Ngôn Sứ Danien cho biết Thiên Chúa sẽ đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa (Dn 2:44). Vì vậy dân Do Thái tin rằng sẽ có một triều đại mà Thiên Chúa là vua. Nước Thiên Chúa (theo ngôn ngữ của các thánh Luca và Mac-cô, hay Nước Trời theo thánh Matthêu) cũng được 3 Phúc Âm nhất lãm nhắc đi nhắc lại đến 99 lần. Tất nhiên Nước Trời phải là một chủ đề rất quan trọng.
Vì nghĩ rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ, một nhóm Pharisêu đến hỏi Người, “Bao giờ Nước Thiên Chúa đến.” Đức Giêsu trả lời: “Nước Thiên Chúa không đến như những gì có thể quan sát. Người ta không thể nói: ‘Ở đây này’ hay ‘Ở kia kìa’, vì Nước Thiên Chúa ở giữa các ông.” (Lc 17: 20-21).
Lời mạc khải về Nước Trời của Đức Giêsu đã làm kinh ngạc mọi người. Đức Giêsu đã đẩy Nước Trời ra khỏi khung lịch sử, khỏi thời gian và không gian. Nước Trời không phải là một nơi chốn xuất hiện trong một khoảng thời nào đó. Nước Trời là một ý thức, trong tâm trí mỗi người, về một chân lý tôn giáo vừa cụ thể vừa siêu hình. Tuy nhiên, nói cho cùng, người ta chỉ nghiệm ra điều này sau khi Đức Kitô phục sinh.
Trước hết chúng ta phải biết Nước Trời là gì. Để có thể hiểu điều này, trí óc chúng ta bắt buộc phải đi dò từng bước theo dòng thời gian của lịch sử.
Trong những năm khởi đầu của thời Tân Ước, mọi người đều có chung một giấc mơ phù hợp với niềm tin trong thời Cựu Ước về Nước Thiên Chúa. Đó là thời khi Đấng Messiah (Đấng Cứu Thế) thuộc dòng dõi David, xuất hiện lãnh đạo quân đội chiến thắng quân thù. Đấng Messiah sẽ là Vua, sẽ mang lại quyền lực và của ăn no đầy cho dân Do Thái.
Khi Đức Giêsu nói, “Thời buổi đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần bên. Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:14-15; 4:17), người nghe đều hiểu rằng Nước Trời gần đến chứ chưa đến. Rồi Người cũng truyền lệnh cho các Tông Đồ “Hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7). Điều này phù hợp với sự trông đợi theo truyền thống từ thời Cựu Ước, Nước Trời là một triều đại sẽ đến trong tương lai.
Có nhiều người tin rằng Đức Giêsu chính là nhân vật mà dân Do Thái mong đợi để giải phóng nước Do Thái. Bất ngờ, Đức Giêsu chịu cuộc khổ nạn và chết trên thập giá, nhưng Nước Trời vẫn chưa đến. Mối căng thẳng kéo dài cho đến lúc Đức Giêsu phục sinh. Sự kiện người đã chết bỗng sống lại nằm ngoài sự hiểu biết của con người. Đức Giêsu sống lại không phải là một phép lạ như trường hợp Nazarô hồi sinh, nhưng thật sự sống lại. Bấy giờ người ta mới nghiệm ra trong ơn cứu độ, con người cũng sẽ được sống lại như Đức Kitô.
