Trong chương này chúng ta theo dõi sự phát triển về thần học và lòng tôn kính Thánh Giuse trong lịch sử Giáo Hội. Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu những lưu truyền về Thánh Giuse nơi các nguỵ thư Tân Ước (mục 1). Tiếp đến, chúng ta sẽ điểm qua những đường hướng thần học bàn về Thánh Giuse từ thời giáo phụ đến thời cận đại, cũng như sự tiến triển của lòng tôn kính thánh nhân (mục 2). Sau cùng, chúng ta sẽ phân tích những văn kiện Toà thánh trong hai thế kỷ gần đây bàn về vai trò của Đấng được tôn phong làm Quan thầy Giáo Hội (mục 3).
Trong chương vừa rồi, khi phân tích các đoạn Tin Mừng nói về Thánh Giuse, chúng ta thấy rằng các thánh sử không cung cấp một chi tiết nào về cuộc đời của người: sinh năm nào, ở đâu? đính hôn với bà Maria lúc nào? qua đời hồi nào? chôn cất ở đâu?
Đàng khác, chúng ta thấy nhiều bức tranh vẽ hình Thánh Giuse đầu tóc bạc phơ, hoặc cầm cành hoa huệ, hoặc nhắm mắt lìa trần với Đức Mẹ và Chúa Giêsu đứng bên cạnh. Các dữ kiện này dựa vào tài liệu nào?
Câu trả lời vắn tắt cho những câu hỏi vừa rồi là: những chi tiết về cuộc đời Thánh Giuse dựa theo những lưu truyền dân gian, được ghi lại trong các tác phẩm ngụy thư Tân Ước. Trước khi đi vào chi tiết, cần xác định ý nghĩa của từ ngữ “ngụy thư”.
Theo nguyên ngữ Hy Lạp, apokryphos chỉ có nghĩa là “bí mật, giữ kín”, và được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Lúc đầu nó được dùng để áp dụng cho toàn thể Sách Thánh: cần phải cất giữ các tác phẩm này, không nên để lọt vào tay người ngoại (Ý nghĩa này có lẽ do ảnh hưởng của các nhóm ngộ đạo: chỉ có ai đã được khai tâm thì mới được đọc các sách thiên khải). Sau đó, nó được áp dụng cho những sách chỉ nên đọc tư, chứ không được phép đọc chính thức trong các buổi cử hành phụng vụ. Đến khi sổ bộ quy thư (libri canonici) được xác định, thì nó ám chỉ những sách nào không thuộc quy thư, vì thế cấm không được đọc công khai. Từ đó, người ta dịch là “ngụy thư” (đối lại với “quy thư”), và mang một ý nghĩa xấu. Thực ra, các ngụy thư không hẳn lúc nào cũng xấu. Một quyển sách có thể được xếp vào ngụy thư bởi vì không phải là do các Tông Đồ viết, mặc dù nội dung của nó rất lành mạnh: thí dụ như “thư của Clêmentê”, “thư của Barnabê”. Lúc đầu có giáo đoàn coi đó như là quy thư và sau đó đã loại ra khỏi sổ quy thư (và trở thành ngụy thư). Ngược lại, sách Khải Huyền của Thánh Gioan từng bị coi là ngụy thư nhưng sau đó được xếp vào quy thư. Ngày nay, các học giả đã dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các apocrypha.
- Một số tác phẩm ra đời vào thời các thánh Tông Đồ, đã được vài giáo đoàn nhìn nhận làm Sách Thánh nhưng sau đó bị gạt ra bởi vì không do các Tông Đồ viết. Những tác phẩm này được đặt tên là Văn chương Kitô giáo nguyên thủy, đó là: sách Điđakhê, thư Clêmentê, sách Mục tử của Hermas, thư của Barnabê. Ngược lại, một tác phẩm tuy mang danh một tông đồ nhưng sau khi bị lật tẩy thì đương nhiên bị xếp vào hàng ngụy thư, chẳng hạn: thư thứ ba của Thánh Phaolô gửi Côrintô, hoặc thư gửi Laođikia
- Đa số các ngụy thư ra đời sau thế kỷ II, dựa theo thể văn của các tác phẩm Tân Ước. Mục tiêu của các soạn giả khác nhau. Đôi khi vì muốn thoả mãn tính tò mò, bằng cách thêu dệt nhiều phép lạ. Đôi khi muốn biện minh cho một học thuyết nào đó (chẳng hạn chủ trương của nhóm ngộ đạo, ảo nhân thuyết). Các tác phẩm này được phân ra bốn loại: Tin Mừng, Hoạt động tông đồ, Thư, Khải Huyền. Nhiều tác phẩm chỉ được biết qua sự trích dẫn của các giáo phụ chứ không còn được lưu lại nguyên bản.
