HÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TINHÃY VỮNG TIN
Hiện tại nhiều nơi có sự chống đối Công Giáo. Công Giáo được thiết lập bởi Chúa Giêsu. Giáo Hội là nguồn ban phát ân sủng của Thiên Chúa thể hiện qua Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên chỉ những ai tin vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu mới chấp nhận điều này. Xã hội ngày nay đã có rất nhiều người không tin như vậy. Đáng buồn hơn nữa trong đó có cả những người vốn là Kitô hữu. Chúng ta hãy can đảm đối diện với những gì đang diễn ra để nhìn rõ hướng đi cho mình.
Chúng ta không phải đang sống trong một thế giới không thể tiên đoán về nó. Đức Giêsu đã nói, “Thầy sai các con đi như con chiên giữa bầy sói rừng” (Lu 10:3). Lời cảnh báo này không phải để bàn luận, nhưng để chúng ta ý thức rõ hơn về những gì đang xảy ra. Năm 2019, khủng bố đặt bom ở nhà thờ St. Mark ở Cairo giết chết 25 người và làm bị thương 49 người. Vài năm gần đây, Canada có 56 nhà thờ bị đốt hoặc bị phá. Ở Mỹ, chỉ trong năm 2020, trên 33 tiểu bang, đã có 123 vụ bạo động bao gồm đốt phá nhà thờ, chặt tay chân hay đầu các bức tượng thánh, bôi sơn và viết những câu mạt thị Công giáo. Ở Việt Nam, mới đây linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết trong khi đang giải tội. Ở những nước có chế độ độc tài như Trung Hoa và khối Hồi giáo tình trạng người Công Giáo bị áp bức còn là chính sách của quốc gia.
Tuy nhiên không phải chỉ có những người ngoại đạo làm hại Công Giáo, chính một số giáo sĩ Công Giáo đã tiếp tay vào việc này. Biến cố hàng ngàn vụ lạm dụng tình dục trẻ em của các giáo sĩ là một vết nhơ lớn. Ngoài ra rất nhiều những vụ tai tiếng cá nhân nhưng lại tạo ảnh hưởng lớn, như một nữ tu lấy tiền nhà xứ đi đánh bạc; Vụ đức ông Howard Lincoln ở Palm Desert và Giám Mục Xavier Novell giáo phận Solsona bỏ chức vụ để lấy vợ. [1] Họ như nấm mồ bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong là xác chết hôi thối (Mt 23:27). Về mặt giáo dân, tỷ số ly dị và bỏ đạo tăng cao. Đã có 28% người Công Giáo ly dị (theo Center for Applied Research in the Apostolate ở Georgetown University). Ở Đức có 27% dân chúng là người Công Giáo nhưng trên thực tế chỉ có 5.9% dự thánh lễ và hiện đã có hơn 220,000 người bỏ đạo (DW.com, 2021). Các giám mục ở Đức đã nhân đó mà lập ra một Thượng Hội Đồng Công Giáo Đức. Họ buộc tội Vatican vì duy trì các giáo lý cũ khiến Công Giáo suy yếu. Thượng Hội Đồng Đức muốn thay đổi một số giáo lý căn bản của Giáo Hội như chấp nhận linh mục có vợ, phong chức linh mục cho nữ tu, công nhận hôn nhân đồng tính… Khuynh hướng tục hóa Giáo Hội này đã khiến Công Giáo Đức có thể tạo nên cuộc ly giáo. [2] Lỗi lầm của họ là hủy bỏ những luật lệ khiến lối sống giả hình có thể dễ dàng xảy ra.
Những người thời đại mới (modernist) cho rằng chân lý tuyệt đối không phải là Thiên Chúa mà là những định luật thiên nhiên. Do đó con người phải dùng trí thức tìm hiểu thiên nhiên để chinh phục nó. Quan niệm này trở thành triết lý thực dụng của thời hiện đại. Nó đang trở nên quái dị vì quá tôn sùng trí thức và kỹ thuật. Nó khuyến khích con người giải quyết mọi vấn đề qua những gì “tôi nghĩ, tôi cảm thấy”… thay thế cho “tôi tin”. Thế giới rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa chủ quan, nơi mọi giá trị đạo đức đều do cá nhân và cộng đồng định đoạt. Tôn giáo bị hạ thấp xuống thành niềm tin riêng tư cá nhân. Chằng hạn có nên phá thai hay không, điều đó tùy vào sự tính toán lợi hại chủ quan của bà mẹ. Phá thai hợp pháp hay không là do cộng đồng quyết định theo luật đa số chấp nhận. Ý dân là ý trời (vox populi vox dei). Vấn đề đạo đức về sinh mạng của thai nhi không đặt ra. Theo thống kê, 24% người Công Giáo đã phá thai (Guttmacher Institute data, in 2014).
