Ngẫu nhiên, chúng ta là nhân chứng của một biến cố lịch sử về phong trào Black Lifes Matter (BLM). Sự kiện khởi đầu vào ngày 25-5-2020 tại thành phố Minnenapolis, bang Minnesota. Ông George Floyd, một người da đen, bị bắt vì tội dùng tờ 20 đô-la giả mua thuốc lá. Cảnh sát da trắng Derek Chauvin dùng đầu gối đè cổ ông xuống đất trong 8 phút 46 giây. George la lên “Tôi không thở được.” Vài khách qua đường lên tiếng phụ ông ta nhưng bị CS Tou Thao, gốc Hmong, ngăn cản. George bị xỉu nên được đưa đến nhà thương rồi chết sau đó. Tai nạn này đã khiến 4 viên CS có mặt ở hiện trường bị sa thải. Riêng Derek bị kết án sát nhân với cấp độ 2. Cái chết của George đã kích động lòng bất mãn của mọi người. Ngày 28-5, hàng ngàn cư dân Minneapolis xuống đường phản đối sự bạo hành của cảnh sát. Họ dùng ký hiệu BLM làm biểu ngữ. Nhiều dân chúng ở các tiểu bang khác và ở một số quốc gia bên ngoài nước Mỹ cũng biểu tình ủng hộ BLM. BLM trở thành phong trào chống kỳ thị chủng tộc trên toàn thế giới. Phản ứng của đại chúng đã khiến sự việc trở thành một biến cố lịch sử. Nó có tiềm năng làm thay đổi đến cả luật lệ quốc gia.
Lịch sử đã chứng minh từ thời thượng cổ đến nay, ở khắp mọi nơi, những cộng đồng dân thiểu số đều bị kỳ thị. Vì vậy những giọt lệ và những giọt máu rơi xuống đang khơi mào cho cuộc cách mạng nhân sinh khởi đầu từ Mỹ. “Tôi không thể thở” đã trở thành bài điếu văn cho George Floyd. Cách đây 57 năm, lãnh tụ da đen Martin Luther King, Jr, đã có câu nói đi sâu vào lòng người, “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ). Đó là giấc mơ về bình đẳng chủng tộc. Hôm nay những người da đen cay đắng thêm vào một đoạn cuối “Get your knee off our necks”. Tôi có một giấc mơ. Lấy đầu gối của các người ra khỏi cổ chúng tôi. Thi sĩ Olive Senior đặt câu hỏi:
Có ai
Lấy đầu gối ra trên cổ những người từ lúc sinh ra đã hít thở
Bầu khí ô nhiễm, đã nốc một lịch sử hôi thối, những cây thập tự bốc lửa
Vẫn còn đang cháy âm ỉ
Tôi không thể thở… (1)
Đầu gối của CS Derek Chauvin là khối đá lạnh buốt, tượng trưng cho bản tính kỳ thị chủng tộc. Nó biểu lộ cái bản tính thù ghét ẩn sâu trong tâm mỗi người. George Floyd trở thành biểu tượng cho nạn nhân bị kỳ thị chủng tộc. Từ Mỹ, những cuộc biểu tình đòi bình đẳng chủng tộc, đông nghẹt thành phố, lan rộng qua Âu châu, Á châu, Úc châu và Phi châu. Tại Bristol, nước Anh, dân chúng giựt đổ bức tượng Edward Colston, một tay buôn nô lệ, rổi đẩy bức tượng xuống sông. Tại Bỉ, khoảng 30.000 người ký thỉnh nguyện đòi hủy bỏ các tượng Vua Leopold II. Ông là người bắt dân Congo làm nô lệ và đã tàn sát cả triệu người da đen vào thời kỳ 1800.
Tuy nhiên phong trào BLM mang một thông điệp quá lớn khiến những kẻ hời hợt không lãnh hội được. Khi màn đêm bao trùm thành phố, có những nhóm biểu tình lợi dụng bóng tối và khẩu trang che mặt để ẩn dạng, họ đập phá các cửa tiệm để hôi của. Trong số đó hàng chục nhà thờ vô tội bị phá phách. Hành vi chính đạo vào ban ngày nhưng tà đạo vào ban đêm là một chiến lược rất khó duy trì chính nghĩa. Chính nghĩa của phong trào BLM đã bị bôi đen.
