Như dự đoán, chủ đề phá thai nhanh chóng trở thành tâm điểm trong cuộc tranh luận tổng thống vào ngày 10 tháng 9 do ABC tổ chức. Cả các người điều hành lẫn Phó Tổng Thống Kamala Harris đều bị chỉ trích vì cách điều khiển cuộc thảo luận, và bị cáo buộc là đã tránh né những sự thật quan trọng để đề bạt một nghị trình nhất định.
Một trong những giây phút gây tranh cãi nhiều nhất đã xảy ra khi bị ép hỏi về giới hạn phá thai, bà Harris đã không đưa ra bất cứ giới hạn nào rõ rệt mà bà sẽ ủng hộ. Những tuyên bố của bà đã bị chỉ trích gay gắt, nhất là việc mô tả sai lạc sự chăm sóc y tế sẵn có cho các phụ nữ bị sẩy thai ở các tiểu bang phò sự sống. Ngược với những tuyên bố của bà, phụ nữ ở những tiểu bang đó vẫn có quyền hưởng sự chăm sóc y tế cần thiết, kể cả sau khi bị sẩy thai.
Ngoài ra, bà Harris tuyên bố rằng phụ nữ không tìm cách phá thai sau khi mang thai đến kỳ hạn (to term). Tuy nhiên, định nghĩa về “đến kỳ hạn” trở thành tiêu điểm của sự bất đồng, vì hàng ngàn ca phá thai muộn—sau 21 tuần—được ghi nhận hàng năm, mặc dù nhiều trẻ sinh non ở giai đoạn này có thể sống sót nếu được chăm sóc y tế thích hợp.
Người điều hành của ABC, Linsey Davis, làm vấn đề thêm phức tạp khi tuyên bố rằng không có tiểu bang nào cho phép trẻ sơ sinh sống sót sau khi phá thai mà lại bị bỏ mặc cho chết. Tuyên bố này gặp phải sự phản đối, vì một vài tiểu bang thiếu các biện pháp bảo vệ pháp lý toàn diện cho trẻ sơ sinh sống sót sau phá thai. Ở những tiểu bang này, sự thiếu sót các biện pháp bảo vệ đã để số phận của trẻ sơ sinh tuy thuộc vào sự tự do của các nhân viên y tế, đó là một thực tế ảm đạm chối bỏ lời tuyên bố của Davis.
Dưới đây là một số sự thật làm nổi bật sự phức tạp đằng sau cuộc tranh luận về phá thai tại Hoa Kỳ:
Một quan niệm sai lầm rộng rãi cho rằng rất hiếm các ca phá thai muộn. Sự thật, gần hai chục tiểu bang hoặc cho phá thai không giới hạn, hoặc cho phá thai sau khi thai nhi có thể sống sót vì các “lý do sức khỏe” được định nghĩa mơ hồ. Những lý do này thường vượt ra ngoài các tình trạng khẩn cấp đe dọa tính mạng, cho phép sự giải thích rộng hơn.
Năm 2021, CDC ghi nhận hơn 4,000 ca phá thai sau 21 tuần thai kỳ—một giai đoạn mà nhiều trẻ sinh non có thể sống sót nếu được chăm sóc y tế. Con số thực sự có thể cao hơn, vì các tiểu bang như California và New York, nơi có luật phá thai tự do nhất, không báo cáo các dữ liệu này.
Trái với quan niệm phổ biến, hầu hết các ca phá thai muộn không được thực hiện do dị tật bẩm sinh của thai nhi hoặc nguy cơ đối với tính mạng của người mẹ. Theo nghiên cứu, lý do mà phụ nữ tìm kiếm phá thai muộn thường giống với những lý do khiến họ phá thai sớm hơn—những yếu tố như khó khăn tài chính, vấn đề quan hệ, hoặc đương sự chưa sẵn sàng. Ngay cả các tổ chức ủng hộ quyền phá thai, như Viện Guttmacher, cũng thừa nhận rằng đa số các ca phá thai muộn không xuất phát từ các trường hợp khẩn cấp y tế.
Dữ liệu về trẻ sơ sinh sống sót sau phá thai còn hạn chế, nhưng những con số hiện có rất đáng lo ngại. Các báo cáo từ một số tiểu bang cho thấy mỗi năm có hàng chục trẻ sơ sinh ra đời sau những nỗ lực phá thai không thành công. Từ năm 2003 đến 2014, CDC đã ghi nhận 143 trường hợp như vậy, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn. Những người sống sót, tỉ như các người được đại diện bởi các nhóm như Mạng Lưới Những Người Sống Sót Phá Thai (Abortion Survivors Network) của Melissa Ohden, là bằng chứng sống động cho thực tại những người sống sót phá thai.
Mặc dù có những báo cáo này, hơn một nửa các tiểu bang ở Hoa Kỳ vẫn chưa ban hành các luật yêu cầu chăm sóc y tế cho trẻ sơ sinh sống sót sau khi phá thai. Ở những tiểu bang này, các nhà cung cấp dịch vụ phá thai không phải đương đầu với hậu quả pháp lý nếu họ bỏ mặc không giúp đỡ những đứa trẻ sơ sinh này.
Quan điểm của Phó Tổng Thống Harris về các giới hạn phá thai đã gây tranh cãi từ lâu. Trong thời gian tại Thượng Viện, bà đã bỏ phiếu chống Đạo Luật Bảo Vệ Trẻ Sơ Sinh Sống Sót Sau Khi Phá Thai, là một dự luật yêu cầu chăm sóc y tế cho trẻ sơ còn sống sót sau những toan tính phá thai. Tương tự, Thống Đốc Minnesota Tim Walz, ông có thể là ứng viên trong liên danh của Harris, có lập trường dễ dãi, ban hành các điều luật cho phép phá thai theo yêu cầu ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và làm suy yếu các biện pháp bảo vệ trẻ sơ sinh sống sót.
Chỉ riêng ở Minnesota, năm trẻ sơ sinh sống sót sau phá thai đã được ghi nhận trong những năm gần đây, nhưng chúng bị bỏ rơi mà không được chăm sóc y tế. Những người chỉ trích cho rằng cả Harris và Walz đều đã thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của những trẻ sơ sinh mảnh mai này.
Khi quốc gia tiến tới cuộc bầu cử năm 2024, phá thai vẫn là một vấn đề chia rẽ. Việc Phó Tổng Thống Harris không thể xác định giới hạn rõ ràng về phá thai thì hoàn toàn tương phản với phong cảnh pháp lý được hình thành từ quyết định *Dobbs kiện Tổ Chức Sức Khỏe Phụ Nữ Jackson* vào năm 2022, mà nó đã lật ngược phán quyết *Roe kiện Wade*. Sau đó, nhiều tiểu bang bắt đầu thực hiện các luật phò sự sống mà chúng phản ánh ý kiến công chúng về vấn đề này.
Trong khi đó, Harris và các đồng minh chính trị của bà ủng hộ các luật mở rộng quyền phá thai trong suốt chín tháng của thai kỳ, phá vỡ các thành quả mà các nhà hoạt động phò sự sống đã đạt được. Cuộc bầu cử sắp tới đưa ra một lựa chọn rõ ràng giữa hai quan điểm trái ngược về chính sách phá thai ở Hoa Kỳ.
Với thông tin sai lệch và những lời hùng biện nóng bỏng chi phối cuộc tranh luận, cử tri bị buộc phải đối diện với những thực tế phức tạp của luật phá thai và đạo đức y tế. Những sự kiện này cho thấy sự thật của việc phá thai muộn, những người sống sót sau phá thai và một môi trường chính trị thường bỏ qua quyền của những trẻ chưa sinh. Khi cuộc bầu cử đến gần, người dân Mỹ bị thách thức đối diện với những sự thật khó khăn này và giải quyết tương lai của vấn đề phá thai ở Hoa Kỳ.