Bấy giờ người ta mới nhận ra những gì Đức Giêsu nói về Nước Trời đều mang tính khải huyền. Người thường mở đầu lời giảng với một hình ảnh mang tính mô phỏng, “Nước Trời giống như”... Chẳng hạn những dụ ngôn kho tàng dấu trong ruộng, viên ngọc quí ... (Mt 13: 31; 44 - 50), chúng mang những ẩn dụ tượng trưng cho một nội tại siêu hình. Diễn tả như vậy để hợp với trình độ của người nghe. Nước Trời đã có sẵn trong tâm con người như kho tàng ẩn giấu trong ruộng, con người chỉ cần nhận ra điều này. Rõ hơn nữa, Đấng Messiah không phải là một thủ lãnh chính trị. Cứu cánh của Nước Trời là ơn cứu độ phục sinh. Bất cứ ai tin vào ơn cứu độ là trở thành công dân Nước Trời và sống trong Nước Trời. Những ẩn dụ ẩn tàng trong ngôn ngữ, nay được sáng tỏ. Từ ý niệm đó, Đức Kitô đặt trách nhiệm vào tay những ai muốn vào Nước Trời “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”. Họ phải biết ăn năn thống hối và phải có đức tin.
Như vậy con người không thụ động chờ Nước Trời đến mà phải nhận ra Nước Trời đang hiện diện. Cũng chính là nhận ra Đức Kitô là thực tại mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Chính Người là Đấng Emmanuel đang ở giữa chúng ta. Người là sự sống và là sự sống lại (Ga 11:25). Người là chân lý và là con đường đưa chúng ta tới Chúa Cha (Ga 14: 1-12). Chỉ có Người mới cởi được xiềng xích ngục tù và cuộc sống nô lệ cho con người khỏi tay quỉ dữ.
Tuy Đức Giêsu nói “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:21), nhưng nhiều lần khác Người lại nói đến một Nước Thiên Chúa chưa đến. Qua dụ ngôn 10 nén bạc, Đức Giêsu cho biết Nước Trời chỉ đến khi Người tái lâm (Lc 19: 11-26). Trong dụ ngôn 10 trinh nữ, chàng rể (Đấng Kitô) sẽ đến trễ và rất bất ngờ trong lúc dân gian chìm trong bóng tối (Mt 24: 1-13). Bóng tối ấy, hai thánh Matthêu và Gioan nói rõ, bấy giờ thế giới chìm trong hỗn loạn và có các ngôn sứ giả xuất hiện. Trên trời các đạo binh thiên thần trang bị vũ khí để xuống thế hủy diệt tạo vật (Kh 19:11-16). Vào lúc đó Đấng Kitô đến bất chợt như bão lụt ùa tới trong thời ông Noah (Nô-ê) (Mt 24:37-44).
Như vậy Đức Kitô sẽ đến trần gian lần thứ hai cũng để thành lập Nước Trời, nhưng ngày đó cũng là ngày tận thế (còn gọi là ngày phán xét, Ngày của Chúa...). Đây là một hướng nhìn khác về Nước Trời, thần học gọi là thời cánh chung. (cánh: kết quả, chung: tận cùng).
Bây giờ sự việc đã rõ để chúng ta tách biệt hai chủ đề: Nước Trời đã đến và cuộc tái lâm lần thứ hai (cánh chung) để mở rộng Nước Trời chưa đến.(1)
Khi nào ngày cánh chung xảy ra? Chính các thánh Tông Đồ cũng hoang mang hỏi Đức Giêsu “Bao giờ ngày ấy đến” (Mt 24:3). Người trả lời, ngày giờ đó không ai biết chỉ một mình Chúa Cha biết (Mt 24:36). Lần khác Người nói, “Tin Mừng về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24: 14). Thánh Luca xác định thêm, “cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21:24). Một số nhà chú giải Phúc Âm cho rằng ngày Chúa tái lâm là lúc khi toàn thế giới biết đến Tin Mừng, nên được gọi là “thời của dân ngoại”. Lời giải thích không nói được điều gì rõ hơn, nhưng lại có thể gây hiểu lầm rằng dân ngoại là yếu tố quyết định cho ngày Chúa tái lâm.
