Ngày lễ Lao Động, 4 tháng Chín, 1967, ở Hoa Kỳ thì cũng giống như nhiều ngày lễ Lao Động khác, đó là ngày nghỉ cuối trước khi khởi sự niên học mới, một ngày lễ toàn quốc nên các ngân hàng và cửa tiệm đóng cửa, người ta chuẩn bị gặp gỡ bạn bè và gia đình để ăn uống.
Nhưng xa đó khoảng 8,000 dặm ở miền Nam Việt Nam, đó là ngày khởi sự một cuộc chiến thật anh dũng kéo dài 11 ngày, được gọi là cuộc Hành Quân SWIFT. Ngày nay, nó được ghi nhớ bởi những người hâm mộ quân sử, cũng như những người tôn kính tưởng nhớ đến một vị tuyên úy Hải Quân đã thiệt mạng sau 30 phút giao tranh, Cha Vincent Capodanno, MM.
Nhưng những gì Cha Vincent đã làm trong 30 phút đó thì không chỉ giúp cha chiếm được Huy Chương Danh Dự, nó còn là động lực cho cuộc vận động tuyên thánh cho cha.
Sinh ngày 13 tháng Hai, 1929, Capodanno lớn lên ở Staten Island, Nữu Ước, là con út trong một gia đình có chín người con với người mẹ gốc Ý và người cha di cư từ Gaeta, nước Ý đến Nữu Ước. Theo người chị còn sống là bà Gloria Holman, gia đình này hạnh phúc, và “Vin” hay “cậu út” thì “có cá tính thường hay nghiêm trọng”.
Chú Al Lambert nhớ đến cậu út này, giống như mẹ, có óc khôi hài khác thường, và khi cậu cười, cả thân mình cũng rung lên. Chú cũng nhớ là cậu có vẻ khó tính.
Capodanno nhận ra ơn gọi linh mục vào lúc 18 tuổi và gia nhập chủng viện của dòng Maryknoll Truyền Giáo khi 20 tuổi. Vào ngày 14 tháng Bảy, 1958, anh nhận chức thánh qua sự đặt tay của Đức Hồng Y Francis Spellman của Nữu Ước.
Đầu tiên bề trên sai Cha Vincent đến sống giữa bộ lạc thổ dân trong vùng đồi núi ở Đài Loan. Sau đó Cha Vincent đến làm việc trong trường của dòng ở Hồng Kông. Bài sai mới này không làm cha vui, nhưng cha đã vâng lời, không phản đối.
Vào lúc này, cuộc chiến Việt Nam đã bắt đầu, và Cha Vincent xin gia nhập đội ngũ tuyên úy Hải Quân và đã được chấp thuận.
Chú Al nói rằng cha làm việc này vì “cha thường đến những nơi có nhu cầu,” và cha nhận biết rằng tuyến đầu là nơi có nhu cầu lớn nhất.
Cha nhận được lệnh làm tuyên úy vào ngày 28 tháng Mười Hai, 1965, và được đi theo 1/7 (tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến [TQLC] ) vào tháng Tư 1966.
Thông thường các tuyên úy thì không phải ra mặt trận với các quân nhân. Họ được dặn rằng hãy ở lại phía sau, nơi không có giao tranh – và hầu hết đều đồng ý.
Nhưng Cha Vincent thì không như thế. “Bất cứ TQLC ở đâu, Cha Capodanno cũng ở đó, trong mặt trận hay trong bùn lầy ngập tới đầu gối”, một người TQLC nói về cha như thế.
Trung Úy Marnell nhớ rằng, “Cha Capodanno được… nhiều lần dặn rằng đó không phải là việc của cha trong các cuộc đi tuần, giao tranh, v.v. Nhưng bạn phải trông chừng cha như con diều hâu, vì không phải là khác thường khi có một nhóm TQLC chạy đến các trực thăng để ra trận thì bất thần nhân vật này xuất hiện từ đâu đó, không mang súng đạn, chỉ có đồ đạc của linh mục, và nhảy lên trực thăng trước khi bất cứ ai có thể túm được. Cha muốn ở với các binh lính và không muốn thấy công việc của mình chỉ là dâng Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật.”
