Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, người người, nhà nhà, ai ai cũng dành cho nhau lời cầu chúc tốt đẹp: Chúc cho sự bình an, thịnh vượng và nhiều điều may mắn trong năm mới. Vâng quả đúng là như thế, vì sự bình an chính là điểm quy chiếu cho mọi cố gắng của cả nhân loại và vũ trụ bao la này. Thế nhưng, sự bình an đích thực không phải ai cũng hiểu và có được nó. Điều này được chứng minh cách rõ ràng qua cuộc sống thường hằng của con người, qua những cách thức mà con người tìm kiếm để có được.
Trên phương diện quốc gia, sự bình an được đồng nghĩa với sự phát triển kinh tế, vũ khí quân sự, khoa học... Nơi một số tôn giáo, sự bình an chỉ đạt được khi sống hoàn toàn thoát tục, một số tìm sự an bình nơi việc dấn thân phục vụ trong cộng đồng xã hội. Nơi con người, phần lớn thì sự bình an được xây dựng qua các giá trị vật chất, phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống trần thế này.
Trong niềm tin của Kitô giáo, chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, Người chính là sứ giả của sự bình an, như lời Sứ Thần loan báo trong ngày Người giáng sinh tại Belem:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14).
Thế nhưng, trong bản văn Mátthêu (10,34-36) thì Đức Giêsu lại nói: Thầy đến không phải là để đem bình an mà là để gây sự chia rẽ, xem ra Đức Giêsu đang có sự mâu thuẫn trong sứ điệp của Người. Để hiểu rõ được thứ bình an mà Đức Giêsu muốn nói đến là gì? Ta cùng tìm hiểu qua việc phân tích bản văn Mátthêu (10,34-36).
Bản văn Mátthêu 10,34-36: “Đức Giêsu đến để gây chia rẽ”, xét theo bố cục của sách Tin Mừng Mátthêu thì nó được đặt trong phần: Những bài giảng về sứ mạng truyền giáo của Đức Giêsu. Phần này có cấu trúc như sau:
Sau khi Đức Giêsu thiết lập nhóm mười hai Tông Đồ (9,35-10,4), Người liền sai các ông đi rao giảng với những chỉ thị truyền giáo kèm theo (10,5-15).
Sau đó, Đức Giêsu cũng báo trước cho các Tông Đồ biết về số phận của người thi hành sứ vụ, để các ông tránh được sự bất ngờ khi gặp phải sự khó khăn (10,16-25).
Khi các ông chuẩn bị lên đường, Đức Giêsu cũng đã có những bài huấn dụ cho các ông (10,26-33), cuối cùng đó là sứ vụ của chính Đức Giêsu và các môn đệ của Người (10,34-42).
Như vậy, khi biết được vị trí của bản văn (Mt 10,34-36) nằm trong một cấu trúc tổng thể, giúp chúng ta dễ hiểu hơn về ý nghĩa hay sứ điệp của bản văn muốn gửi đến cho độc giả khi ta phân tích bản văn.
Câu 34: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”.
Khi Đức Giêsu được sinh ra thì Sứ Thần đã loan báo Người là Sứ Giả của sự bình an (x. Lc 2,14). Điều này đáp ứng cho niềm hy vọng của con người đang mong chờ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua Đấng Mêsia. Thế mà Đức Giêsu lại nói: “Thầy đến không phải để đem bình an mà là đem gươm giáo”. Vậy phải chăng sự bình an cho trái đất mà Người đang nói đây là không tốt? Chắc chắn là không tốt, nên Đức Giêsu mới lên án, vì Người yêu thương trái đất này. Vậy ý nghĩa của sự bình an mà Đức Giêsu lên án là gì?
Sự bình an mà Đức Giêsu lên án ở trên đó là sự bình an theo kiểu của con người, là sự bình an ích kỷ được xây dựng qua những giá trị vật chất tầm thường để hưởng thụ, qua việc chiếm hữu, áp bức bóc lột, chà đạp lên nhân phẩm của người khác... một sự bình an do sự giả tạo bao bọc đáng phải lên án và phá đổ. Sự bình an này ngay cả dân riêng của Chúa cũng nghĩ như vậy. Họ đang mong chờ sự bình an do Đấng Mêsia đem xuống được thể hiện qua sức mạnh vượt bậc, thống trị tất cả các nước về kinh tế, chính trị, quân sự và khoa học... Thế nhưng, Đấng Mêsia lại chính là Đức Giêsu, Người đến để mang lại sự bình an. Vậy sự bình an mà Người mang lại cho nhân loại là gì?
