Trong bài ca Magnificat, Đức Maria đã thưa lên rằng: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48). Vâng, quả thực trong muôn loài thụ tạo, không ai có được diễm phúc như Mẹ. Có thể nói ân sủng của Thiên Chúa bao bọc Mẹ cả “sau lẫn trước,” tình yêu Chúa trao cho Mẹ ai mà kể xiết. Giáo Hội nhờ ơn Chúa, đã nhận ra được sự cao cả của Mẹ, nên tôn kính Mẹ cách đặc biệt hơn hết và việc tôn kính Mẹ chính là hướng về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bốn tín điều mà Giáo Hội tôn vinh nơi Đức Maria như những “viên ngọc sáng lên” nơi “vòng triều thiên” mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Trong bốn tín điều về Đức Maria, hai tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) và Đức Maria trọn đời đồng trinh (Aeiparthenos), được Giáo Hội tuyên bố trong sự liên hệ tới mầu nhiệm Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Hai tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và Đức Maria về trời cả hồn lẫn xác, liên hệ tới ơn cứu độ của Đức Giêsu.
Các tín điều trên được xây dựng dựa trên nền tảng Thánh Kinh, Thánh Truyền, trong phụng vụ và những suy tư của thần học. Trong bài viết này tôi sẽ trình bày ở mỗi tín điều về (1) Nền tảng Thánh Kinh và (2) Suy tư thần học.
Tín điều Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) được tuyên tín bởi Công Ðồng Êphêsô (năm 431), để bảo đảm về thiên tính của Ðức Kitô lúc đó đang bị Nestorius, Thượng phụ ở Constantinople, đả kích. Ông ta chủ trương rằng Ðức Kitô có hai ngôi vị (persona) với hai bản tính (natura) tách biệt, và Mẹ Maria chỉ là “Mẹ của con người trần tục (Anthropotokos), hay tốt hơn gọi là “Mẹ Đức Kitô” (Christotokos), chứ không thể nào là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) được.1
Với các bản văn Thánh Kinh, chúng ta không thấy xuất hiện minh nhiên tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa – Theotokos”.
Thánh Kinh Cựu Ước
Với Thánh Kinh Cựu Ước, qua lời hứa sau khi Tổ Tông sa ngã (x. St 3,15) và lời của tiên tri Isaia: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14), cũng như của tiên tri Mikha 5, 2-3, được Giáo Hội coi như là lời tiên báo về vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Lời tiên báo ấy được thực hiện qua biến cố sứ thần Gáprien truyền tin cho Đức Maria (x. Lc 1,31-35).2
Thánh Kinh Tân Ước
Theo Thánh Kinh Tân Ước cho chúng ta biết được: một đàng Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (x. Ga 2,1; 19,25; Mc 6,3; Cv 1,14), và đàng khác Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa (x. Ga 3,16; 20,28; 21,7; Cv 2,36; Gl 4,4; Pl 2,6). Hơn nữa, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, bà Êlisabét đã thưa cùng Đức Maria rằng: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Từ những dữ kiện Thánh Kinh trên chính là nền tảng để Giáo Hội công bố tín điều: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).3
Với thái độ tự do trong đức tin, Đức Maria đã xin vâng theo thánh ý, nên Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã làm người, và bởi vì Người cũng chính là Thiên Chúa, nên Đức Maria được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).
Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa
Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria được công bố bởi Công Đồng Êphêsô (431), không phải là để bênh vực Đức Maria, cho bằng đó là bảo vệ chân lý về Thiên Chúa nhập thể làm người. Chính vì thế, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa phải được hiểu trong bối cảnh của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.4 Nằm trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót5 đã muốn đến với nhân loại nơi một “con người”, trong cung lòng một trinh nữ thật khiêm tốn và giản dị (x. Lc 1,38-48; Gl 4,4) qua gia đình.6
Quả thật, Đức Maria là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28), vì Thiên Chúa đã trao cho Mẹ tình yêu thật cao cả và chính tình yêu ấy đã làm cho Đức Maria chỉ biết phó thác và thưa lên hai tiếng “xin vâng – fiat”. Qua tiếng “xin vâng”, Đức Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cùng thân xác, và đem Sự Sống đến cho nhân loại, nên được công nhận là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Đấng Cứu Thế.7
Như vậy, nhờ Mẹ, Người Con đó đã trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, để chia sẻ với sự mỏng manh yếu đuối, để làm gương và cứu độ chúng ta chính trong sự yếu đuối của ta (x. 1 Cr 1,21-31). Người Con đó không một ai khác, đó chính là Đức Giêsu Kitô, dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa Cha,8 điều đó đồng nghĩa với Đức Maria không chỉ nhận được diễm phúc làm Mẹ: Mẹ của lòng thương xót (Mater misericordiae),9 mà người cũng là “cửa của lòng thương xót”10, vì đã cưu mang và sinh Chúa Giêsu. Có thể nói đây chính là đường lối mới của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, đi ngược lại hoàn toàn với não trạng của con người.11
Đức Maria – Mẹ của Đức Giêsu
Một điều rất cần thiết để phân biệt tránh sự sai lầm đó là: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính. Điều này có nghĩa là Đức Maria không sinh ra một Thiên Chúa theo nghĩa thuần túy thần linh, nhưng người được chọn để nhờ người mà Thiên Chúa Ngôi Lời có thể làm người, sống giữa loài người chúng ta và cứu độ chúng ta, như trong Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa - Constantinople đã dạy.12
Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật như ta, ngoại trừ tội lỗi. Về điểm này, người ta đã đặt câu hỏi rằng Đức Maria có biết điều đó không? Câu trả lời ấy chúng ta không thể khẳng định cách rõ ràng, vì chỉ có Mẹ mới biết được. Còn chúng ta chỉ có thể khẳng định một điều: Đức Maria chính là Mẹ của Đức Giêsu về phương diện con người. Nhờ Mẹ mà Đức Giêsu đã đi vào thế giới loài người chúng ta (x. Lc 2,52).
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở khía cạnh “hữu thể”, thánh Augustinô còn xác tín Đức Maria làm mẹ ở khía cạnh “tâm linh”, Đức Maria đã thụ thai Chúa bằng đức tin trước khi thụ thai trong lòng dạ: “Đức Maria nhờ tin tưởng đã cưu mang Người là Đấng Mẹ tin tưởng hạ sinh”.13 Do đó, Đức Maria cũng chính là người Mẹ của Giáo Hội (Mater Ecclesiae)14 và Mẹ của mỗi người chúng ta.15
Trong bối cảnh để bảo vệ chân lý về Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, mà tín điều “Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa” đã được công bố bởi Công Đồng Êphêsô (431), và một tín điều khác đi liền theo là tín điều về “Đức Maria – trọn đời đồng trinh,” được công bố chính thức bởi Công Nghị Latêranô (649), tuy nhiên nội dung tín điều đã có ở trong các Công Đồng như: Constantinople (381), Chalcedon (451), Constantinople II (553); ở Công Nghị lần thứ 11 tại Toledo (675) và Hiến Chế “Cum quorumdam hominum” được Đức Giáo Hoàng Phaolô IV ban hành ngày 07.8.1555.16 Đây là một tín điều về sự đồng trinh của Đức Maria trong cả ba giai đoạn: 1. Đồng trinh trước khi sinh Con (Ante partum); 2. Đồng trinh trong khi sinh Con (In partu); 3. Đồng trinh sau khi sinh Con (Post partum)
Thánh Kinh Cựu Ước