Giáo Hội kết án hành vi phân biệt chủng tộc là tội lỗi. Nó xúc phạm công lý về nhân phẩm của con người. Kẻ kỳ thị chủng tộc đã bỏ rơi chân lý: tất cả mọi người đều là anh chị em vì có chung một nguồn gốc. Mọi người đều được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Khi chân lý này bị bỏ qua hậu quả mang đến là những định kiến kỳ thị, do đó con người chỉ còn sự sợ hãi lẫn nhau. “Phàm ai ghét anh em mình kẻ đó là kẻ sát nhân. Không có kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Ai yêu Thiên Chúa thì phải yêu anh em mình (1 Ga 3:15; 4:21). Nhưng chúng ta không thể một chiều đòi hỏi người khác sửa đổi trong khi chính mình lại không sửa đổi. Vì vậy Giáo Hội phản đối kỳ thị chủng tộc nhưng cũng phản đối những hành vi bạo loạn làm hại người khác.
Giáo Hoàng Francis đã có lời nhắn riêng cho nước Mỹ, “Chúng ta không thể dung thứ hoặc nhắm mắt làm ngơ trước nạn phân biệt chủng tộc. Chúng ta phải bảo vệ sự linh thiêng của cuộc sống con người. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhận ra rằng bạo lực, qua những đêm gần đây, là sự tự hủy hoại và tự thua bại. Chẳng có gì thu gặt được từ bạo lực mà chỉ có những mất mát.” (Pope Francis, General Audience, Library of the Apostolic Palace, Wednesday, 3 June 2020).
Giám Mục Jose H. Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đưa ra lời tuyên bố. Theo GM, hành vi khiến George Floyd chết là một tội lỗi tàn bạo và vô nghĩa. Tại sao mạng sống của một người da đen có thể lấy đi trong khi ông ta lên tiếng kêu cứu. Những cuộc biểu tình phản ảnh sự thất vọng và tức giận về việc này là chính đáng. Không thể có những người bị sỉ nhục và bị mất cơ hội bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ. Tuy nhiên những cuộc bạo loạn đốt cháy, cướp bóc, hủy hoại sinh kế của người khác là phản bội lại sự bình đẳng chủng tộc và phẩm giá con người. Các cuộc biểu tình hợp pháp không nên để những người có ý đồ khác lợi dụng. (Statement of U.S. Bishops’ President on George Floyd and the Protests in American Cities. May 31, 2020)
Giám Mục Jaime Soto, giáo phận Sacramento đưa ra hướng linh đạo cho giáo dân. GM cho rằng cuộc khủng hoảng đang xảy ra đã cho chúng ta thấy rõ bản tính yếu kém của con người khi không biết chia sẻ ơn lành của Thiên Chúa. Vì vậy nó củng cố ý thức cải thiện của chúng ta chứ không làm dứt đoạn đức tin tôn giáo của chúng ta. (Catholic Herald, July/August 2020. Trang 4, 7. )
Mặc dù lý tưởng tôn trọng nhân phẩm được biểu lộ qua những cuộc biểu tình của mọi sắc dân, nhưng trước hết chúng ta nên phân biệt 2 khái niệm: nhân phẩm (human dignity) và nhân cách (personality). Đã là con người thì tự nhiên có nhân phẩm, bất kể màu da, địa vị và chủng tộc. Trong khi đó, một cá nhân, dù bản thể là con người, nhưng giá trị xã hội của hắn chỉ được định giá bởi nhân cách cá nhân của hắn.
Sự kỳ thị xảy ra khi ai đó bị phủ nhận là con người. Lịch sử đã chứng minh, khi kẻ dữ muốn giết ai chúng gán nhãn hiệu cho nạn nhân không phải là con người. Nazi Đức muốn giết dân Do Thái, họ gọi dân Do Thái là ký sinh trùng (parasites). Chúng đã giết 8 triệu người Do Thái trong khoảng 1933-1945. Năm 1994 những người Hutus, tín đồ Hồi giáo, muốn diệt chủng dân Tutsis, họ gọi dân Tutsi là những con gián (cockroaches). Họ đã giết 800,000 người Tutsis ở Rwanda.
