Trong mục vừa rồi, chúng ta đã tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Giêsu: người được kêu gọi làm chồng của Đức Maria, và trở thành cha của đấng Cứu thế. Tuy nhiên, trong giai đoạn Chúa Giêsu hoạt động công khai, Tân Ước không nhắc đến sự hiện diện của Thánh Giuse nữa. Phải chăng sứ mạng của người đã hoàn tất, và nên rút lui vào bóng tối, cũng tựa như vị tiền hô dọn đường cho đấng Mêsia (xc. Ga 3,30)? Nếu chỉ nhìn vào lịch sử Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ nhất, thì chúng ta có thể trả lời rằng: “đúng vậy!” Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ che chở Chúa Giêsu trong thời thơ ấu, Thánh Giuse hoàn toàn bị rơi vào quên lãng, như chúng ta đã thấy trong chương trước (mục 2). Tuy nhiên, khi bước sang thiên niên kỷ thứ hai, và đặc biệt vào những thế kỷ gần đây, Thánh Giuse không những được tôn kính trong phụng vụ, nhưng còn được Giáo Hội tôn phong làm “Bổn mạng” (hay Bảo trợ: Ecclesiae Patronus) của mình cách chính thức kể từ đức Piô IX (Sắc lệnh Quemadmodum Deus ngày 8/12/1870) đáp lại thỉnh nguyện của công đồng Vaticanô I.
Vì lý do gì Hội Thánh thời này nhận ra một tương quan đặc biệt với Thánh Giuse? Trong thông điệp Quamquam pluries (được tông huấn RC trưng dẫn một đoạn ở số 28), Đức Lêô XIII trả lời là dựa trên sứ mạng của Thánh Giuse đối với thánh gia. “Ngôi nhà mà Thánh Giuse cai quản với quyền hành của người cha đã chứa đựng những mầm mống của Hội Thánh sơ sinh. Cũng như đức trinh nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ của tất cả mọi Kitô hữu; Chúa Giêsu là trưởng tử của các tín hữu và họ trở nên những người em của Chúa do ơn làm nghĩa tử nhờ sự cứu chuộc. Đó cũng là những lý do mà thánh Tổ phụ coi như mình được ủy thác bảo trợ đoàn dân Kitô hữu họp thành Hội Thánh. Bởi vì là chồng của Đức Maria và là cha của Đức Giêsu Kitô cho nên Thánh Giuse cũng có một thứ quyền phụ hệ đối với Hội Thánh. (...) Sứ mạng mà Chúa quan phòng trao cho Thánh Giuse đã có một tiền mẫu ở nơi ông Giuse, con của cụ Giacóp, được vua nước Ai-cập gọi là ‘vị cứu tinh của thế giới’. Cũng như ông Giuse xưa kia đã quản lý tốt đẹp những công việc trong nhà của chủ mình và phục vụ hữu ích cho cả nước, thì Thánh Giuse, được đặt làm vị hộ thủ Đức Kitô, phải được nhìn nhận như là kẻ che chở và bảo vệ Hội Thánh là nhà của Chúa và là nước Chúa ở dưới đất”.
Như vậy, việc nhìn nhận Thánh Giuse làm Bảo trợ Giáo Hội dựa trên những nguyên tắc thần học sau đây: 1/ Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô (xc. Thánh Phaolô); 2/ Đức Maria thân mẫu của Chúa Giêsu cũng trở thành thân mẫu của Giáo Hội (xc. Ga 19,26-27; Cv 1,14); 3/ Tín điều “các thánh thông công”: các thánh trên trời tiếp tục cầu nguyện cho các anh chị em của mình ở dưới thế. Vì thế, cũng như Thánh Giuse xưa kia đã gìn giữ Chúa Giêsu khi còn ở dưới đất, thì ngày nay trên trời người cũng tiếp tục chuyển cầu cho Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa. Như Đức Maria được gọi là Mẹ của Giáo Hội, thì Thánh Giuse, đấng gìn giữ Chúa Cứu thế, cũng được gọi là đấng Bảo Trợ Giáo Hội.