Vâng, sự bình an của Đức Giêsu mang đến hoàn toàn ngược lại, nó là một sự bình an nội tâm sâu xa của con người, một sự bình an bền vững, là hoa quả của một tình yêu đích thực mang lại. Một tình yêu đích thực được xây dựng trên nền tảng chân lý, không có chỗ cho sự dối trá, nhàn nhã và ích kỷ. Để có được sự bình an - hoa quả của tình yêu do Đức Giêsu mang đến, con người phải chấp nhận sự hy sinh, quảng đại trong bất cứ hoàn cảnh nào theo thánh ý của Người.
Đó là sự chọn lựa duy nhất, nên Đức Giêsu đã dùng đến hình ảnh “gươm giáo”: một loại vũ khí trong các cuộc đấu tranh, để loại trừ, giết chết một đối tượng nào đó... và cũng là để nói lên sự dứt khoát trong chọn lựa. Bởi vì khi ta chọn lựa theo một quyết định nào đó, thì đồng nghĩa với việc ta phải dứt khoát cắt đứt đối với những gì còn lại, không có chỗ cho sự lưỡng lự nửa chừng nửa vời, chân trong chân ngoài. Như người ta vẫn thường nói:
“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước,
Biết chọn dòng nào, hay để nước lặng lẽ trôi”.
Vậy để có được thứ bình an đích thực do Đức Giêsu mang đến, chúng ta phải chấp nhận quên mình, ngay cả những cảnh đấu tranh, tàn sát... do thù địch gây ra. Vì sự thật chúng ta đã chọn lựa dứt khoát, nên cũng phải hy sinh và tuyệt đối trung thành vâng theo thánh ý của Thiên Chúa đến cùng.
Các câu 35-36: “Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.”
Đây là những lời ứng nghiệm sấm ngôn của ngôn sứ Mikha 7,6 nói về cái giá phải trả trong chọn lựa, hay sự “phũ phàng” trong khi chấp nhận một sự thật như người ta vẫn thường nói. Khi chúng ta lựa chọn một sự thật nào đó, thì chính sự thật đó sẽ khiến chúng ta phải đối diện với thực tại, phải loại trừ những giả tạo, gian dối ngăn cản, ngay cả với mối tương quan thân thiết nhất là những người trong gia đình mình. Điều này cũng đã được nói qua miệng của cụ già Simeon: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên” (Lc 2,34). Đức Giêsu nói trước điều này không phải chỉ dành cho những ai đang khao khát có được sự bình an thực sự, mà Người đang trực tiếp nói với các Tông Đồ, là những người đang nhận sứ vụ ra đi rao giảng và trao ban sự bình an của Thiên Chúa cho dân Người (x. Mt 10,12), theo cấu trúc tổng thể như ở trên đã trình bày.
Với người môn đệ Đức Giêsu, khi chấp nhận theo Đức Giêsu, họ cũng phải chấp nhận từ bỏ tất cả, ra đi loan báo Tin Mừng và làm tất cả những gì mà Chúa muốn. Vì chính Đức Giêsu là sự thật, bình an và tình yêu tuyệt đỉnh, nên khi đi theo Người, rao giảng về Người, các ông cũng phải chấp nhận thái độ của dân chúng như họ đã đối xử với chính Thầy của mình vậy. Con đường của Đức Giêsu đi chính là con đường của thập giá, con đường của tình yêu.
Với mỗi người Kitô hữu, khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta được chia sẻ sức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Giêsu, được đón nhận sự bình an đích thực và cũng như trở nên sứ giả ra đi rao giảng và trao ban sự bình an đó cho muôn dân. Chính vì thế, người Kitô hữu cũng đang hành trình trên con đường mà Đức Giêsu đã đi, đó là con đường của tình yêu, của sự hy sinh và trao ban.
Trong thời đại ngày hôm nay, con người với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đã mang lại cho mình đầy đủ tiện nghi vật chất. Thế mà có rất nhiều người trong số họ vẫn không cảm thấy có sự bình an hạnh phúc, cuộc sống dường như không có hy vọng nào, nên họ vẫn luôn tìm kiếm một thứ bình an bền vững hơn vượt lên trên những thực tại vật chất mà họ đang có. Đây chính là lời mời gọi để các Kitô hữu mau mắn lên đường mang sự bình an của Đức Giêsu đến cho thế giới hôm nay. Cách đặc biệt với các Linh mục, Tu sĩ nam nữ... thì sứ vụ này càng khẩn thiết hơn bao giờ hết, vì đây chính là mục đích chính trong ơn gọi tận hiến của họ.
Tất cả mọi người chúng ta, dù ở bậc sống nào, hoàn cảnh nào cũng đều phải ra đi theo như gương của Thầy Chí Thánh Giêsu, bất chấp những khó khăn, nguy hiểm đang rình chờ. Dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta đều phải cố gắng để xây dựng thực tại Nước Trời ngay ở trần gian này, phải mang cho thế giới này đầy ắp sự bình an đích thực của Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta.