Cách đây 48 năm, qua vụ án Roe versus Wade (Roe kiện Wade), tòa Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Mỹ đã công nhận quyền tự do phá thai. Ngày 24 tháng 6 vừa qua, TCPV đã tạo ra một biến cố lớn. Tòa đưa ra phán quyết: hiến pháp liên bang phủ nhận quyền phá thai của phụ nữ. Ủng hộ hay cấm phá thai là tùy vào pháp luật của mỗi tiểu bang.
Như vậy TCPV đã tránh né sự thẩm định đạo đức về việc phá thai là đúng hay sai. Tuy nhiên nó ngầmkhích lệnhững người chống phá thai và gây trở ngại cho những người ủng hộ phá thai. Do đó nó dấy lên những cuộc tranh luận vô cùng hoang mang về vấn đề đạo đứcđối với thai nhi. Nếu phá thai ở Mississippi làsai thì tại sao ở Californiaphá thai lại là đúng.Chẳng lẽ giá trị đạo đức đối với thai nhi được xác định bởi yếu tố địa lý hay sao. Trong bối cảnh đó, Kitô hữu chúng ta nên nhìn lại giáo lý của Giáo Hội để hướng dẫn đức tin cho chính mình.
Chuyện khởi đầu vào năm 1969, tại Dallas, Texas. Cô Norma McCorvey, 22 tuổi, có bầu nhưng vì hoàn cảnh nghèo nên muốn phá thai. Lúc đó luật Texas chỉ cho phép phá thai trong trường hợp để cứu bà mẹ. Nhóm ủng hộ phá thai lợi dụng cơ hội, họ dùng cô làm con cờ đại diện cho giới phụ nữ muốn phá thai. Họ giúp cô kiện chính phủ Texas đòi hủy bỏ luật cấm phá thai. Vì vậy trong các văn kiện của tòa án cô được gọi là Jane Roe (Jane Roe là một tên vô danh dành cho người nữ, cũng như John Doe dành cho người nam). Công tố viên Henry Wade đại diện cho chính quyền Texas. Do đó vụ án có danh xưng Roe versus Wade. Nhóm của cô Roe bị thua kiện, họ bèn đưa vụ này lên tòa TCPV. Sự việc trở nên lớn với góp sức tài chánh của giới ủng hộ phá thai trên toàn quốc. Vụ kiện kéo dài trong 3 năm, cuối cùng TCPV cho cô Roe thắng kiện, chiếu theo tu chính án 14, mọi công dân đều có quyền tự do sống theo ý riêng tư. TCPV suy diễn rằng quyền này bao gồm việc có muốn giữ bào thai hay không.
Từ đó, trong 48 năm qua, đã có hằng triệu thai nhi bị giết. Cũng từ đó, hằng năm hằng triệu giáo dân Công Giáo kiên nhẫn tranh đấu đòi hủy bỏ phán quyết này. Họ bày tỏ lập trường qua những cuộc Tuần Hành Phò Sự Sống (March For Life) tại những thành phố lớn như Dallas, Washington D.C, Denver, San Francisco, Chicago… . Số người tham dự khoảng 600.000 người mỗi năm.
Mới đây, một số vị thẩm phán trong TCPV nhận ra có những sai trái trong vụ án Roe v. Wade. Họ cho rằng lúc đó TCPV đã thiếu khách quan vì chỉ nghe lời một phía của những người muốn phá thai mà không để ý đến tiếng nói của nhóm chống phá thai và nhóm có niềm tin tôn giáo. Phán quyết của TCPV lúc đó không có căn bản pháp lý. Thai nhi là người nên không thể coi là thuộc quyền sở hữu riêng tư cá nhân của bà mẹ. Vụ án Roe v. Wade bị đưa ra thẩm xét lại. Kết quả án lệnh Roe v. Wade trước kia đã bị lật ngược. TCPV cho rằng trong hiến pháp không hề có khoảng luật nào cho phép phá thai và buộc chính phủ phải chu cấp cho người phá thai. Vì vậy quyền tự do phá thai không có trong hiến pháp Liên Bang. Quyền này tùy vào quyết định riêng của người dân của từng tiểu bang.
Phản ứng của nhân vật chính của sự khởi đầu, bà Norma McCorvey (Jane Roe) ra sao? Trong viện dưỡng lão, bà đã cho đài FX một cuộc phỏng vấn. Bà cho biết vụ kiện ngày đó “Toàn bộ là sự dối trá xảo quyệt.” Bà đã được các nhóm ủng hộ phá thai trả hàng trăm ngàn dollars. “Tôi là con cá cắn mồi câu lớn. Tôi lấy tiền của họ. Họ đưa tôi ra trước ống kính và bảo tôi phải nói những gì theo ý họ.” Bà Norma McCorvey đã xin rửa tội để trở thành một tín đồ Công Giáo. Sau đó bà là một người đầy nhiệt tình chống phá thai. Bà qua đời vào năm 2017 vì bệnh tim.
Đối với luật pháp vật thể quan trọng nhất làm mấu chốt cho lập trường chống hay ủng hộ phá thai là thực thể bào thai. Nhưng bào thai thành hình từ khi nào? Chủ đề này đã dấy lên những cuộc tranh luận rất phức tạp, do đó chúng ta nên biết đến diễn tiến tạo thành bào thai.
Khi tinh trùng phối hợp với trứng, nó tạo nên một tế bào. Khoảng 12 giờ sau nó tự phân ra thành 2 tế bào giống hệt nhau, rồi 2 tự phân ra thành 4... cứ vậy nó tạo ra một khối tế bào gọi là phôi bào (germinal). Nhiều người cho rằng phôi bào chưa phải là người mà chỉ là một nhóm tế bào (group of cells) nên có thể phá bỏ. Sau 3 tuần phôi bào có tới 64 tế bào. Chúng được coi là những tế bào gốc. Trong vòng 4 - 8 tuần, phép lạ xảy ra. Tuy mọi tế bào gốc này đều giống hệt như nhau, nhưng mỗi tế bào gốc chỉ phụ trách một việc để tạo nên một thai nhi. Có tế bào chỉ tạo ra xương, có tế bào chỉ tạo ra con tim... kỳ diệu là chúng phối hợp với nhau theo mệnh lệnh của những mã di truyền (DNA). Vì vậy tim không nằm ở bụng, tóc không nằm ở lưng... trong giai đoạn này bộ não chưa phát triển. Nhiều người cho rằng vì bộ não của phôi thai chưa đầy đủ, nó chỉ là dạng thực vật, chưa có ý thức và cảm giác, do đó có thể phá bỏ nó. Sau 10 tuần phôi bào trở thành phôi thai (fetus). Nhiều người cho rằng, tuy phôi thai có dạng người nhưng nó chỉ là một động vật chưa có ý thức, chưa đủ yếu tố là người, nên vẫn có thể phá bỏ . Qua tuần 11, các cơ quan của cấu trúc cơ thể được hình thành đầy đủ và rõ ràng. Nhiều người cho ởgiai đoạn này nó mới được gọi là bào thai (embryo) hay thai nhi. Một quan điểm khác cho rằng sự sống là một diễn tiến liên tục không thể phân chia theo từng giai đoạn trưởng thành của nó. Vì vậy kể từ lúc thụ tinh cho đến lúc tượng hình con người, bản chất của nó là một thai nhi.
Cuộc tranh luận về quyền phá thai xoay quanh 4 chủ đề: về mặt y học, về mặt đạo đức, về mặt pháp lý và về mặt xã hội.
1. Bào thai chưa phải là người
Nhóm ủng hộ phá thai tìm mọi cách để chứng minh bào thai chưa phải là người. Theo họ phôi bào chỉ là một mô tế bào. Phôi thai tuy có dạng người nhưng bộ óc chưa phát triển, nó không có ý thức về sự hiện hữu của chính nó. Nó giống như cục đá hay cái cây vô ý thức. Nó chưa phải là người nên không có nhân quyền (1) . Nói chung người ta không thể biết vào thời điểm nào phôi thai là người.
