Bí tích Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập tại bữa tiệc trong buổi chiều ngày lễ Vượt Qua. Người cầm lấy bánh và nói, “Đây là mình Ta, anh em hãy cầm lấy mà ăn”. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói, “Đây là máu Ta, anh em hãy cầm lấy mà uống”. (Mt 26:26-28; Mc 14:22-24; Lc 22:17-28; 1Cr 11:23-26). Bữa tiệc này còn gọi là bữa tiệc ly vì ngày hôm sau Đức Giêsu chịu tử hình trên thập giá. Do đó lời dạy của Người là lời trăn trối và có uy lực thánh truyền (devine order).(1) Theo thánh Thomas Aquinas bánh và rượu khi đó cũng chính là thân xác đổ máu của Đức Kitô trên thập giá trên đồi Canvê.
Bí tich Thánh Thể được trình bày rõ ràng và chi tiết trong các Phiên họp XIII, XXI và XXII của công đồng Trentô. Tinh hoa của các phiên họp này là sự khảng định, qua bí tich Thánh Thể, bánh và rượu thật sự là Mình và Máu của Chúa Giêsu và là của ăn để nuôi dưỡng linh hồn. Tuy nhiên nói về mầu nhiệm Thánh Thể chúng ta bắt buộc phải đi vào những khái niệm thần học.
Trước hết là những khái niệm “bản thể” (substance), “tùy thể” (accident) và “chuyển bản thể” (transubstantiation). Chiếc bánh có “Bản thể” là vật chất, cụ thể, vì ta có thể nhìn thấy và cầm lấy mà ăn. Nó có “tùy thể” là dạng hình tròn, màu trắng, làm bằng bột. “Chuyển bản thể” nghĩa là chuyển từ bản thể này qua bản thể khác nhưng tùy thể không thay đổi. Đúng vào lúc vị linh mục cử hành nghi lễ bẻ bánh, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu qua hiện tượng chuyển bản thể. Tuy nhiên bánh và rượu vẫn giữ nguyên dạng tùy thể như cũ là bánh bột trắng và rượu nho.(2)
Như vậy bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhưng chúng ta không uống những tế bào máu cũng không ăn thịt thân xác của Chúa theo nghĩa đen. Thần học giảng nghĩa thêm bánh và rượu không chỉ là Thịt và Máu mà còn là toàn thể và trọn vẹn thân xác, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu. Nói ngắn gọn, khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể chúng ta nhận toàn thể Chúa Giêsu (GL 1374).
Theo sách Xuất hành, dân Do Thái đi trong sa mạc bị đói. Thiên Chúa thả những miếng bánh nho nhỏ từ trời xuống, như sương rơi, để cứu họ. Dân Do Thái gọi chúng là bánh manna. Đức Giêsu nói với dân chúng, “Chính tôi là bánh trường sinh... Tổ tiên các ông ăn manna nhưng đã chết... Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống... Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:35-51).
Qua câu nói này, Đức Giêsu đã giải thích bánh manna qua 3 thời điểm. Bánh manna của quá khứ khi dân Do Thái nhận được trong sa mạc đã chấm dứt. Bánh manna của thời hiện tại là Thịt và Máu của chính Người. Bánh manna mới này mang đến sự sống cho tương lai (Catholic Encyclopedia, “Eucharist”).(3)
Theo thánh Thomas Aquinas, trong Summa Theologiae, bí tích Thánh Thể mang ba danh xưng dẫn tới ba chiều hướng. Thứ nhất là sacrificum (hiến tế) hướng về quá khứ, cụ thể qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bánh và rượu chính là thân xác đổ máu của Đức Kitô trên thập giá trên đồi Canvê. Thứ hai là communio (hiệp thông) hướng về hiện tại, cụ thể qua việc cộng đồng tôn vinh Thiên Chúa. Thứ ba là Eucharistia (nhận lãnh Thịt và Máu Chúa Giêsu) hướng về tương lai. Nhận lãnh Thánh Thể là linh ảnh chúng ta cùng các thánh dự tiệc cưới Chiên Con trên thiên đàng.
Thần học cũng nhận dạng phép Thánh Thể qua ba mầu nhiệm. Thứ nhất, nghi lễ Thánh Thể đã hiện tại hóa bữa tiệc ly để chúng ta cùng được tham dự. Nơi đó Đức Giêsu hoàn chỉnh nghi lễ của cựu ước khi Môisen rảy máu bò trên dân chúng để thiết lập giao ước (Xh 24:5-11). Vì giao ước này đã bị dân Do Thái bội ước, nên Đức Giêsu đồng hóa mình là chiên của lễ vượt qua, chịu đổ máu, để thiết lập một giao ước mới (Mt 26:28, Mc 14:24).