Như sẽ thấy trong mục tới, việc suy tôn Thánh Giuse làm vị Bảo trợ đi kèm theo một lễ phụng vụ. Dù sao, trước khi được Toà Thánh chính thức tuyên bố làm Bảo Trợ Giáo Hội, tước hiệu này đã được tôn kính tại nhiều địa phương, dòng tu. Dĩ nhiên, đã không thiếu giáo phận, quốc gia, dòng tu, hội đoàn, ban ngành nhìn nhận người như vị Bảo Trợ. Nền tảng của việc suy tôn đó dựa trên hai lý do căn bản: bởi vì người là mẫu gương, và bởi vì người có thế lực chuyển cầu. Theo như lời của thánh Têrêsa Avila, Thánh Giuse không chỉ là Đấng bảo trợ và chuyển cầu trong những ân huệ tinh thần mà ngay cả trong những ân huệ vật chất nữa.
Thánh Giuse được coi như mẫu gương nhân đức cho mỗi tín hữu cũng như cho toàn thể Hội Thánh.
Trong những sách suy ngắm về Thánh Giuse trong tháng Ba dương lịch (cũng như trong kinh cầu kính thánh nhân), danh mục các nhân đức khá dài. Tông huấn RC muốn nêu bật vài khía cạnh thích hợp cách riêng trong thời đại chúng ta: đức tin, trung thành với bổn phận, chiêm niệm.
Chương ba của tông huấn mang tựa đề của một đức tính trích từ Tân Ước, đó là “người công chính” (Mt 1,19), và khai triển cách riêng việc Thánh Giuse nhận Đức Maria làm vợ tuân theo ý Chúa.
1/ Mẫu gương đức tin
Tuy nhiên, một chủ đề khác được tông huấn khai triển ở nhiều đoạn là đức tin. Tin là thái độ của con người lắng nghe và tuân theo lời Chúa (xc. RC số 4, trưng dẫn Hiến chế về Mặc khải của công đồng Vaticanô II). Việc chấp nhận này không chỉ diễn ra một lần qua tiếng “Xin vâng”, nhưng được diễn tả ra hành động (xc. RC số 17), và kéo dài ra suốt đời. Cũng như Đức Maria, Thánh Giuse trải qua nhiều thử thách trong cuộc “lữ hành đức tin” (RC 4; 6; 21).
Đừng kể những nỗi nhọc nhằn trong việc bảo vệ thánh gia (những cuộc di chuyển đi Belem, sang Ai-cập, về Nazareth), chắc hẳn sự thử thách lớn lao nhất của Đức Mẹ và Thánh Giuse ở chỗ tin rằng người con của mình là “Thiên Chúa cứu chữa”, “Con Thiên Chúa”. Một cuộc “chạm trán” đã xảy ra tại đền thờ Giêrusalem, khi Đức Maria trách con mình đã gây lo lắng cho song thân, thì Chúa Giêsu đã trả lời bằng một câu mà “hai ông bà không hiểu nổi” (Lc 2,50).
2/ Mẫu gương trung tín với bổn phận
Đức tin không chỉ giới hạn trong phạm vi lý trí và ý chí, cũng không thể nào chỉ giới hạn vào việc thưa “xin vâng”. Tông huấn RC số 17 đã đối chiếu hai trình thuật thiên sứ truyền tin cho Đức Maria và Thánh Giuse, và nhận thấy rằng Đức Maria đã đáp lại bằng lời Fiat còn Thánh Giuse đáp lại bằng sự thinh lặng. Thực ra, sự thuận tuân của Thánh Giuse được diễn tả qua việc làm theo ý Chúa, qua việc chu toàn bổn phận của người chồng (đối với Đức Maria) và người cha (đối với Đức Giêsu).
