Ngược dòng thời gian lịch sử, với 2000 năm từ khi con người và các mô hình xã hội phát triển, chúng ta đã chứng kiến: bao nhiêu triều đại sụp đổ, nhiều quốc gia bị xóa tên trên bản đồ, hàng triệu công trình bị tàn phá, hủy hoại, và nhiều chế độ phải tiêu tan. Tuy nhiên, giữa muôn vàn sự sụp đổ trên chúng ta vẫn thấy một Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập không ngừng phát triển và canh tân trước những thách đố, khó khăn và các thế lực luôn tìm cách phá hủy. Với ơn Chúa và sự hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để lướt thắng mọi thế lực thù địch. Như Chúa Giê-su đã hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Để Giáo Hội lớn mạnh như ngày hôm nay, trên cánh đồng mà Chúa Giêsu sai các tông đồ xưa “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19), đã có biết bao vị chứng nhân anh dũng đã sống và làm chứng cho Chúa. Mặc cho sự bắt bớ hung hãn, tra tấn dã man, thậm chí là cái chết đau thương, nhưng vì lòng mến mộ Chúa và kiên vững trong đức tin, các vị đã không chùn bước trước những gươm đao, giáo mác. Máu đào đã đổ, hòa chung với dòng máu từ cạnh sườn Chúa năm xưa trên đỉnh đồi Canvê, đã và đang tưới gội trên cánh đồng mà Chúa trao phó cho Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng.
Trong cuốn “Chỉ Nam về Huấn Giáo” được ĐTC Fanxico phê chuẩn ngày 23/03/2020, ĐTC nhấn mạnh “Giáo Hội phát triển không phải là chiêu dụ, nhưng bằng sự hấp dẫn”. Thật vậy! trong một xã hội mà các trang mạng truyền thông lớn mạnh, lối sống tự do và văn hóa hưởng thụ, đang phần nào cuốn con người vào nền “văn hóa sự chết”, ngược với các giá trị luân lý và các tiêu chuẩn đạo đức. Đây cũng là thách đố mới cho Giáo Hội, cũng là của mỗi Kitô hữu “được rửa tội và sai đi”, trong việc lưu giữ, canh tân và phát triển đời sống đức tin.
Từ ngữ Giáo Hội được sử dụng để dịch từ La-tinh “Ecclesia” (tiếng này do tiếng Hy-lạp Ekklesia - κκλησία) có nghĩa là “triệu tập”, và được dùng để chỉ những cuộc tụ họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo, chỉ cộng đoàn phụng vụ, nhưng cũng chỉ cộng đoàn địa phương hoặc tất cả cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới. (x, GLCGHT 751-752). Chung quy lại, Giáo Hội là dân Thiên Chúa được tập họp lại trên thế giới để thi hành sứ vụ mà Người đã giao phó.
Chiêu dụ là một hình thức mời gọi có phần nào không đúng sự thật cốt để lôi kéo chủ thể mà mình muốn truyền đạt đi theo quan điểm riêng của mình. Để thỏa mãn hay đạt được mục đích nào đó thường có xu hướng chủ quan. Dưới nhãn quan Kitô giáo, chiêu dụ được xem như một hình thức đối phó tạm thời, áp đặt một tư tưởng nào đó đôi khi họ không muốn tiếp thu và không có tính bền lâu.
Hấp dẫn là thu hút người khác bằng lời nói và nhất là việc làm, đó là phương thế cảm hóa người khác và bởi đó họ muốn đi theo. Như lời của ĐGH Biển Đức XVI nói: “Giáo Hội không phát triển nhờ chiêu dụ, nhưng bởi sự lôi cuốn, nghĩa là bởi chứng tá.” Có nghĩa sự lớn lên của Giáo Hội sẽ thu hút, hấp dẫn những anh chị em không chung niềm tin, bằng chính đời sống của mỗi kitô hữu.
Với ba khái niệm trên chúng ta có thể đúc kết được: Giáo Hội là dân Chúa quy tụ lại trên toàn thế giới, để thực thi các sứ vụ mà Người truyền lại nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Và sự phát triển của Giáo Hội là một sự hấp dẫn, chứ không phải chiêu dụ, để giúp họ “bám rễ sâu vào Đức Kitô” (Cl 2,7) nhờ đó mà họ có đức tin và lòng mến mộ Chúa bằng cả con tim, chứ không phải bằng môi miệng.
Xã hội ngày nay in hằn nhiều vết sẹo bởi nạn bạo lực gia đình, nạo phá thai, theo các đạo phái nhằm trục lợi, chống phá và đi ngược với các tiêu chuẩn vốn có của một tổ chức tôn giáo nào đó. Điều này, đã và đang làm cho đời sống của con người rơi vào cảnh gia đình chia ly, con cái đánh cha, đánh mẹ, quyền được sống của con người bị cướp đi một cách vô nhân tính, người trẻ rơi vào con đường tối tăm của các đối tượng xấu lợi dụng. Thực trạng vô cùng nan giải đối với các nhà lãnh đạo cũng như các quốc gia, cách riêng đối với Giáo Hội, là một vấn đề cấp bách trong việc truyền bá và xây dựng một nền tảng đức tin cho mỗi bạn trẻ. Để như những chứng nhân sống giữa thời đại, các bạn như là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô giúp nhiều người nhận biết được ơn cứu độ.
