“Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp từ ngàn xưa, một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới. Ôi Cái Đẹp, con yêu Ngài quá đỗi muộn màng!” – Lời tự thú của Thánh Augustinô đã nói lên tiếng lòng thổn thức từ con tim sâu thẳm của người sau những bước chân lầm lạc và cô đơn giữa dòng đời đến bước chân trở về ăn năn sám hối và hăng say phục vụ Chúa nơi tha nhân. Bước chân ấy vẫn luôn vang vọng, cháy bỏng nỗi khát khao tìm kiếm và gặp Chúa trong thời đại hôm nay đối với mỗi Ki-tô hữu. Cách riêng là bước chân của người linh mục, hiện thân của Chúa Ki-tô, họ sống và làm chứng giữa một thế giới đầy thách đố và cam go.
Linh mục là người được Chúa gọi và chọn giữa muôn người để thánh hiến và trung kiên bước theo Chúa suốt một đời. Linh mục là hình ảnh Chúa đầy lòng thương xót, vị tha, dâng hiến trọn vẹn mạng sống vì Chúa và tha nhân. Linh mục là cánh tay nối dài chuyển phát mọi ơn thiêng cho dân Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su “Không một ai trong họ phải hư mất” (x. Ga 17, 1-24) phải là sự thao thức in hằn trong sứ vụ của mỗi linh mục để noi gương Thầy Chí thánh và trở nên như cây chổi của Người quét sạch mọi ngóc ngách, mọi tâm hồn để giúp đoàn chiên Chúa tiến về với Cha trên trời.
Tuy nhiên, trong một xã hội mang trên mình nhiều vết thương tích do chiến tranh gây ra, mụn nhọt của lối sống thờ ơ vô cảm, và nhem nhuốc bởi sự phát triển choáng ngợp của một nền kinh tế thực dụng. Những vấn nạn trên, đang phần nào ăn sâu và bào mòn căn tính của con người và để lại bao hậu quả đau thương. Có những người giết cha, giết mẹ chỉ vì mâu thuẫn đất đai. Các thai nhi vô tội bị tước đoạt mạng sống một cách vô nhân tính. Nhân phẩm những người nghèo khổ bị chà đạp và xúc phạm cách nghiêm trọng.
Đáng buồn hơn, không ít linh mục đang dần lãng quên bổn phận và trách nhiệm của mình mà làm ngơ trước những tiếng kêu than của đoàn chiên đang chờ chủ chiên đến để chia sẻ, đồng cảm và ban bình an trước những rạn nứt đang âm thầm rỉ máu trong đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh. Hơn lúc nào hết, hình ảnh linh mục phải được khơi dậy và sống lại trong thời đại hôm nay, để luôn là hiện thân của Chúa Kitô đến an ủi, băng bó và chữa lành những vết thương đó bằng sự “hiện diện” của mình.
Quả vậy! Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương khi nhìn dân chúng lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, và chính Chúa đã nói với các môn đệ “anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (x. Mt 9, 35-38). Người đã thương khóc khi nhìn thấy sự vất vưởng của dân Israel xưa, khi họ phải bơ vơ, cô độc và tuyệt vọng vì họ mất niềm tin nơi Chúa, mất đi nhu cầu tâm linh chẳng biết kêu cầu ai khi rơi vào hố sâu của lối sống trần tục hóa làm bào mòn đi căn tính của con người.
Lời mời gọi ấy vẫn luôn là hồi chuông mà Chúa muốn gửi đến mỗi Kitô hữu để cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Bởi con người ngày nay cần một con đường, một lối đi và một niềm hy vọng tâm linh nào đó có thể giúp họ vượt qua mọi thử thách, cám dỗ nơi cuộc sống đời thường. Và đó chính là con đường Giêsu khi Người nói “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Nhờ đời sống cầu nguyện liên lỉ, mỗi chúng ta được đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha, để nhờ Người thánh hóa, biến đổi và sai đi trở thành thợ gặt lúa về cho Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Fanxico cũng đã nói về sứ vụ của linh mục: “Hãy trở nên những linh mục chứ đừng trở thành những viên chức!” Thật vậy! Linh mục là người của Chúa, thuộc trọn về Chúa và sống hết mình vì Chúa qua sự phục vụ tha nhân. Nhưng hình ảnh linh mục ngày nay đang bị biến dạng khi giáo dân không cảm nhận được Chúa Kitô đang hiện diện và hoạt động nơi các linh mục. Họ chỉ thấy hình ảnh linh mục là những ông vua, vị quan tòa hay những viên chức đang tự thiết lập cho mình một hệ thống điều hành mới.
Trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô đã quả quyết rằng: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa giao phó cho anh em” (1Pr 5, 3). Phải chăng đó là những lời khuyên đầy thao thức và hy vọng của thánh nhân khi người chứng kiến các linh mục có lối sống như vậy, và qua mối tương giao với Chúa được Chúa Thánh Thần linh hướng, đánh động, người đã viết ra như lời nhắc nhở cho mỗi Kitô hữu trong Giáo hội lữ hành.
Là linh mục thì làm ơn đừng như những ông vua chỉ thích phán xét, lên án và chỉ trích, thay vì lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với giáo dân. Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương khi lắng nghe tiếng khóc than của bà Góa thành Naim trước cái chết của cậu con trai (x. Lc 7, 11-17). Cũng vậy, người linh mục cũng phải nhạy bén và chạnh lòng thương đối với khó khăn và vất vả của đoàn chiên, để đi đến và hiện diện với con chiên bằng tình mục tử. Đừng như ông vua chỉ biết ngồi trong ngôi dinh thự của mình được bao phủ bằng những rào thép chắc chắn, tách biệt giáo dân ra bên lề mục vụ của mình, bởi “đã quá giờ làm việc”, hay “trời mưa lớn quá… tôi không thể đến được bây giờ!”
Làm ơn hãy cầu nguyện với Chúa mời Người vào tâm hồn của mình để canh tân lại bản thân, xây dựng một đời sống nội tâm lấy Đức Kitô là khuôn mẫu lý tưởng để noi theo, và “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga15, 9). Là linh mục chúng ta phải đặt Đức Kitô vào tâm điểm của đời sống để là hiện thân của Người chứ không phải để tự đưa ra một quy tắc riêng.
Tuy nhiên linh mục cũng là con người mang trên mình những yếu đuối bởi “Nhân vô thập toàn”. Mỗi giáo dân hãy năng cầu nguyện cho linh mục, bởi vì công tác mục vụ đôi khi quá áp lực làm các đấng nóng nảy, hoặc công việc xây dựng giáo xứ, xây dựng đời sống đạo của giáo dân làm các đấng mệt mỏi. Do đó, hãy nhớ tới các đấng trong lời kinh nguyện, động viên và cộng tác với các đấng trong công việc cũng như đời sống thường ngày. Kitô hữu làm ơn đừng làm hư linh mục bằng những lời tâng bốc thái quá, đừng bái phục và thờ lạy các đấng như một vị thánh, bởi vì linh mục chỉ là đại diện cho Chúa nơi trần gian để chuyển xuống các ơn lành, chứ tự họ thì không có quyền phép gì cả.
Ước mong rằng lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 38) luôn chiếu rọi vào tâm hồn mỗi người để chúng ta ý thức được sứ vụ Chúa trao phó cho các mục tử nơi cuộc sống dương gian, và hãy năng cầu nguyện cho các đấng để trở nên thợ gặt lành nghề đem hoa trái đầu mùa dâng lên cho Chúa.