Trong thời Cựu Ước, ngôn sứ Isaiah tiên báo rằng Đấng Thánh Linh sẽ đến với Đấng Emmanuel để Người lãnh nhận những ơn: khôn ngoan, thông hiểu, mưu lược, sức mạnh, kiến thức, và sự kính sợ Thiên Chúa (Is 11:1-3). Lời loan báo của ngôn sứ Isaiah trở thành nền tảng cho những suy tư thần học về ân điển của Chúa Thánh Thần. Thần học suy ra rằng Chúa Thánh Thần cũng đến với mọi tín hữu Công Giáo để ban cho họ những ơn này.
Vào thế kỷ 13, thánh Thomas Aquinas học hỏi kỹ hơn về những ơn của Chúa Thánh Thần. Trong sách Tổng luận Thần học, ông đã xếp đặt những ơn này theo tiêu chuẩn và thứ tự như sau:
1) Ơn khôn ngoan (wisdom); còn gọi là ơn thượng trí.
2) Ơn hiểu biết (understanding); còn gọi là ơn thông hiểu.
3) Ơn lo liệu (counsel); còn được dịch là ơn mưu lược, hay ơn chỉ giáo.
4) Ơn dũng cảm (fortitude); còn gọi là ơn sức mạnh.
5) Ơn thông minh (knowledge); còn gọi là ơn suy biết hay ơn thông biết.
6) Ơn đạo đức (piety) còn được dịch là ơn hiếu thảo.
7) Ơn kính sợ Thiên Chúa (fear of God).
Giáo Hội đã chấp nhận bản phân định của thánh Thomas. Đó là bản liệt kê duy nhất và đầy đủ về bảy ơn của Chúa Thánh Thần (GL 1831).
Chúa Thánh Thần tác động tâm hồn Kitô hữu qua những phép bí tích. Nhưng chỉ với hai bí tích khởi đầu, bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, Kitô hữu đã có thể nhận được bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Trong bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa ban cho người dự tòng các thần đức (theological virtues) là tin, cậy, mến. Những thần đức này giúp họ mở lòng đón nhận những ơn của Chúa Thánh Thần. Đồng thời người nhận phép rửa còn được Thiên Chúa Ba Ngôi tha tội và ban ơn tái sinh cách thiêng liêng (Ga 3:5). Bí tích rửa tội do chính Chúa Giêsu truyền dạy (Mt 28:16-20).
Bí tích Thêm Sức giữ vai trò hoàn tất cho nghi lễ Rửa Tội. Người nhận lãnh bí tích này được xức dầu. Đó là nghi thức lãnh nhận “ấn tín hồng ân Thiên Chúa là chính Chúa Thánh Thần”. Giáo Hội dạy rằng khi ấy người tín hữu đó được phúc lãnh nhận những ơn từ Chúa Thánh Thần, cũng như xưa kia các thánh tông đồ đã được lãnh nhận trong ngày lễ ngũ tuần (Gl 1300-1302).
Qua hai bí tích nói trên việc khai tâm Kitô giáo cho một tín đồ được trọn vẹn. Từ đó với tư cách là con Thiên Chúa họ có thể nhận được bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên bảy ơn này không đến với họ như đương nhiên phải có. Chúa Thánh Thần chỉ tạo nên mối xúc động thiêng liêng để họ ý thức về những tiềm năng phong phú mà họ có thể lãnh nhận. Để lãnh nhận những ơn của Chúa Thánh Thần Kitô hữu phải đáp ứng lại với sự thúc đẩy ấy (Gl 1091). Ngoài ra Chúa Thánh Thần có thể ban cho người này ơn hiểu biết, người kia ơn thông minh... tùy theo lợi ích chung của cộng đoàn (Cr 12: 4-11).