Thứ hai, nghi lễ bẻ bánh là linh ảnh thân thể Đức Giêsu bị đánh nát và để trao ban bánh manna (Ga 6: 48-51), đồng thời cũng là hình ảnh về phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân (Mt 14:15-21). Bánh và rượu bây giờ chính là Thân Thể của Người và là bánh manna mới.
Thứ ba là Đức Giêsu thiết lập phép bí tích Thánh Thể để duy trì sự hiện diện của Người và để ban sự sống thật cho các tín đồ. Người khảng định ,“Ai ăn thịt Ta và uống máu ta sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6:53-55).
Mục đích tột đỉnh của bí tích Thánh Thể, theo Giáo Hoàng Benedict XVI, là để “chúng ta trở nên một thân thể và một thần trí” trong Chúa Kitô (1 Cr 6:17).
Thiên Chúa không cần gì ngoài chính Người. Thiên Chúa là tình yêu. Người tạo dựng nhân loại là một cách thế tuôn trào tình yêu. Người muốn chúng ta kết hợp với nhau và với Người trong tình yêu gia tộc có một Cha chung. Như vậy Giao ước mới (Tân Ước) không chấm dứt bởi cuộc hiến tế tử nạn nhưng là bữa tiệc trên thiên quốc. Giáo dân là một gia đình cùng dự tiệc (Luc 22: 19-20, 28-29) mà của ăn là Thánh Thể.
Thánh Phaolô nói với dân Côrintô “Khi ta nâng chén chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi tất cả chúng ta cùng chia sẻ một Bánh, nên tuy nhiều người, cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:16-17)
Cụ thể hóa ý niệm trên, Giáo Hoàng Benedict XVI cho biết, khi “rước lễ”, xác phàm chúng ta trở thành đền thánh nơi có Chúa hiện diện. Chúng ta trở thành thân thể mầu nhiệm (corpus mysticum) của Chúa Giêsu (I cr 6:17). Nghĩa là chúng ta là một với Chúa phục sinh và cùng các thánh trong không gian trời mới đất mới (Gal 3:16). Điều này chỉ có thể xảy ra khi bánh và rượu là Thịt và Máu thật của Chúa Giêsu.(4)
Hiện tại, giáo phái Tin Lành không chấp nhận bí tích Thánh Thể. Theo họ khi Đức Giêsu nói bánh và rượu là thịt và máu của Người (Lc 22:19-20), câu nói đó chỉ có ý nghĩa biểu tượng ám chỉ sự hiện diện của Người. Ngoài ra có giáo phái, chẳng hạn Giê-hô-va, không chấp nhận uống máu. Họ dựa vào luật Do Thái cấm uống máu (St 9:3-4). Luật này dạy rằng máu là sự sống của sinh vật, nó không thuộc quyền sở hữu của con người (Dnl 12:23).
Có thể quan điểm này đã ít nhiều ảnh hưởng đến đức tin của một số Kitô hữu. Vào tháng 7 năm 2022, viện nghiên cứu Real Clear Opinion Research đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.757 người Công giáo Mỹ. Kết quả cho biết gần nửa tổng số người cho rằng “bánh và rượu chỉ là biểu tượng của Mình và Máu Chúa Kitô.” Gần 1/3 số người hồ nghi, họ không thể quyết đoán bánh và rượu có biến thể hay không. (Catholic News Agency)
Vấn nạn của tri thức là chỉ thấy bánh và rượu trước sau vẫn là bánh và rượu. Do đó mệnh đề “Đây là Mình ta... Đây là Máu ta” chỉ là cách dùng hình ảnh biểu tượng. Chúng ta phải phân giải vấn đề đầy ngộ nhận này.
Khi Đức Giêsu nói “Ta là cây nho các con là cành nho”, chẳng có ai cảm thấy chói tai. Cũng chẳng có môn đệ nào vì câu nói đó mà từ bỏ Người. Ai cũng biết đó chỉ là một hình ảnh biểu tượng. Khi Đức Giêsu nói bánh và rượu là thịt và máu của Người (1Cr 11:24-25), nhiều người cho là chói tai và nhiều môn đệ lìa bỏ Người. Như vậy vào lúc đó ai cũng hiểu Đức Giêsu nói thật theo nghĩa thật, không phải là biểu tượng. Đức Giêsu nói tiếp, “Thật, Tôi bảo thật: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53). Khi Đức Giêsu đã nói rất rõ kèm theo sự nhấn mạnh “thật, tôi bảo thật”, câu nói của Người không thể hiểu theo nghĩa khác. Sự mâu thuẫn của trí thức ở chỗ: tin vào Đức Giêsu nhưng không tin vào lời dạy của Người.
