S au khi Đức Giêsu qua đời, các Tông Đồ tuyên xưng tín điều, qua kinh tin kính: “Người xuống hỏa ngục”. Đức Giêsu xuống ngục hỏa ngục để cứu các linh hồn. Câu kinh nguyên gốc từ tiếng Latin “descendit ad inferna” (xuống hỏa ngục). Đa số những ngôn ngữ khác đều dịch sát nghĩa là Người xuống hỏa ngục. Chẳng hạn như Anh ngữ “He descended into hell”; Pháp ngữ “Il est descendu dans enfer”; Spanish “descendió a los infiernos”. Chẳng lẽ những linh hồn đã sa hỏa ngục vẫn còn được cứu? Một cách ngoại thường, bản kinh tiếng Việt ghi là “Người xuống ngục tổ tông”. Điều hoang mang này nhắc chúng ta nên tìm hiểu rõ hơn khái niệm cõi âm về mặt giáo lý qua thời gian, khởi đầu từ thời Cựu ước.
Khoảng 2000 năm trước, dân Do Thái chưa có khái niệm rõ ràng về hỏa ngục. Niềm tin của họ về cõi âm rất mơ hồ thiên về thần thoại. Họ cũng không hiểu gì về sự phục sinh. Chính nhóm Sađốc trong Do Thái giáo cũng không tin có phục sinh.
Truy cứu ý niệm cõi âm vào thời đó, những người dùng tiếng Hebrew gọi chỗ ở của các linh hồn những người qua đời là Sheol, những người dùng tiếng Hylạp gọi là Hades (1). Mọi người đều tin rằng Sheol, hay Hades, nằm sâu dưới mặt đất (Tv 63:10; Is 14:15). Theo truyền thống văn hóa chung của miền Địa Trung Hải, Sheol là một hang động dưới mặt đất, nơi tất cả những linh hồn người chết, cả lành lẫn dữ, đều tụ về đấy (Gv 9:2-3; St 37:35; Ds 16:30). Hades là một nơi ẩn kín và tối tăm cũng ở trong lòng đất. Cả hai hình ảnh này đều mang tính thần thoại nhiều hơn là một giáo lý về hỏa ngục. Dần dần khi tiếp xúc với triết học Hy Lạp, người Do Thái mới phân biệt trong Sheol có hai địa phận, một nơi dành cho người lành và một nơi dành cho kẻ dữ. Dụ ngôn Lazarus cho biết cả Lazarus hiền lương và ông phú hộ ích kỷ đều ở trong Sheol, hai nơi cách nhau bởi một vực sâu (Lc 16:19-25). Vì vậy tuy Sheol hay Hades theo ngữ nghĩa là hỏa ngục, nhưng chỉ nên hiểu “hỏa ngục” theo nghĩa tượng trưng là nơi tạm trú cho các linh hồn mà thôi (Gl 633).
Bốn sách Phúc Âm vẫn dùng danh xưng Hades tuy nhiên thuật ngữ Gehenna được sử dụng thường xuyên hơn. Gehenna còn gọi là Gê-ben-hinnom nghĩa là “thung lũng của các con trai Hinnom” (2V 23:10). Như vậy Hinnom là tên của một người nhưng hiện nay không ai biết người đó là ai. Qua thời gian Gehenna trở thành địa danh cho vùng thung lũng dó. Gehenna, nằm ở phía nam Jerusalem, vùng đất này đã bị ngôn sứ Jeremia nguyền rủa vì là nơi ô uế thờ thần Moloch. Sau đó Gehenna trở thành bãi tha ma nơi người ta vứt xác những tội nhân (Gr 7: 31-33). Rồi Gehenna trở thành bãi rác khổng lồ, lửa đốt rác cháy suốt ngày đêm chưa bao giờ ngừng. Người Do Thái theo đó đã dùng danh xưng Gehenna để chỉ nơi ở của những kể bị nguyền rủa. Đức Giêsu đã sử dụng hình ảnh này để nói về hỏa ngục (Mt 5:22, 29).(2)
Như vậy Sheol (trong Cựu Ước) hay Hades (trong Tân Ước) được coi như là nơi tạm trú của các linh hồn lành cũng như dữ, còn Gehenna là hỏa ngục, nơi các linh hồn xấu bị giam cầm vĩnh viễn. Vì Anh ngữ (coi như đại diện cho những ngôn ngữ khác) chỉ có một danh từ “hell” để biểu thị cho cả ba khái niệm Sheol, Hades và Gehenna, để dễ phân biệt, thần học đã thêm một phụ từ vào danh từ hell. Theo đó chúng ta có đặc ngữ “hell of the dead” (ngục kẻ chết) để chỉ nơi linh hồn tốt lành tạm trú (tương đương với Sheol hay Hades) và đặc ngữ “hell of the damned” (ngục kẻ bị kết án) để chỉ nơi Satan, quỉ dữ và những ác hồn bị giam cầm (tương đương với Gehenna).(3) Thánh Thomas Aquinas, trong Summa Theologica (Tổng Luận Thần Học) đã dùng hai đặc ngữ này khi luận bàn về hỏa ngục.