Theo thần học gia Peter Kreeft, lý luận này vô lý ở chỗ vì chưa biết rõ phôi thai là người nên có thể giết nó. Nếu họ không biết sự thật về phôi thai đó là vấn đề kiến thức của họ không phải vấn đề của phôi thai. (2) Theo phôi học (embryology), từ năm 1827, các nhà sinh học đã nhận ra vào lúc thụ tinh chính là sự khởi đầu sự sống của con người. Khi đó phôi bào đã mang giới tính là trai hay gái. Nó có tất cả DNA cần thiết để phát triển thành người. Kế đó nó di chuyển vào tử cung rồi tự phát triển thành người. Theo Hội đồng Nghiên cứu Gia đình (Family Research Council), “Phôi bào đáp ứng bốn yếu tố cần thiết để thiết lập đời sống: chuyển hóa, tăng trưởng, phản ứng với các kích thích và di truyền. Về mặt sinh hoc, nó là dạng con người đang sống ”. Với cấu trúc phức tạp của các cơ quan riêng biệt phối hợp với nhau để thể hiện sự sống, nó đáp ứng đúng định nghĩa về một sinh vật.
Theo Peter Kreeft, các quyền của con người được định bởi “bản thể người” chứ không phải được ban cho theo ý của số người khác có quyền lực. Bất kể từ một cơ cấu chính trị, hay từ đa số công chúng bỏ phiếu, hoặc từ tình cảm mơ hồ được gọi là "ý chí chung", về mặt logic chỉ có hai mệnh đề về nhân quyền: hoặc là mọi người đều có quyền, hoặc là chỉ một số người có quyền. Nếu tất cả mọi người đều có quyền làm người, vì bản chất “người” không thay đổi, và nếu quyền này mang tính “bất khả xâm phạm”, sẽ không thể chấp nhận một số người có quyền và một số người không có quyền. Không một phe phái nắm quyền lực nào đó có thể thay đổi.
2. Bào thai bị khuyết tật
Có nhiều nguyên do khiến bào thai bị khuyết tật do lỗi của mẹ (hay cha) bao gồm nghiện rượu, hút cần sa, lạm dụng các loại ma túy kích thích khác, hay mắc các bệnh về tình dục... Nói chung đó là những tai nạn có thể xảy ra. Nhiều người cho rằng khi bào thai bị khuyết tật, đời nó sẽ khổ, tốt hơn không nên sinh nó ra.
Trên nguyên tắc một bào thai bị khuyết tật không có nghĩa là nó bị hư hỏng. Nếu muốn phá thai bác sĩ phải cố tình giết nó. Bác sĩ Anthony Levatino, người trước kia đã thực hiện hơn 1.200 ca phá thai. Sau đó ông thay đổi lập trường trở nên người chống phá thai. Ông cho biết để giết thai nhi, khi nó đã đủ lớn không thể dùng cái ống hút ra, bác sĩ bơm vào tử cung một dung dịch cho nó chết ngạt hoặc dùng cái kìm xé thai nhi từng mảnh để lôi nó ra.
Lối hành xử này thiếu công chính. Cha mẹ cố ý giết con vì nó tật nguyền. Về mặt đạo lý nếu một người bị tật nguyền sau một tai nạn nào đó, như người lính sau trận chiến, người mắc bệnh thoái hóa não như Alzheimer’s... chúng ta có nên giết họ không? Về mặt đạo đức, mọi người đều có quyền sống vì họ là người. Về mặt pháp lý, nếu tất cả con người đều có quyền sống, vậy pháp luật phải bảo vệ quyền sống của mọi người, dù họ bị khuyết tật. Chúng ta không thể cho rằng vì thai nhi khuyết tật nên thai nhi mất bản tính là người. Những người muốn phá thai chỉ dựa vào cảm tính của họ chứ không phải vì lý do y học. (3)
3. Phải cứu bà mẹ vì bào thai đàng nào cũng chết
Một trong những lập luận phổ biến nhất cho việc phá thai là để cứu sống người mẹ. Đó là việc cần thiết phải làm vì lý do y tế. Nhiều cha mẹ yêu con nhưng nghĩ rằng tốt hơn nên phá thai vì bác sĩ cho biết đứa bé bị bệnh nan y hoặc bị bệnh quá nặng đến mức sẽ bị chết trong thời gian ngắn sau khi sinh.
