Khi phía trời đông bắt đầu ửng hồng, đó cũng là lúc báo hiệu đêm sắp tàn và bình minh đang xua tan bóng tối. Và kìa! Mặt trời mọc lên rực rỡ và huy hoàng. Quang cảnh thiên nhiên ngoạn mục ấy mỗi ngày cứ tái diễn để nhắc nhở lòng người luôn nhớ đến giây phút thiêng liêng khai nguyên ơn cứu độ. Chúa Giêsu Kitô chính là “Mặt Trời Công Chính” và bình minh đi trước là Đức Trinh Nữ Maria. Thế nhưng, Đức Maria lại không một mình đi vào lịch sử cứu độ mà cùng song hành với một nhân-vật-không-thể-thiếu là thánh Giuse. Vị nhân vật này lặng lẽ xuất hiện vài trang đầu trong Tin mừng theo thánh Matthêu và thánh Luca, nhưng lại rất kiệm lời, nói cách chính xác là “không nói”. Sau đó, người cũng lặng lẽ lùi vào hậu trường cứu độ và không hề xuất hiện lại nữa. Thế nên, khi tìm hiểu con người “kỳ bí” này chúng ta chỉ có thể dựa vào những khoảng khắc bất chợt được ghi lại cách ngắn ngủi nơi những trang viết của hai thánh sử Mathêu và Luca mà thôi. Vì vậy, khi trình bày con người âm thầm này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu danh xưng và gốc tích trong trong một hoàng tộc chỉ còn “Vang Bóng Một Thời”, tiếp đến chúng ta cùng tìm hiểu lời “xin vâng” của thánh nhân đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa lúc lòng đầy nghi nan, có thể nói là “Đêm Trường Nghi Nan”, và cuối cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu những thử thách của thánh nhân trải qua với hài nhi Giêsu để thấy được đức tin kiên cường và vai trò của người là “Dưỡng Phụ Chúa Cứu Thế”.
Ngay những trang đầu trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, danh xưng và gốc tích của thánh Giuse đã nổi bật qua lời sứ thần hiện đến trong giấc mộng của người. “Này ông Giuse, con cháu Đavít...” (Mt 1,20). Trong nguyên ngữ Do Thái, “Giuse” có nghĩa là “xin Thiên Chúa ban thêm (những con cái khác)” và trong quan niệm dân gian còn có nghĩa là: “Thiên Chúa đã cất đi (sự xấu hổ của tôi)”1.
Trong Kinh Thánh, có một người nổi tiếng mang tên này là tổ phụ Giuse, con tổ phụ Giacóp, do bà Rakhel, người vợ được Giacóp sủng ái sinh ra cho ông lúc tuổi già. Đó là lý do Giuse được đặt tên như thế với những ý nghĩa trên (x. St 30, 23-24). Quả thật, tổ phụ Giuse trong Cựu Ước là hình bóng thánh Giuse trong Tân Ước. Thánh Bernađô đã giải thích rằng: “Thánh Giuse của chúng ta không chỉ thừa kế đại danh vị tổ phụ, người còn là bậc thi đua với tổ phụ về đức khiết tịnh, phản chiếu gương tổ phụ về lòng trong trắng và ân phúc. Vị tổ phụ, vì muốn trung thành với chủ mình (quan đại thần Putipha) nên đã từ chối sự quyến rũ của bà chủ. Đấng Thánh, vì nhận biết nơi hôn thê của mình là mẹ Chúa Mình và là Nữ đồng trinh, nên chính người cũng sống khiệt tịnh và coi sóc vị Trinh Thê với lòng trung tìn. Nếu tổ phụ Giuse được ơn hiểu biết bí mật cá chiêm bao, thì thánh Giuse lại được hiểu biết và chia sẻ các mầu nhiệm trên trời. Nếu tổ phụ tích chứa kho lẫm lương thực, không phải cho chính mình mà cho cả dân tộc, thì Đấng thánh là được Trời trao phó giữ gìn Bánh Hằng sống, cả cho mình lẫn toàn vũ trụ.”2