Tám tháng sau khi đến đây, cha chuyển sang Tiểu Đoàn 1 Quân Y tại bệnh viện TQLC ở Đà Nẵng. Cho đến cuối giai đoạn 11 tháng ở đây, cha xin và đã được cho phép ở lại giai đoạn hai. Vào tháng Tám 1967, các cấp trên đã đưa cha vào Đại Đội Mike của 3/5. (Mỗi đại đội thường được gọi bằng một chữ trong mẫu tự và không được gọi là, tỉ như, Đại Đội “A”, nhưng Đại Đội Alpha, Đại Đội Bravo, Đại Đội Charlie, v.v.)
Như thế Cha Vincent chỉ ở với đơn vị mới khoảng ba tuần khi cuộc chiến định mệnh khởi sự. Khi biết giai đoạn hai sắp chấm dứt, “Cha tình nguyện triển hạn thêm ở đây sáu tháng nữa. Nhưng cha bị từ chối và chuẩn bị về nước vào tháng Mười Một.”
Cựu Hạ Sĩ Steve Lovejoy nhớ lại, “Sau nhiều năm tôi luôn tin rằng Cha Capodanno đã ở tối thiểu ba tháng với Đại Đội Mike, nếu không lâu hơn. Thực sự, nó không lâu hơn bốn tuần! Cha có ảnh hưởng như thế đó. Cha đối xử với chúng tôi như thể cha là một người trong nhóm chúng tôi, và đó là cách chúng tôi quan hệ với cha. Dĩ nhiên chúng tôi tôn trọng và hiểu rõ vị thế của cha, nhưng binh lính chấp nhận cha như một người của chính họ.”
Đại Tá Joaquin Gracida, về sau ông là một sĩ quan cao cấp của 3/5, kể lại, “Một ngày kia, khi chúng tôi đang ngồi ăn trưa, một trong các trung úy vội vã đi vào lều, và khi đến bàn của chúng tôi ông ấy tục tằn nói, “Bữa nay có món súp đ-- gì đây?”
Những người ở đó biết rằng Cha Tuyên Úy Capodanno cũng đang ngồi ở bàn chúng tôi, không nói gì, chúng tôi ngồi thẳng người lên và mắt nhìn về phía Cha Capodanno. Cha vẫn bình thản tiếp tục ăn, sau đó cha nhìn đến chúng tôi và nói, ‘Nếu đó là loại súp nó muốn, thì cứ cho nó’.”
Khi hỏi bất cứ ai biết đến cha trong quân ngũ, họ đều diễn tả về đôi mắt của cha như thu hút họ.
Ngoài ra, George Phillips của Trung Đội 1 nói rằng cha “có khả năng bẩm sinh để biết khi nào các quân nhân TQLC cần nói về điều gì đó. Và cha sẽ ngồi yên, im lặng chờ đợi cho đến khi người ấy sẵn sàng để nói [và] cha không bao giờ hối thúc cho đến khi người lính ấy cảm thấy thoải mái… Nhưng khi bạn nói chuyện với cha, nó như thể cả hai người trong một tổ kén. Và không còn gì khác xảy ra chung quanh bạn. Kể cả B40, đạn bay, bất cứ gì, hay người ta đi lại chung quanh. Cha tập trung sự chú ý đến người ấy. Khi có năm sáu người ngồi nói chuyện, cha đến nhập bọn. Cha chăm chú lắng nghe người đang nói, quên hẳn những người khác. Và khi bạn đích thân nói chuyện với cha, đó là một cảm nghiệm huyền diệu.”
Một người TQLC nhớ lại, “Nhiều khi cha chỉ choàng tay qua vai bạn, và bạn cảm thấy an bình.”
Cha hòa đồng với người khác. Cha thư thái với các sĩ quan khi cùng hút thuốc lá Camel và, khi được phép, cha uống hai loong bia. Cha rảo bước chung quanh khu nhập ngũ. Cha nói với các bạn của cha ở trong nước gửi cho cha kẹo bánh, thuốc lá, tượng T. Christopher, và Đại Tá Joaquin Gracida cho biết cha thường nhét đầy túi các thứ này để phân phát cho binh lính.
Đôi khi cha ngồi xuống ở một chỗ trống, lôi ra một cỗ tràng hạt, và bắt đầu lần chuỗi. Người ta từ từ xúm đến chung quanh và cùng đọc kinh. Thánh Lễ cha cử hành và những buổi cầu nguyện thì được nhiều người tham dự, và bài giảng của cha thường cô đọng nhưng có chất lượng, “đúng chủ đề,” và “an ủi các TQLC thuộc mọi tôn giáo… hay chẳng có đạo gì.”
