♥ Chẳng hạn hôm nay là sinh nhật của ông Nguyễn, chúng ta sẽ nói với thân hữu của ông “chúc mừng sinh nhật ông Nguyễn”. Chẳng hạn hôm nay là ngày sinh nhật của đức Phật, chúng ta sẽ chào nhau “chúc mừng ngày Phật đản sinh”. Dĩ nhiên phải là như vậy. Tuy nhiên ngày Đức Giêsu giáng sinh, có những nhóm kỳ thị phản đối lời chào “Chúc mừng Giáng Sinh”. Những nhóm này đã khiến giới doanh thương không dám mất lòng họ, để giữ khách hàng, nên đưa ra những lời chúc bâng quơ “Happy Holidays” (những ngày nghỉ hạnh phúc). Kỳ dị hơn là câu nói ngớ ngẩn “Season's Greetings” (những lời chào của mùa). Ai cũng biết câu “season’s greeting” là một lời vô cảm, nó không phải là một lời chúc mừng. Hùa theo thời đại, mới đây bà Helena Dalli, một Ủy Viên Âu châu (EU Commissioner) xứ Malta, lấy lý do không phải ai cũng theo đạo Kitô, bà đề nghị bỏ chữ “Christmas” (Lễ Chúa Giáng Sinh) để thay bằng chữ “Holiday times” (những thời nghỉ lễ). Helena đã bị những nghị viên của những xứ trong liên hiệp Âu châu phản đối. Bình luận gia Vittorio Sgarbi, nước Ý, cho Helena là ấu trĩ và ngu ngốc. Ông khảng định chính tinh thần lễ Christmas xuyên qua dòng lịch sử đã tạo nên nền văn minh Âu châu ngày nay. Lễ Giáng Sinh chính là ngày lễ tôn trọng nhân phẩm con người. Ủy ban Âu châu đã hủy bỏ đề nghị của Helena.
Chẳng lẽ trong ngày Christmas người ta không còn lòng đại lượng để chúc nhau một lời tốt lành “Merry Christmas”. Lời chúc chỉ là một nghĩa cử của lòng nhân ái, trong tinh thần vô tư, tại sao phải tránh né?
♥ Nếu cá nhân thích nói lời nhân nghĩa nhưng không làm gì cả, người đó là kẻ giả hình. Khi một tập thể với một ảnh hưởng lớn tạo ra những hệ thống triết lý bi quan và nghi kỵ, tập thể này có lỗi nặng hơn vì họ tạo ra môi trường thích hợp cho những cá nhân có thể sống giả hình. Hiện tại con người nghi kỵ nhìn nhau qua lăng kính tôn giáo, chủng tộc, bè nhóm. Các quốc gia nhìn nhau qua kho vũ khí bom hạch nhân. Một thế giới có vẻ đúng với cảm nhận của thi sĩ W.H. Auden. Ông tâm sự, “Tôi ngồi tại một trong những nơi ẩn núp - Ở con phố 52 street - Hoang mang và sợ hãi / Khi những hy vọng khôn ngoan đã hết - Trong thế kỷ thiếu trung thực / Làn sóng giận dữ và sợ hãi - Di chuyển trong ánh sáng / Những vùng đất tối tăm của trái đất / Ám ảnh cuộc sống riêng tư của chúng ta / Mùi chết chóc lan ra chẳng còn gì phải giải thích thêm”. Rồi ông nhắn nhủ, “Chúng ta phải yêu nhau hoặc sẽ chết” (We must love one another or die). Bây giờ, trong không khí của lễ Giáng Sinh, tối thiểu chúng ta có thể nhìn nhau mỉm cười với lời chúc bình an.
♥ Dù lòng người đã khiến xã hội phải biến chuyển đến thế nào, biểu tượng Christmas vẫn hiện diện khắp nơi trong dân gian. Thành phố nào cũng có cây Noel rực rỡ tại những quảng trường, phố xá giăng đầy đèn màu, ông già Noel vẫn đem niềm vui đến những nơi cần ủy lạo, vòng lá mùa vọng vẫn trang trí trước cửa nhà, quà tặng vẫn trao cho nhau, hình ảnh thiên thần vẫn đến từ trời cao, nhạc Christmas vẫn vang vọng trong không gian, và hàng triệu lá thư vẫn gửi đến cho Santa Claus… Ở xóm tôi ở, những người hàng xóm vẫn tặng quà lẫn nhau với tấm thiệp “Merry Christmas and Happy New Year”. Những ngày lễ Chúa Giáng Sinh vẫn là khoảng thời gian lắng đọng nhất, để con người cảm nghiệm niềm vui với tâm hồn không tỳ vết hận thù. Niềm hy vọng và lòng thương người là tinh thần của ngày lễ Giáng Sinh.
♥ “Tôi là tinh thần Giáng sinh!
Tôi bước vào ngôi nhà nghèo khó, khiến những đứa trẻ mặt tái mét mở to mắt kinh ngạc.
Tôi làm cho bàn tay kẻ keo kiệt đang nắm chặt bỗng thả lỏng, và vẽ nên một điểm sáng trong tâm hồn anh ta.
Tôi khiến người già trở lại tuổi trẻ của họ và tươi cười vui vẻ như xưa.
Tôi giữ sự lãng mạn trong tim của tuổi thơ, và làm sáng giấc ngủ của chúng với những giấc mơ kỳ diệu.
Tôi khiến đôi chân háo hức leo lên những bậc thang tối với chiếc giỏ đựng đầy, để mang lại cho những trái tim kinh ngạc trước sự tốt đẹp của tình người.
Tôi bước vào những phòng giam tối tăm, nhắc nhở những người đàn ông mang đầy vết thẹo hướng tới những ngày tốt đẹp sẽ đến.
Tôi nhẹ nhàng bước vào ngôi nhà vắng lặng, lạnh toát nỗi đau, và đôi môi quá yếu run lên lời cám ơn câm lặng.
Trong một ngàn cách, tôi khiến thế giới mệt mỏi nhìn lên khuôn mặt của Chúa, và trong một khoảnh khắc nhỏ, quên đi những điều nhỏ bé và khốn khổ.” (Thomas S. Monson).
♥ Nhiều người sẽ có câu hỏi đấng Kitô xuống thế để làm gì. Chúa Giêsu nhập thế chỉ có một mục đích duy nhất là để cứu đời. Điều đó không có nghĩa đấng Kitô hô “biến” là những đau khổ ở đời tan thành mây khói. “Chúa Kitô nhập thế với ý nghĩa sâu xa Chúa-đang-ở-bên-chúng-ta. Giáng Sinh không đem cho chúng ta một cái thang để ta thoát ra khỏi thân phận làm người. Lễ Giáng Sinh đưa cho chúng ta một mũi khoan để chúng ta khoan sâu vào tâm điểm của mọi hiện hữu, để chúng ta thấy ở đó ngọn lửa ấm áp của thần khí đang cháy lung linh.” (Hồng Y Avery Dulles). Chúng ta, những Kitô hữu, hơn ai hết hãy làm ngọn lửa thần khí ấy cháy rực lên trong tâm trí, để đón mừng Chúa Giêsu, như tâm trí của ba nhà thông thái ngày xưa ở Bethlehem. Rồi bình an của Thiên Chúa, vượt trên mọi trí hiểu biết, sẽ bao bọc tâm trí chúng ta trong tình yêu Người. Merry Christmas.