Mặt khác, việc trung thành với bổn phận mang tính cách năng động, nghĩa là nhạy cảm với tiếng gọi của Chúa, và cụ thể là với tiếng gọi tình yêu. Tông huấn đã trình bày cho thấy Thánh Giuse đã thực hiện chức vụ làm cha và làm chồng với một ý thức mới, dưới tác động của Chúa Thánh Thần: tất cả biến thành một cuộc hiến dâng và trao ban (RC 8; 19). Điều này cũng được ghi nhận một cách tổng quát hơn đối với các việc làm thường ngày: lao động được thánh hoá nhờ tình yêu dâng hiến (RC 24).
3/ Mẫu gương của đời chiêm niệm
Như vừa nói, Thánh Giuse đã biểu lộ đức tin qua hành động. Tuy nhiên người không phải là con người náo động. Tiếp theo chương 4 về lao động, chương 5 của tông huấn RC dành cho đời sống nội tâm. Thánh Giuse không những là con người thầm lặng nhưng nhất là con người chiêm niệm: Người sống trong sự đối thoại thân tình với Thiên Chúa, tìm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa qua những dấu chỉ của các biến cố, và đặc biệt qua dấu chỉ nhân tính của Đức Kitô.
Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho những ai được kêu gọi sống đời chiêm niệm, theo như Thánh Têrêsa Avila đã nhấn mạnh (xc RC 25). Nhưng cũng thể nói được là Thánh Giuse trở thành mẫu gương cho tất cả các tín hữu, cách riêng những người hoạt động tông đồ, bởi vì hiệu quả của hoạt động tông đồ tuỳ thuộc vào mức độ kết hiệp với Thiên Chúa: “không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5; xc RC 30).
Tông huấn đã trưng dẫn lý tưởng về sự hoà hợp giữa chiêm niệm và hoạt động dựa theo những diễn ngữ của Thánh Augustinô và Thánh Grêgôriô được Thánh Tôma tóm tắt qua hai chiều hướng của lòng yêu mến (đức ái: charitas): a/ lòng yêu mến chân lý (amor charitatis), hiểu về Đức Kitô, chân lý hằng sống, đưa đến việc tìm kiếm tiếp xúc thân tình với Chúa; b/ những đòi hỏi của lòng yêu mến (necessitas charitatis), nghĩa là việc phục vụ tha nhân do đức ái thúc đẩy: vừa có thể hiểu như là đức ái muốn mang Chúa Kitô đến cho tha nhân, vừa như là đức ái phục vụ Chúa Kitô nơi tha nhân. Tất cả hai chiều hướng đều xoay quanh đức ái và Chúa Kitô.
Thánh Giuse được suy tôn làm vị bảo trợ Giáo Hội. Giáo Hội tin tưởng rằng người sẽ tiếp tục bảo vệ và chuyển cầu cho Giáo Hội cũng như xưa kia người đã bảo vệ thánh gia.
Đồng thời, Giáo Hội cũng nhìn lên Thánh Giuse như một tấm gương trong công cuộc phục vụ ơn cứu độ (RC 31). Nói khác đi, Giáo Hội cũng nhận lãnh một sứ mạng tương tự như Thánh Giuse, đó là bảo vệ những mầu nhiệm thánh. Sứ mạng này không chỉ giới hạn vào việc bảo vệ chân lý đức tin khỏi những lầm lạc, nhưng còn kèm theo nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới: hoặc truyền bá Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô cho những người ở ngoài Giáo Hội, hoặc linh hoạt đức tin nơi những người đã tin Chúa nhưng thờ ơ với tôn giáo (xc. RC 29).