Ông Phillips nói Cha Capodanno thường lập đi lập lại câu này, “Đừng sợ: Thiên Chúa ở với chúng ta hôm nay.”
Ngày 3 tháng Chín là ngày bầu cử ở Việt Nam. Vì trên 80 phần trăm người miền Nam bỏ phiếu chống cộng sản và chống với các “ủy viên hòa bình”, nên Việt Cộng và bộ đội miền Bắc tìm cách phá hoại cuộc bầu cử này. Vì thế các quân nhân Hoa Kỳ và đồng minh ở Nam Việt Nam phải canh giữ các trạm bỏ phiếu trên toàn quốc.
Đó là lý do sự có mặt của các TQLC thuộc Đại Đội Delta, 1/5 tại làng Đông Sơn, khoảng tám dặm về phía tây nam của Thăng Bình dọc theo Quốc Lộ 534 trong thung lũng Quế Sơn nổi tiếng. Sau khi phòng phiếu đóng cửa, họ đóng quân vào ban đêm và lập một vòng đai để bảo vệ Đại Đội.
Khoảng 4g30 sáng, vòng đai của Delta bị tấn công dữ dội bởi Sư Đoàn 2 Bắc Việt. Quân cộng sản có từ 2,500 đến 6,500 người trong vùng này. Để trợ giúp Delta, viên chỉ huy trung đoàn đã gửi đến Đại Đội Bravo, nhưng không lâu cả hai đại đội này bị cầm chân bởi hỏa lực mạnh mẽ trong các khu vực riêng biệt. Vào lúc 8g30 sáng, với 29 TQLC tử thương, đại đội Delta có nguy cơ bị đè bẹp.
Vào lúc 9g37 sáng, Trung Đoàn 5 TQLC ra lệnh 3/5 tiếp viện đại đội Bravo và Delta. Tuy chỉ có các đại đội Kilo và Mike sẵn sàng, Trung Tá Webster chỉ huy trưởng của tiểu đoàn nói với các đại đội trưởng là chuẩn bị một trực thăng để bay đến vùng Đông Sơn.
Trong khi một số người không đồng ý, một số khác quả quyết rằng Cha Capodanno đã được phép tham dự cuộc chiến với các TQLC trong ngày. Bất kể, cha đã nhảy lên một trực thăng với Trung Đội 3 của Đại Đội Mike, và các trực thăng đã cất cánh từ 11g30 sáng đến trưa.
Hành trình mất gần 30 phút. Khi đến nơi, phi công nói với đại đội trưởng JD Murray rằng bãi đáp dự định ban đầu gần Bravo và Delta thì “quá nóng,” có nghĩa hỏa lực của địch không cho phép đáp. Địa điểm khác từng được sử dụng bởi đại đội Kilo, khoảng 1,000 mét cách bãi đáp nguyên thủy, nhưng cũng không an toàn. Do đó, sau cùng các trực thăng đã thả đại đội Mike xuống một bãi đáp trong các đồng lúa khô cách các đại đội Bravo và Delta khoảng 2,500 mét.
Ngày hôm ấy nóng, ẩm ướt, và quang đãng khi ông Murray chuẩn bị dàn quân vào đội hình mũi dùi. Nói cách khác, Trung Đội 1 sẽ dẫn đầu đi hàng một, Trung Đội 2 sẽ cùng một đội hình đi sau một quãng về bên phải, và Trung Đội 3 sẽ đi sau cùng trấn giữ bên trái.
Cuộc di hành qua vùng rừng thưa thì tương đối bình an. Nhưng ngay trước khi họ đi vào các cánh đồng lúa khô, Trung Úy Ed Combs của Trung Đội 1 sau này kể rằng khoảng hơn 2g30 một chút, Bill Vandergriff, trưởng toán 1, nói lớn cho ông biết là “trong hàng cây ở xa có sự di động.” Ông Combs đáp lời, “nếu thấy di động nữa thì bắn chết mấy tên chó đ- đó.”
Hàng cây lại di động, và Vandegriff đã bắn.
Sau đó cả một sự biến động. Ông Combs nói, “Sau khi ông ta nổ súng, như thể pháo bông ngày độc lập đổ xuống đầu chúng tôi. Quân Bắc Việt trút xuống chúng tôi mọi thứ chúng có, súng máy, súng nhỏ, súng cối và B40.” Các quân nhân TQLC không biết rằng năm tiểu đoàn quân Bắc Việt nằm sẵn chờ phục kích, mỗi tiểu đoàn có khoảng 400-600 người. Mọi nhân chứng đều đồng ý rằng nếu Vandegriff không bắn, quân Bắc Việt đã thảm sát lính Hoa Kỳ khi họ lọt trong cánh đồng lúa.
