Theo triết gia người Anh Anthony Kenny, Thánh Tôma Aquinas là “một trong mười hai triết gia vĩ đại nhất của thế giới phương Tây.” Không chỉ là một tu sĩ Dòng Đa Minh xuất sắc ở thế kỷ 13, ông còn là một nhà văn và nhà lô-gíc học tài ba, cũng như một thầy dạy và thi sĩ tài năng.
Trong suốt các tác phẩm của mình, Aquinas đã trình bày một thế giới quan Kitô giáo kết chặt với nhau, trong đó đức tin và lý trí bổ sung cho nhau để tạo thành hoặc để cho phép một đời sống đạo đức. Quan niệm của ông về nhân đức là sự cân bằng giữa các thái cực mà nó có thể giúp chúng ta nhận ra những khuyết điểm của mình một cách rõ ràng hơn. Nó cũng có thể giúp chúng ta điều chỉnh cuộc sống đi đúng hướng.
Chúng ta không thể học hỏi từ Aquinas mà không xem xét triết gia yêu thích của ông: Aristotle. Nhà bác học người Hy Lạp cổ đại đã đặt ra ba câu hỏi căn bản định hình tư duy của Aquinas: Tôi là ai? Tôi phải sống như thế nào? Tôi sẽ đi về đâu?
Aristotle trả lời rằng “theo bản chất, con người là một động vật sống thành xã hội” và “trong các động vật, chỉ có con người sở hữu ngôn ngữ.” “Ngôn ngữ” ở đây là khả năng suy luận, phân biệt đúng sai và sử dụng kiến thức đó để dẫn dắt cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần sống theo lý trí trong những cộng đồng nuôi dưỡng nhân tính được chia sẻ của chúng ta. Điều đó là cần thiết để đạt được mục tiêu cuối cùng: eudaimonia.
Eudaimonia thường được dịch là “hạnh phúc” hoặc “niềm vui,” nhưng nó sâu sắc hơn cả hai. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “có một tinh thần tốt lành ở bên trong.” Đó là hạnh phúc bền vững kết hợp giữa sự an lành cảm xúc và sự thăng hoa tinh thần.
Aristotle nhìn nhận rằng eudaimonia phần nào nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Ông nghĩ rằng sức khỏe, sự giàu có, nơi sinh và ngay cả vẻ đẹp ngoại hình đều ảnh hưởng đến mức độ mà chúng ta có thể đạt được, tuy chúng ta khó có thể chọn được bao nhiêu trong các yếu tố đó cho cuộc đời mình.
Tuy nhiên, nhà triết học Hy Lạp Aristotle không phải là một người theo thuyết định mệnh. Ông tin vào sự tự do ý chí của con người. Trong “Đạo Đức Học Nicomachean,” ông đã phác họa một bản đồ để vun xới các đức tính cụ thể qua nỗ lực liên tục và có ý thức.
Với Aristotle, bất kỳ điều gì chúng ta làm, từ việc học thi cho đến phát triển mối quan hệ với bạn đời, đều nhằm mục tiêu tốt đẹp. Tất cả các mục tiêu tốt đều hướng đến eudaimonia. Vì chúng ta là những sinh vật có lý trí, chúng ta có thể sử dụng lý trí để hướng sự theo đuổi của chúng ta đến eudaimonia. Chúng ta có thể trở nên ý thức hơn về hành động của mình và chủ động tuân theo những khuôn mẫu phù hợp với đạo đức hơn. Để làm điều này, Aristotle gợi ý chúng ta nên hướng đến “trung độ vàng.”
Chẳng hạn, chúng ta thường đối diện với những điều làm chúng ta sợ hãi. Đức tính giúp chúng ta vượt qua sự sợ hãi là dũng cảm. Khi chúng ta thiếu dũng cảm, chúng ta hành động cách nhút nhát. Chúng ta từ chối đối diện với sự sợ hãi ngay cả khi cần thiết.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể có quá nhiều dũng cảm, điều mà Aristotle gọi là “liều lĩnh.” Đó là khi chúng ta lờ đi sự sợ hãi mà lẽ ra phải chú ý, giống như muốn bước ra khỏi các lối an toàn khi đi trong một khu vực hoang dã.
Một ví dụ khác về trung độ là “tiết chế.” Ở một thái cực của tiết chế là “phóng túng”: xu hướng chiều theo những thú vui mà không kềm hãm. Uống rượu quá mức là một ví dụ.
Thái cực kia là “vô cảm”: không thể tận hưởng những thú vui đúng cách, đúng thời điểm. Một ví dụ có thể là một người quá kiêng cữ những thú vui căn bản từ các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, vận động cơ thể, v.v.