Ra như được soi sáng bởi một thứ trực giác đức tin, từ lâu nhiều thành phần xã hội hoặc hàng ngũ Dân Chúa đã tìm thấy nơi Thánh Giuse một tấm gương và một người bầu cử, chẳng hạn như:
Tông huấn RC đã nhắc riêng đến một vài hàng ngũ:
Như đã nói trên, trước khi được Toà Thánh chính thức công bố làm Đấng bảo trợ toàn thể Giáo Hội, Thánh Giuse đã được tôn kính tại nhiều nơi dưới tước hiệu ấy. Ngoài ra, người cũng còn được đặt làm quan thầy cho nhiều thành phần xã hội, các giáo đoàn địa phương. Chúng ta có thể kể ra vắn tắt:
Vài trường hợp điển hình
Các giáo phận Quy nhơn, Đàlạt, Xuân lộc cũng nhận Thánh Giuse làm bảo trợ.
Có những dòng mang tên Thánh Giuse và nhiều dòng chọn Thánh Giuse làm bổn mạng:
a) Dòng Thánh Giuse
Theo tự điển các dòng tu (Dizionario degli Istituti di Perfezione), hội dòng đầu tiên mang tên Thánh Giuse được thành lập tại Genova (Italia) năm 1517. Từ đó đến nay đã có 244 dòng nam nữ mang tên Thánh Giuse, đặc biệt 45 dòng nữ phát xuất từ hội dòng Thánh Giuse (Soeurs de Saint Joseph) do Cha Jacques Crétenet, SJ lập tại Le Puy (Pháp) năm 1650.
Tại Việt Nam có dòng Thánh Giuse được Cha Jean Sion, MEP thành lập tại Nhà Đá, Phù Mỹ, Bình Định ngày 1/11/1926.
b) Nhiều dòng nhận làm bổn mạng
Nhiều dòng tu khác tuy không mang tên Thánh Giuse nhưng đã nhận người làm bổn mạng. Ví dụ: dòng Cátminh cải tổ năm 1621, dòng Augustinô năm 1700, dòng Phansinh viện tu năm 1741, dòng Chúa Cứu thế và dòng Hiến sĩ Đức Mẹ vô nhiễm.
Tại Việt Nam, Thánh Giuse được đức cha Lambert de la Motte đặt làm bổn mạng cho các hội dòng Mến Thánh Giá (1670).
1/ Theo các sử gia, ngôi thánh đường đầu tiên được dâng kính Thánh Giuse là nguyện đường do các cha dòng Biển-đức cất ở Bologna năm 1129. Thật khó đếm nổi hiện nay trên thế giới có bao nhiêu thánh đường được cung hiến cho người. Đền thờ nổi tiếng nhất hiện nay có lẽ thánh điện tại Montréal (Canada), được xây cất do sáng kiến của Frère André (Alfred Besset, 1845-1937, được phong chân phước năm 1982), khởi công từ năm 1904 như một ngôi nhà nguyện nhỏ bé, nhưng hoàn tất năm 1969 với nóc lớn thứ nhì thế giới (chỉ thua đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma).
Một ngôi đền thờ vĩ đại được cất tại Barcelona kính Thánh Gia (Sagrada Familia) được khởi công từ năm 1882, với mục đích truyền bá lòng tôn kính Thánh Giuse. Nhiều kiến trúc sư thời danh đã cộng tác vào việc xây cất (đến nay vẫn chưa hoàn thành), như ông Antoni Gaudí.
Tại Việt Nam, nhà thờ chính tòa Hànội mang tước hiệu Thánh Giuse, cũng như hai chủng viện Sàigòn và Hànội.
2/ Thánh Giuse được nhận làm bổn mạng của nhiều hiệp hội đoàn thể công giáo, cách riêng Hiệp Hội Các Thợ Mộc (Venerabile Arciconfraternita di san Giuseppe dei Falegnami, Rôma 1450), Hiệp Hội Cầu Nguyện Cho Những Người Lâm Tử (Pia Unione del Transito di san Giuseppe per la salvezza dei morenti, Rôma 1913).