Giáo Hội nhìn nhận rằng tiên tri Isaia đã loan báo về người Trinh Nữ thụ thai: “Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14), chính là mặc khải về sự đồng trinh của Đức Maria.17
Thánh Kinh Tân Ước
Trong Tân Ước minh nhiên khẳng định việc Đức Maria mang thai Đức Giêsu là do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18.20; Lc 1,35), chứ không phải do người nam qua hành vi vợ chồng (x. Lc 1,34). Đây được xem như là “một công trình của Thiên Chúa, vượt quá mọi hiểu biết và mọi khả năng của nhân loại.”18 Ngoài ra, cách mặc nhiên, ở trong Phúc Âm Máccô gọi Đức Giêsu là “con bà Maria” (6,3), mà lẽ ra phải gọi là “con ông Giuse” như trong Mátthêu 12,46; hay ở trong lời tựa của Phúc Âm theo Gioan 1,13, và thư gửi tín hữu Galát 4,4. Tất cả những dữ kiện trên của Tân Ước là nền tảng để chứng minh Đức Maria thụ thai đồng trinh, hay đồng trinh trước khi sinh (Ante partum).19
Một câu hỏi được đặt ra: vậy trong và sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Maria có còn trinh khiết nữa không? Ở điểm này, Thánh Kinh không nói rõ. Thế nhưng, trong truyền thống Kitô giáo, thì ngay những ngày đầu đã xác tín điều này khi nối kết với mầu nhiệm Đức Kitô.20 Nhưng cũng vì sự im lặng của Thánh Kinh về vấn đề Đức Maria đồng trinh trong khi sinh (In partu) và sau khi sinh (Post partum), nên trong dòng lịch sử đã có nhiều tranh cãi và phủ nhận. Người ta đã dùng chính một số bản văn Thánh Kinh làm lý chứng như: các đoạn nói về anh em của Chúa Giêsu (x. Mc 3,31; 6,3; Ga 7,3.5.10; Cv 1,14; 1 Cr 9,5; Gl 1,19), hay đoạn trong Luca 2,7: “Bà sinh con trai đầu lòng”, hay ở Mátthêu 1,25. Tuy nhiên, các lý chứng trên cũng không thật sự thuyết phục để có thể thay đổi về xác tín trong truyền thống Giáo Hội về Đức Maria trọn đời đồng trinh (Aeiparthenos).21
Không chỉ trước đây, tín điều Đức Maria trọn đời đồng trinh (Aeiparthenos) mới gây nhiều tranh cãi, mà ngày nay kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, điều đó vẫn tiếp tục xảy ra. Người ta đưa ra nhiều lý do như: tín điều ấy như sự đề cao trinh khiết và làm giảm phẩm chức cao trọng của đời sống hôn nhân; người khác lại cho đó là chuyện hoang đường thần thoại; kẻ thì cho rằng vì Thánh Kinh không có ý nói về khía cạnh sinh lý, nhưng chỉ là biểu tượng của việc “thụ thai trinh khiết”... Qua những ý kiến đó, cho ta thấy dường như người ta chỉ chú trọng vào trinh khiết về sinh lý (virginitas carnis), mà bỏ qua sự trinh khiết về tinh thần hay con tim (virginitas cordis) cho Thiên Chúa vì Nước Trời (x. Mt 19,11-12; 1 Cr 7,34-35) nơi Đức Maria.22
Đồng trinh trước khi sinh Con (Ante partum)
Vấn đề về việc đồng trinh trước khi sinh Con của Đức Maria theo nghĩa thông thường thì điều này xem ra rất bình thường nơi thể lý người phụ nữ trước khi lấy chồng và sinh con. Thế nhưng, việc khẳng định Đức Maria đồng trinh trước khi sinh Con (Ante partum) theo nghĩa lớn lao hơn, đó là sự đồng trinh toàn vẹn của Mẹ, nghĩa là vừa cả về thể lý và luân lý.23 Đây chính là một đặc ân mà không người phụ nữ nào có được ngoại trừ Mẹ, bởi Mẹ chính là “Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28), vì đã được Thiên Chúa tuyển chọn cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35).
Sự đồng trinh cả thể lý lẫn luân lý của Đức Maria thể hiện sự cao quý và siêu việt về nhân tính của Đức Giêsu, vì Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.24 Mặt khác, sự đồng trinh ấy thể hiện mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, bảo vệ thiên tính của Đức Giêsu Kitô, Người hằng ở cung lòng Chúa Cha và luôn giữ mối liên hệ đặc biệt với Cha Người.25 Một ý nghĩa khác, sự đồng trinh ấy muốn chứng minh: Đức Kitô là một người mới, một tạo vật mới, một Ađam mới, nên cách Người ra đời cũng phải mới, vì nguồn gốc của Người khác với Ađam và với chúng ta.26 Ý nghĩa cuối cùng về sự đồng trinh ấy cho chúng ta biết Mẹ đã tận hiến hoàn toàn đời mình cho Thiên Chúa Tình Yêu.27
Đồng Trinh trong khi sinh Con (In partu).