Qua vài lời nhận xét trên, chúng ta nhận ra thánh ý cao minh và công trình yêu thương và kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện nơi thánh Giuse. Như thế, vai trò quan trọng của thánh Giuse trong nhiệm cục cứu độ nhân loại của Ngôi Hai. Nếu như từ muôn thuở Thiên Chúa đã kén chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ Con Một Người, thì tất nhiên việc tuyển chọn một người xứng đáng cho Mẹ Thiên Chúa làm Bạn Trăm Năm và Dưỡng Phụ Con Một Chí Thánh của Người cũng phải được Thiên Chúa tiền định từ trước muôn thuở, chứ không phải là một quyết định vội vàng, ngẫu hứng hay tình cờ theo kiểu nhân loại.3
Về gốc tích thánh Giuse, hai thánh sử Matthêu và Luca nêu bật ngài là “con cháu vua Đavít” (Mt 1, 23), thuộc “hoàng tộc Đavít” (Mt 1,27), thuộc “dòng dõi vua Đavít” (Lc 2, 4). Đó là tước hiệu cao quý nhất của người trước mặt trần thế. Thật vậy, dòng tộc đế vương này, từ đời Giêsê, thân sinh vua Đavít (1015 – 975 TCN), qua các thế hệ nối tiếp, được các ngôn sứ nối tiếp nhau loan báo, sẽ sinh Đấng Cứu Thế. Chính Đấng Cứu Thế cũng được gọi là “con cháu vua Đavít” (Mt 1,1) như thánh Giuse do thừa kế trực tiếp từ người.
Còn về nguyên quán, quê tổ của dòng họ này là thị trấn Bêlem, trong vùng núi xứ Giuđê, cách Giêrusalem tám cây số về phía nam. Bêlem, trong ngôn ngữ Do Thái, có nghĩa là “Nhà Bánh”. Đây là một địa danh có từ thời Cựu Ước xa xưa, là nơi vua Đavít chào đời và đã được in dấu ấn vương quyền bằng ghi thcứ xức dầu do tay ngôn sứ Samuen theo lệnh Thiên Chúa (x. 1Sm 16,13). Đó cũng là nơi Chúa Giêsu giáng sinh sau này khi thánh Giuse từ Nazareth trở về khai sổ nhân danh theo lệnh hoàng đế La Mã đúng như lời ngôn sứ Mica đã báo trước và dân Do Thái trông đợi ngày đó sẽ đến. “Phần ngươi, hỡi Bêlem, phần đất Giuđa, người đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì từ nơi người sẽ xuất hiện vị thủ lĩnh sẽ chăn dắt Israel dân của Ta” (Mt 2,6; Mk 5,1).
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, chín thế kỷ sau vua Đavít, dòng tộc đế vương này đã suy yếu và sa sút. Một trong những dậu huệ của hoàng gia này là thánh Giuse đã trở thành một người dân bình thường của một đất nước đã mất chủ quyền và đang chịu sự thống trị của đế quốc La Mã. Người sinh sống ở một làng quê nghèo Nzareth, phía bắc xứ Galilê. Tại đó, người làm nghề thợ mộc và sống khó nghèo để Đấng Cứu Thế mai sau cũng sống như thế và công khai giảng dạy: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em.” (Lc 6,20; x. Mt 5,3). Tóm lại, dòng tộc đế vương này chỉ để lại tiếng vọng của quá khứ trong giai đoạn oai hùng mà bây giờ chỉ còn Vang Bóng Một Thời mà thôi.