Đi xa hơn nữa, ở Mỹ có một nhóm người muốn thành lập “tôn giáo” thờ Satan. Họ đề cao các giá trị bác ái và công lý qua sự chấp nhận của lý trí và khoa học. Họ đã có những đền thờ Satan (Satanic Temple). Họ chủ trương rằng không có Thiên Chúa hay quỉ dữ, không có tội lỗi, không có hỏa ngục, không có người tốt được thưởng kẻ xấu bị phạt. Để giáo dục trẻ em sống trong tinh thần Satan, họ lập ra những “Câu lạc bộ Satan sau giờ học” (After School Satan Club). Chẳng hạn Câu lạc bộ Satan tại trường tiểu học Jane Ađams ở Moline, Illinois, quy tụ trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Công ty tạp hóa WalMart và Ebay đã tung ra thị trường những sản phẩm về Satan cho trẻ em và người lớn.[3]
Khi xã hội chấp nhận sự tôn thờ Satan như một tôn giáo, nó là dấu xuống dốc lớn cho ý thức đạo đức. Nó là một thách thức cuối cùng của con người đối với Thiên Chúa.
Khẩu hiệu luân lý của xã hội ngày nay là “tinh thần khách quan”. Nó ngụ ý con người phải thoát ra khỏi những ràng buộc văn hóa và tôn giáo của quá khứ, bởi vì không có hệ thống nào nắm giữ được một nền đạo đức có giá trị tuyệt đối. Đơn giản là không ai được ép buộc người khác tin vào những gì mình đang tin. Những giới luật mà Công Giáo cho là đúng, người thời đại mới sẽ nói “nó đúng cho bạn nhưng không đúng cho tôi.” Với họ, tôn giáo chỉ là một lối sống tốt. Vì vậy ai cũng có quyền chọn cho mình một lối sống tu thân nào đó thích hợp với mình.
Dựa vào quan điểm đạo đức tương đối, các đạo sư tạo ra những “tôn giáo dân gian mới” (new Paganism) phù hợp với tư tưởng tự do, duy lý và kiêu ngạo của con người. Chưa bao giờ xã hội chúng ta xuất hiện nhiều tôn giáo (không viết hoa) như bây giờ. Nước Mỹ hiện có 17 tôn giáo và thế giới có 4,300 tôn giáo khác nhau (theo Worldpopulationreview, 2020). Tuy tự xưng là tôn giáo nhưng bản chất của chúng chỉ là những hội sùng bái (cults) về một niềm tin nào đó. Chúng đã tạo nên một nền “tâm linh tân thời hổ lốn” (new age syncretism) bao gồm những niềm tin về định mệnh, tương đối, luân hồi, Arian, Ngộ giáo, Yoga giáo, Kitô cải cách, và Satan giáo…. [4]
Sống trong bầu tư duy như vậy, nhiều Kitô hữu bị khủng hoảng đức tin. Họ không biết sự thật nằm ở đâu. Họ không còn thấy Công Giáo là con đường giải thoát và Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Năm 2018, CARA phỏng vấn 1500 người bỏ đạo Công Giáo để biết về phản ứng của họ. Kết quả cho biết 35% trở thành người vô tôn giáo; 9% theo những giáo phái Tin Lành; 29% theo các giáo phái kitô không phải Tin Lành (như Mormon…); 14% nhận mình là theo một đường lối tâm linh riêng hay theo Ngộ giáo. Có lẽ những lối hành xử này chỉ là phản ứng của nỗi tuyệt vọng.
Cần phải nói ngay lối suy nghĩ trên hoàn toàn sai lầm. Người ta chỉ có thể nói giá trị đạo đức của các niềm tin khác nhau đều bình đẳng, khi không có một chân lý tuyệt đối khách quan. Nếu đã có một nền đạo đức, xây dựng trên chân lý tuyệt đối, thì sẽ không có cái gọi là đạo đức khách quan dựa trên sự tự do tư tưởng của từng cá nhân. Nếu chúng ta chấp nhận những hành vi tội lỗi như giết thai nhi, lạm dụng tình dục… mà cho là dựa vào nền đạo đức khách quan thì nó chỉ là cách bào chữa của nền đạo đức giả hình. Nó chỉ là chiếc áo choàng của thuyết tương đối. Nếu không có sự thật khách quan thì cũng không có cái gọi là đạo đức khách quan. Bởi vì không thể có nhiều thiên đàng thích hợp cho từng người.