Ngay từ đầu nhiều người đã cảm thấy rối trí về ý nghĩa của những danh xưng trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn xét theo ngôn ngữ đời thường, “ơn khôn ngoan”, “ơn thông minh” và “ơn hiểu biết” có vẻ như cùng diễn tả một ý nghĩa như nhau. Không những thế những bản tiếng Việt thường mang nhiều danh xưng khác nhau để chỉ cùng một ơn. Chẳng hạn ơn số 3 (counsel) có bản gọi là ơn “lời khuyên”, có bản gọi là ơn “lo liệu”, có bản gọi là ơn “mưu lược”. Điều này có thể gây ra sự hoang mang vì, như chúng ta đã biết, mỗi tên gọi đều mang một ý nghĩa cá biệt của nó.
Kế đó là trở ngại về thứ tự các ơn. Theo truyền thống, ơn số 1 (ơn khôn ngoan) là ơn cao nhất, rồi xuống tới ơn số 7 (kính sợ Thiên Chúa) là ơn cuối bảng. Tuy nhiên những ơn này được xếp đặt theo thứ tự khác nhau qua những bản chú thích khác nhau.
Vì có những vướng mắc vừa nói, chúng ta cũng cần một chú giải cho rõ nghĩa. Trong bài này tôi xin ghi lại bảy ơn của Chúa Thánh Thần theo thứ tự xếp đặt của thánh Thomas Aquinas.
Theo phương pháp sư phạm, người ta thường bàn về những gì đơn giản nhất rồi mới nói tới điểm phức tạp cao nhất. Tôi xin đi theo truyền thống này. Chúng ta bắt đầu suy niệm theo thứ tự từ ơn số 7 lên tới ơn số 1.
Kính sợ Thiên Chúa (fear of God) là ơn đầu tiên dẫn vào tất cả những ơn khác. Khi một người nhận biết Thiên Chúa là ai, người đó ý thức rằng sự hiện hữu của mình và tất cả những gì mình có đều đến từ Thiên Chúa. Nếu không chấp nhận Thiên Chúa, sự sống trở thành vô nghĩa. Do đó người ấy tự đặt mình hoàn toàn trong sự quan phòng của Thiên Chúa, như con cái gắn bó với cha mẹ. Người đó sinh lòng kính yêu Thiên Chúa và sợ làm những gì buồn lòng Thiên Chúa.
Kính sợ khác với sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng của những kẻ nô lệ, họ sợ chủ vì sợ bị trừng phạt. Về phương diện tôn giáo, tâm trạng sợ hãi dẫn tới não trạng mê tín dị đoan. Họ sống trong nỗi sợ hãi nên vẽ vời ra những nghi lễ và những lễ vật để hối lộ, ngay cả giết con cái, để dâng cúng vị thần của họ (Tv 106: 36-37). Trong khi đó kính sợ Thiên Chúa là tình yêu thuần khiết hướng về Thiên Chúa với ý chí tự do. Vì vừa yêu vừa kính nên sợ làm mất tình nghĩa với Thiên Chúa, như con cái kính sợ cha mẹ.(1)
Đạo đức (piety) là bản tính sùng đạo được biểu lộ qua những hành vi tốt lành. Con người hiện đại có xu hướng cho đạo đức là một yếu tố nhân văn của xã hội nằm bên ngoài tôn giáo. Thực sự nếu đạo đức không đặt trên nền tảng Tôn Giáo (*Tôn Giáo viết hoa) con người chỉ có nền luân lý xã hội. Luân lý xã hội chỉ mang giá trị tạm bợ theo luật đa số đồng ý. Chẳng hạn xưa kia luân lý xã hội cho chế độ nô lệ là đúng, cho chế độ đa thê là đúng, và ngày nay cho phá thai là đúng... Đạo đức trái lại mang tính chất vĩnh viễn, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian. Ơn đạo đức nảy sinh do lòng tự nguyện vượt trên bổn phận theo luật buộc. Ta không hại người, không phải vì sợ luật pháp xử phạt, nhưng vì tình thương người phát sinh từ bản tính đạo đức. Đức Giêsu dạy rằng “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho họ” (Mt 7:12). Ơn đạo đức giúp chúng ta khao khát làm điều tốt lành.