Hữu thể cá nhân thì khác. Mặc nhiên hắn được tôn trọng vì hắn là một nhân vị, nhưng cá nhân hắn có được xã hội đề cao hay không lại tùy vào tư cách của hắn. Cụ thể là vụ George Floyd. Cá nhân anh không phải là tên nô lệ. Anh là một công dân của một nước dân chủ. Nhưng anh đã có vài lần cướp giật, bạo hành, và nay bị bắt vì dùng tiền giả. Cảnh sát không vô cớ xâm phạm quyền tự do của anh. Điều sai lầm của viên cảnh sát là đã đối xử anh không xứng như một nhân vị. Trái lại, những thế lực tôn vinh cá nhân anh như một vị anh hùng cũng sai lầm. Floyd không xứng đáng là một anh hùng. Chúng ta bình đẳng về nhân phẩm chứ không bình đẳng trong vị thế nhân cách trong xã hội. Trong cuộc tranh đấu cho giá trị nhân phẩm, George Floyd là biểu tượng mang tính thời thế. Anh không phải là đối tượng để vinh danh cá nhân.
Với những lối nhìn lệch hướng, hình ảnh George Floyd được sử dụng như một vũ khí cho các phe phái tấn công nhau. Chằng hạn sự kiện về đám tang của Floyd. Xác của anh được đặt trong chiếc quan tài mạ vàng, được mục sư da đen nổi tiếng Al Sharpton diễn giảng với những lời đanh thép kết tội nền tư pháp hình sự. Đối lại, Bà Peggy Hubbard, Thượng Nghị Sĩ da đen, cựu nhân viên cảnh sát đã lên tiếng đanh thép không kém. Bà nói: “Al Sharpton là bậc thầy ma thuật. Ông ta kiếm sống bằng nghề châm ngòi kỳ thị. Ông có lòng căm thù sâu đậm người da trắng. Lời của ông là dao găm, tim ông màu đen. Lập trường của ông xoay chiều theo thế lực của đô la. Ông chẳng vinh danh ai. Ông là Giuđa …” (2)
Những người đề cao giá trị nhân quyền (human right), đặt kỳ vọng vào cuộc vận hành của phong trào BLM, đang từ từ bị thất vọng. Đã có ít nhất 3 thế lực đang nỗ lực đẩy BLM rơi xuống vực sâu. Chúng là thế lực của những chính trị gia mị dân, của những kẻ thiển cận, và của những kẻ hận thù.
Trước hết là thế lực của nhóm chính trị gia mị dân. Họ muốn đóng vai lãnh tụ cứu đời nhằm chiếm lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sắp tới. Cả thế giới đều thấy những cảnh như Thị Trưởng Minneapolis, ông Jacob Frey, quì gối gục đầu nức nở bên quan tài George Floyd; cảnh Joe Biden, Nancy Pelosi và một số dân biểu, vai khoác khăn biểu tượng của Phi Châu, quì gối trong 8 phút 46 giây để vinh danh George Floyd. Nhưng họ không nhắc gì đến những người cảnh sát da trắng bị nhóm biểu tình sát hại. Họ cũng không lên tiếng về những vụ bạo loạn đốt nhà hôi của.
Kế đó là thế lực của những kẻ thiển cận. Họ gồm nhóm antifa (cực tả), những kẻ anarchist (chủ trương vô chính phủ), nhóm báo lá cải TMZ (Thirty Mile Zone), những thế lực thù nghịch với Mỹ như Iran và Trung quốc. Những người này len vào đám biểu tình để khích động gây mâu thuẫn. Chúng làm bất cứ gì miễn phá họại được càng nhiều càng tốt. Chiến thuật của chúng là gieo hạt giống thù hận dân da trắng vào tim những người da đen thất thế. Họ đổ lỗi cho mọi thất bại của dân da màu lên người da trắng.
Rồi tới thế lực của những kẻ hận thù. Thay vì đòi bình đẳng cho mọi chủng tộc, họ trở thành nhóm vinh danh Floyd và đòi trả thù cho cộng đồng da đen. Họ đập phá mọi cơ sở, hôi của các cửa tiệm, và vẽ bậy lên vách tường của những tư gia. Họ xóa bỏ quá khứ bằng cách phá hủy bất cứ hình ảnh nào nhắc đến quá khứ nô lệ. Họ tạo ra phong trào giựt đổ các tượng đài. Đốt những tác phẩm văn chương. Một số kẻ thiển cận đổ sơn lên bức tượng ông Matthias Baldwin rồi đòi giựt đổ bức tựơng ấy. Chúng không biết Baldwin là một nhà cách mạng xã hội, người đã ròng rã tranh đấu trong 30 năm cho quyền bình đẳng chủng tộc. Người đã có công xây dựng trường học cho trẻ em da đen ở Philadelphia.