Với mặc khải không rõ ràng trong các bản văn Thánh Kinh về mầu nhiệm giáng sinh của Đức Giêsu, cùng với nhiều bản văn Phúc Âm ngụy thư, đã xuất hiện nhiều lạc thuyết phủ nhận sự đồng trinh của Đức Maria nhất là trong khi sinh (In partu). Thế nhưng, Giáo Hội vẫn giữ nguyên lập trường rằng: Đức Maria đồng trinh trong khi sinh Con (In partu).28
Giáo Hội tuyên xưng, nhưng cần phải phân biệt được ý nghĩa của sự đồng trinh trong khi sinh Con của Đức Maria. Có hai ý nghĩa cần phân biệt: nghĩa thứ nhất, sự sinh hạ Chúa Giêsu không đụng chạm gì tới sự đồng trinh của Mẹ Maria; nghĩa thứ hai, việc hạ sinh nhiệm mầu Chúa Giêsu không làm Mẹ đau đớn và làm rách màng trinh.
Nghĩa thứ nhất: sự sinh hạ Chúa Giêsu, không tạo ra sự “dơ bẩn” theo luật Dothái (được nhắc ở Lc 2,22) và luật về đồng trinh cũng như sự thánh hiến của Đức Maria vẫn còn đó. Nói cách rõ ràng hơn đó là sự đồng trinh của Đức Maria vẫn tương hợp với việc làm mẹ của người, vì không xuất phát từ việc quan hệ vợ chồng.29 Việc sinh Chúa Giêsu đã không làm giảm bớt, nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Mẹ Maria, làm cho đấng không hề bị xâm phạm đã trở thành bất khả xâm phạm, đây chính là nghĩa mà huấn quyền Giáo Hội nhắm đến. 30
Nghĩa thứ hai: đây là ý kiến đạo đức và tự do trong Giáo Hội, không thuộc về đức tin dù cho có nhiều thần học gia chủ trương qua các thế kỷ. Vào những năm 1952-1960, một cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi giữa các nhà thần học hiện đại về sự đồng trinh trong khi sinh Con của Đức Maria (In partu), liên quan đến việc có rách màng trinh hay không?31 Trước tình hình đó, vào năm 1960, Bộ Thánh Vụ (nay là Bộ Giáo Lý Đức Tin) đã ra nghị định cấm tranh luận về vấn đề này.32
Đồng Trinh sau khi sinh Con (Post partum).
Sự đồng trinh liên tục của Đức Maria ở cả bên Đông Tây vào thế kỷ thứ III, là đối tượng của một dạng ý kiến tự do và đến thế kỷ thứ IV nó đã trở thành gần như là một tín điều. Ở thế kỷ thứ V, ít lâu sau trước Công Đồng Êphêsô, thì sự đồng trinh của Đức Maria sau khi sinh Con (Post partum) đã trở thành một sự khẳng định chung của đức tin.33
Đồng Trinh sau khi sinh Con (Post partum), nghĩa là sau khi sinh hạ Chúa Kitô, Con đầu lòng (x. Lc 2,7), Đức Maria vẫn giữ mình đồng trinh toàn vẹn cho đến trọn đời, không có sự quan hệ xác thịt và không có người con nào khác ngoài một mình Chúa Giêsu Kitô.34 Mẹ chẳng những đồng trinh về thể thể lý (Physical Virginity), mà còn đồng trinh toàn vẹn cả về luân lý (Moral Virginitry) nữa.35
Ngày nay, một số người vẫn còn thắc mắc về sự đồng trinh sau khi sinh của Đức Maria dựa vào một số bản văn Thánh Kinh như đã trình bày ở trên, nhất là đối với những người thuộc một số giáo phái của Tin Lành. Tuy nhiên, việc suy tư về sự đồng trinh sau khi sinh của Đức Maria không phải chỉ là một suy tư mang tính lịch sử về Thánh Kinh, nhưng còn là việc xem xét mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Giêsu và những gì mà mối liên hệ này có được.36
Tóm lại tín điều về Đức Maria đồng trinh trọn đời (Post partum), không chỉ để nói lên sự kiện người tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa,37 để phục vụ Đấng Emmanuen,38 nhưng cũng là để bảo vệ chân lý về thiên tính của Đức Giêsu Kitô và gương mẫu cho Giáo Hội bắt chước theo ngài.39
