Sự phát triển của khoa học công nghệ – đặc biệt công nghệ 4.0 – trong thế giới kỹ thuật số là sản phẩm trí tuệ của ngành “giáo dục” hiện tại. Nhưng với sự phát triển của thế giới, đặc biệt là những sản phẩm mang tầm vĩ mô, thành tựu của nền giáo dục có kéo theo những hệ lụy khác không? Sự phát triển đó có đánh mất bản chất truyền thống của giáo dục “tiên học lễ” hay không?
Thật vậy, con người đang sống trong đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Thế giới đang thay đổi từng ngày trên nhiều khía cạnh. Con người chính là những nghệ nhân, đang phác họa một thế giới, làm cho nó trở nên giống như thiên đường tại thế với những bộ máy “robot” làm việc, chiếc máy bay không người lái, ô tô điều khiển từ xa, những chiếc “smartphone” kết nối được với cả thế giới trong chốc lát. Những sản phẩm y tế ấn tượng, nông nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để chăm sóc cây cối, thú vật. Tin học là điều thiết yếu trong thế giới ngày nay với những phần mềm giúp con người nhàn hạ hơn… Những điều đó chính là bước nhảy của thế giới mà bắt đầu từ “ngành giáo dục” là cửa ngõ để thông hành qua các ngành khác. Thế nên, giáo dục là ngành không thể thiếu trong mọi thời đại.
Vậy thì, giáo dục là gì? Bách khoa toàn thư Wikipedia định nghĩa giáo dục là: “hình thức học tập, theo đó kiến thức, kỹ năng, và thói quen của một nhóm người được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua sự giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu”.
Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education”, đây là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere” – “Ex-Ducere”. Có nghĩa là dẫn (Ducere) con người vượt ra khỏi (Ex) hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn.
Đối với triết học, nhà Tâm Lý Học John Dewey định nghĩa “giáo dục” là sự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Đây cũng là mục tiêu sâu xa của giáo dục: người giáo dục – hay có thể gọi là thế hệ trước – có nghĩa vụ phải dẫn dắt, chỉ hướng, truyền tải lại cho thế hệ sau tất cả những gì có thể để giúp cho thế hệ sau được phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Với ý nghĩa đó, giáo dục đã ra đời từ khi xã hội loài người mới hình thành, vì nhu cầu của xã hội nó trở thành một yếu tố cơ bản để phát triển loài người, phát triển xã hội.
Cá nhân tôi định nghĩa “giáo dục” theo một khẩu hiệu của các nhà trường trên đất nước Việt Nam: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Khi nói đến việc giáo dục đạo đức, nhân bản cho con người, Hồ Chí Minh nói rằng: “Có tài mà không có đức thì cũng vô dụng” (*). “Tài và đức” như là đôi bạn thân. Về mặt lý thuyết thì đức ở đâu thì tài ở đó, cả hai không thể tách rời nhau, nhưng “đức” thường như người anh cả dẫn đường để cho “tài” đi. Quả vậy, đạo đức rất quan trọng bởi vì giáo dục được bắt đầu khi còn nhỏ, khi còn đang là tờ giấy trắng, là búp trên cành. Từ đó, “giáo dục” vẽ lên tờ giấy trắng nhân bản những điều thiết yếu, tỉ như phép lịch sự, sự chân thành, thành thật, và lòng biết ơn…, rồi sau đó mới tập dần cho các em làm quen với tri thức, kiến thức để rồi các em sẽ lớn dần trong sự hiểu biết của chiều kích nhân bản. Thế nên, thiết nghĩ giáo dục không phải ỉ lại cho các thầy cô, trên ghế nhà trường mà cha mẹ phải là người có trách nhiệm giáo dục con cái trước tiên.
Thật thế, con cái được sinh ra và nuôi dưỡng trong gia đình nên gia đình chính là trường học đầu tiên, là cái nôi nuôi dưỡng. Đặc biệt là cha mẹ, ông bà là những người có trách nhiệm hướng dẫn con cháu, tập cho con cháu trưởng thành trong đời sống nhân bản, sống chan hòa biết ơn những thế hệ đi trước. Cha mẹ phải là người làm gương trong lời ăn tiếng nói, trong cung cách ứng xử, và việc làm phải trở nên mẫu mực để giúp các em nhìn vào đó mà học theo, để hình thành và phát triển nhân cách, và hướng các em đến “Chân, Thiện”. Những điều đó khẳng định rằng gia đình đóng một vai trò vô cùng to lớn.
Tiếp theo, giáo dục là cửa ngõ mở mang tầm hiểu biết, nâng cao trí tuệ của con người. Khi đã hình thành nên nhân cách của con người, việc tiếp theo là phát triển và trợ giúp thế nào đó để dung hòa với cuộc sống. Khi đã có “Chân, Thiện” rồi, thì phải có “Mỹ” để trở nên hoàn hảo: “Chân, Thiện, Mỹ”. Kiến thức và kỹ năng hướng con người đến sự phát triển tương lai. Sự phát triển của thế giới làm thay đổi diện mạo thế giới. Đây là giai đoạn để khẳng định vai trò của nhà trường, những người làm công tác giáo dục. Ngành giáo dục là chìa khóa mở ra những cánh cửa khác. Y học, tin học, quân sự, khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội… đều được phát triển nâng tầm từ giáo dục. Giáo dục tri thức và kỹ năng tốt thì phát triển mạnh, ngược lại, giáo dục ù lì, chậm trễ sẽ kéo theo hệ lụy đến các nghĩa ngành khác.
Thế nên, không ai dám khẳng định rằng: “chúng tôi không cần đến giáo dục, chúng tôi không cần đến nhà trường”. Và cũng không ai dám phủ nhận rằng “tri thức không quan trọng cho cuộc sống hiện tại”.
Tuy nhiên, cuộc sống luôn luôn có những sai số nhất định. Đối với giáo dục cũng vậy, nó vẫn luôn là dấu chấm hỏi, chưa có hồi kết. Giáo dục đôi khi bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế thị trường. Điều đó khiến cho những người làm công tác giáo dục phải vấp ngã. Thứ nhất, do lòng tham khiến người giáo dục trở nên cù lần, điên rồ chạy theo bệnh thành tích. Thứ hai, do sự phát triển của thời cuộc khiến người ta quên mất bản chất truyền thống đó, nếu chỉ phát triển tri thức và kỹ năng mà quên đi giáo dục nhân bản thì nó như con rắn bị mất đầu. Thứ ba, do sự hữu hạn của con người, mạnh điểm này, yếu điểm kia… Đó là những tác nhân ảnh hưởng đến nền giáo dục và hệ lụy đến những ngành khác.
Sống trong nền giáo dục xã hội hiện tại, tiêu biểu là xã hội Việt Nam, nền giáo dục đang là vấn đề nhức nhối, được mổ xẻ và phân tích liên tục. Điển hình như các vấn nạn học đường: cô giáo đánh học sinh, học sinh chửi bới cô thầy. Trong các cuộc họp phụ huynh thì vấn đề lạm thu luôn sôi nổi còn về việc phát triển hay đổi mới phương cách giáo dục thì ít được bàn đến hay chỉ là phớt lờ. Học sinh đánh đập nhau trong trường nhiều hơn ngày xưa. Điều chẳng bao giờ được nhắc đến trước đây thì bây giờ lại đầy dẫy, đó là việc nữ sinh đánh nhau trong trường, rồi tình trạng lạm dụng tình dục giữa trò và thầy, bệnh thành tích cho điểm, mua điểm, chạy điểm để vượt qua các kỳ thi, người tài không được trọng dụng, tất cả là các đề tài nóng hổi của báo chí. Hay tệ hơn nữa là trước những kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT mà vẫn còn tình trạng nhiều em chậm giờ, hay ngủ quên không đi thi, phải chăng các em không còn “khao khát tri thức” của xã hội này?
Những vấn đề trên chẳng những ảnh hưởng đến nền giáo dục của nước nhà mà còn ảnh hưởng đến tất cả các ngành khác, đặc biệt là sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đứng trước tình trạng suy đồi đó, nền giáo dục cần phải làm gì? Thiết nghĩ, nền giáo dục nên lượng giá lại chất lượng chuyên môn, đồng thời cũng xây lại những giá trị truyền thống như: phát triền đời sống lễ nghĩa nhân bản song hành cùng với tri thức và kỹ năng, làm sống lại tinh thần “hiếu học” của con em nước Việt.
Là người Công giáo thì càng phải quan tâm và thực sự muốn thay đổi. Trong thư của Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên nhắn nhủ với các học sinh Công Giáo: “Là học sinh, sinh viên Công Giáo, các con hãy khước từ những gì nghịch với Chân Lý, hãy vững tâm để cho Lời Chúa là Sự Thật thánh hiến các con trước những hiện tượng thiếu trung thực làm tổn thương trầm trọng ngành giáo dục. Mong rằng trước bóng tối cuộc đời, thay vì ngã lòng thì các con vẫn không ngừng mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời xa rộng, hướng lên cao hơn, đón nhận những thách đố và dấn thân cống hiến hết mình. Hãy bám vào Đức Giêsu, Người là bạn đồng hành và là tri kỷ của các con.”
Và đức tổng cũng mời gọi các bạn học sinh, sinh viên, những người đang làm việc và đang cống hiến cho ngành giáo dục – và đó cũng là tâm tình của ĐTC Phanxicô – “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm, đừng trở thành thê thảm như một chiếc ô tô phế thải ở nghĩa địa! Cũng đừng như những chiếc xe đậu trong bãi, nhưng hãy ước mơ thỏa chí và hãy đưa ra các quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả điều đó có thể sai lầm. Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm giác, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Các con đừng về hưu sớm!” (Christus Vivit số 147). Hãy sống và cố đừng đi lại “vết xe đổ” mà các thế hệ khác đã vấp nhưng hãy nhìn nhận và thay đổi từng ngày.
Cuối cùng, xin gửi đến những người đã và đang cống hiến, những ai đang trên con đường tìm kiếm tri thức một thông điệp, và cũng là lời của ông Nelson Mandela, “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để làm thay đổi cả thế giới”.