Luân lý cho chúng ta tin rằng một người chết yểu vẫn là người. Cha mẹ không thể giết con vì lý do nó có đời sống ngắn ngủi. Năm 2013, có một tuyên bố trên trang web Precious Life cho biết, “Các nhà lãnh đạo y tế đại diện cho hơn 30.000 bác sĩ Mỹ khẳng định rằng việc cố ý giết chết thai nhi để cứu sống người mẹ là một việc không bao giờ cần thiết”. Năm 2019, tạp chí và trang mạng Washington Examiner đã đưa ra bản “Tuyên bố Dublin” (Dublin Declaration) của hơn một nghìn OB-GYN (bác sĩ sản phụ khoa) và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sản phụ. Bản tuyên bố nói, “Với tư cách là các bác sĩ và nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về sản phụ khoa, chúng tôi khẳng định rằng cố ý phá thai – cố ý hủy hoại đứa trẻ chưa sinh – là không cần thiết về mặt y tế để cứu mạng sống của một người phụ nữ. ” (4)
Tuy nhiên trên thực tế cũng có trường hợp bất thường, chẳng hạn bào thai nằm trong ống dẫn trứng, giữa mẹ và con, y khoa chỉ có thể cứu một người. Đây là cảnh huống mà thiện và ác được đặt ngang nhau. Trong trường hợp này cách giải quyết nằm trong “nguyên tắc mang tác động kép” (the principle of double-effect). Nghĩa là một hành động cùng lúc mang lại hai hậu quả một thiện và một ác. Theo nguyên tắc này người trong cuộc có thể hành động với chủ đích tiên khởi là phục vụ sự thiện. Mặc dù sự xung đột bắt buộc phải có nhưng nó không bắt nguồn từ sự phủ nhận quyền lợi của một trong hai bên. Lời khai của bác sĩ Anthony Levatino là một trường hợp điển hình. Ông cho biết, “Tôi chưa bao giờ phải cố ý giết một đứa trẻ để cứu sống một người mẹ. Chỉ có trường hợp ngoại lệ khi em bé nằm bên ngoài tử cung. Bé sẽ không thể sống vì hiện tại y khoa chưa có kỹ thuật cấy phôi thai trở lại tử cung. Trong trường hợp này bác sĩ buộc phải giải phẫu để cứu bà mẹ. Mặc dù đứa bé không thể sống qua cuộc giải phẫu này, nhưng bác sĩ không cố ý giết nó.”
4. Hoàn cảnh sinh sống của bà mẹ
Một số người khẳng định rằng sự tồn tại của đứa bé sẽ đe dọa đời sống tinh thần và vật chất cho người mẹ. Chẳng hạn bà đang trong hoàn cảnh nghèo túng, bị gia đình ruồng bỏ, tình trạng xã hội khó khăn... nên bà có quyền phá thai. Đây là một lập luận vô đạo và vô lý vì nó mạc định rằng nếu không nghèo, nếu hoàn cảnh xã hội không khó khăn khi đó quyền phá thai bị loại bỏ. Chúng ta có thể áp dụng luật này cho tất cả mọi tội ác đang xảy ra trong xã hội không? Hiển nhiên nó sẽ là một luật quái dị vì luật pháp không còn có thể kết án bất cứ một tội ác nào. Nếu chúng ta không chấp nhận tội ác giết người của kẻ sát nhân thì giết thai nhi không thể coi là ngoại lệ.
Trái ngược lại một số người mẹ giàu có cho rằng em bé sẽ đe dọa sự nghiệp, sự ổn định tài chính, địa vị xã hội, hoặc sức khỏe tâm thần của bà. Khỏi nói ai cũng thấy với lý do này bà mẹ quá ích kỷ. Về mặt đạo đức, vấn đề chỉ nhằm vào một câu hỏi: “thai nhi là gì?” Nếu nó là đứa trẻ đang sống thì giết nó là sai, bất kể bà mẹ nghĩ thế nào. Vả lại nếu bà mẹ sinh con, chưa chắc đã là xấu. Bà có thể chọn giải pháp cho con nuôi. Giải pháp này vừa bảo toàn em bé vừa thích hợp cho bà mẹ.
5. Phá thai là dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phu nữ
Các chính trị gia ủng hộ phá thai thường rêu rao “phá thai là dịch vụ y tế nhằm chăm sóc sức khỏe phụ nữ”. Ý tưởng mà các chính trị gia bám vào nghe ra có vẻ cao quý, nhưng về mặt y học, nó không đúng. Cách đây 20 năm, những phụ nữ mắc những bệnh như về tim, tiểu đường, hay ung thư vú thì mang thai có thể khiến bệnh của họ trầm trọng thêm. Nhưng với kỹ thuật y tế hiện tại những người có tình trạng này vẫn có thể mang thai một cách an toàn.