Chưa hết, vẫn còn thêm một nỗi hoang mang khác về Nước Trời. Vào những thế kỷ đầu đã nảy sinh ra thuyết 1000 năm (Millenarianism). Thuyết này cho rằng trước khi tận thế sẽ có một Nước Trời kéo dài 1000 năm. Giả thuyết này căn cứ vào thị kiến của thánh Gioan. Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan kể rằng người thấy một thiên thần xích cổ con mãng xà, là Satan, rồi giam nó vào vực sâu. Lúc đó Đức Kitô tái lâm để khai sáng một thế gian mới. Các vị tử đạo cũng sống lại để cùng Đức Kitô hiển trị thế gian trong 1000 năm. Hết hạn 1000 năm mãng xà Satan được thả ra. Nó tiếp tục đi mê hoặc các nước (Kh 20: 1-10). Tầm ảnh hưởng của niềm tin này vẫn còn kéo dài tới ngày nay trong một số hệ phái Tin Lành.(2)
Công Giáo phủ nhận thuyết 1000 năm. Theo thánh Augustine, người ta không thể hiểu thị kiến của thánh Gio-an theo nghĩa đen. Chúng chỉ là cách diễn tả mang tính biểu tượng. Hình ảnh xiềng xích Satan rồi giam nó vào ngục chỉ là biểu tượng cho Đức Kitô chiến thắng ma quỉ. 1000 năm chỉ là con số trọn vẹn, biểu tượng cho sự viên mãn tràn đầy. Các vị tử vì đạo sống lại ý nói Đức Kitô chiến thắng sự chết.
Bao giờ tận thế xảy ra, trong mọi thời đại, luôn luôn có những người bị ám ảnh về ngày này. Họ đã đưa ra khá nhiều phỏng đoán dựa vào tình trạng biến động thế giới, vào khoa học, vào thánh kinh, vào lời bói của Nostradamus, và vào lời tiên tri của thánh Malachy. Tất cả đều sai.
Nếu cuộc quang lâm lần thứ hai là ý định thuần túy của Thiên Chúa, đó là một mầu nhiệm. Trí óc con người không thể nào hiểu được hay phỏng đoán được điều này (x Mt 24:36). Tuy nhiên cánh chung lập ra vì con người và cho con người, nên Thiên Chúa đưa ra dấu chỉ để con người “hãy thức tỉnh” (Mc 13:37) và có hướng sống trong hy vọng. Kinh Thánh đưa ra dấu chỉ đó là lúc “mãn thời của dân ngoại” (Lc 21:24), Kitô hữu đón nhận dấu chỉ này theo chiều hướng nào.
Kitô hữu chúng ta hướng về “thời của dân ngoại” không phải như một điều kiện lịch sử, nhưng là một chủ đề suy niệm. Theo Giáo Hoàng Benedict XVI, vì cánh chung là ơn cứu độ mở ra cho toàn thể đất và trời, cánh chung phải mang tính phổ quát nhân loại và có chiều kích vũ trụ. Niềm vui Chúa phục sinh sẽ không trọn vẹn nếu nhân loại chưa biết đến ơn cứu độ. Do đó dấu chỉ “thời của dân ngoại” là hình ảnh cụ thể hóa tính phổ quát của chân lý cứu độ. Nó không phải là cái mốc thời gian, hay một điều kiện, để cho biến cố cánh chung xảy ra. (3)
Theo thánh Phaolô, “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn... Tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang (Rm 8: 20-21).
Nếu nhìn ơn cứu độ theo dòng thời gian, Nước Trời được mô tả như mang tính lưỡng phân. Lần thứ nhất Đấng Kitô đến thế gian để khai mở Nước Trời. Trong tương lai Người sẽ tái lâm để thiết lập Nước Trời vinh hiển đời đời. Tuy nhiên không ai ngây ngô nghĩ rằng có hai Nước Trời.
Có rất nhiều dẫn giải từ thần học về chủ đề lưỡng phân nhưng nhất tính của Nước Trời. Vì khuôn khổ bài viết giới hạn, xin nêu ra hai dẫn giải tiêu biểu.
