Cửa Bạng - mảnh đất in dấu chân đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Ngoài Việt Nam. Sự kiện này được lưu sử qua biến cố trọng đại 19.3.1627 tại Cửa Bạng, chính qua biến cố này mà một thi sĩ nào đó đã có câu thơ:
“Thứ nhất đền thánh Rôma,
Thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù.”1
Là người con của Giáo Phận Thanh Hóa, tôi cũng không xa lạ gì khi nhắc đến mảnh đất Cửa Bạng thuộc làng Do (Do Xuyên) nằm gần sát với giáo xứ Ba Làng, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 50km về phía Nam ngày nay. Thế nhưng, cứ mỗi dịp đi tham quan, được đứng ngay trên mảnh đất Cửa Bạng, thì lòng tôi không khỏi một cảm xúc lâng lâng mang thầm những tri ân sâu nặng. Vì lý do đó, tôi viết bài này như để một lần nữa ôn lại kỷ niệm lịch sử thật tuyệt vời không chỉ với mảnh đất Cửa Bạng, mà với chính cá nhân của tôi.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng sống lại giây phút “bình minh lịch sử truyền giáo” ấy theo dấu chân của hai thừa sai, cha Pedro Marquez và Alexandre de Rhodes ở tại Cửa Bạng. Về sự chuẩn bị xa, có Cha Giuliano Baldinotti (người Ý) và thầy Giulino Piano (người Nhật) trong thời gian tìm hiểu tình hình Đàng Ngoài Việt Nam từ ngày 02.02 – 18.8.1626, đã gửi thư yêu cầu cha bề trên tỉnh dòng Gabrien Mattos đang kinh lược ở Đàng Trong Việt Nam, gửi thừa sai thông thạo tiếng việt ra Đàng Ngoài truyền giáo. Sau khi nhận được thư cha Mattos liền lệnh cho hai cha Marquez và Rhodes rời Đàng Trong về Ma Cao, chuẩn bị cuộc truyền giáo cho Đàng Ngoài Việt Nam. Vâng lời Bề trên, hai cha đã mau mắn lên đường, và đến ngày 12.3.1627 lên tàu buôn của người Bồ rời Ma Cao hướng thẳng đến Đàng Ngoài Việt Nam.2
Chúng ta không thể phủ nhận rằng dấu chân hướng về đích nào đó là do bởi sự chỉ huy của não bộ, nhưng vượt lên trên chỉ huy của não bộ đó là một ý chí kiên quyết của chính chủ nhân. Với hai thừa sai Marquez và Rhodes, thì sự chỉ huy lớn hơn là bởi tình yêu lòng nhiệt huyết truyền giáo, chính tình yêu Đức Kitô thúc bách các đấng ra đi theo lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Về hành trình của hai cha thừa sai và đoàn thương gia, sau sáu ngày lênh đênh trên biển và qua một ngày buông xuôi trong mệt mỏi, bởi trận cuồng phong dữ dội ập đến. Đúng ngày 19.3, ngày lễ kính thánh Giuse, thì biển cả bỗng trở nên êm đềm đến lạ thường, con tàu đã được đưa đến một điểm “không hẹn mà hò”. Có thể nói chính cơn cuồng phong của biển cả, lại cũng là một trong những nguyên nhân định hướng cho những dấu chân đầu tiên của các nhà truyền giáo cho Đàng Ngoài Việt Nam ở tại Cửa Bạng. Xét trong thái độ của niềm tin, thì sự định hướng qua trận cuồng phong có sự tác động của Thần Khí, chính Người đưa những dấu chân sứ giả đến với mảnh đất Cửa Bạng thân yêu.
Đoàn khách lạ bước xuống khỏi con tàu, đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất Cửa Bạng. Trong số rất nhiều dấu chân đó, làm sao ta có thể phân biệt được đâu là dấu chân của sứ giả loan báo Tin Mừng, đâu là dấu chân của những người thương gia? Để phân biệt được các dấu chân của một ai đó cách chắc chắn; trước hết, chúng ta phải xét về chính con người đó cách tổng thể, rồi xét về ý hướng và mục đích mà dấu chân muốn tiến đến; sau đó là xét về đặc điểm của những dấu chân: từ mạnh nhẹ, nhanh chậm... nó cũng thể hiện được ý muốn của chủ nhân, điều này thường đi liền với những hành động mà họ đang thể hiện.