Ơn thông minh (knowledge) giúp trí não con người hiểu được ý nghĩa và mục đích mà Thiên Chúa muốn mình sống theo ý hướng đó. Nhờ ơn thông minh chúng ta có khả năng trí tuệ thấm nhuần chân lý của Tin Mừng đến mức trọn vẹn và sâu sắc. Khi tâm trí chúng ta qui thuận Thiên Chúa, chúng ta biết hành xử mọi việc trong mối tương quan với Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói, “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20).
Như vậy thông minh là hiểu biết mình là ai trong mối tương quan với Thiên Chúa để biết đâu là phúc thật đâu là giả ngụy. Ơn thông minh khác với ơn khôn ngoan. Thông minh là sự hiểu biết được thể hiện bằng hành động. Khôn ngoan là sự hiểu biết thuần túy (giác ngộ) trong nội tâm.
Để có một hình ảnh cụ thể về ơn dũng cảm (fortitude), chúng ta hãy nhớ lại tâm trạng lo sợ của các thánh tông đồ khi Chúa Giêsu tử nạn. Họ sợ hãi lén lút tụ lại với nhau trong căn phòng khóa kín. Rồi khi Chúa Thánh Thần đến ban ơn dũng cảm cho họ, họ không còn sợ hãi. Họ đi khắp nơi giảng đạo. Họ coi thường những âm mưu hãm hại và những sự khổ cực mà họ sẽ phải chịu.
Người có ơn dũng cảm sẽ không còn sợ hãi những thế lực của bóng tối. Họ dám lên tiếng bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Họ dám đứng lên tranh đấu cho sự thiện chống lại sự ác. Đồng thời họ có can đảm chống lại những cám dỗ của sự ác đang nảy sinh trong chính tâm trí của họ.
Ơn lo liệu (counsel) là ơn biết căn cứ vào luật đạo để phán đoán giá trị mọi sự việc một cách khôn ngoan. Nhờ đó biết ứng xử theo công chính khi bị rơi vào những cảnh huống đầy sự cám dỗ hay nghịch cảnh éo le. Đồng thời biết tránh né những con đường dẫn đến tội lỗi. Đức Giêsu đã nói, “Chúa Cha sẽ sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,26).
Ở một mức độ cao hơn, hầu như bằng trực giác (Chúa Thánh Thần soi sáng) chúng ta biết một sự việc là đúng hay sai, tốt hay xấu. Chẳng hạn đã có lần Đức Giêsu trấn an môn đồ, “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước những người lãnh đạo và những người cầm quyền, anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” (Lc 12: 11-12).
Chúng ta có thể hình dung ơn hiểu biết (understanding) qua sự kiện Đức Giêsu giải nghĩa kinh thánh cho dân chúng. Đức Giê-su nói với mọi người trong đền thờ, “Tại sao các kinh sư lại nói rằng Đấng Kitô là con của vua David? Trong khi đó vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói, ‘Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Hãy ngồi bên hữu Cha đây, để rồi bao kẻ thù địch Cha sẽ đặt chúng dưới chân Con’. Như vậy chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được” (Mc 12:35-37). Chúa Giêsu đã giảng dạy một điểm phức tạp của thần học, đó là sự hiểu biết về ngôi vị của Đấng Cứu Thế. Lời tiên tri bí ẩn của vua David đã gây khó hiểu cho ngay cả các vị kinh sư, là những người thông hiểu Kinh Thánh.
Một chứng cứ khác là trường hợp hai môn đệ đi trên đường Emmaus với tâm trạng thất vọng vì Đức Giêsu đã chết. Chúa Giêsu xuất hiện, đi chung với họ và mở tâm trí cho họ hiểu những gì Kinh Thánh đã viết về Người (Lc 24:13-35).