Theo Giáo Hoàng Benedict XVI, Nước Trời là nơi có Thiên Chúa hiện diện, do đó Nước Trời đang hiện diện nơi Chúa Kitô. Trong Chúa Kitô, chết và phục sinh, hiện hữu và tương lai, nối kết với nhau. Kitô hữu bám vào Chúa Kitô chứ không bám vào thời gian. Chúa Kitô là điểm đến và là điểm cánh chung. Khi Đức Giêsu nói, “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì Nước Trời đã đến giữa các ông” (Lc 11:20), Người đã nhấn mạnh Người là Thiên Chúa và đang ở thời hiện tại. Vì vậy tâm điểm của Nước Trời là con người và ở đời này chứ không phải ở đời sau. Nhưng “Nước Thiên Chúa không như những gì có thể quan sát được” (Lc 17: 20-21). Nếu chỉ “quan sát” Nước Trời như một nơi không gian nào đó bên ngoài mình, hay đẩy Nước Trời vào tương lai, chúng ta sẽ không thể nào cảm nghiệm được sự hiện diện đang có của Nước Trời.(4)
Theo nhà thần học K. Rahner, Thiên Chúa đã ban chính Mình cho con người qua việc Đức Kitô nhập thể vào lịch sử, để cứu rỗi con người. Được cứu rỗi là được hòa hợp “trọn vẹn vào Chúa Kitô” (1Cr 15:28). Từ đó con người có cơ sở để hi vong vào một chia sẻ trọn vẹn đến tột đỉnh vào thời cánh chung. Ngày cánh chung, hay ngày Đấng Kitô tái lâm, chỉ là cách nói về một chiều kích còn ẩn dấu của mầu nhiệm phục sinh. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa sẽ là tất cả và trong tất cả (Christus totus, nói theo ngôn ngữ của thánh Augustino). Cánh chung chỉ là thành quả viên mãn của nhân loại trong ơn phúc của Thiên Chúa.(5)
Qua hướng chỉ của thần học, ba giai đoạn: sống, chết, phục sinh của Đức Kitô mang tính liên tục vì Đức Kitô trước sau vẫn là một. Do đó, trong đức tin, Nước Trời không có sự phân chia. Từ đó chúng ta dễ nhận ra những dẫn chứng về tính đồng nhất của Nước Trời trong các bản Phúc Âm.
Thánh Gioan đặt thời hiện tại vào trong thời cánh chung. “Tôi bảo thật các ông” chính lúc này đây, ai nghe lời Con Thiên Chúa thì sẽ được sống đời đời. Ai không tin thì đã bị lên án rồi (Ga 3: 18; 5: 24-25; 6: 39-40). Đức Kitô phục sinh sẽ đưa mọi người vào cõi vinh hiển (Ga 12: 32).
Thánh Luca nối kết hiện tại và cánh chung trong liên hệ nhân quả. Nước Trời như hạt cải lớn lên thành cây to, như chút men làm dậy men cả thùng bột (Lc 13: 16-21).
Thánh Maccô đặt cánh chung vào thời hiện tại. “Thời kỳ đã mãn, Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15).
Thánh Matthêu, giống như thánh Luca, đặt hiện tại và cánh chung trong liên hệ nhân quả. Cánh chung là lúc Thiên Chúa đến thế gian để phán xét thiên hạ. Người phân chia người lành và kẻ dữ như loại dê ra khỏi đàn cừu (Mt 25: 31-34). “Người lành” được hiểu là người đang sống đức độ trong thời hiện tại.
Theo thánh Phaolô, chủ yếu của ơn cứu độ hướng về cách chung. Người ta sẽ thấy tất cả những điều đã được rao giảng trong ngày Đấng Kitô đến (Rm 2: 16). Vì vậy thời hiện tại là thời sửa đổi tâm tính để dẫn “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4: 13). Vì Đức Giêsu phục sinh nên chúng ta cũng sẽ được phục sinh như Người (1Cr 15: 13-14). Nếu Đức Kitô không phục sinh, mọi niềm tin đều vô nghĩa (1Cr 15: 14-19).
