, đó là lúc chúng ta đang sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và đang dần đạt tới chính Thiên Chúa.