Bảy ơn Chúa Thánh Thần là một điểm giáo lý khá quan trọng, dù không phải là một tín điều. Nguồn gốc của khái niệm “7 ơn Thánh Thần” này là I-sai-a 11,1-2. Nguyên tác Hip-ri chỉ nói đến 6 ơn, thánh Giê-rô-ni-mô khi dịch Cựu Ước ra tiếng La-tinh thành bản Vulgata (Phổ thông), đã thêm một ơn nữa, là “pietatis” (thường dịch là “đạo đức”) 1.
Đi từ bản văn I-sai-a này, các nhà thần học thời Trung Cổ đã xây dựng cả một nền thần học về bảy ơn Chúa Thánh Thần, nghĩa là về các cánh buồm và các cột ăn-ten thiêng liêng giúp Ki-tô hữu nhận được các sứ điệp và các thúc đẩy của Thiên Chúa Ngôi Ba.
Trước tiên xin được phép trích nguyên văn La ngữ và bản dịch Pháp ngữ câu trên (Is 11,2) vì cần để diễn giải sau này: “Spiritus sapientiae et intellectus, spiritus consilii et fortitudinis, spiritus scientiae et pietatis, spiritus timoris Domini” - “Esprit de sagesse et de discernement, esprit de conseil et de vaillance, esprit de connaissance et de crainte du Seigneur” (TOB, Bản dịch Đại kết Công giáo, Chính thống, Tin lành). Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch từ tiếng Hip-ri ra tiếng Việt là: “Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng cảm, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”. Sách Giáo lý xưa viết về 7 ơn Chúa Thánh Thần như sau: “Một là ơn khôn ngoan, hai là ơn hiểu biết, ba là ơn thông minh, bốn là ơn khéo liệu, năm là ơn mạnh bạo, sáu là ơn đạo đức, bảy là ơn kính sợ Đức Chúa Trời”. Sách Giáo lý (nay) của Hội thánh Công giáo ấn bản tiếng Việt năm 2009 có nhắc tới 7 ơn này hai lần với lối dịch riêng, một trong phần Nghi thức bí tích Thêm sức (số 1299) và một trong phần Hiệu quả bí tích (số 1303), nhưng chỉ liệt kê chứ không có một dòng giải thích nào: “Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu,thần trí lo liệu và sức mạnh,thần trí suy biết và đạo đức,xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa” (số 1299).
Thú thật nhiều tín hữu, thậm chí linh mục và giáo lý viên, cho biết khó nhớ các ơn ấy, rồi không sao phân biệt nổi sự khác nhau giữa một số trong chúng, nhất là khôn ngoan, thông hiểu (minh mẫn) và suy biết (thông minh). Ba ơn này xem ra na ná nhau, vì đều nói tới khả năng của trí tuệ. Ngoài ra, hai từ “khôn ngoan” và “đạo đức” cũng có một nghĩa rất rộng, càng rộng vì được dùng cả trong ngôn ngữ trần đời.
Còn hai vấn đề nữa khi diễn giải 7 ơn này. Trước hết, thiết tưởng phải quy chúng về Thiên Chúa, nghĩa là các ơn Thánh Thần ban chủ yếu hướng ta lên Chúa, giúp gia tăng sự hiệp thông với Người 2. Thứ đến là tìm cho ra mối liên kết và hướng tiến triển của các ơn ấy, có như thế mới dễ nhớ, dễ hiểu và dịch sát nghĩa.
Vì các tác giả tu đức và các nhà thần học khá là khác nhau trong cách chuyển ngữ (dịch từ) và sắp xếp 7 ơn ấy (xin xem lại các bản dịch Kinh Thánh, hai câu giáo lý xưa và nay, cũng như nhìn 2 hình minh họa ngay trên), nên xin độc giả thử lối chuyển ngữ và xếp đặt sau đây.