Như vậy ơn hiểu biết không phải là hiểu biết Thiên Chúa, vì điều này không thể có được, nhưng là hiểu được những gì Thiên Chúa dạy bảo. Hiểu biết, giống như chiêm niệm, là cách nhận ra chân lý siêu việt xuyên qua bề mặt của những dấu chỉ. Nhờ ơn hiểu biết chúng ta nghiệm ra chân lý của Đạo Chúa để thay đổi cách sống cho hợp với đạo lý.
Khôn ngoan (wisdom) là ơn cao nhất của Chúa Thánh Thần. Đặc ngữ “khôn ngoan” không thể hiểu theo nghĩa văn hóa. Theo văn hóa Việt, nói đến khôn ngoan người ta nghĩ ngay đến cách ứng xử khéo léo và tính toán thông minh của trí não dựa vào những kinh nghiệm sống. Khôn ngoan ở đây phải hiểu theo nghĩa thần học. Thánh Phao Lô cho biết khôn ngoan không phải là sự hiểu biết (1Cr. 12:8). Khôn ngoan không đến từ trí tuệ của con người.
“Khôn Ngoan” có gốc từ tiếng Hy Lạp là Sophia. Từ thời cựu ước dân Chúa đã cảm nghiệm được sự Khôn Ngoan toàn trí vô biên của Thiên Chúa. Họ cụ thể hóa ý niệm này qua danh xưng Sophia (Khôn Ngoan Thiên Chúa). Họ tin Sophia là một bản thể hiền hòa của Thiên Chúa. Theo truyền thống xa xưa, dân chúng đã nhân cách hóa Sophia như một hữu thể mang nữ tính. Sophia cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo vũ trụ.(2) Theo lược giải của lm Nguyễn Thế Thuấn, Khôn Ngoan là một thuộc tính của Thiên Chúa. Khôn Ngoan là chương trình tạo dựng vũ trụ. Khôn Ngoan là những hướng dẫn của Thiên Chúa nhằm đưa con người về với Thiên Chúa.(3) Như vậy Khôn Ngoan chính là một danh xưng khác để gọi Thiên Chúa.(4) Vì ý niệm Khôn Ngoan thiên về nữ tính đã được nói đến trong cựu ước, nên chúng ta cũng cần làm sáng tỏ ý niệm này.
Có thể nào Khôn Ngoan Thiên Chúa mang nữ tính? Theo Giáo Hoàng Benedict XVI, Thiên Chúa là Đấng vô hình vượt trên mọi ý niệm hiểu biết của con người. Tuy nhiên khi cầu nguyện, con người thường hình dung Thiên Chúa như một người Cha. Khi nói về lòng từ ái của Thiên Chúa, con người thường hình dung Người trong bản tính nữ.(5) Bản tính này gọi là Sophia.
Đến thời Tân Ước, Đấng Khôn Ngoan sáng tạo vũ trụ được hiểu rõ ràng hơn. Đấng ấy chính là Ngôi Lời vì Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ qua lời phán. Ngôi Lời Thiên Chúa được hiểu là Chúa Giêsu (1Cr 1:24-25). Chính Chúa Giêsu Kitô là sự Khôn Ngoan vô biên của Thiên Chúa.
Trong những kinh điển Công Giáo có “sách Khôn Ngoan”. Sách Khôn Ngoan được viết khoảng 50 năm trước Chúa Kitô giáng sinh. Người ta không biết tác giả là ai, nhưng tác giả lấy tư cách là vua Solomon để viết. Sách khuyên nhủ những vị lãnh đạo dân chúng nên cầu khẩn sự khôn ngoan từ Thiên Chúa. Ngoài ra sách không giải nghĩa sự khôn ngoan.