Murray sai Trung Đội 2 đến trợ giúp Trung Đội 1.
Ngay trước khi trận chiến bắt đầu, Trung Đội 2 đã đi ngang qua một số hố sâu dường như hố bom trên đường đến đỉnh một gò đất nhỏ. Khi các TQLC đến đỉnh, họ đụng độ một nhóm lính Bắc Việt cố thủ sau rặng tre. Quân Bắc Việt bắn súng cối vào các TQLC khiến họ phải dừng lại. Khi họ vừa chớm di chuyển, đạn súng cối lại đổ xuống như mưa.
Trung đội 2 có trở ngại khi đến trung đội 1 vì quân Bắc Việt ngăn chặn. Một cuốn sách nói về SWIFT, “Road of 10,000 Pains” (con đường 10,000 nỗi đau), nói rằng địch quân hóa trang tấn công TQLC “cuồn cuộn như nước vỡ bờ.” Ông Lovejoy diễn tả như tiếng của thác nước Niagara. Một người lính của Trung Đoàn 2 là Fred Tancke kể lại, “Cả một dàn hỏa lực như giông tố từ rặng cây phía bắc.” TQLC John Lobur nhớ rằng, “Đạn bay đầy trong không gian, nếu bạn muốn cắt móng tay thì chỉ cần thò ngón tay lên là xong.”
Lovejoy trấn thủ với Hạ Sĩ Al Santos, là người ông đưa cho khẩu M16 vì súng của Santos bị kẹt đạn. Sau khi bắt một tràng, súng của Lovejoy cũng lại bị kẹt đạn. Thật vậy, theo ông Lovejoy, “Ông Murray cho rằng 50 phần trăm số tử vong là vì súng M16 của chúng tôi bị hư. Có lẽ chúng tôi có đến 40 nếu không phải là 60 phần trăm súng bị hư vào ngày hôm ấy.”
Vào lúc này, sau gần mười phút trôi qua. Trung Sĩ Larry Peters la lớn để mọi người trở về cố thủ trên đỉnh đồi. Ông Tancke nhớ rằng, “Các binh sĩ TQLC mau chóng rút lui và xoay trở lại đồi từ phía bắc đến nam.”
Ông Lovejoy và một lính truyền tin, cố nằm sát đất để tránh lằn đạn và cùng lúc kéo theo khí cụ nặng nề lên đồi với ông. Lovejoy nói “đạn bay khắp nơi.”
Bỗng dưng, không biết từ đâu Cha Capodanno xuất hiện. Cha kéo ông Lovejoy vào chỗ an toàn của một hố bom. Ngoài việc cứu ông Lovejoy, cha còn dũng cảm thi hành tương tự với Trung Sĩ Howard Manfra. Ông Tancke còn nhớ là cha mau chóng chạy khắp mặt trận để chúc lành và an ủi những binh sĩ bị thương bất kể dàn hỏa lực không ngừng của địch quân.
“Tôi còn nhớ vẻ bình tĩnh của cha,” ông Lovejoy kể, “như thể cha nói rằng, ‘Đừng lo, mọi sự sẽ OK.’ Chúng tôi quăng một số lựu đạn cay về phía địch, nhưng gió thổi ngược về phía chúng tôi. Tôi đưa cho cha mặt nạ chống hơi cay vì tôi nằm trong một hố bom và không bị ảnh hưởng. Cha nói, ‘Không, ông cần nó hơn tôi.’ Chúng tôi nhìn nhau gật đầu, và cha bỏ đi.”
Bỗng dưng một xạ thủ đại liên của địch xuất hiện ở hướng tây bắc nhả đạn vào nơi Armando Leal, lính quân y, nằm gần ông Tancke. Cũng như Cha Capodanno, ông Leal từng anh hùng chăm sóc các thương binh ở mặt trận. Khi ông đến gần Tancke, ông này đang quỳ gối và bắn vào “quân địch trong ruộng lúa,” một viên đạn xuyên qua chân, cắt đứt mạch máu đùi. Ông Tancke kéo ông Leal lên mô đất và tụt vào một hố bom, ông lấy ngón tay ấn vào vết thương để chặn máu đang tuôn trào, và dùng tay kia bắn lại địch.