Tuy được gom một loại mang danh là “Tin Mừng ngụy thư”, nhưng giá trị của chúng khác nhau xét về lịch sử cũng như đạo lý.
1/ Một số tác phẩm ra đời đồng thời với các Tin Mừng quy điển, và dĩ nhiên là được xếp vào hạng nhất xét về giá trị lịch sử. Trong tiến trình biên soạn các sách Tin Mừng, các thánh sử đã sử dụng những nguồn tư liệu đã được thu thập trước đó, gồm các lời nói (đặc biệt là các dụ ngôn). Vài tác giả đương thời cũng sử dụng những nguồn tư liệu đó và soạn ra tác phẩm song hành. Các sử gia đặt tên cho chúng là agrapha, (những lời nói của Chúa Giêsu). Thường các lời nói được thuật lại trong bối cảnh của một cuộc đàm thoại với các môn đệ, chẳng hạn như: Tin Mừng Thánh Tôma, thu thập 114 câu nói của Chúa Giêsu, hoặc do tự Người dạy hoặc để trả lời cho câu hỏi mà môn đệ đặt ra; hoặc Cuộc đàm đạo của Chúa Cứu thế, thuật lại cuộc đàm đạo của Chúa Phục sinh với ông Giuđa và ông Matthêu, với thể văn tương tự như cuộc đàm đạo tại nhà Tiệc ly theo Tin Mừng Thánh Gioan.
2/ Hạng thứ hai sử dụng các tư liệu vừa nói để soạn có vẻ những tác phẩm biện minh cho chủ thuyết nào đó, chẳng hạn hoặc phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu (thuyết ảo nhân), hoặc phủ nhận thiên tính của Người (các Tin Mừng của người Do Thái).
3/ Hạng thứ ba chỉ mang danh là “Tin Mừng” theo nghĩa là kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng mục tiêu chúng không còn là loan báo Tin Mừng cứu độ cho bằng thoả mãn tính tò mò. Nội dung xoay quanh hai giai đoạn đặc biệt của cuộc đời của Chúa Cứu thế, đó là thời thơ ấu và hồi tử nạn Phục sinh.
Nếu muốn theo sát nguyên bản thì phải dịch là “Những hoạt động của các Tông Đồ” (Actus apostolorum), chứ không phải là “Công vụ” (Acta). Dù sao, tác giả không chỉ đóng vai trò một ký giả ghi chép các biến cố đã xảy ra trong Hội Thánh nguyên thủy nhưng còn muốn trình bày một thần học về đường hướng truyền giáo của Hội Thánh.
Các tác phẩm ngụy thư không còn duy trì viễn ảnh thần học, nhưng chỉ thích kể các phép lạ, có vẻ như muốn đề cao các Tông Đồ như là các “siêu nhân” hoặc ít là “người hùng” của Kitô giáo. Các tác phẩm này ra đời vào thế kỷ II. Các giáo phụ nhiều lần nhắc đến các “Hoạt động của ông Phêrô” (soạn khoảng năm 180-190), của ông Phaolô (khoảng 185-195), Anrê, Gioan và Tôma. “Hoạt động của ông Tôma” được duy trì trọn vẹn hơn cả trong bộ sưu tập 5 cuốn, lưu hành trong nhóm Manikê vào cuối thế kỷ IV.
Ngoài các thư của Thánh Phaolô được nhận vào sổ quy thư, còn một số thư khác được lưu hành giữa các giáo đoàn, chẳng hạn: thư thứ Ba gửi Côrintô, thư gửi Laođikia, thư gửi Alêxanđria.
Ngoài các sách Khải Huyền mang danh các thánh Tông Đồ (Phêrô, Phaolô, Tôma, Stêphanô), tại vài nơi còn có các tác phẩm của đạo Do Thái, chẳng hạn: Sự thăng thiên của ông Isaia.
Nên biết là vào thời các giáo phụ, các tác phẩm vừa kể được đánh giá khác nhau. Có những tác phẩm được trích dẫn trong các bài giảng ngang hàng với các quy thư (vào lúc mà sổ quy thư chưa nhất định). Có những tác phẩm khác đã bị gạt bỏ bởi vì chứa đựng đạo lý sai lầm hoặc bởi vì chỉ lưu hành trong các nhóm lạc giáo. Dưới phương diện lịch sử, giá trị của các tác phẩm này tuỳ thuộc vào những nguồn tư liệu, nghĩa là dựa theo những sự kiện có thể kiểm chứng được, hoặc do óc tưởng tượng bày ra, đó là chưa kể trường hợp sao chép.