Dù thừa hay thiếu, các thái cực đều ngăn cản nhân đức. Chúng ta chỉ có thể hành động đoan chính khi hành động gần với trung độ vàng. Để làm như vậy, chúng ta phải áp dụng lý trí vào các hoàn cảnh và chọn con đường tốt nhất có thể: Chúng ta phải vượt qua sự sợ hãi hay phải lắng nghe những cảnh báo của nó; lúc này cần vui hưởng vừa phải, hay kềm chế thì tốt hơn? Càng hành động theo lý trí, chúng ta càng tiến gần đến nhân đức.
Tại Đại Học Naples, Aquinas lần đầu tiên đọc tác phẩm “Đạo Đức Học Nicomachean” của Aristotle. Sau đó, ông dành phần lớn sự nghiệp của mình để cố gắng tổng hợp quan niệm về đức hạnh của Aristotle với thế giới quan Kitô giáo của mình. Sự ngưỡng mộ của ông đối với nhà triết học Hy Lạp sâu sắc đến độ Aquinas gọi ông là “nhà triết học.”
Khi Aquinas nói về “tội lỗi” trong cuộc sống hàng ngày, ông thường nghĩ đến trung độ vàng của Aristotle. Chẳng hạn, trong “Summa Theologica” (Tổng Luận Thần Học), ông bàn về xu hướng phổ quát của con người là muốn có kiến thức cho một cuộc sống tốt đẹp. Trong tiếng Latinh, Aquinas gọi nó là “studiositas.”
Studiositas giúp chúng ta thiết lập khao khát học hỏi có thứ tự. Đức tính này đảm bảo việc tìm kiếm tri thức vì những lý do đúng đắn, chẳng hạn như hiểu biết về sự thật và trau dồi sự khôn ngoan. Đối với Aquinas, cách tiếp cận vừa phải này nhằm phục vụ Thiên Chúa, vì sự thờ phượng Thiên Chúa đảm bảo sự phát triển đạo đức của chúng ta.
Thiếu studiositas cho thấy thiếu quan tâm đến việc trở thành một người tốt hơn. Sự thiếu hụt này là một cực đoan của studiositas, cũng giống như đối với Aristotle, sự hèn nhát mô tả sự thiếu dũng cảm. Aquinas không thảo luận chi tiết về sự thiếu hụt này. Ông cho rằng ai không muốn dấn thân vào hành trình đạo đức và tâm linh sẽ từ bỏ cuộc sống tốt đẹp.
Cực đoan khác của studiositas là “curiositas,” mà Aquinas mô tả là khao khát tri thức “vượt quá mức.” Khi studiositas trở nên thái quá, sự khao khát tri thức của chúng ta được thúc đẩy bởi những động cơ sai trái hoặc theo đuổi theo những cách có hại. Theo quan niệm của Aristotle, curiositas là một thói xấu làm méo mó việc theo đuổi tri thức vì những lý do tự kiêu, phù phiếm, quyền lực và những ý định bất lợi khác. Aquinas coi đó là một tội, vì curiositas ngăn cản chúng ta sống đức tin mà nó đem lại sự đoan chính và thịnh vượng.
Aquinas đồng ý với Aristotle—việc đạt được eudaimonia thì một phần nằm ngoài sự kiểm soát của con người—nhưng lời giải thích của ông thì khác. Nhà thần học cho rằng chúng ta không bao giờ có thể đạt được eudaimonia hoàn hảo trong cuộc sống này. Nhân đức trên trần gian thì có thể và cần thiết, nhưng cuối cùng vẫn không đủ. Eudaimonia hoàn hảo bao gồm sự hiệp nhất với Thiên Chúa, là điều chỉ có thể được hoàn thành ở ngoài giới hạn của con người.
Ngoài các nhân đức, chúng ta cần Thiên Chúa biến đổi bản chất của mình để chúng ta có thể tham dự vào vinh phúc Thiên Chúa. Do đó, Aquinas đã sửa hệ thống của Aristotle: “Nhân đức là một phẩm chất tốt đẹp của tâm trí, nhờ đó chúng ta sống công chính, không ai có thể sử dụng sai, mà Thiên Chúa thực hiện trong chúng ta, không cần chúng ta.”
Mặc dù một số đề nghị của ông bị chỉ trích, những kết quả trí tuệ của Aquinas đã giúp nối lại thế giới cổ điển và Kitô giáo. Năm mươi năm sau khi ông qua đời, ông được Giáo Hoàng Gioan XXII tuyên xưng là thánh. Thiên tài của ông cũng giúp ông có một vị trí trong “Hài Kịch Thần Thánh” của Dante, nơi linh hồn thánh nhân được thánh hóa ở trong Thiên Đường Mặt Trời cùng với các hiền nhân khác.
Là một nhà thần học, Aquinas thường tham gia vào những suy tư trừu tượng. Tuy nhiên, ông biết rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là hành động theo các nguyên tắc và niềm tin đúng đắn. Đó là lý do tại sao ông suy nghĩ sâu xa về đạo đức chính trực, để những người hậu thế cũng có thể sống với nhân đức và đức tin tốt đẹp.