Trong khi đó một trực thăng chiến đấu xuất hiện trên bãi chiến trường, phi công bắn hỏa tiễn vào hàng cây và xạ thủ đại liên nhả đạn vào địch quân cho đến khi hết đạn.
Khi ông Tancke còn vất vả với ông Leal, Hạ Sĩ Steve Cornell đến mô đất, đứng trên cao và hỏi “tôi có cần giúp đỡ không…” “Tôi nói ông hãy nằm xuống”. Ngay lúc đó một viên đạn xuyên qua ngực ông Cornell. Một TQLC khác gần đó cũng bị trúng đạn. Khi cả hai được kéo qua mô đất, Cha Capodanno vội vã chạy đến ban bí tích sau cùng cho họ.
Vào lúc đó, ông Tancke cho biết, “một loạt ồn ào như sấm của các vũ khí nhỏ xuất phát từ rặng cây hướng bắc.” Lúc này, ông và Leal gần đỉnh của mô đất.
Cách đó từ bốn mét rưỡi đến sáu mét, ông Tancke trông thấy một xạ thủ đại liên của Bắc Việt nhả đạn như điên cuồng. Người TQLC này để ông Leal nằm đó, bò đến khoảng một mét, và nhắm bắn tên này. Cạch! Cây M16 của ông kẹt đạn, và ông không thể thông nòng được. Sau đó ông Tancke lấy ra trái lựu đạn, nhưng ông không thể rút ra khỏi túi vì tay phải của ông bị thương. Tên lính Bắc Việt đã có thể bắn hạ ông Tancke thật dễ dàng nhưng vì lý do nào đó nó không bắn. Tuy nhiên, ông Tancke nhìn thấy người hạ sĩ này bị ra máu nhiều và đã chết, ông quay về hướng đông, bước đi chừng ba bốn bước thì tên xạ thủ nả đạn vào Tancke, ông kịp thời nhảy xuống một cái hố.
Về phía tây của xạ thủ đại liên là một hạ sĩ khác của Trung Đội, David Phelps, ông nằm đè trên một xác TQLC khác. Ông này nhảy ra khỏi hố bom để giúp một đồng đội và lãnh một quả súng cối vào đầu.
Khoảng 30 phút cuộc chiến, ông Tancke liếc mắt trông thấy có gì đó xuất hiện. Đến từ phía sau lưng ông nhưng hướng về phía tây và sau đó dừng lại và tiến về phía bắc, đó là Cha Capodanno. Ông Tancke kể, ông la lớn, “Coi chừng tên xạ thủ!” và khi Cha Capodanno tiến về hướng bắc, dường như để giúp đỡ một TQLC bị bắn hạ, ông Tancke nghe có tiếng súng máy thật lớn. BRAP! Ông ước lượng có từ bốn đến bảy viên đạn xuyên qua người Cha Capodanno từ đầu xuống chân. Cha gục xuống ngay tại chỗ, và ông Tancke, cách đó hơn một mét, cho biết ông không thấy dấu hiệu sống sót nơi vị anh hùng này. Không lâu sau đó, một TQLC bò về phía tên xạ thủ và bắn hạ.
Về cái chết của Cha Capodanna có một vài sự đồn đãi. Có người nói cha chết vì 27 vết đạn. Người khác nói các vết thương đó là do các viên đạn .50 đường kính. Một viên đạn súng máy bình thường (.30 đường kính) thì lớn khoảng điếu thuốc lá và gây thiệt hại đáng kể. Một viên đạn .50 thì kích thước khoảng một điếu xì gà. Nó có thể xuyên thủng đường rầy xe lửa. Nếu ai đó bị bắn 27 viên đạn .50 thì thân thể chẳng còn gì, nhưng thân xác Cha Capodanno còn nguyên khi được tìm thấy.
Điều mà ông Tancke nghĩ đã xảy ra thì như thế này.
Sau vài giờ, có một sự yên lặng. Ở thời điểm nào đó, Trung Sĩ James Marbury của Trung Đội 2 cho biết là ông không nhìn thấy địch quân và tự hỏi họ ở đâu.
“Ngay lúc đó một tên bộ đội Bắc Việt ló đầu ra khỏi bụi cây, nơi Cha Capodanno nằm chết (cách đó khoảng hơn 2 mét). Súng của tôi vẫn bị kẹt đạn, tôi tìm cách rút trái lựu đạn ra khỏi túi và với tay trái tôi quăng nó đến bụi cây nơi có quân địch và Cha Capodanno nằm chết.”