Nói cách khác khôn ngoan là ơn khai ngộ do Thiên Chúa ban cho con người. Khôn ngoan là sự chuyển hóa nội tâm từ u mê qua ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu giảng đạo, dân Do Thái không biết Người là ai. Riêng Tông Đồ Phêrô biết “Thầy là Đức Kitô”. Đức Giêsu nói với ông, “Con có phúc, chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:16-17). Ngày nay, qua lịch sử cứu độ, chúng ta đều đã biết chúa Giêsu là ai, vì vậy người có ơn khôn ngoan là người biết chìm đắm trong suy niệm Tin Mừng, biết đặt tâm trí kết hợp với Chúa Giêsu trong cầu nguyện... Chính diễn tiến này, đồng thời, cũng là những điểm để ơn khôn ngoan có thể thành hình.
Một số kinh điển cho biết cách lãnh nhận ơn khôn ngoan. Thánh Vịnh nói “Kính sợ Thiên Chúa là bước khởi đầu của sự khôn ngoan” (Tv 111:10). Thánh Phaolô nói rõ hơn, ơn khôn ngoan đến từ Chúa Thánh Thần (1Cr 8:10). Thánh Gia-cô-bê khuyên, “Nếu ai trong anh em thiếu ơn khôn ngoan thì cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho” (Gc 1:5).
Dựa vào ba mệnh đề trên, chúng ta thấy Khôn Ngoan không bắt nguồn từ trí tuệ con người, không phải là sự thành đạt của học hỏi trau dồi kiến thức, nhưng từ Thiên Chúa ban cho. Bởi yêu thương con người, Thiên Chúa muốn chia sẻ Khôn Ngoan với con người.
Để khỏi bị lẫn lộn giữa những danh xưng, chúng ta nên có một nhận định khái quát về sự khác biệt giữa những ơn: thông minh, hiểu biết và khôn ngoan.
Thông minh và hiểu biết là kiến thức sâu rộng nhờ học hỏi mà có. Khôn ngoan là sự giác ngộ sâu sắc những mạc khải của Thiên Chúa trong nội tâm. Khôn ngoan bao gồm ơn thông minh và ơn hiểu biết, nhưng có thông minh và hiểu biết không có nghĩa là có khôn ngoan. Có thông minh và hiểu biết chỉ là có kiến thức như một nhà thông thái. Trong khi đó khôn ngoan là sự hiểu biết thuần khiết trong đức tin và trong tác động của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã giải nghĩa điều này qua lời tuyên xưng, “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10:21).
Tóm lại những khả năng của con người, dù cao đến đâu, rốt cuộc vẫn giới hạn trong bản tính người. Con người không thể tự mình đạt được bảy ơn của Chúa Thánh Thần (Ga 14:23). Những ơn này là sự trợ giúp thiêng liêng ban cho mỗi người tùy vào đức hạnh và giới hạn của họ. Chúng ta biết điều này vì Chúa Giêsu Kytô đã hứa với các Tông Đồ, “Thầy sẽ sai Đấng Bảo Hộ đến với anh em.” (Ga 16:7). Sau đó trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần ngự xuống trong dạng lưỡi lửa đậu trên đầu các Tông Đồ để khai mở tâm trí và ban ơn cho họ tùy theo khả năng của từng người (Cv 2:1-4). Cũng vậy, vào những năm đầu của Tân Ước Chúa Thánh Thần đã khai mở trí não cho các tân tòng (Cv 4:31). Do đó Giáo Hội tin rằng mọi Kitô hữu cũng sẽ nhận được ơn của Chúa Thánh Thần như các thánh Tông Đồ và các tín hữu khi xưa.
Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã đến với chúng ta, thánh Phao Lô cho biết, “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao ? Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.” (1Cr 6:19-20). Nhưng làm sao để nhận lãnh được ơn của Chúa Thánh Thần. Theo thánh Thomas, chúng ta chỉ có thể biết rằng đức tin, đức cậy và đức mến là chìa khóa mở ra bảy ơn trên.