Sau những tranh luận về Kitô học kéo dài từ những thế kỷ đầu đến nay, mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhất là trong việc đối thoại liên tôn về trung gian cứu độ duy nhất và phổ quát nơi Đức Giêsu Kitô, người ta đã có thể tóm lại theo bốn dạng: Kitô học “chuyên nhất” (exclusive), Kitô học “bao gồm” (inclusive), Kitô học “quy phạm” (normative) và cuối cùng là dạng Đức Kitô không phải là trung gian quy phạm (non normative). 1 Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo chỉ chấp nhận lập trường thứ hai: Kitô học “bao gồm” (inclusive), bởi đó là lập trường trung thành hơn cả những gì mà Tân Ước cho biết về Đấng Trung Gian duy nhất và phổ quát (Cv 4,12; 1 Tm 2,4). Giáo Hội Công Giáo công nhận là các tôn giáo có giá trị thật về mặt cứu độ, nhưng nguồn ơn cứu độ là chính Đức Kitô và ơn ấy được được chuyển ban cách mầu nhiệm mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết (x. GS. số 22). Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ mọi người qua sự can thiệp vào trong lịch sử nhân loại. Vì thế, Người là Đấng Trung Gian cứu độ duy nhất và phổ quát.
Trong bài này, người viết sẽ trình bày về khía cạnh phổ quát của ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô qua nội dung: (I) Mặc khải trong Kinh Thánh, (II) Truyền Thống Giáo Hội, (III) Đức Giêsu Kitô - Đấng cứu độ phổ quát.
Đức Giêsu Kitô - Đấng cứu độ phổ quát, không phải chỉ là một biến cố, nhưng đó là một lịch sử được trải dài từ những ngày đầu tạo dựng, qua các mặc khải trong Cựu Ước rồi đến Tân Ước và sẽ thành toàn trong ngày cánh chung.
1. Kinh Thánh Cựu Ước
Khởi đầu của ơn cứu độ là nơi công trình tạo dựng xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho con người và mọi loài thụ tạo (x. St 1,26). Thế nhưng, con người đã khước từ tình yêu của Thiên Chúa, nên đã phải gánh lấy mọi hậu quả (x. St 2,16). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St 3,15). Để ơn cứu độ được thực hiện, Thiên Chúa đã mặc khải cách tiệm tiến trong dòng lịch sử con người qua những hành động của Người như: tuyển chọn, giải thoát, thiết lập giao ước cũng như các lời hứa với con người. Qua Nôê, Thiên Chúa đã cứu sống và thiết lập giao ước tình thương duy trì sự sống cho nhân loại và thụ tạo (x. St 6-9). Qua tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa muốn cho dòng dõi ông cũng như mọi loài được thừa hưởng lời chúc phúc (x. St 12,1-3). Nơi Menkixêđê vua dân ngoại, ông được coi là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao chúc phúc cho Ápraham (x. St 14,18-20). Vị vua này cũng là hình ảnh nói về chức Tư Tế Tối Cao nơi Đức Giêsu (x. Tv 109,4; Dt 3,1; 4,14; 7,1-3). Qua Môsê (x. Đnl 18,15), Thiên Chúa mặc khải trước về sứ vụ Ngôn Sứ của Đức Giêsu Kitô (x. Dt 1,1-2). Qua vua Đavít, Thiên Chúa đã hứa ban một Vị Vua Vũ Trụ (x. Tv 2), chính Vị Vua này sẽ cai trị nhà Đavít đến muôn đời, như lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo (x. Is 9,6), Vị Vua ấy chính là Đức Giêsu Kitô mà Sứ Thần Gabriel công bố (x. Lc 1,32-33). Ngoài ra hình ảnh về Đức Giêsu Đấng Cứu Độ Phổ Quát còn được các Ngôn sứ tiên báo qua việc cứu rỗi dân Israel (x. Is 42,1-6; 49,6; 61,1). Qua đó chúng ta xác tín rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã muốn cho ơn cứu độ được đến với tất cả mọi dân tộc, mọi thụ tạo, qua dân riêng nhờ sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô.
2. Kinh Thánh Tân Ước
Tất cả mặc khải trong Tân Ước sẽ cho chúng ta thấy những gì mà Cựu Ước tiên báo sẽ được hoàn tất nơi Nhập thể, Thương khó và nhất là Phục sinh của Đức Giêsu Kitô (x. Dt 1,1-4).
Với biến cố Truyền tin, qua lời của Sứ Thần nói với Thánh Giuse: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21-23; Lc 1,32-33) cho thấy Đức Giêsu nhập thể chính là niềm hy vọng mà muôn dân đang trông đợi, Người đến khai mở một kỷ nguyên mới của lịch sử cứu độ.
Trong biến cố Giáng sinh, đã cho thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu không chỉ dành cho dân Do Thái mà còn được bày tỏ cho những người bé mọn “mục đồng” và cho dân ngoại “Ba vua” (x. Lc 2,8-14.30-31; Mt 2,1-12).
Trong hành trình rao giảng, Đức Giêsu cũng mặc khải cho ta biết Người đến là để “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Người còn mặc khải qua những phép lạ như: chữa tên đầy tớ của viên đại đội trưởng người Rôma (x. Mt 8,5-13); chữa con gái của bà mẹ người Canaan (x. Mt 15,21-28)... Thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu không chỉ là Ngôi Lời (x. Ga 1,9) mà còn là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), là ánh sáng cho toàn nhân loại (x. Ga 8,12). Sau Phục sinh, trong lệnh truyền giáo, Người đã sai các Tông Đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19).
Như thế, qua các mặc khải, lời rao giảng, hành động và chính sự hiện diện cho thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu không chỉ dành cho dân Dothái, mà cho toàn thể nhân loại. Chiều kích phổ quát ơn cứu độ nơi Đức Giêsu được Thánh Phaolô làm sáng tỏ: Đức Giêsu đã chết cho mọi người (x. 2 Cr 5,14-15), Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giao hòa thế gian lại với Người (x. 2 Cr 5,19). Chính Đức Giêsu đã đưa mọi người đến với sự công chính hóa và sự sống trong vai trò là Ađam mới (x. Rm 5,12-21).
Như vậy, ơn cứu độ nơi Đức Giêsu mang tính phổ quát (x. Rm 8,18-23) vì “Người muốn cho tất cả mọi người đều được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Mặc khải này được giao phó cho Giáo Hội gìn giữ và phát triển.
Tiếp nối với tư tưởng của Tân Ước về ơn cứu độ phổ quát nơi Đức Giêsu, tư tưởng các Giáo phụ đã được Công đồng Vaticanô II tóm lại theo ba hướng chính: Mầm Ngôi Lời, Đức Kitô đã kết hợp với mỗi người và Đức Kitô con người hoàn hảo. 2
1. Tư tưởng "Những hạt giống (mầm mống) của Ngôi Lời"
Tư tưởng mầm ngôi lời, bắt nguồn từ Thánh Justinô (tk.2). Đối lại với các tôn giáo đa thần của Hy lạp, Thánh Justinô nhận thấy triết học là một đồng minh của Kitô giáo, bởi vì triết học biết theo lý trí, chân lý. Tuy nhiên, chỉ nơi đức Kitô ta mới tìm thấy chân lý toàn vẹn. Dù sao, Thiên Chúa đã ban cho hết mọi người được thông dự vào chân lý. Đức Kitô, Ngôi Lời và Chân Lý toàn vẹn, đã gieo những mầm chân lý vào lòng con người. Tư tưởng tương tự như vậy cũng gặp thấy nơi Thánh Clêmentê thành Alêxanđria và Thánh Irênê. Chúng ta cũng gặp thấy tư tưởng này nơi nhiều bản văn của Công đồng Vaticanô II, chẳng hạn: AG, số 11.15; LG, số 16-17; NA, số 2…
2. Đức Kitô đã kết hợp với mỗi người
Tư tưởng này được công đồng Vaticano II phát biểu ở Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" (GS) số 22. Nó bắt nguồn từ thời các giáo phụ khi chú giải dụ ngôn về vị mục tử nhân lành: Đức Kitô đến để tìm kiếm chúng ta là những con chiên lạc (tư tưởng của Grêgôriô Nisa, Irênê, Hilariô). Nhất là khi chú giải đoạn văn Ga 1,14 "Ngôi Lời làm người và trọ ở giữa chúng ta", vài Giáo phụ đã nói rằng Ngôi Lời đến ngự ở trong lòng của ta, nơi thâm tâm của mỗi người. Ngôi Lời ở trong ta và ta ở trong Người (tư tưởng của Hilariô, Athanaxiô, Xirillô thành Alexanđria).
3. Đức Kitô là con người hoàn hảo
Tư tưởng này được Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" nói nhiều lần (số 22, 38, 41, 45), dựa trên tư tưởng Tân ước nói về Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa và Ađam mới. Các giáo phụ như Tertullianô, Irênê nói rằng: Khi Thiên Chúa nặn ra ông Ađam từ bùn đất thì đã nghĩ tới Đức Kitô sẽ nhập thể rồi. Nói khác đi, mỗi con người đều mang hình ảnh của Đức Kitô trong mình, và hướng tới việc kết hợp với Người.
Ngoài các tư tưởng trên, còn rất nhiều tư tưởng khác nữa, tuy nhiên vì để thích hợp trong bối cảnh hiện nay, Công đồng Vaticanô II đã tóm lại trong ba chủ đề trên, nhằm làm nổi bật về vai trò của Đức Giêsu Kitô. Người không chỉ là trung tâm điểm của đời sống đức tin, nhưng còn là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ. Qua Người, ơn cứu độ được trao ban cho tất cả mọi người: “Chính Con Thiên Chúa đã nhập thể, một cách nào đó Thiên Chúa tự mình dấn thân vào lịch sử nhân loại” (x. LG, số 2; GS, số 22; AG, số 2-3). 3
Qua những gì đã trình bày trên, cho ta thấy được sự khẳng định của Giáo Hội về tính phổ quát của ơn cứu độ nơi Đức Giêsu được đặt nền tảng trên Kinh Thánh và Truyền thống của Giáo Hội. Ơn cứu độ nơi Người, không phải chỉ là những gì mà Người làm, nhưng là chính toàn vẹn con người Đức Giêsu trao ban cho nhân loại được thể hiện qua mầu nhiệm nhập thể, phục sinh và trao ban Thánh Thần.
1. Mầu nhiệm Nhập Thể.
Khi trình bày về tính phổ quát của ơn cứu độ nơi Đức Giêsu, thì mầu nhiệm nhập thể được coi là nền tảng. Nhờ nhập thể, Đức Giêsu đã đi vào trong tính liên đới với lịch sử, với toàn thể nhân loại cũng như với mọi thụ tạo. Có thể nói nhờ Người mà bản tính con người được kết hợp với bản tính Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa thật đã trở nên con người thật như chúng ta. Từ nay thế giới của thiên nhiên được kết hợp với thế giới của siêu nhiên; thế giới của vật lý được kết hợp với thế giới vĩnh cửu; thế giới nhân loại được kết hợp với “thế giới” Thiên Chúa. Như thế, nhập thể mang ý nghĩa và chiều kích vũ trụ.
Từ nay Đức Giêsu Kitô Đấng “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo (x. Cl 1,15) đã một cách nào đó, kết hợp với toàn thể loài người là “xác phàm” (x. GS, số 22) và qua đó với mọi tạo vật. 4 Từ nay nhờ nhập thể, lòng thương xót của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu. 5 Đức Giêsu mang trong mình ơn cứu độ của Thiên Chúa: chạm vào Người là được chữa lành (x. Mc 6,56; Mt 9,21), nghe lời Người là đang nghe lời trường sinh (x. Ga 6,68), ăn Người thì có sự sống đời đời (x. Ga 6,51). Không những thế, từ nay: “Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người hòa lẫn vào nhau, trong những kẻ bé mọn nhất, chúng sẽ gặp gỡ chính Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa,” 6 như vịnh gia viết: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85,11-12).
2. Phục Sinh và trao ban Thánh Thần.
Qua biến cố phục sinh, Đức Giêsu được nâng lên “bên hữu Thiên Chúa” và vì thế “khi nghe Danh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10). Qua phục sinh, nhân tính nơi Đức Giêsu đã đi vào một tình trạng khác, không còn phụ thuộc vào không gian thời gian, đó là chiều kích của vĩnh cửu. Từ nay, nhân tính yếu hèn của con người đã đi vào trong bản tính của Thiên Chúa, bản tính ấy được sống bằng sức sống của chính Thiên Chúa nơi Đấng Phục Sinh.
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết được tác nhân của sự phục sinh nơi Đức Giêsu lại chính là Thánh Thần: “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Vâng, đúng như thế, vì trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giêsu không thực hiện một mình mà luôn luôn có Thánh Thần cùng hoạt động (x. Lc 4,14; Ga 16,4-15; Rm 8,15). Điều này đã được Thánh Phaolô xác quyết: “Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết...” (Rm 8,1-27). Có thể nói cứu độ nơi Đức Giêsu và Thần Khí chỉ là một (1Cr 12,3), từ tạo dựng đến Cựu Ước, từ nhập thể đến phục sinh và từ ngũ tuần đến cánh chung. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban Thần Khí cho các Tông Đồ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22) vì “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (Rm 8,9). Sự hoạt động của Thánh Thần thì luôn ẩn như: “khuôn mặt không có khuôn mặt”, hoạt động của Người thì vượt mọi không gian và thời gian “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), và Người sẽ đưa lịch sử cứu độ đến hồi viên mãn.
Qua những gì trình bày, cho chúng ta có được một xác tín chắc chắn hơn về ơn cứu độ phổ quát qua Đức Giêsu Kitô. Ơn cứu độ trước hết và trên hết là công trình phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người và toàn thể thụ tạo, đó là mối tình mà Thiên Chúa đã đi bước trước đến với con người, để quyến rũ nó và đưa nó vào trong tình yêu của Người. Qua Người Con yêu dấu là Đức Giêsu Kitô và nhờ sự hoạt động của Thần Khí Người, Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi thành phần, không phân biệt màu da sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và mọi nền văn hóa cũng như mọi thụ tạo đều được ơn cứu độ.