Chúng ta sẽ không khởi đầu từ “ơn khôn ngoan” và kết thúc với “ơn kính sợ” như thường thấy, gần đúng theo thứ tự văn bản Kinh Thánh (5 ơn ở giữa thì tùy nhà diễn giải), mà đi từ ơn thứ bảy, ơn cuối cùng: kính sợ Thiên Chúa, hay vắn tắt là kính sợ (từ Hán Việt là úy kính). Điều này cũng có lý do của nó. Kính sợ là một tâm tình mà con người tạo vật cảm nhận đầu tiên khi đứng trước Thiên Chúa Tạo Hóa, và có thể nói là tác động trước hết của Tinh thần Thiên Chúa (tức Thánh Thần) lên tinh thần con người 3. Sách Châm Ngôn 9,10 nói: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan”. Công vụ Tông đồ (10,2.22; 13,16) gọi những “cảm tình viên” của đạo mới hoặc sắp gia nhập đạo mới là những “người kính sợ Thiên Chúa”.
Nhưng Chúa đâu có muốn ta kính sợ Người như một chủ tể luôn tỏ uy quyền, một quân vương sẵn sàng trừng phạt. Không, Người muốn chúng ta kính sợ Người trong ý thức phụ từ tử hiếu, “nên đã sai Thần Khí của Con mình vào trong lòng chúng ta mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6; x. Rm 8,15). Và đó là ơn hiếu thảo hay long trọng hơn là sùng hiếu (pietas, piété trong tiếng Pháp). Từ “pietas, piété” thường được dịch theo nghĩa thứ hai là “đạo đức” 4 ; nhưng “đạo đức” là một khái niệm hàm nghĩa rất rộng, thành ra mông lung, và dễ khiến ta chỉ nghĩ tới chuyện siêng đi nhà thờ, năng đọc kinh sách, hay sống theo lương tâm, làm điều phải lẽ.
Lòng hiếu thảo là sự bổ túc cần thiết cho lòng kính sợ, vì như thánh Phanxicô Salêdiô nói vui, chúng ta phải tiến về Chúa với hai cái nạng: khiêm tốn và tin tưởng. Hơn nữa, con chiên đã cảm nghiệm bản chất mỏng dòn của mình là tạo vật thì rất sung sướng tiến tới để được đặt trên đôi vai của Mục tử mình. Tại đó, bao nhiêu nỗi sợ của nó biến tan.
Mà muốn tỏ ra hiếu tử thì phải nắm rõ đạo làm con, tức là cần được Thánh Thần cho biết những điều phải thi hành để Từ Phụ vui sướng. Người dạy chúng ta biết cầu nguyện thế nào cho phải hầu tìm ra ý và làm đẹp lòng Chúa Cha (x. Rm 8,26). Và đó là ơn chỉ giáo, tiếng La-tinh là consilium, tiếng Pháp là conseil, tức là ơn cho ta biết đâu là ý Chúa trong từng trường hợp cụ thể. Cụ Đào Duy Anh, trong “Pháp-Việt Từ Điển (chú thêm chữ Hán)” đã dịch conseil là lời chỉ bảo, demander conseil là thỉnh giáo 5. Ơn chỉ giáo mang lại cho chúng ta điều mà tu đức, linh thao gọi là sự “nhận định/phân định thiêng liêng”. Trong kinh “Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo” (Veni Creator), chúng ta đọc thấy: “Xin Ngài chiếu sáng hầu mở mang trí não…”. Lối dịch “lo liệu” xem ra chỉ một hoạt động đa dạng của con người và lại chưa nêu bật tác động đặc biệt của Thần khí. Còn dịch là “mưu lược” có giúp gì hơn trong chuyện tìm ra ý Chúa chăng?
Mà ý Chúa thì rất đòi hỏi, vì Người là thánh. Thực hiện thiên ý chẳng phải là điều dễ dàng vì buộc chúng ta chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ, thế gian lẫn xác thịt (tức bản thân ích kỷ và bản năng lồng lộn). Chúa Giêsu từng nói: “Hãy đi qua cửa hẹp mà vào [Nước Trời]” (Mt 7,13), “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Rồi “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thành ra cần ơn dũng cảm (có khi dịch là “sức mạnh”, “mạnh bạo”) mới thực thi được ý Chúa một khi đã biết ý này. Gương các Thánh Tử đạo là một bằng chứng. Trong lời nguyện nhập lễ Tuần I mùa Thường niên, chúng ta đọc: “Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn”.