Đây là một tín điều được công bố bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX, trong Tông Sắc Ineffabilis Deus (08.12.1854), sau khi đã tham khảo các Giám Mục cũng như nhiều thành phần khác trong Giáo Hội qua Thông Điệp Ubi Primum (02.02.1849), mà nội dung trước đó đã có trong phụng vụ, nơi các Công Đồng, Huấn Quyền, các Giáo Phụ và các thần học gia nhưng chưa được định tín chính thức.40 Tín điều cho biết: Đức Maria vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ân sủng” (Lc 1,28), qua công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ loài người, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai, tức được gìn giữ tinh tuyền cho khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội.41 Thế nhưng, tín điều này lại gây rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội trong vấn đề đại kết, nhất là đối với anh em Tin Lành và cả với Chính Thống giáo.42
Thánh Kinh Cựu Ước
Sau biến cố Đức Giêsu chết và phục sinh, các tác giả viết Thánh Kinh, cũng như các Giáo phụ và các nhà thần học, chú giải mới nhận ra được những gì Thánh Kinh Cựu Ước tiên báo về Đấng Cứu Độ được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu (x. Gl 4,4: Dt 1,1-4). Đức Giêsu được nhận biết là “Ađam mới” (x. Rm 5, 12-21), và chính Người là miêu duệ của Ápraham làm thừa kế lời hứa (x. Gl 3,16). Song song với việc khám phá ra Đức Giêsu chính là Ađam mới mang lại ơn cứu độ nhờ sự tuân phục, thì vai trò của Đức Maria cũng được nhìn nhận như là Evà mới (thánh Justinô, Irênê), nhờ sự vâng phục Thiên Chúa. Chính trong sự tiến triển của mặc khải đó, người ta đã quy chiếu đến sách Sáng thế 3,15 coi đó là sự mặc khải trong Cựu Ước về ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ. Ngoài ra, nhiều nhà chú giải còn thêm các hình ảnh tiên trưng như: Bụi gai đang cháy (x. Xh 3,3), Hòm bia giao ước (x. Xh 40,20; Đnl 10,5), Thành đô Thiên Chúa (x. Tv 77; 86,3; 97), Thiếu nữ Sion (x. Is 62,11)... có ý nói lên sự thánh thiện của Đức Maria.43
Thánh Kinh Tân Ước
Bản văn Thánh Kinh Luca 1,28: “Đấng đầy ơn sủng”, được coi là quan trọng nhất trong mặc khải Thánh Kinh về ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Redemptoris Mater còn trình bày nhiều hơn thế nữa qua các bản văn: “Bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1,35), “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42)...44 trong sự liên hệ với thư Êphêsô 1,1-7. Qua đó, cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ Maria một cách rất đặc biệt, và Mẹ cũng đã đáp lại trong thái độ vâng phục khi dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho thánh ý của Thiên Chúa. Điều này cho ta nhận ra rằng bởi vì tội lỗi là sự thiếu vắng hay sự chống lại Thiên Chúa, thì điều ấy không thể tồn tại nơi con người của Mẹ.45
Tín điều về Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cần được đặt trong tương quan với Đấng Cứu Thế và với Giáo Hội, cũng như trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.46 Bởi vì, một cách rất hiện sinh, Đức Cha Fulton Sheen nói: "Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố vào thời điểm mà thế giới văn minh đang mù quáng chạy theo những thần tượng đối nghịch [...] Những chủ thuyết này có cùng một ước vọng muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi niềm tin của nhân loại, cho rằng con người không cần đến Thiên Chúa. Họ phủ nhận tội tổ tông và cho rằng con người tự mình có khả năng trở nên toàn thiện [...] Nói cách khác, con người tự vỗ ngực cho rằng họ tất cả đều vô nhiễm nguyên tội.”47
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa
Đức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, nói lên hồng ân tuyển chọn, hồng ân nhưng không xuất phát từ sự tự do của chính Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55). Người chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, vì yêu thương ta và để cứu độ ta, chứ không phải vì công trạng của chúng ta (x. Ep 1,3-14). Tất cả nằm trong chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa tình yêu (x. 1 Ga 4,8).48 Mẹ nhận được ơn gìn giữ khỏi nguyên tội ngay từ lúc tượng thai,49 tức là được thánh thiện, sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa, nhờ đó giúp Mẹ chu toàn vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ là Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ của Đấng Thánh.50
Trong tương quan với Đấng Cứu Thế
Khi trình bày về ơn vô nhiễm của Mẹ Maria trong tương quan với Con là Đức Giêsu - Đấng Cứu Thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã viết: “Nhờ tính chất phong phú của ơn phúc Con Chí Ái, nhờ sự nghiệp cứu thế của Đấng sẽ trở thành Con của người, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, tức là khởi đầu cuộc đời của người, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, tham dự ân sủng cứu độ và thánh hóa, tình yêu khởi nguồn nơi “Đấng Chí Ái,” nơi Con của Chúa Cha muôn thuở, Đấng trở thành con của người nhờ nhập thể.”51
Nhờ Con của Mẹ, nhờ công nghiệp Cứu Chuộc của Con Mẹ (intuitu meritorum Christi Iesu Salvatoris humani generis), Đức Maria đã nhận dư tràn ơn thánh,52 giúp Mẹ trở nên thánh thiện hơn tất cả mọi loài thụ tạo.53 Đặc ân này đã được Mẹ cảm nghiệm và thốt lên trong bài ca Magnificat: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới [...] vì Người nhớ lại lòng thương xót...” (Lc 1,46-55). Trong ý hướng đó, cha Reniero Cantalamessa đã chia sẻ: “Trong trường hợp của người (Đức Maria), lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ mang lại ơn tha thứ tội lỗi nhưng còn gìn giữ khỏi tội lỗi.”54
Có thể nói, Mẹ đã được hưởng trước và hưởng cách đặc biệt ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Chính đặc ân này giúp Mẹ vô nhiễm nguyên tội, và từ đó Mẹ xứng đáng được cộng tác với Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa và là con của Mẹ trong chương trình cứu chuộc nhân loại.55
Trong tương quan với Giáo Hội và nhân loại
Tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi: tình yêu của Chúa Cha, ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và ân huệ bao phủ của Chúa Thánh Thần. Vì thế, đặc ân ấy luôn xét trong tương quan với Giáo Hội và cả nhân loại, vì ơn cứu độ phổ quát.56
Đức Maria nhận được đặc ân vô nhiễm, được hiểu theo cả hai khía cạnh tiêu cực và tích cực.57 Mẹ được chuẩn bị cách tốt nhất, để đón nhận cũng như đáp trả cách tự do hồng ân nhưng không xuất phát tình yêu của Thiên Chúa; đồng thời cộng tác với ơn thánh cách trọn vẹn nhất, được thể hiện qua sự trao hiến toàn thân trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.58
Từ đặc ân vô nhiễm, Mẹ đã khai mở một tình liên đới mới, với một dòng dõi mới của những kẻ được tái sinh làm con Thiên Chúa. Người trở nên khuôn mẫu cho Hội Thánh, hiền thê không tì ố của Đức Kitô, sống giữa thế gian tội lỗi nhưng không vướng mắc tội lỗi, nhờ ân sủng của Chúa.59