Dấu chân của các thương gia người Bồ trên đất Cửa Bạng chắc chắn sẽ có sự khác biệt với dấu chân sứ giả Tin Mừng. Họ là những người sống đời thường, làm ăn buôn bán để thêm phần cung cấp cho nhu cầu cuộc sống của họ và gia đình; họ đến đây với mục đích là giao thương với triều đình về vũ khí và một số hàng hóa khác. Chính vì thế mà Cửa Bạng nghèo nàn không có phải là điểm đến của họ; họ chỉ muốn mau mau để đến kinh đô và những nơi sầm uất để giao thương, mới mong làm giàu được. Qua đó, dấu chân của họ nói lên tất cả: vừa xa lạ, vừa vội vã muốn nhanh rời khỏi nơi đây.
Dấu chân của sứ giả quả thật rất tuyệt vời như thánh Phaolô diễn tả: “Ôi! Đẹp thay những bước chân người đi loan báo Tin Mừng” (Rm 10,15). Hai cha Dòng Tên Marquez và Rhodes, là những mục tử đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa, cuộc sống của họ là trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Đối với hai thừa sai, thì ở bất kỳ mảnh đất nào cũng đều là của Chúa và họ phải có nhiệm vụ giới thiệu Đức Kitô cho những người chưa biết; đưa những con chiên “hoang” về cùng một đàn, vì tình yêu họ dành cho Thiên Chúa và nhân loại. Chính vì thế, khi đặt chân lên mảnh đất Cửa Bạng các đấng đã coi nơi đây không có gì xa lạ, ngược lại coi nó như là ngôi nhà của mình: “Anh em không còn là người xa lạ hay khách ở trọ, nhưng anh em thuộc về gia đình của Thiên Chúa" (Ep 2,19-22). Các đấng đã mau mắn thi hành sứ vụ của mình cách nhanh chóng không trì hoãn, đó là sứ vụ của tình yêu Đức Kitô, là mang Tin Mừng đến cho những con người nghèo này. Từ đó, chúng ta phần nào nhận ra được đặc điểm của dấu chân sứ giả vừa nhẹ nhàng, tròn đầy, ghi dấu sự trung thành của tình yêu dâng hiến; vừa in đậm, mang sự gắn kết keo sơn ở chính mảnh đất này, như dấu chỉ của sự tự hủy trao ban trong tình yêu; vừa đa hướng, muốn chính nơi đây là khởi điểm của một hành trình đi tung gieo Lời Chúa khắp muôn nơi.
Từ những dấu chân tuyệt vời mang đậm một tình yêu truyền giáo trên mảnh đất nghèo Cửa Bạng; hai cha thừa sai đã mang Đức Kitô đến cho nhiều người, chỉ sau khoảng 20 ngày, đã có khoảng 32 người được rửa tội, trong đó có nhiều thành phần, thầy đồ, thầy cúng, phú gia và đa số dân nghèo... có thể xem đây như là những “bông lúa đầu mùa trong mùa gặt” tại Đàng Ngoài Việt Nam của hai thợ gặt đầy nhiệt huyết này 3. Dù trải qua bao gian nan thử thách cũng không thể làm cho những dấu chân sứ giả bị phai mờ biến mất, nhưng ngược lại làm cho tinh thần truyền giáo lên cao hơn, những dấu chân đa hướng hơn, đúng như lời Thánh vịnh:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về gieo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,5-6).
Khi suy tư và viết bài này, đã hướng lòng tôi đến tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn, vì chính Người đã thương cho tôi một đức tin được cưu mang trong một trang sử hào hùng của Giáo Hội Xứ Thanh; khởi điểm từ những dấu chân sứ giả in vết đầu tiên trên mảnh đất Cửa Bạng, trong ngày lễ kính thánh Giuse 19.3 cách đây 391 năm về trước. Từ đó, biết bao nhiêu dấu chân sứ giả khác của bậc tiền nhân tiếp tục in vết trên những mảnh đất mới; bao lớp lớp cha anh đã hăng say đến cả anh dũng hy sinh quên mình để bảo vệ một đức tin tinh tuyền, tất cả làm nên “chặng đường lịch sử oai hùng” của Giáo phận Thanh Hóa nhỏ bé. Từ những mẫu gương truyền giáo và tử đạo, tôi cũng ao ước chính cuộc đời của tôi sau này cũng in dấu chân ở bất cứ nơi nào được sai đi, hầu làm sáng Danh Chúa khắp muôn nơi, như gương hai vị thừa sai Dòng Tên năm xưa.