Nhưng biết Chúa (tôn ý Người lẫn bản thân Người) có mấy kiểu? Và đó là ba ơn còn lại vốn đều liên hệ đến chữ BIẾT. Song mỗi ơn cho ta biết Chúa mỗi cách.
Thấp nhất là scientia mà Từ điển Gaffiot có dịch là connaisance scientifique (tri thức khoa học); lời nguyện của Bí tích Thêm sức và Giáo lý Hội thánh Công giáo thì dịch là suy biết, đang khi có tác giả lại dịch ra “hiểu biết” hay “thông minh”. Đây là ơn nhận ra có Chúa, Chúa như thế nào, ơn thấy Chúa đang hoạt động giữa thế gian, vừa trong các tạo vật thiên nhiên vừa trong các biến cố lịch sử. Nghĩa là từ chuyện chiêm ngưỡng vũ trụ (không gian lẫn thời gian) mà ta suy ra có Ông Trời, có Tạo Hóa, suy ra Người toàn năng, thông minh và nhân hậu, Người can thiệp vào cuộc sống nhân loại (tức quan phòng: Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên; Trời sinh voi, Trời sinh cỏ…). Cách biết Chúa bằng lối này, Thánh Thần ban cho rất nhiều người, kể cả những người chưa nhập đạo, nếu họ có lương tri. Thành thử lối dịch “suy biết” thiết tưởng là dễ hiểu và đạt nghĩa hơn cả.
Nhưng đó mới chỉ là ơn biết Thiên Chúa qua thụ tạo, nhờ ngũ quan, nhờ suy nghĩ tự nhiên, nhờ khoa học. Cách biết Chúa cao hơn là biết qua mạc khải mà chính Người đã ban cho chúng ta nơi Sách Kinh Thánh và trong Lịch sử Thánh. Đây chính là ơn thấu hiểu, La ngữ là “intellectus” mà Từ điển Gaffiot dịch là compréhension, action de comprendre (sự thấu hiểu, hành động hiểu thấu). Lối dịch “minh mẫn” có giúp được gì trong chuyện này chăng? Ơn thấu hiểu là ơn giúp ta biết rõ những gì Thiên Chúa đã làm trong thế giới loài người qua lịch sử Tuyển dân và lịch sử Giáo hội, ngoài ra còn được biết thấu tận những gì thâm sâu hơn nơi Thiên Chúa như các mầu nhiệm Ba Ngôi, Nhập Thể, Thánh Thể v.v… Thánh Thần dẫn chúng ta đến Chân lý toàn vẹn là vậy! (x. Ga 16,13).
Cuối cùng và cao hơn hết là ơn mà người ta thường dịch là “khôn ngoan”. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học Vietlex, Nxb Đà Nẵng, 2011, “khôn ngoan” có nghĩa là “Khôn trong cách xử sự, biết tránh cho mình những điều không hay - Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau (Ca dao)”. Hiển nhiên đây không phải là điều mà nguyên ngữ “sapientia” trong Kinh Thánh (Is 11,2) muốn nói. Cần phải tìm ý nghĩa chữ này trong chính sách Khôn Ngoan và sách Huấn Ca, nơi sự khôn ngoan được ngôi vị hóa nên được gọi là “Đức Khôn Ngoan”: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người… Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa” (Kn 7,26-27). “Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa… Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm” (Kn 9,4.9). “Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1, 1).