Chiêm ngưỡng những đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, cả và nhân loại chúng ta hãy vui mừng trong tâm tình tạ ơn Chúa và chia vui với Mẹ, cũng như với chính mỗi người chúng ta; bởi qua tiếng “xin vâng” đầy sự xác tín của Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cứu độ toàn nhân loại và cả vũ trụ này (Rm 8,19-27). Đồng thời, nhìn gương Mẹ, chúng ta được gia tăng lòng tin cậy mến nơi lòng thương xót của Chúa; cho dù ta có yếu đuối tội lỗi dường nào, Người vẫn yêu thương và tha thứ cho ta (x. Ep 2,4),60 cũng như ban ân sủng cho ta như đã ban cho Mẹ Maria.61 Mỗi người chúng ta cũng hãy sống theo gương Mẹ, để luôn biết sẵn sàng vâng theo ý Chúa, “cưu mang và sinh Chúa” cho đời.62
Tín điều Đức Maria hồn xác về trời, được Đức Piô XII công bố ngày 01.11.1950, trong Tông Huấn Munificentissimus Deus. Tuy nhiên, trong việc chuẩn bị định tín, theo gương của Đức Piô IX, Đức Piô XII đã tham khảo ý kiến của các Giám Mục và nhiều thành phần khác trong Giáo Hội trước qua Thông Điệp Deiparae Virginis (01.5.1946), mặc dù trước đó nội dung tín điều đã có trong truyền thống phụng vụ (khoảng thế kỷ thứ V bên Đông Phương và thứ VII tại Rôma64), và một số Công Đồng, Huấn Quyền, cũng như nơi các thánh Giáo Phụ, các nhà thần học (nghĩa là tín điều phần lớn dựa vào Thánh Truyền).65 Nội dung về tín điều Đức Maria hồn xác lên trời ít gặp khó khăn và tranh cãi hơn tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội (1854).
Về tín điều này, không có một bản văn nào trong Thánh Kinh nói cách trực tiếp về Đức Maria được về trời cả hồn lẫn xác. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng đã dựa vào một số bản văn để giải thích cho tín điều này.
Thánh Kinh Cựu Ước 66
Với bản văn tiền Tin Mừng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Qua bản văn này, mặc dù không nói gì tới tín điều Mẹ Maria về trời cả hồn lẫn xác, nhưng theo các Giáo Phụ thì ở đây, vai trò của Đức Maria luôn liên kết với Đức Giêsu Kitô trong sự chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Thánh Kinh Tân Ước
Trong chương nói về “kẻ chết sống lại” của thánh Phaolô ở (1 Cr 15), đã cho chúng ta biết về chân lý: Đức Giêsu Kitô sống lại, chính là nền tảng, là khởi điểm cho sự phục sinh của mỗi người chúng ta. Và như vậy, sau sự phục sinh của Đức Kitô, phải kể trước hết không ai xứng đáng hơn ngoài Đức Maria, vì Mẹ luôn đồng hành cùng Đức Giêsu trong sứ vụ cứu độ của Người, nên đáng được hưởng đặc ân Mông Triệu cả hồn xác.67
Trong Luca 1,28.42; 11,27-28; Mátthêu 27,52-53; Khải huyền 12: mặc khải cho thấy, Mẹ là đấng tràn đầy ân phúc, được trang điểm như người phụ nữ khoác áo mặt trời vô cùng diễm lệ qua các tước hiệu mà Thiên Chúa ban cho như: làm Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trọn đời, vô nhiễm nguyên tội... Vì thế, sau khi chấm dứt cuộc đời tại thế, Mẹ được về trời cả hồn lẫn xác cũng không phải là không thể, xuất phát từ tình yêu đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho Mẹ.68
Trong Tông Huấn Munificentissimus Deus (01.11.1950), Đức Piô XII viết: “Đức Maria vô nhiễm, trọn đời đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, sau khi chấm dứt cuộc đời trần thế, đã được Thiên Chúa đưa vào vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác.”69 Đức Maria được rước về trời cả hồn lẫn xác, là một ân ban đặc biệt mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho Mẹ trong sự liên kết với toàn thể chương trình cứu độ, được thực hiện nơi Người Con mà Mẹ đã cưu mang bởi Chúa Thánh Thần, đã hạ sinh, nuôi dưỡng và đồng hành. Vì vậy, tín điều này cần được suy tư trong mối tương quan với Đức Kitô và với Giáo Hội của Người.
Trong tương quan với Đức Kitô
Có thể nói đặc ân Mẹ về trời cả hồn lẫn xác, chính là hiệu quả của công trình cứu chuộc nơi Đức Giêsu Kitô phục sinh dành riêng cho Mẹ Maria. Mẹ đã cộng tác với Con Mẹ thì: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.”70
Được về trời cả hồn lẫn xác, cũng là để Mẹ được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Con của người hơn, được “thông dự cách độc nhất vô nhị” vào sự phục sinh của Con Mẹ.71 Cuộc đời Mẹ đã hoàn toàn tận hiến cả hồn lẫn xác cho Thiên Chúa nơi tại thế qua Người Con, thì Mẹ cũng xứng đáng được Thiên Chúa ân thưởng vinh phúc cho cả hồn lẫn xác trên thiên quốc với Con của Mẹ.
Trong tương quan với Giáo Hội
Mẹ về trời cả hồn lẫn xác, mang một ý nghĩa quan trọng xét về mầu nhiệm Giáo Hội. Đó là dấu chỉ gia tăng niềm hy vọng và an ủi cho Giáo Hội và toàn thể vũ trụ được ơn cứu độ trọn vẹn nhờ sự phục sinh của Con: “Mẹ tham dự vào vinh quang của cuộc phục sinh của Con mình, thể hiện trước sự phục sinh của tất cả các chi thể của Thân Thể Người.”72 Tóm lại, Mẹ chính là: “hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội phải hoàn thành đời sau.”73
Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong chương trình cứu độ không chấm dứt, nhưng vẫn tiếp tục cầu bầu, để đem lại cho chúng ta những ân huệ, giúp chúng ta là những người đang bước đi trong hành trình đức tin được phần rỗi đời đời.74 Mẹ sẽ luôn ở bên Con Mẹ để cầu bầu cho tất cả mọi người trong vũ trụ này được hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất.75
Qua tín điều “Mẹ được về trời cả hồn lẫn xác” đi liền sau tín điều “Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, đã cho chúng ta nhận biết được tình yêu viên mãn của Thiên Chúa ban cho Mẹ, từ khi “tượng thai” cho đến khi chấm dứt cuộc đời tại thế này. Những gì Mẹ nhận được từ Thiên Chúa, cũng chính là ân ban cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta.
Qua bốn tín điều về Đức Maria được trình bày ở phần nền tảng Thánh Kinh và suy tư thần học, đã phần nào cho chúng ta cảm nhận được tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa Cha, công nghiệp của Chúa Con và quà tặng của Chúa Thánh Thần dành cho Mẹ. Cả cuộc đời Mẹ được dệt nên bằng hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Thế nhưng, dù ân sủng có sung mãn và dồi dào nhưng cũng không làm mất sự tự do của con người. Chính vì thế, Thiên Chúa đã tôn trọng tự do của Mẹ, để rồi sau tiếng “xin vâng – fiat” đầy xác tín của Mẹ Maria, Mẹ chính thức đồng ý để cho thánh ý được thực hiện.
Nhìn lên Mẹ, chúng ta hãy sống tâm tình tôn vinh, chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì đã thương đến Đức Mẹ, và cũng chính là thương đến chúng ta đang trong cảnh lầm than tội lỗi. Chúng ta cũng không quên cảm ơn Mẹ, vì Mẹ đã hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa cả hồn lẫn xác, để ý Chúa được thực hiện và chúng ta sẽ được cứu độ. Hơn nữa, được ở bên Chúa cả hồn lẫn xác, Mẹ vẫn hằng luôn cầu bầu cho Giáo Hội và mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin. Vì vậy, chúng ta hãy năng chạy đến cùng Mẹ, để nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ; đồng thời mỗi người hãy luôn cố gắng để sống theo gương Mẹ, để cũng xứng đáng nhận được tình yêu cứu độ nơi Thiên Chúa, hầu mai ngày hưởng vinh quang cùng với Mẹ trên thiên quốc.