Theo Giáo Lý Công Giáo, “Chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Nhờ ơn chúa thánh thần, Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô ngay từ đời này (GLCG 1002).
Nói ngắn gọn, Nước Trời hiện tại là thời của những hạt mầm gieo xuống, Nước Trời tương lai là thời điểm của mùa gặt. “Nước Trời hiện tại” phải có để con người sống với thực tại Nước Trời. “Nước Trời cánh chung” phải có để con người thoát khỏi vòng thời gian và thế gian, nhờ đó đạt được mục đích thật là sự sống vĩnh cửu. “Nước Trời hiện tại” hàm chứa “Nước Trời tương lai” do đó mối hi vọng về cánh chung nằm ngay trong hiện tại. Giáo Hội có nguyên mùa vọng để vừa tưởng niệm biến cố Đức Giêsu nhập thế ở Bethlahem vừa mong chờ Chúa đến lần thứ hai.
Tâm điểm của điều kiện để vào Nước Trời là một tổng hợp giữa sự hoán cải từ con người và hồng ân từ Thiên Chúa.
Về yếu tố con người. Con người phải là chủ thể trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người phải đặt ưu tiên tìm Nước Trời trước hết mọi sự (Lc 12: 31). “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Hối cải nghĩa là tự giải phóng mình khỏi tình trạng nô lệ của tội lỗi, trong những điều kiện sinh sống của đời mình. Nói cách khác, hãy vác thập giá mình đang có mà theo chân Đấng Kitô (Lc 9: 22-25; Mt 16:24-26).(6)
Về yếu tố ân sủng. Con người phải có ân sủng từ Thiên Chúa mới được cứu rỗi. Mở đầu là ân sủng tái sinh qua nghi thức rửa tội.(7) Từ đó những hành vi đức tin và hi vọng của con người mới có điểm tựa là Thiên Chúa. Cụ thể hóa điểm này là hình ảnh biến cố thành Ninivê (Nineveh). Ngôn sứ Giôna (Jonah) được Thiên Chúa sai đến thành Ninivê để loan báo 40 ngày nữa thành sẽ bị hủy diệt. Dân Ninivê thức tỉnh thống hối ăn năn. Thiên Chúa bỏ ý định trừng phạt, dân Ninivê được cứu thoát (Gn 3: 1-10).
Đấng Kitô trở lại lần thứ hai không phải để xóa tội và chiến thắng sự chết vì Người đã hoàn tất việc đó (Hr 9:28). Đức Kitô đã tự hiến tế, chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi cho nhân loại. Đấng Kitô trở lại để đưa con người vào Nước Thiên Chúa đời đời.
Vì vậy Kitô hữu chúng ta biết rất rõ về một tương lai như thế nào đang chờ đợi mình. Chúng ta cũng được Đức Giêsu dạy cầu nguyện hướng về tương lai đó, “Xin cho nước Cha trị đến”. Với niềm hy vọng ấy, Kitô hữu trong những thế kỷ đầu đã thường chào nhau với câu Maranatha (xin Chúa đến).(8)
Sở dĩ chúng ta có thể nói Maranatha vì chúng ta là con Thiên Chúa. Chúng ta được liên kết trong một Thần Khí với Đức Kitô, Đấng duy nhất dẫn chúng ta đến Chúa Cha. Người là cùng đích của mọi sự (Ep 2,18). Vì vậy Giáo Hội là một đoàn lữ hành dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để thành lập Nước Trời ngay lúc này, ngay tại chỗ chúng ta đang ở, và sống trong hy vọng vào ngày cánh chung. Ngày Nước Trời tỏ hiện trên khắp muôn loài và vũ trụ.