Khi gần đến cuối năm, tôi thích suy nghĩ về năm cũ và năm mới. Rất nhiều bạn tôi cũng làm như thế, và chúng tôi chuyền tay nhau những câu hỏi để suy nghĩ. Tôi nghĩ một số những câu hỏi này có thể đưa chúng ta vào ý tưởng khả dĩ khi bắt đầu giai đoạn tới của cuộc hành trình cùng với nhau. Đây là một số câu hỏi mà các bạn tôi chuyền tay nhau khi gần đến cuối năm.
Đời sống thì đầy những khả dĩ. Chúng khuấy động trong người bạn. Khi bạn tỉnh thức và cảnh giác nhất, những khả dĩ cá biệt của bạn khuấy động sâu trong tâm hồn bạn. Bạn tiếp tục bỏ qua những khả dĩ này bao lâu nữa?
***
Sự thật thì mỹ miều. Sự thật của thiên nhiên thì mỹ miều. Sự thật về sự hiện hữu của bạn thì mỹ miều tuy có những lúc bạn cảm thấy khuyến điểm lớn lao và tan nát. Sự thật là điều cần được tìm kiếm, được trân quý, được ôm ấp, và được tôn phong trong cuộc đời chúng ta.
Sự dối trá thì xấu xa. Tất cả chúng ta đều có riêng cho mình, nhưng chúng không phải là bản chất của chúng ta, và với ơn Chúa chúng ta có thể tránh xa những dối trá đó hôm nay. Những dối trá sinh ra thêm dối trá, và ở bất cứ giai đoạn nào chúng lấp đầy tâm trí và linh hồn chúng ta với sự mơ hồ. Sự thật đem lại sự sáng tỏ.
Thiên Chúa có một ước mơ đầy kinh ngạc cho bạn. Người muốn bạn trở nên một phiên-bản-tốt-hơn của chính bạn. Nhưng Người là một người cha kiên nhẫn hiểu biết bản tính nhân loại xinh đẹp và khó khăn của bạn, nên Người muốn bạn yêu quý và sống ước mơ này mỗi ngày hơn một chút, là trở nên một phiên-bản-tốt-hơn của chính bạn từng chút một.
Sự hưng thịnh của con người là điều làm Thiên Chúa vui thích. Người quan tâm đến toàn thể con người – thể xác, cảm xúc, trí tuệ, và tinh thần. Thiên Chúa say mê với mọi khía cạnh của con người và Người muốn thấy con cái mình hưng thịnh. Bạn có phát triển không? Bạn có lớn nhanh hay chỉ tồn tại? Sự thật mỹ miều là dù bạn trả lời thế nào những câu hỏi này, điều đó không quan trọng, vì bạn có thể khởi sự thay đổi từng lúc một, bắt đầu tự bây giờ.
Sự khôn ngoan của thế gian này nói rằng sự thi hành trong quá khứ là dấu chỉ tốt nhất về sự thi hành trong tương lai. Nó thường đúng. Sự ngoại lệ là khi Thiên Chúa can dự vào. Do đó hãy để Thiên Chúa can dự vào đời sống của bạn. Hãy tiếp tục mời Người đi vào cuộc đời bạn như khi bạn đọc lời cầu xin biến đổi.
Người ta muốn phát triển và hưng thịnh. Tôi biết tôi như thế. Tôi thất bại thê thảm thường xuyên, nhưng tôi biết đó là một ao ước sâu xa không biến dạng. Tôi sẽ chết trước khi sự ao ước đó tan biến. Càng lớn tuổi, tôi càng thấy những rập khuôn hiện ra trong đời tôi, trong quá khứ, trong những mối tương giao, và trong đời sống của người khác. Tôi sẽ làm một vài điều dại dột và sau đó nghĩ về chính tôi, “Mình đã từng thi hành cùng những điều ngu xuẩn này trong hai mươi năm qua.” Khuôn mẫu là thầy dạy rất mạnh mẽ.
Nhiều năm trước tôi viết: “Người ta sẽ không làm bất cứ gì nếu họ không được hứng khởi, một khi được hứng khởi, hầu như không có gì mà họ không làm.” Tôi đã từng tin như thế từ trước đến nay. Tôi đã từng thấy điều đó nhiều lần. Sự hứng khởi giải thoát những khả dĩ bị dồn nén, lấp đầy chúng ta sự dạn dĩ để sống cuộc đời trọn vẹn nhất.
Có nhiều cách để được hứng khởi. Âm nhạc thì hứng khởi. Thiên nhiên thì hứng khởi. Một bài diễn thuyết hay thì hứng khởi. Sự sinh hạ một đứa bé thì hứng khởi. Một cuộc sống tốt đẹp thì hứng khởi. Cha mẹ làm việc vất vả để hỗ trợ gia đình, điều đó làm tôi hứng khởi. Nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo của người già thì xinh đẹp và hứng khởi. Du lịch đến những nơi khác nhau và gặp những người khác nhau thì hứng khởi. Phim ảnh hứng khởi tôi. Sách vở hứng khởi tôi. Có rất nhiều cách để được hứng khởi, và với tôi, tôi nhận thấy trong nhiều năm qua là tôi cần một chút hứng khởi hàng ngày.
Chúng ta nói về khuôn mẫu, và một trong những khuôn mẫu mạnh mẽ tôi nhận thấy trong đời tôi là sự hứng khởi. Tất cả những hình thức hứng khởi tôi đã nhắc đến thì có sức mạnh, nhưng nguồn hứng khởi mạnh mẽ nhất trong cuộc đời trưởng thành của tôi là tiếng của Chúa. Lời mở đầu phổ thông nhất trong bất cứ câu Kinh Thánh nào là “Thiên Chúa phán… (hoặc một vài thay đổi). Thiên Chúa nói với Adong, Nôe, Môsê, Abraham, Giôsua, Giêrêmia, Samuen, Đavít, Nathan, Đêbôra, Hácgai, Miriam, Giôna, Êgiêkien, Isaia, Hôsê, Maria, và Phaolô. Và tuy rất dễ không chú ý, Thiên Chúa nói với mọi người mà Chúa Giêsu đã nói với họ khi Người còn sống ở trái đất này. Chúng ta biết được nhiều lần gặp gỡ này trong các Phúc Âm. Thiên Chúa nói với chúng ta là một sự thật sâu xa, mỹ miều, được củng cố vững vàng.
Thiên Chúa có nói với chúng ta ngày nay không? Quả thật Thiên Chúa thích tương giao với con cái của Người. Không phải là Thiên Chúa ngừng trò chuyện, nhưng đúng hơn chúng ta ngừng lắng nghe. Nếu chúng ta có thể tách mình ra khỏi thế giới điên dại, ồn ào, bận rộn và bước vào sự thinh lặng, Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta trong chỗ này và lúc này. Nếu hàng ngày chúng ta bước vào nơi thinh lặng và sẵn sàng cho Chúa, Người sẽ hướng dẫn, khích lệ, và lãnh đạo chúng ta. Và càng sẵn sàng cho Chúa bao nhiêu, chúng ta sẽ nghe tiếng của Người càng rõ bấy nhiêu.
Học cách nhận biết những khuôn mẫu trong chính đời sống của chúng ta thì rất quan trọng. Điều tôi nhận thức sau nhiều năm là khi tôi lắng nghe tiếng của Thiên Chúa trong đời tôi và cố bước đi theo đường lối của Người, tôi thấy mình có tập trung, được hứng khởi, và được thêm năng lực. Nhưng có nhiều khi tôi quên đi tiếng Chúa, tôi đứng trước ngã ba đường mà tôi biết rõ đường nào phải đi nhưng tôi lại chọn con đường khác. Đôi khi là vì khoái lạc và thông thường là vì dường như đó là lối dễ hơn để theo. Những chọn lựa đó không bao giờ đưa tôi đến bất cứ loại hạnh phúc nào lâu dài, và hầu như tất cả đều làm cho đời tôi thêm phức tạp và tâm hồn tôi hoang mang.
Khuôn mẫu này trở nên một phần của đời tôi rất mạnh mẽ đến độ tôi kết luận rằng nó là dấu chỉ của một thử nghiệm dứt khoát. Điều tôi muốn nói là dường như tôi không còn tập trung, không được hứng khởi, và không có năng lực cho bất cứ quãng thời gian nào kéo dài, nó thường là một dấu chỉ chắc chắn rằng tôi đã ngừng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong đời tôi.
Chính trong sự thinh lặng mà Thiên Chúa soi sáng tâm hồn và trí óc chúng ta để có thể thấy rõ ràng và thiết tha trả lời bốn câu hỏi này: Tôi là ai? Tôi ở đây để làm gì? Điều gì quan trọng nhất? Điều gì ít quan trọng nhất? Với những câu trả lời này và sự sáng tỏ, sau đó Thiên Chúa sai chúng ta vào thế giới để sống với sự tha thiết và có mục đích.
Do đó, đã đến lúc chấm dứt sự bào chữa. Chúng ta có quá nhiều những bào chữa, nhưng vào cuối đời, tôi nghĩ tất cả những bào chữa của chúng ta được gom lại và xếp trong hai cái thùng: thùng quá trẻ và thùng quá già. Hầu hết người ta thực sự chỉ có hai sự bào chữa. Về nửa cuộc đời trước họ tự nhủ, “Mình quá trẻ cho những điều đó,” và nửa đời sau họ tự nhủ, “Mình quá già cho những điều đó.” Và cuộc đời trôi qua trong một nháy mắt. Đừng để những điều này trở thành sự bào chữa của bạn. