Sống trong một xã hội ồn ào, náo nhiệt của thế kỉ 21, con người đang bị dòng chảy của thời đại tân trang hóa đời sống tinh thần và vật chất, mọi nhu cầu thiết yếu của con người được trang bị bởi những vỏ bọc nhân tạo là các dụng cụ cần thiết để bảo vệ và hỗ trợ bản thân về công việc, đời sống cũng như mọi tác nhân bên ngoài.
Con người trong xã hội này đang thiếu gì để được hạnh phúc? Tiền, danh vọng, dục vọng hay địa vị, v.v.? Thật tuyệt vời và hấp dẫn khi những nhu cầu đó như bông hoa thơm đang chớm nở, lôi cuốn chúng ta tới hái và chiếm đoạt nó. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi bông hoa đó có giữ được hương thơm và sự tươi mới theo dòng thời gian không? Khi mới hái thì thơm, hết thơm rồi thì khô héo, và chúng ta vứt bỏ nó. Tiền của, danh vọng, dục vọng hay địa vị cũng giống như bông hoa vậy, nay còn mai mất, nhưng chúng kéo theo bao hệ lụy đau lòng: con cái giết cha mẹ để phân chia gia tài; gia đình tan nát chỉ vì không giữ được lòng chung thủy với nhau; đồng nghiệp thủ tiêu nhau để giành chức vọng cao sang; và biết bao nhiêu vụ án khiến chúng ta tự hỏi đâu là nguồn hạnh phúc đích thực? Thiết nghĩ, giữa cơn đại dịch Covid19 đang làm cho con người bần cùng, khốn đốn và lo lắng hơn bao giờ hết, có lẽ đây là khoảng thời gian mà chúng ta nên bình tâm suy ngẫm đôi chút về nguồn bình an đích thực nằm ở đâu?
Trong nhạc phẩm “Để Gió Cuốn Đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dòng thơ: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Ắt hẳn qua dòng thời gian, cố nhạc sĩ đã chứng kiến cảnh con người loay hoay kiếm tìm hạnh phúc đích thực, cũng như thấy bao mảnh đời đang thiếu sự yêu thương, đùm bọc, chở che lẫn nhau. Ở đây, nhạc sĩ muốn khẳng định rằng “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” đó là những gì tốt đẹp, đáng trân trọng nằm sâu trong tâm thức mỗi người, vậy tấm lòng đó phải biết sẻ chia bằng những việc làm thiết thực đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người chung quanh, khi đó chúng ta không phải là bông hoa sớm nở chiều tàn mà là hương thơm ngào ngạt để gió cuốn đi, lan tỏa đến với những người chưa bao giờ được thưởng thức hương vị ngọt ngào của loài hoa. Cuộc sống như vậy mới thanh thản và bình yên.
Nhiều người tự hỏi hạnh phúc đó nằm ở đâu? Tôi xin trả lời, đó chính là nơi môi trường bạn sống, người bạn gặp, người già cả, cô đơn, người nghèo khó túng quẫn, bị xã hội bỏ rơi nằm ngoài, họ vẫn chờ đợi chúng ta trong thinh lặng với ánh mắt ngập tràn đau khổ, trên khuôn mặt chai sạn đi vì thiếu tình thương, ánh mắt đó như muốn nói “làm ơn xin giúp tôi với, hôm nay chưa có gì để ăn, chưa có ai trò chuyện cùng, hay con tôi đang mắc căn bệnh hiểm nghèo mà không có tiền xin hãy cứu lấy nó …”, đôi mắt đó vẫn hàng ngày chờ đợi sự đáp ứng của chúng ta, vẫn luôn thắp lên cho mình một tia hy vọng sẽ có người đến sẻ chia đồng cảm với họ. Nhưng tất cả họ nhận được là cái nhìn vô cảm, kì thị, thậm chí muốn bài trừ họ ra khỏi cuộc sống của chính mình, xem họ như cái gai làm con đường ta khó đi hơn.
“We are all angles with one wing, and me must embrace each other to learn to fly.” Nghĩa là: “Chúng ta đều là thiên thần chỉ có một chiếc cánh, và ta phải ôm lấy nhau để học bay”. Tôi muốn mượn câu khuyết danh này để muốn nói không ai trong chúng ta là xấu cả. Ngay cả một con người độc ác, phạm nhân hay là tử tù, họ như là những thiên thần bị rơi vì không được ai đón nhận bởi những tội lỗi họ gây ra. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng trong tâm can thầm kín của họ còn có một quả tim, biết yêu thương sẻ chia, biết rung động với những nghịch cảnh nỗi đau thực tại. Thật vậy, mỗi chúng ta được ví như thiên thần không ai xấu xa cả, nhưng chúng ta chỉ có một cái cánh cho nên phải biết ôm lẫn nhau mới bay được. Cũng vậy chúng ta không nên phân biệt, đối xử, hay kì thị những người bị gạt ra khỏi lề của xã hội, phải cùng giúp nhau để nhận ra hạnh phúc đích thực chính là tình thương. Chúng ta phải có lòng khoan dung tha thứ ngay cả những người gây ra đau khổ cho mình, để dùng chính tình thương đó mà cảm hóa những tâm hồn khô lạnh.
Tình thương đó là sự dũng cảm chấp nhận hi sinh, chịu đựng những lời bình phẩm phiến diện thậm chí bị nhục mạ, đánh đập và đổ máu, chúng ta phải đón nhận nó như là thứ tất yếu, ví như cơn mưa của đầu mùa Hạ đang tưới mát cánh đồng tình thương của chúng ta, chắc hẳn hoa trái trong cánh đồng sẽ lớn lên thêm cứng cỏi, mạnh mẽ và mưu ích cho nhiều người. Cũng giống như việc người thợ rèn làm gươm, lúc đầu cũng chỉ là một thanh sắt thô, cứng cỏi, xấu xí, nhưng để trở thành một thanh gươm tốt đòi hỏi người thợ phải mài giũa, đập nát, cắt xén mới hy vọng trở thành một thanh gươm tốt nhất cho những chiến binh. Như vậy chúng ta muốn tình thương lớn lên, bắt buộc mỗi người phải hi sinh, can đảm chịu những khó khăn thử thách trước mắt, loại bỏ được những định kiến để đi đến sự bình an đích thực trong nội tâm.
“Làm ơn! cho tôi một chút tình thương”, đó là tiếng kêu cầu chung của những người nghèo khổ, bất hạnh, neo đơn… đang cầu cứu sự quan tâm giúp đỡ sẻ chia của mỗi chúng ta. Bạn ơi! làm ơn đừng vô cảm trước những tiếng kêu đó, họ đang than khóc ngày đêm chỉ vì không có miếng ăn, họ đang buồn rầu chán nản vì không ai quan tâm đến họ, họ đang tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống vì sự thờ ơ của mỗi chúng ta. Làm ơn! hãy mở cánh cửa tâm hồn và đón nhận họ như món quà mà tạo hóa trao ban, đừng bỏ rơi họ như người cha nhẫn tâm bỏ rơi đứa con trước những băng giá của cuộc đời.
“Thật tuyệt vời là con người đã sử dụng biết bao thời gian để chống lại cái ác. Giá mà họ cũng sử dụng năng lượng đó để yêu thương người khác, cái ác sẽ tự chết vì buồn chán.” (Helen Keller, nhà văn)