Dù thế nào cũng không thể phủ nhận hiện trạng đạo đức đang biến dạng tận gốc. Nó khiến Kitô hữu vướng mắc ít nhiều những tư tưởng yếm thế. Chúng ta phải đáp ứng thế nào? Phúc Âm là nơi để tìm ra lời giải đáp. Câu trả lời nằm trong tay “những người tàn dư”.
Những người tàn dư (remnant, tiếng Do Thái: שְׁאָר, tiếng La Mã hóa: sh'ár) [5], họ là ai. Họ là những người còn sót lại sau những cuộc thảm họa lớn. Tiên tri Giê-rê-mi (Jeremiah) gọi những người còn ở lại xứ Giuđa khi toàn dân Do Thái bị đày qua BaBylon là những người tàn dư (Gr 39-40). Tiên tri Isaiah cho những người sống sót sau cuộc tàn sát của vua Assyria khi lùa dân Do Thái qua Aicập là những người tàn dư (Is 10: 1-22). Theo tiên tri A-mốt (Amos), họ là một nhóm người không còn khả năng tránh cơn nguy hiểm; họ không có lối thoát; kẻ khỏe mạnh nhất cũng kiệt lực; kẻ cầm cung đứng không vững; lòng can đảm tiêu tan (Am 2: 14-16). Mọi sự phòng thủ của họ đều vô vọng. Thành nào xuất trận với 1000 quân sẽ chỉ còn sống sót 100 người. Thành nào đưa ra 100 quân sẽ chỉ còn 10 người. Các bản văn viết trong thời hậu lưu đày của các tiên tri như Ét-na (Ezra), Khác-gai (Haggai), Dê-ca-ri-a (Zechariah), và Nơ-khe-mi-a (Nehemiah) luôn luôn đề cập đến những người Do Thái trở về từ nơi bị giam cầm ở Babylon là những người tàn dư. Tuy nhiên chính những người chẳng còn gì đó đã xây lại đền thờ Jerusalem.
Khái niệm về giá trị của những người tàn dư đã được thánh Phaolô nêu ra. Theo thánh Phaolô, họ không hẳn là những gì dư thừa vô giá trị, nhưng là những người được Thiên Chúa tách biệt ra khỏi đám đông. “Vào thời điểm hiện tại, một số người tàn dư được tuyển chọn nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Nếu được chọn nhờ ân sủng thì không phải là do công sức mà được, chẳng vậy không còn là ân sủng nữa.” (Rm 11: 5-6). Chúng ta còn thấy giá trị của những người tàn dư qua nhiều câu chuyện khác. Chẳng hạn Thiên Chúa cho Abraham biết chỉ cần có 10 người công chính là đủ để cứu thành Xô-đôm khỏi bị tàn phá (St 18:12-32). Cả một thành phố trụy lạc chỉ có 8 người công chính bị mọi người hất hủi là gia đình ông Noah. Nhưng gia đình ông đã được thoát nạn đại hồng thủy để duy trì Đạo Chúa (St 7:13-14; 9:1-2). Chỉ một mình gia đình Gia cóp (Jacob) được chọn để gây dựng dân Chúa (St 28:10-15). Giô sép (Joseph) bị các anh loại bỏ, nhưng chính Giôsép đã cứu dân khỏi nạn đói (St 45:7-8). Trong mỗi trường hợp chúng ta đều thấy chủ đề tàn dư gồm có hai phần. Thứ nhất, một người hoặc một nhóm người được Thiên Chúa tuyển chọn cho một mục đích riêng. Thứ hai, sự cứu rỗi của toàn dân phụ thuộc vào một người này (hay một nhóm người). Dựa vào đó các nhà thần học hiện đại đã phát huy ra nền thần học Tàn Dư (Remnant theology).
Cốt lõi sứ mệnh của những người tàn dư là gì? Họ là những người bị thời thế loại bỏ, nhưng chính họ lại là những viên đá góc tường để xây dựng lại Giáo Hội. Đó là việc Chúa làm (Mt 21:4). Theo thần học Tàn dư, trong Kinh Thánh, có hai biểu tượng lớn nhất diễn tả về vai trò lịch sử của người tàn dư.
Biểu tượng thứ 1. Vào thế kỷ VI TTL, khi dân Do Thái bị lưu đày qua Babylon, ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ezekiel) cho biết một ngày nào đó những người được tuyển chọn sẽ trở về đất hứa. Lời tiên báo của ông mang một hình ảnh có tính dụ ngôn. “Đức Chúa phán, Ta sẽ ngắt ra từ đỉnh cây hương bá một chồi non. Rồi chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi của Israel.” Ed 17:22). Chồi non đó là hình ảnh về một số người tàn dư. Cái chồi non đó sẽ phát triển thành cây cổ thụ che bóng cho toàn dân Do Thái. Đối với Ezekiel và cả người tiền nhiệm của ông là tiên tri Giê-rê-mi (Jeremiah), sự thay đổi thực sự là phải phá hủy thể chế cũ và sự quyết tâm làm lại từ đầu.