Nhóm hận thù còn muốn phá hủy mọi di tích văn hóa Kitô Giáo. Shaun King, một tay hoạt động của phong trào BLM giải thích rằng các ảnh tượng của Kitô giáo là biểu tượng cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng nên phải triệt hạ. Thế giới đã ngỡ ngàng với những biến cố tượng đài Black Madonna (Đức Bà Đen) ở Breda, Netherlands (Hàlan), đã bị nhóm BLM dùng sơn xịt viết bậy lên. Bức hình Black Madonna là tặng phẩm của nước Balan tặng tỉnh Breda để kỷ niệm quân Balan giải phóng thành phố này khỏi tay quân Nazis vào năm 1944. Đức Bà Maria không liên quan gì đến vấn đề kỳ thị chủng tộc và nước Hàlan cũng không hề có lịch sử chế độ nô lệ da đen. Dân Hàlan buồn bã đón nhận hậu quả này.
Như chúng ta đã thấy, những lực đen tối đã đẩy BLM đi ra khỏi mục tiêu của nó. Họ không trực giác được nền tảng đạo đức sâu sắc về nhân phẩm. Do đó ngôn ngữ và việc làm của họ đã không giải thích được giá trị cuộc sống của con người. Giám Mục Carlo Maria Vigano đã tóm tắt trọn vẹn những gì đang xảy ra. Theo GM, đã có một thế lực trong bóng tối như là một chính phủ ngầm (deep state). Nó kiểm soát truyền thông, chính trị với những kỹ thuật tân tiến để đẩy xã hội vào bóng tối. Nhưng may mắn, chúng ta vẫn có những người tốt lành thức tỉnh, những người con của ánh sáng. Họ không bị lừa bởi những kẻ giả đạo đức với mục tiêu không thể chấp nhận được. Họ đến với nhau, khắp nơi trên thế giới, họ làm cho tiếng nói đòi hỏi bình đẳng chủng tộc được lắng nghe.
Cho đến nay, thực tế cho thấy phong trào BLM không thể tiến xa hơn, nhưng hướng về sự hằn học một cách cay đắng. Ngày 29-5, thị trưởng Atlanta, bà Keisha Lance Bottoms, một người da đen, lên án phong trào BLM. Bà nói, “Đây không phải là cuộc biểu tình. Đây không phải là tinh thần của Martin Luther King, Jr. Đây là một cuộc hỗn loạn. Các người đã đốt cháy thành phố của chúng tôi, đốt cháy cộng đồng của chúng tôi. Việc làm này không thay đổi được bất cứ gì. Hãy trở về nhà đi…”
Tiếp đó có khá nhiều người da đen trí thức lên tiếng cảnh tỉnh nhóm chỉ đạo BLM. Họ cho rằng nhóm BLM không có một ý niệm nào về các vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị liên hệ đến chính họ. Xin dẫn ra nhận định của 2 nhân vật tiêu biểu: văn sĩ Derryck Green và bác sĩ Ben Carson.
Derryck Green là nhà bình luận chính trị, hội viên của National Leadership Network of Black Conservatives (Mạng Lưới Lãnh Đạo Quốc Gia của Những Người Da Đen Bảo Thủ). Theo Derryck, BLM không đủ tư cách đóng vai trò lãnh đạo cho phong trào nhân quyền. Tự do và trách nhiệm là phẩm chất của cuộc sống, BLM phải trung thực giữ nhiệm vụ này, để chứng tỏ giá trị của mình. Vì tiếp tục gây rối và tảng lờ những giá trị đạo đức, họ đã thất bại trong việc thuyết phục một cộng đồng đa chủng tộc rằng sự sống người da đen đáng giá. Khẩu hiệu Black Lifes Matter trở thành vô nghĩa.