Trong trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh sử Matthêu có thuật lại câu chuyện sứ thần truyền tin cho thánh Giuse trong giấc mộng. Đây là một đoạn văn khá rắc rối gây thắc mắc cho người đọc vì trước là đính hôn sau là chồng vợ. Theo tục lệ, hôn nhân có ba bước là hứa hẹn, đính hôn và hôn lễ.4 “Hứa hẹn” là khi đôi bạn còn nhỏ, chưa biết nhau. Sự hứa hẹn này thường do cha mẹ hoặc do người mai mối. “Đính hôn” tức là xác nhận sự hứa hẹn khi trước. Lúc này, sự hứa hẹn có thể xóa bỏ nếu như người nữ không bằng lòng. Thế nhưng, một khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc với nhau cách tuyệt đối. Dầu vậy, mối liên kết này chưa có nghĩa là hai bên được về chung sống với nhau. Nếu người đàn ông chết trước ngày cưới, người phụ nữ kể là quả phụ, hay còn được gọi là “trinh nữ góa”. Còn nếu người phụ nữ “đã hứa hôn” mà lấy người khác thì là ngoại tình và bị ném đá (x. Đnl 22, 23-24). Thời gian đính hôn kéo dài khoảng một năm.5 “Hôn nhân” chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn.
Sau khi tìm hiểu phọng tục hôn nhân của Do Thái, chúng ta sẽ hiểu đoạn văn một cách dễ dàng hơn. Lý do của cuộc truyền tin này được thánh sử Matthêu cho biết là “trước khi về chung sống, bà Maria đã có thai” (Mt 1,18). Đây là điều gây nhức nhối, vò xé tâm hồn thánh Giuse bởi người không biết Đức Maria thụ thai là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Quả thật, người là chồng đã đính hôn với Maria mà lại không hay biết gì về sự việc đã xảy ra nơi vị hôn thê của mình cả. Đến khi, thai nhi trong lòng Đức Maria mỗi ngày một lớn khiến mọi người không ai mà không biết. Điều đau khổ nhất là thánh nhân không hiểu bào thai đó ở đâu ra vì người không phải là “tác giả” gây nên cơ sự này. Chính vì vậy, để bảo toàn danh dự cho Đức Maria, người phải chọn một giải pháp là đoạn giao “kín đáo”, trái với đoạn giao “chính thức” trước mặt chứng nhân.
Trong đoạn văn, ta tìm được nguyên nhân trong quyết định của thánh Giuse là đức công chính. Nếu thánh nhân có ý định đoạn giao với Đức Maria cách công khai như luật dạy phải làm đối với một phụ nữ phạm pháp để mọi người khinh bỉ, thì người còn đáng được gọi là “người công chính” nữa không trong khi chưa hiểu sự tình? Mục đích của người không phải là tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi, nhưng người nghĩ rằng phạt một người xét là vô tội thì chẳng công chính tí nào. Lòng tin tưởng của người vào Đức Maria là quá lơn và không hề suy giảm.
Đứng trước một mầu nhiệm chưa được mạc khải, “người công chính” như Giuse, tức là người tuân giữa trọn vẹn lề luật và các giới răn của Thiên Chúa (x. Lc 1, 6), chỉ còn biết chọn một giải pháp hợp lý là đoạn giao cách kín đáo. Người không thể nghi ngờ Đức Maria phản bội, đồng thời, người không cảm thấy mình phải có nghĩa vụ đối với đứa con của Đức Maria. Thế nên, trong lúc đầy bóng tối nghi nan này, người không muốn gì hơn là có được một lời giải đáp để gỡ rối tơ lòng của mình. Do đó, một sứ thần đến với người trong giấc ngủ để mang đến cho người tia sáng xua đuổi mọi bóng đêm trong tâm trí và hướng dẫn người cách hành động theo thánh ý của Thiên Chúa. Sau khi tỉnh giấc, thánh Giuse đã thực hiện ngay lập tức điều sứ thần truyền. Kể từ đây, thánh Giuse đã âm thầm bước vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong tự do của mình.
Thật vậy, thánh Augiustinô đã nói rất chí lý: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu không có con cộng tác”.6 Đúng thế, Thiên Chúa tôn trọng tuyệt đối ý chí tự do, sự lựa chọn tự do và sự quyết định tự do của con người. Thiên Chúa không bao giờ cưỡng ép hay áp đặt bất cứ một ai làm theo lời Người cả. Con người sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động tự do của mình. Thế nên, khi thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã không tự mình thi hành bằng quyền năng vô biên của Người, nhưng Người đã mời gọi con người cùng cộng tác với Người. Trong sự an bài đầy thượng trí của Người, Thiên Chúa đã tiền định mọi kế hoạch hành động của Người một cách rõ ràng và từ muôn thuở, chứ Người không cần phải dự trù, mò mẫm hay cần phải lên kế hoạch trước. Vâng, mọi sự đều đã được thánh ý Người ấn định từ đời đời. Điều đó lại muốn khẳng định một lần nữa rằng vai trò không thể thiếu của thánh Giuse đã nằm trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, thánh Giuse cũng đã được mời gọi bước vào chương trình của Thiên Chúa khi người vượt qua đêm trường nghi nan và cất lên lời thưa “xin vâng” của mình để trở thành Dưỡng Phụ Chúa Cứu Thế.
Mặc dù vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết không thể thiếu của thánh Giuse trong nhiệm cựu Cứu Độ của Thiên Chúa như thế, Thánh Kinh đã đề cập rất ít về người, và chính người cũng không bao giờ lên tiếng phát biểu bất cứ một lời nào về bất cứ điều gì và trong bất cứ trường hợp nào. Tất cả những điều đó đã muốn vẽ lên chân dung thánh Giuse, người tôi trung của Thiên Chúa, một cách trung thực và hoàn mỹ nhất. Thế nên, chúng ta sẽ khám phá bức chân dung ấy từ chính những hành động của người để nhận ra thánh nhân là một con người luôn âm thầm và khiêm tốn; một con người tín thác và phục vụ; một con người để cho Chúa dìu dắt và hướng dẫn đầy yêu thương của Người trong mọi biến cố của đời mình.
Trước hết là hành trình về Bêlem và biến cố Giáng Sinh. Thánh sử Luca cho ta biết vì sao việc sinh hạ Chúa Giêsu tại Bêlem. “Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1). Trong đế quốc Rôma có những cuộc kiểm tra dân số định kỳ nhằm hai mục đích là đánh thuế và kiểm tra những ai đang ở tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Dân Do Thái được miễn nghĩa vụ quân sự, vì thế việc kiểm tra dân số ở xứ Palestine chỉ có mục đích chính là thu thuế.7
Như thế, “việc thánh Giuse ‘phải trở về nguyên quán’ chứng tỏ người có đất đai tại Bêlem và phải về đó để nộp thuế.”8 Con đường từ Nazareth tới Bêlem dài 128 dặm. Những tiện nghi cho khách trọ rất sơ sài. Thật vậy, hành trình về Bêlem trong khi Đức Maria bụng mang dạ chữa là một hành trình đầy gian nan và vất vả. Thánh Giuse chắc hẳn đã phải lo âu, chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ trọ cho Đức Maria. Tuy nhiên, vì dòng người khách thập phương từ khắp nơi tuôn đổ về Bêlem trong những ngày khai sổ bộ ấy quá đông đúc và vì hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn, hai ông bà đã không thể tìm ra được một phòng trọ trong các hội quán hay trong các nhà nghỉ ở thị trấn. Trong hoàn cảnh quá éo le ấy, hai ông bà đành dìu dắt nhau đi tìm chỗ nghỉ qua đêm ở ngoại ô, vì ngày giờ sinh con của Đức Maria cũng đã gần. Trước tình thế khẩn cấp ấy, thánh Giuse và Đức Maria không còn lựa chọn nào khác ngoài chuồng chiên bò để trống ở giữa cánh đồng hoang (x. Lc 2,6). Chắc hẳn, thánh Giuse đã phải đau xót khi thấy Đức Maria hạ sinh hài nhi Giêsu trong cảnh cơ bần như vậy.
Tiếp đến là cuộc chạy trốn sang Ai Cập. Sau khi các nhà đạo sĩ gặp Hài Nhi Giêsu, thì thánh Giuse được sứ thần báo tin là đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập vì bạo vương Hêrôđê đang tìm giết. Hêrôđê là người nửa Do Thái, nửa Êđôm. Ông là người luôn nghi ngờ và đa nghi. Ông nghi ai là đối thủ tranh chấp quyền hành của mình thì người ấy bị loại trừ ngay. Ông đã giết vợ và mẹ vợ. Thậm chí, ông ra lệnh giết con cả là Antipater và hai con trai khác là Alexander và Aristobulus, chỉ vì ông cảm thấy những người này nguy hiểm cho quyền lực của mình.9 Thế nên, dựa theo tính khí của ông, không có gì ngăn cản được ông tìm cách giết hại Hài Nhi vừa mới chào đời. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho Hài Nhi, thánh Giuse đã đưa cả gia đình trốn sang Ai Cập chờ đến khi Hêrôđê bang hà. (x. Mt 2, 20).
Đoạn cuối cùng của trình thuật thời thơ ấu theo thánh Matthêu kết thúc một cách bất ngờ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã giải thích đoạn này như sau: “Một lần nữa, gương mặt thánh Giuse xuất hiện thật quan trọng. Hai lần người nghe lời hướng dẫn trong giấc mơ và xuất hiện như người lắng nghe có khả năng phân biệt, như người vâng phục và là người hành động quyết đoán. Nhưng rồi, thánh nhân phải đối đầu với một cảnh bi đát của Ítraen trong giây phút lịch sử này. Người biết Archelaus, người con tàn bạo của Hêrôđê, cai trị miền Giuđê. Như thế, Bêlem không thể là nơi trú ngụ của gia đình Đức Giêsu nữa. Trong giấc mơ, thánh nhân nhận được hướng dẫn trở về Galilê. Sự kiện, thánh Giuse, sau khi nhận ra những vấn đề ở Giuđa, đã không theo ý kiến riêng của mình để quay về vùng đất Antipas cai trị, dù ông này ít hung bạo hơn, nhưng là do thiên thần chỉ dẫn, chỉ vì muốn nhấn mạnh xuất xứ của Đức Giêsu là từ Galilê, đáp ứng hướng dẫn lịch sử của Thiên Chúa.”10 Thật thế, sân khấu cứu độ đã chuẩn bị xong, thánh Giuse đã đem Chúa Giêsu về Nazareth. Theo ý nghĩa đích thực, Nazareth sẽ là nơi ẩn dật cho Đấng Cứu Thế và sẽ là cửa ngõ dẫn vào thế giới của Chúa Giêsu sau này.
Cuối cùng là việc lạc mất Chúa Giêsu trong đền thờ. Theo luật Tora qui định, mọi người nam Do Thái đã lớn phai đến đền thờ dự lễ Vượt Qua, lễ Các Tuần (Lễ Năm Mươi) và lễ Lều (x. Xh 23, 17; 34, 23-24; Đnl 16, 16-17).11 Bé trai Do Thái được kể là trưởng thành khi lên 12 tuổi. Vào tuổi này, họ trở nên con của lề luật và phải tuân giữ lề luật. Như vậy, lúc 12 tuổi Chúa Giêsu đã dự lễ Vượt Qua đầu tiên. Khi cha mẹ Người trở về, một mình Người đã ở lại. Cha mẹ đã lạc mất Người vì sơ ý. Các đấng cứ tưởng rằng Người có mặt trong nhóm hành hương. Chính điều này khiến cho cha mẹ Người bắt đầu lo lắng. Tin Mừng cho chúng ta biết phải sau ba ngày, các đấng mới tìm lại được Chúa Giêsu trong Đền Thờ, ngồi giữa các nhà tri thức, lắng nghe và đặt câu hỏi cho họ. Quả thật, ba ngày lạc mất Chúa Giêsu là ba ngày sầu khổ vì vắng bóng Ngài. Đó là những ngày mờ tối. Chắc hẳn cha mẹ của Người