Nhờ biến cố Đức Giêsu phục sinh, Giáo Hội Kitô sơ khai có ý thức rõ rệt về sự phục sinh. Thánh Phêrô cho biết Chúa Giêsu loan báo tin mừng cho những người đã chết để họ được phục sinh (1Pr 4:6). Thánh Phaolô cũng nói Chúa Giêsu xuống nơi tận vùng sâu thẳm dưới mặt đất để loan báo tin mừng (Ep 4:9). Đồng thời Giáo Hội sơ khai cũng có ý thức rõ rệt về hỏa ngục, nơi các linh hồn bị án phạt đời đời. Nhưng tại sao lại có sự tồn tại của Hades, nơi tạm trú của các linh hồn, khi đã có địa ngục. Thần học đã bổ túc sự mập mờ này với lý giải về “ngục tổ tông” (limbus patrum - the limbo of the Fathers). Con người, kể từ khi Ađam và Eva phạm tội cho đến lúc Đức Giêsu phục sinh, không một linh hồn nào được lên thiên đàng cho đến khi họ được Đức Giêsu cứu chuộc. Những linh hồn này không ở hỏa ngục, họ tạm trú ở “ngục tổ tông”. Chỉ có ma quỉ vốn là thiên thần đã dùng ý chí tự do của mình để phản nghịch Thiên Chúa mới bị án phạt sa hỏa ngục. Đức Giêsu không xuống hỏa ngục, Người xuống ngục tổ tông. Như vậy bản kinh tin kính trong ngôn ngữ Việt tuy không dịch đúng chữ Sheol (Hebrew), Hades (Hylạp) và Inferna (Latin) theo kinh thánh, nhưng lại mang đúng nghĩa theo thần học, mặc dù vẫn còn vướng mắc ý niệm “ngục” tù. (4)
Đức Giêsu đã giải thoát những linh hồn đời trước ra khỏi “ngục” tổ tông. Vì vậy khi Đức Giêsu phục sinh, ngục tổ tông không còn tồn tại nữa. Trong các sách phúc âm Tân Ước Gehenna chỉ còn mang ý nghĩa là hỏa ngục (hell of damned) nơi của những kẻ bị kết án.
Để tránh sự hoang mang, kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea và Constantinople đã bỏ câu “xuống Hỏa ngục”, mà chỉ nói Đức Giêsu chịu chết, ba ngày sau Người sống lại. Hai Công Đồng cho rằng xác tín như vậy là đầy đủ không cần phải chứng minh sự việc xảy ra như thế nào. Tuy nhiên chính chi tiết “xuống Hades” lại là mấu chốt cho nền thần học cứu độ - Mặc dù Sheol và Hades có nghĩa là Hỏa ngục, nhưng xin hiểu trong nội dung là ngục tổ tông. Chính đoạn kinh này hàm chứa tình yêu Thiên Chúa ban cho con người, trong suốt dòng lịch sử nhân loại, kể từ thời điểm Ađam hướng đến tương lai.
Theo vũ trụ quan của người Do Thái thuở xưa khi chết hồn phải xuống Sheol. Vì vậy khi tuyên xưng “Người xuống Sheol” Giáo Hội sơ khai muốn nhấn mạnh Đức Giêsu đã qua đời thật sự như một người phàm.
Nhưng Đức Giêsu không có cái chết bình thường như mọi người. Đức Giêsu chết thay cho hết thảy mọi người (1Cr 5:15), không trừ một ai từ quá khứ đến tương lai (Gl 605). Người chết để chuộc tội cho nhân loại, nhờ đó nhân loại được cứu độ. Người xuống Sheol cũng không phải là một sự kiện bình thường như mọi linh hồn phải đến đó. Đức Giêsu xuống ngục tổ tông trong tư cách là Đấng Cứu Độ với mục đích giải cứu những linh hồn công chính. Thánh Phêrô nhắc đến những linh hồn thời ông Nô-e được cứu như một biểu tượng (1Pr 3:18-20). Thánh Matthew cho biết khi đó các vị thánh trỗi dậy (Mt 27:52-53). Đó là biến cố siêu việt chỉ có một lần trong lịch sử nhân loại, nhưng trọn vẹn ý nghĩa công cuộc cứu độ (Ep 4:9-10). Việc Người đem các linh hồn công chính đã qua đời từ những đời trước lên Thiên Đàng chứng tỏ Người đã chiến thắng sự chết và ma quỷ (GL 631-637).
Môn Cứu Độ Học xác định Đức Giêsu đã chết, rồi phục sinh mới đủ ý nghĩa cứu độ. Vì qua đó Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần, chiến thắng ma quỉ, đồng thời ban ơn cho những người chết được sống lại.
Con người phải chết vì hậu quả của tội lỗi và để thấy rõ sự bất lực của mình khi bị Thiên Chúa bỏ rơi. Tuy Đức Giêsu đã hoàn thành ơn cứu độ, nhưng sự tồn tại của địa ngục vẫn còn vì nó phù hợp với nền công lý thánh. Công Giáo phủ nhận ý tưởng lầm lạc cho rằng chỉ những ai là Kitô hữu mới được cứu chuộc. Mọi người đều được cứu chuộc, nhưng Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người nên những ai không chấp nhận ơn của Thiên Chúa là tự mình kết án cho mình. Đức Giêsu dùng ngụ ngôn đấng chăn lành sẽ phân biệt chiên và dê (Mt 25:31-46). Chiên đứng bên phải, dê đứng bên trái. Đoàn bên phải lên thiên đàng, đoàn bên trái xuống hỏa ngục. Chúa Kitô sẽ kết thúc mọi việc qua cuộc phán xét cuối cùng của Người (Kh 20:12-13).