Thật vậy! Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, nghĩa là đem Tin Mừng của Chúa đến với anh chị em chưa nhận biết hoặc không có cơ hội để tìm hiểu. Ấy vậy, những năm qua chúng ta có thể thấy được tình trạng “già đi” của Giáo Hội, khi tỉ lệ người trẻ tham dự thánh lễ suy giảm nghiêm trọng, các nhà thờ dòng tu vắng bóng giáo dân và tu sĩ. Phải chăng Giáo Hội đang cố nằm trong một khuôn khổ nhất định, an toàn và không muốn va chạm?
Đáng buồn hơn, ngày nay không ít linh mục đã quên, hay phớt lờ đi sứ vụ rao giảng của mình. Một số chỉ muốn nằm trong vùng nội vi, an toàn, tạo ra một khoảng cách đối với giáo dân và những người không cùng niềm tin, khiến họ cảm thấy sợ hãi khi phải gặp các đấng ấy. Bên cạnh đó không ít linh mục tự xem mình là những vị quan tòa đầy uy lực, chỉ thích phán xét hơn là lắng nghe, thích thoái mạ hơn là khuyên răn, thích làm việc nhẹ nhàng hơn là nặng nhọc. Hình ảnh linh mục trong mắt giáo dân đang dần mờ đi, khi chính các đấng chưa thực sự thi hành sứ vụ của mình bằng nhiệt huyết, đó là hiện thân của Chúa Kitô.
Trong Tông Huấn EVANGELII GAUDIUM, ĐTC Fanxico đã viết: “Tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình” (số 49). Ắt hẳn khi đọc câu này nhiều người đã đặt ra cho mình câu hỏi, “Tại sao lại là một Giáo Hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn vì ở ngoài đường phố, không phải là một Giáo Hội lành lặn, đẹp đẽ và không tì ố?”
Thật vậy, khi nhìn lại cuộc đời của Chúa Giê-su chúng ta mới cảm nghiệm được sự thánh thiêng trong mỗi nỗi đau khổ của Người. Là con Thiên Chúa nhưng nơi Người sinh ra lại là một hang đá bỏ hoang, nằm trong máng lừa(x. Lc2,12), vất vả chạy trốn sang Ai-cập(x. Mt2, 13-17), lớn lên bị người đời cười nhạo, chối bỏ, lên án và chết một cách tủi nhục và đau đớn (x.Mt 26, 1-4. Lc 11, 14-23. Mt 27, 33-35). Tuy chịu nhiều đau khổ như vậy nhưng Chúa Giê-su chẳng bao giờ khuất phục trước những lời xúc phạm, mặc cho người đời ruồng bỏ và chết một cách đau đớn trên Thánh giá vì Người hằng vâng phục theo thánh ý của Chúa Cha trong công trình cứu chuộc loài người. Như thế chính Chúa Giê-su là khuôn mẫu lý tưởng cho Giáo Hội bước đi trên con đường lữ hành. Chính vì lẽ đó Giáo Hội hãy tự thoát khỏi vỏ bọc an toàn, đi ra những vùng ngoại vi không sợ khó khăn, nguy hiểm thậm chí là cái chết đang rình rập để đem lời Chúa đến cho mọi người. Như hạt lúa mì sinh ra phải chết đi, thối đi mới sinh ra được nhiều hoa trái.
Vậy muốn sinh được hoa trái chúng ta! “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Chúa mời gọi chính mỗi chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ của bản thân, mặc lấy con người mới để chúng ta đi vào mối tương quan với Chúa cách thân mật, ở lại, lắng nghe, và ra đi. Ở lại giúp chúng ta gần gũi với Chúa hơn để người trao ban sự bình an, rồi lắng nghe ý Chúa bằng đời sống cầu nguyện cuối cùng là ra đi, đến với những con chiên lạc và quy tụ chúng về với một chủ chăn duy nhất là Đức kitô.
Chính nơi đó chúng ta mới tìm kiếm được những giá trị chân lý đích thực, gặp được chính Chúa đang ẩn mình trong những con người nghèo khổ và cảm nhận được bình an, hạnh phúc bằng chứng tá đời sống của mình. Như là phương thế hữu hiệu, là bước chạy đà hoàn hảo nhất trong việc loan báo tin mừng.
Con đường truyền giáo là một quá trình lâu dài, khó khăn và nhiều thử thách. Khi Chúa sai các môn đệ đi rao rảng thì chính Người đã tiên báo “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi giữa bầy sói” (Lc10, 3). “Chiên” làm sao đi vào bầy “Sói” được? Một câu hỏi khó cho các môn đệ và cả mỗi chúng ta. Khi giữa cuộc sống họ có thể có những chọn lựa khác nhau và đem lại ích lợi cho bản thân như tiền bạc, địa vị, danh vọng…, vậy tại sao họ lại chọn con đường theo Chúa khi biết trước những thử thách, tương lai vô định, và chính Chúa cũng nói “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58)? Thiết nghĩ cầu nguyện chính là cầu nối giúp chúng ta có thể gặp gỡ Chúa, chính nơi đó Người sẽ ngự đến an ủi, soi sáng và tăng thêm sức mạnh để chúng ta ra đi cảm hóa được những con người tội lỗi. Xin hãy cầu nguyện bằng cả con tim. Cầu nguyện là trung tâm của đời sống. Bởi khi cầu nguyện thì ngay cả một người anh em, chị em thậm chí là kẻ thù cũng trở nên quan trọng.
Như lời Ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ”. Giáo Hội phát triển là sự hấp dẫn chứ không phải chiêu dụ. Vậy mỗi chúng ta hãy ý thức hơn về trách nhiệm bổn phận của một Kitô hữu trong việc đem lời Chúa đến cho mọi người. Qua các cử chỉ yêu thương, việc làm bác ái là dấu hiệu để mọi người nhận ra chính Chúa đang hiện diện nơi mỗi người.