đã phải đau khổ biết chừng nào. Đến khi tìm thấy Người, thánh Giuse không một lời quở trách, còn Đức Mẹ thì nói trong thổn thức: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Qua câu nói này, chúng ta nhận ra bầu khí yêu thương thắm thiết dường nào của Thánh Gia Thất, tình phụ tử giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu đậm đà biết chừng nào bên cạnh tình mẫu tử của Đức Maria với Chúa Con. Biến cố này cần được đặt trong chiều kích Vượt Qua. Bởi lẽ việc tham dự lễ Vượt Qua đầu tiên này như vòng cung dẫn đến lễ Vượt Qua trên thập giá của Ngài.12
Như thế, lần tham dự lễ Vượt Qua đầu tiên của trẻ Giêsu chẳng khác gì là cuộc vượt qua của thánh Giuse. Thánh nhân đã tham dự trước vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thật vậy, đoạn Tin Mừng Lc 2, 41-50 là bài Tin Mừng về sự thương khó của thánh Giuse. Sứ mệnh gắn liền với khổ đau. Sứ mệnh càng cao thì khổ đau càng nhiều. Tình yêu gắn liền với hy sinh. Tình yêu càng sâu thì hy sinh càng đổ máu. Thánh Giuse đã có sứ mệnh và tình yêu lớn lao dành cho Chúa Giêsu bao nhiêu thì đau khổ và hy sinh của người cũng bấy nhiêu. Người đã luôn chết cho chính mình để tuân phục thánh ý Chúa và hầu như người đã chết thật trong ba ngày khi lạc mất Chúa Giêsu để hiệp thông vào công trình Cứu Độ của Chúa Con.
Tóm lại, khi đọc Tin Mừng chúng ta chẳng hề tìm thấy một lời nào của thánh Giuse cả. Thế nhưng, chân dung của thánh nhân lại hiện lên một cạch sống động qua những hành động cụ thể. Nơi thánh nhân ta cảm được hương thơn thanh khiết và thánh thiện thoát ra từ tấm lòng công chính của người. Một sự thanh khiết quên đi chính mình để sống trọn đời đồng trinh cùng Đức Trinh Nữ Maria. Một sự thánh thiện dành trọn cuộc đời để làm sáng danh Chúa. Suốt cuộc đời, người đã luôn trung thành và tận tụy trong ơn gọi “Đấng Trông Nom” cho Ngôi Hai Thiên Chúa. Chính vì vậy, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết về thánh nhân trong tông huấn “Redemptoris Custos” như sau:“Thánh Giuse được Thiên Chúa gọi để phục vụ con người và sứ mạng Chúa Giêsu trực tiếp qua việc thi hành chức vụ làm cha. Chính qua cách này, như Phụng vụ Giáo hội dạy, mà người “cộng tác vào mầu nhiệm Cứu chuộc cao cả khi thời gian viên mãn” và người đích thực là “thừa tác viên của ơn cứu chuộc”. Chức vụ làm cha của người được biểu hiện cụ thể “qua việc người phải biến đời mình thành phục vụ, thành hy lễ cho mầu nhiệm Nhập Thể và cho sứ mạng cứu chuộc liên kết theo đó; qua việc người phải dùng quyền uy hợp pháp của người trên Gia đình thánh để biến chính người, biến cuộc đời và công việc người thành một quà tặng trọn vẹn; qua việc người phải chuyển ơn gọi thuần nhân loại yêu thương trong nội vi gia đình thành một tế hiến siêu nhiên chính mình, chính con tim và mọi khả năng thành tình yêu phục vụ Đấng Thiên Sai đang trưởng thành dưới mái nhà mình” (RC 8).13 Do đó, thánh Giuse thật xứng với danh hiệu “Đấng Trông Nom Chúa Cứu Thế”.