Điều này đã giết được tên địch, nhưng nó cũng có thể giải thích về 27 vết thương – chứ không phải lỗ đạn – được tìm thấy nơi thi thể Cha Capodanno sau khi chết.
Ngoài Cha Capodanno và hai lính quân y, 14 người TQLC đã chết ngày hôm ấy. Trong 165 – 178 người vào trận chiến, chỉ có 63-68 người không bị thương. Vào lúc kết thúc cuộc Hành Quân SWIFT ngày 15 tháng Chín, có 123 người Hoa Kỳ bị chết, gồm 51 người từ tiểu đoàn của Cha Capodanno.
Nhưng dù các chiến sĩ này sống, bị thương, hay tử thương, qua các tường thuật của họ, sự hiện diện của Cha Capodanno là một sự an ủi.
Hạ Sĩ Quân Y Carter đã khóc khi nghe tin Cha Capodanno từ trần. Các người khác khóc nức nở. Cha tuyên úy Eli Takesian của tiểu đoàn đã đọc bài điếu văn sau Thánh Lễ An Táng Cha Capodanno, cha nhớ rằng khi nghe tin Cha Capodanno qua đời, “Nó như thể một tấm màn đen bao phủ tất cả chúng tôi.”
Cha nói thêm, “Chúng tôi thường khôi hài rằng đội quân bị bắn sau lưng thì thường đang bỏ chạy. Chắc chắn điều đó không xảy ra với Cha Capodanno, một người can đảm, mà hành động hy sinh của cha noi gương Chúa Giêsu Kitô.”
Ross Nutera, một hạ sĩ 20 tuổi ở Buffalo, Nữu Ước cho biết, “Cách nào đó dường như cha đã hành động theo phương cách mà một người của Thiên Chúa phải hành động. Tôi không thể tin rằng cha đã ra đi.”
Vào ngày từ trần, Cha Capodanno không chỉ cứu mạng sống, người còn cứu các linh hồn.
Vì bị thương nặng ở chiến trường, Trung Úy Combs nghĩ rằng mình sẽ chết. Ông nói với George Phillips là hãy rửa tội cho ông. “Trong đức tin Công Giáo?” “Phải,” ông Combs nói, “vì tôi và Cha Capodanno là bạn.”
Ông Byron Hill kể, “Trong chuyến đi Việt Nam, tôi đã kết hôn được bốn năm, nhưng không có con. Cha Capodanno hỏi về đời sống gia đình của tôi, và chúng tôi nói đến chuyện muốn có con. Có lần cha nói với tôi, ‘Khi anh về lại Hoa Kỳ, anh sẽ có con. Đó là lý do Thiên Chúa đưa anh và vợ anh đến với nhau’.”
Phụ tá cho Cha Capodanno là ông Henry Hernandez, Jr., cho biết, “Cha không chỉ cứu sống đời tôi, nhưng quan trọng nhất là cha đã cứu linh hồn tôi. Cha đưa tôi trở về với Giáo Hội.”
Không chỉ vào ngày từ trần nhưng hầu hết lúc nào phục vụ ở chiến trường, Cha Capodanno có một khả năng đáng kinh ngạc mà hầu hết chúng ta không thể làm được, đó là hoàn toàn quên đi bản năng sinh tồn của một con người. Cha lưu tâm nhiều đến sự phục vụ và cứu giúp người khác hơn là đối với bản thân. Trong điều này, cha hoàn toàn theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dạy chúng ta, “Không có tình yêu nào lớn hơn điều này, là hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu.”
Dù Vatican có phải mất 300 năm để nhận biết sự thánh thiện của Cha Capodanno, nhiều người tin rằng cha là một hình ảnh của Chúa Cứu Thế, là một trong những người thánh thiện nhất của thời đại chúng ta.
Ngày nay, chín nguyện đường và một vài con đường, cơ sở lấy tên của cha. Một vài bức tượng và đài kỷ niệm cũng được dựng nên để vinh danh cha.
Trong một lá thư sau cùng gửi về nhà, cha viết cho bà dì rằng, “Dì Annie ơi, hãy cầu nguyện nhiều cho chính mình, vì nếu chúng ta không cầu nguyện, thực sự chúng ta không thể có chút giá trị gì.”