Vậy ơn “sapientia” (sagesse tiếng Pháp) dịch cho đúng trong bối cảnh này thiết tưởng là ơn thượng trí (có người dịch là ơn cao minh. x. Lm Ngô Minh và Lm Nguyễn Thế Minh, Từ vựng Triết-Thần căn bản Pháp Việt – Anh Việt, chữ “sagesse”), tức là ơn biết Thiên Chúa một cách sâu xa, đích thực, nhờ được sống thân mật, sống kết hợp, sống cận kề Chúa, cảm nếm được Người. Ơn thượng trí này, ơn có trí hiểu cao vời này, Chúa Thánh Thần ban cho một số tín hữu tuy còn ở trần gian, trong thân xác, nhưng tâm trí “được đưa lên tới tầng trời thứ ba… lên tới thiên đàng và đã nghe những lời khôn tả” (x. 2Cr 12,1-6; x. 1Cr 2,9-10). Nhiều vị thánh khác cũng được ơn ngất trí như vậy khi họ cầu nguyện, đặc biệt là các thánh nữ, chẳng hạn thánh Têrêxa Avila, Maria Mađalêna Pazzi…. Cuối kinh Veni Creator, chúng ta cầu với Thánh Thần: “Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái, cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân”.
Nhìn lại, nếu để ý kỹ, ta thấy các ơn đi từng cặp :
– Ơn hiếu thảo làm cho ta kính sợ Chúa như con kính sợ Cha. Hai ơn này thúc giục chúng ta đặt mình trước mặt Thiên Chúa, với niềm tôn kính hãi sợ đồng thời với dạ tin tưởng mến yêu.
– Ơn dũng cảm làm cho ta dám thực hiện ý Chúa mà ơn chỉ giáo cho thấy ở đây và lúc này. Hai ơn này giúp chúng ta điều chỉnh bản thân theo ý Chúa, bằng cách khám phá (nhờ Thánh Thần soi dẫn) và cương quyết hoàn tất thánh ý này (nhờ Thánh Thần trợ lực).
– Ơn suy biết giúp ta nhìn ra Chúa qua vũ trụ thiên nhiên để rồi nhờ ơn thấu hiểu, ta nắm được những gì Người ngỏ với chúng ta qua Kinh Thánh và Lịch sử cứu rỗi. Hai ơn này giúp cho chúng ta có một hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa, từ công trình tạo dựng của Người rồi từ lời Người mạc khải
– Cuối cùng, đỉnh cao của sự hiểu biết chính là được đi vào kết hiệp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa nhờ ơn thượng trí, qua việc chiêm niệm. Ơn này giúp chúng ta cảm nếm được chính Người trong tận đáy con tim và như thế hưởng trước trên trái đất cái gì đó của niềm vui cõi trời. Tu đức học cũng đồng giọng khi nói đó là con đường thứ ba: hiệp đạo, đường kết hiệp (voie unitive) sau con đường thứ nhất: luyện đạo, đường thanh luyện (voie purgative) và con đường thứ hai: minh đạo, đường giác ngộ (voie illuminative).
Do đó, như để minh họa, chúng ta có thể phân bố chúng theo từng cặp và trên các nhánh của một cây đèn 7 ngọn, nghĩa là ta sẽ đặt trên nhánh giữa - nhánh quan trọng nhất, thắp sau cùng - ơn thượng trí, ơn hỗ trợ sự vươn lên của đời sống chiêm niệm.
Cuối cùng, xin có vài câu thơ vụng, để giúp trẻ em học giáo lý:
Một là úy kính Chúa Trời
Biết sợ Tạo Hóa giữa đời trần gian.
Hai là giữ đạo làm con,
Tức ơn thảo hiếu, chu toàn với Cha.
Chỉ giáo, ấy ơn thứ ba,
Giúp rõ ý Chúa trên ta mỗi lần.
Thứ tư, dũng cảm, ơn cần.
Để đem thiên lệnh thi hành chẳng ngơi.
Suy biết: qua ngắm đất trời,
Nhận ra Tạo Hóa cao vời chí tôn.
Thứ sáu, thấu hiểu trong hồn
Lời Chúa mạc khải để luôn tin vào.
Cuối cùng, thượng trí, ơn cao:
Kết hợp với Chúa, dạt dào tình yêu.
Sau hết là một ước vọng nho nhỏ: đề nghị Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trong những lần tái bản tới, dịch lại tên 7 ơn ấy cho dễ hiểu, dễ nhớ và sát nghĩa, nếu những lời diễn giải của tác giả trên đây không bị các đấng coi là tào lao hay lạc đạo 6.