Hơn 30.000 bác sĩ nói rằng phá thai không bao giờ cần thiết về mặt y tế để cứu sống một người mẹ. “Mang thai không phải là một căn bệnh, thai nhi cũng không phải là căn bệnh, nên phá thai không chữa được bệnh. Chúng tôi khẳng định rằng có sự khác biệt căn bản giữa phá thai và các phương pháp điều trị y tế được thực hiện để cứu sống người mẹ. Cố ý giết thai nhi không phải là chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. ” (5) Với trình độ y khoa hiện đại, không có lý do nào biện minh cho việc hủy hoại tính mạng thai nhi như một biện pháp y tế để cứu người mẹ. Nhưng, ngay cả khi điều này phải xảy ra, đứa trẻ không bao giờ bị giết vì lý do cứu sống người mẹ.
Công Giáo tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra con người ngay khi còn là dạng phôi bào. Theo ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa phán: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi (Gr 1:5). Các tổ phụ trong thời kỳ đầu của Giáo hội như Tertullian (150-225) đã tin “con người có linh hồn ngay từ lúc thụ thai; do đó sự sống cũng bắt đầu cùng thời điểm mà linh hồn hiện hữu” (Tertullian, A Treatise on the Soul, chương 27). Vì linh hồn đã có ngay từ lúc thụ thai nên phôi bào có giá trị nội tại là người. Kinh thánh đã nhiều lần mô tả sự sống của thai nhi trong bụng mẹ (St 25:21; Lc 1:41). Do đó Giáo hội vững tin rằng “sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ ngay từ khi được thụ thai. Ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu, phôi bào phải được quyền làm người, đó là quyền bất khả xâm phạm về sự sống của mọi người vô tội ” (GL 2270).
Do đó, ngay từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội xác định phá thai là một tội ác. Nó vi phạm điều răn thứ 5 “cấm giết người” (Gl 2268), tệ hơn nữa khi bà mẹ giết con của mình. Thánh Basil cả (329-379) viết, “Người phụ nữ cố tình hủy hoại đứa con chưa sinh của mình là phạm tội giết người.”(First Canonical Letter, can. II [374]). Theo Hiến chế về Mục vụ của Cộng đồng Vatiacan II, phá thai và giết trẻ sơ sinh là tội ác ghê tởm (Gaudium et spes 51:3, 1965). Giáo hoàng John Paul II đã khẳng định lại giáo huấn này trong thông điệp Evangelium Vitae năm 1995. Từ xưa đến nay, giáo huấn cấm phá thai chưa bao giờ bị thay đổi (GL 2271) vì Công Giáo không cho phép cá nhân được quyền phủ quyết bất kỳ giáo lý của Giáo hội mà họ không thích. Người Công giáo phải tôn trọng luật đạo đức khách quan, do Đức Thiên Chúa ban cho. Giáo Hội còn ra án phạt vạ tuyệt thông cho những ai phạm tội phá thai (GL 2272).
***
Phá thai là sai, không phải chỉ vì lý do tôn giáo, mà còn sai vì đã giết chết một con người vô tội. Mẹ Teresa nói, "Nếu phá thai không phải là sai, thì chẳng còn gì bị coi là sai”. Theo Công Giáo, qua lời nói của Thánh Basil Cả trong thế kỷ thứ tư, “Người phụ nữ cố tình hủy hoại đứa con chưa sinh của mình là phạm tội giết người. Với chúng tôi, không có cuộc điều tra nào về việc thai nhi chưa thành hình là đáng tin cẩn” (First Canonical Letter, can. II, 374). Bác sĩ Bernard Nathanson đã chứng minh phôi thai chuyển động. Nó không muốn bị giết. Nó tìm cách trốn thoát những dụng cụ muốn giết nó. [6]
Mục tiêu của Kitô hữu chúng ta là giúp mọi người thấy rằng, dù nhỏ bé đến đâu và dù ở giai đoạn phát triển nào, con người cũng cần được bảo vệ ngay từ giây phút đầu tiên được tạo thành. Nếu mọi người nhận ra điều đó họ sẽ không la hét đòi tự do phá thai. Họ sẽ biết làm mẹ, sẽ biết bảo vệ bào thai, và sẽ biết nâng niu bé sơ sinh.