Biểu tượng thứ 2. Thánh Gioan nói về người phụ nữ sanh con trong sa mạc. “Con rồng nổi giận quấn lấy người phụ nữ và gây chiến với những người còn lại (tàn dư) trong dòng dõi của bà. Họ là những người giữ các điều răn của Thiên Chúa, và giữ lời chứng của Đức Jêsus Kitô” (Kh 12:17). Theo Hilda Graef, nhà Maria học, “Trong truyền thống của các giáo phụ, người phụ nữ này là biểu tượng cho Giáo hội” (Mary: A History of Doctrine and Devotion, Chap. 1). Sau đó Giáo Hội tin rằng người đàn bà đó chính là Đức Mẹ Maria. Graef viết: “Maria không chỉ là mẹ riêng của Chúa Giê-su, Bà còn là ‘con gái của Sion’, đại diện của Dân Chúa.” Điều này có nghĩa Mẹ Maria là đại diện của Phần còn lại (tàn dư) như được thấy bởi ngôn sứ Ezekiel.
Tóm lại, thần học tàn dư nhấn mạnh rằng Thiên Chúa thực hiện công việc cứu rỗi thông qua các ân sủng Người ban cho một số người tuyển chọn để thực hiện lợi ích cho mọi người. Họ là “sứ giả thay mặt cho Đức Kitô” (2Cr 5:20). Họ là nhóm người hầu như bị kiệt quệ bởi những biến động xã hôi. Giáo lý tàn dư tổng hợp các ngành thần học nền tảng của Giáo hội và nhấn mạnh đến lời kêu gọi noi gương Đức Mẹ Maria và các Thánh trong đời sống vâng phục Giáo Hội. Giữ vững đức tin Công giáo qua mọi biến động của xã hội. Thần học tàn dư dạy rằng Thiên Chúa sẽ ban ân sủng cho những người bị vùi dập nhưng vẫn kiên trì sống trọn vẹn là Kitô hữu.
Tư tưởng của Giáo Hoàng Benedict VI chắc chắn đã đồng nhất với lối nhìn sâu sắc của các vị ngôn sứ về khái niệm tàn dư. Người đã nói, “Giáo Hội sẽ trở nên nhỏ bé hơn và ít nhiều sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, nhất là ở phương Tây. Tuy nhiên Giáo Hội sẽ mạnh mẽ hơn, sung mãn tâm linh và có đức tin vững vàng hơn. Giáo Hội, như mọi khi, sẽ được định hình lại bởi các thánh, bởi nhóm người có tâm trí sâu sắc vượt trên những khẩu hiệu của thời đại. Đàn chiên nhỏ đó (little flock) có mãnh lực truyền giáo cho cả thế giới.” [6]
Vì vậy sống trong một thời đại hỗn loạn đầy giận dữ, đầy yếm thế, tràn ngập những triết thuyết hổ lốn, nếu chúng ta vẫn giữ vững niềm tin vào Giáo Hội, chúng ta sẽ như đàn chiên nhỏ bé bị loại bỏ. Chúng ta là những người tàn dư. Nhưng Chúa Giêsu đã an ủi chúng ta, “Các con không thuộc về thế gian, nên thế gian ghét các con. Chính ta đã lựa chọn các con giữa thế gian. Nếu họ bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Gn 15:19-20). Nhờ đó nỗi gian nan mà chúng ta đang chịu chỉ là cơn thử thách để tôi luyện ý chí của chúng ta, như thánh Giacôbê (James) đã thấy. “Thưa anh chị em, anh chị em hãy cho là mình được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh chị em biết, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1:2-4).
Thánh nữ Perpetua (thế kỷ III), trước khi chịu tử hình vì lệnh cấm đạo của vua Septimius Severus, thánh nói với em mình là Felicity cũng bị tử hình: "Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân". Đó là những gì Kitô hữu chúng ta cần phải làm trong xã hội ngày nay. Sức mạnh đức tin của chúng ta, những người tàn dư, tuy nhỏ và im lặng nhưng Thiên Chúa sẽ dùng chúng ta như men thấm vào bột, như hạt mầm âm thầm nở trong đêm, như hạt cải nhỏ bé để triển khai Đạo Chúa cho một tương lai tốt đẹp hơn.
_______________________