Cũng theo Derryck, chính lối sống của người da đen đã tạo ra vấn đề cho họ, và họ phải nhận ra điều này. Biểu tình khiến người ta chú ý, nhưng mình muốn gì để người ta giúp mới là điều đáng nói. Trái lại, khi biểu tình, họ không cầu nguyện, không hát những bài ca nâng cao tinh thần, nhưng hò hét những cụm từ “** cảnh sát” hay “Lũ heo trùm mền, thiêu chúng thành thịt rán”… (3) Rồi họ ăn mừng thật sự khi có một cảnh sát bị bắn chết…. Cứ như vậy, họ liên tục gây thất vọng và xúc phạm đến những người mà họ muốn người ta nghe lời nhắn của họ. Nhiều cửa hàng không muốn đặt ở khu dân da đen không phải vì lý do kỳ thị nhưng vì lý do kinh tế. Ở khu nghèo, hàng của họ bán không được. Nhóm BLM tức giận tới phá tiệm đó cho bõ ghét. Làm vậy càng khiến không ai dám làm ăn với mình. BLM đòi người da trắng phải lên tiếng ủng hộ, đòi phải quì xuống xin lỗi. Ý muốn đó đã đưa ra tín hiệu rằng người da đen chỉ là những kẻ đáng thương hại. Họ cần người da trắng cúi xuống vỗ vai an ủi họ. Họ đã đẩy người da đen rơi trở lại thời nô lệ. Trong khi đó quyền bình đẳng đã có từ lâu. (3)
Bác sĩ Ben Carson, cựu Bộ trưởng Phát triển Đô thị và Gia Cư Mỹ năm 1917 (United States Secretary of Housing and Urban Development) đã chỉ trích phong trào BLM là không nhìn ra cốt lõi vấn đề. Họ chỉ tập trung hạn hẹp vào sự tức giận viên cảnh sát đã làm George Floyd thiệt mạng. Điều đó biểu lộ tâm lý thích đóng vai kẻ nạn nhân hơn là nhìn thẳng vào giá trị con người của mình. Vấn đề của họ là không kiếm được việc làm, nhưng họ không biết lý do vì họ thiếu khả năng và vì bản tính hung bạo. Họ không thể ngồi đó bắt người khác cho họ một đặc ân nào đó. Họ phải tự cải thiện đời sống bằng cách tôn trọng học vấn. Học vấn không phụ thuộc vào chủng tộc, gia thế giàu nghèo, địa vị xã hội… Nếu bạn có trình độ học thức cao, bạn tự cấp cho bạn tấm vé đi vào tương lai. Thay vì đòi hỏi được sống trong một chung cư nơi khu da trắng, hãy đòi hỏi tốt nghiệp đại học để sống trong căn nhà do chính mình làm chủ. Người da đen phải biết tự kiểm soát số phận của mình. Nhóm BLM có quyền tức giận nhưng hãy thông minh hơn. Hãy tức giận đòi cải thiện học đường. Hãy tức giận giới làm điện ảnh bôi nhọ da đen. Hãy tức giận đòi cải thiện những chương trình xã hội giúp dân nghèo… (4) Dĩ nhiên kết quả tốt không đến từ những kẻ lòng đầy hận thù, những người nông nổi bộc lộ dã tính đập phá và cướp bóc để trả thù. Chính họ đã biểu lộ bản tính kỳ thị hơn ai hết. Niềm hạnh phúc không thể được tạo ra bởi nước mắt đau thương của người khác. Họ đã phá hủy giấc mơ của Martin Luther King.
Vấn đề kỳ thị màu da là có thật. Nó không phải của riêng Mỹ nước, nơi có đa chủng tộc đa văn hóa. Nó không phải là vấn đề dành riêng cho người da màu phải tự mình đối phó. Nó là vấn đề chung của mọi người thuộc mọi chủng tộc. Hiện tại vẫn còn nhiều người tha thiết với phong trào BLM, đó là điều đúng. Nhiều người đưa ra khẩu hiệu mới All Lifes Matter (Tất cả mọi đời sống đều có giá trị), đó cũng là điều đúng. Tất cả những ý tốt lành chỉ là những minh họa khác nhau cho cùng một chủ đề tôn trọng phẩm giá con người và phản đối óc kỳ thị chủng tộc.