Vấn đề của tri thức thực nghiệm là thấy bánh và rượu là một thể vật chất. Chúng không thể trở thành Mình và Máu của Đức Kitô. Điều này rất đúng nếu Đức Giêsu chỉ là một người phàm. Nhưng nếu đã tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, và nếu chính Người xác định “Mình và Máu Ta” hiện diện cụ thể trong bánh và rượu, thì chúng ta phải tin. Thánh Cyrill Jerusalem lập luận rằng nếu Đức Giêsu đã khiến nước thành rượu trong tiệc cưới ở Cana, việc Đức Giêsu khiến bánh và rượu trở thành Thịt và Máu của Người cũng là một phép lạ tương tự. Thần học phân giải đó là hiện tượng chuyển đổi bản thể.
Tin Lành cho rằng bữa tiệc ly không thể hiện tại hóa. Mục đích của nghi lễ chỉ để minh họa và tưởng niệm cuộc hi tế của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng nói “Hãy làm việc này để nhớ đến ta”. Vì thế nghi thức bẻ bánh chỉ là một biểu tượng thiêng liêng có tính cách nhớ lại.
Một lần nữa trí óc thực nghiệm đã đặt động từ “nhớ” trong khuôn của định chế thời gian. Đối với ngôn ngữ đời thường, “nhớ” là hồi tưởng một sự việc nào đó đã xảy ra trong quá khứ mà đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng đối với Thiên Chúa, đấng hằng hữu (luôn luôn hiện diện trong hiện tại) “nhớ” không có nghĩa là hồi tưởng. Thánh vịnh thường có câu “Thiên Chúa nhớ giao ước của Người mãi mãi” (Tv 105: 1-15). Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hồi tưởng một chuyện đã qua, nhưng là giao ước đang được thể hiện trong hiện tại. Ngược lại chúng ta cũng không “nhớ” những giới răn của Chúa như hoài niệm một cuộc nói chuyện đã qua. Chúng ta hiện tại hóa những gì Chúa đã dạy và sống lời dạy đó. “Ân tình của Thiên Chúa công minh đời đời với những ai nhớ mệnh lệnh của Người” (Tv 103: 17-18).
Tuyệt đối vượt ra khỏi lý lẽ biện luận của trí óc thực nghiệm, của tư tưởng thần học Tin Lành, của khoa học, và sự bôi bác của nhóm vô thần ... rất nhiều phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra. Qua những biến cố siêu nhiên này Thiên Chúa tỏ lộ cho con người hiểu ý nghĩa giao ước mới của Người. Những phép lạ đã chứng tỏ tín lý Thánh Thể của Công Giáo là đúng. Xin đưa ra hai dẫn chứng điển hình.
Bánh và rượu chuyển bản thể và tùy thể:
Vào năm 1374 tại tỉnh Middleburg Louvain, nước Bỉ. Anh Jean, gia nhân của một bà phú hộ, miễn cưỡng đi rước lễ theo lệnh chủ nhưng trong lòng không tin. Khi vị linh mục đặt tấm bánh thánh trên lưỡi anh, bánh biến thành miếng thịt đỏ máu. Khi máu chảy ra khỏi môi, anh hốt hoảng la lên. Vị linh mục kính cẩn lấy Thánh Thể ra khỏi miệng anh, đặt vào chiếc bình nhỏ, rồi đặt lên bàn thờ. Anh Jean đã thú nhận tội bất kính của mình. Từ đó anh sống một đời gương mẫu tôn kính Thánh Thể.
Rước lễ là đón nhận toàn thể Chúa Giêsu:
Ngày 5 tháng 2 năm 1822, tại nhà thờ thuộc cộng đoàn Loreto, trên đường Mazarin, tỉnh Bordeau nước Pháp. Linh mục Delort cử hành buổi chầu Thánh Thể. Khi dâng Mình thánh, cha Loreto và các em giúp lễ chợt thấy bánh thánh hiện ra chân dung sống thực của Chúa Giêsu. Quá xúc động trước uy quyền của Thiên Chúa, cha Delort nằm sấp mặt xuống đất để tôn kính Chúa. Chân dung Chúa Giêsu biến mất sau khi những bài thánh ca chấm dứt.
Đối với những giáo dân có óc thực nghiệm và thiếu am tường giáo lý, hồ nghi chỉ là sự yếu đuối của đức tin. Nhưng nếu trong ý chí tự do cố tình không tin, người đó không còn là tín đồ Công Giáo. Thánh Thomas Aquinar cho rằng đức tin sâu xa nhất của người Công Giáo là đức tin về bí tích Thánh Thể. Các thánh đường dù nguy nga hay nghèo nàn đến đâu cũng đều có giá trị linh thiêng như nhau nhờ có lưu giữ Thánh Thể, biểu hiệu Thiên Chúa đang ngự trị nơi đó. Xin nhắc lại 3 điều căn bản trước khi rước Thánh Thể: 1) Chỉ có tín đồ Công Giáo mới được rước lễ, vì phải có đức tin. 2) Phải sạch tội trọng. 3) Phải nhịn đói 1 giờ trước khi rước lễ.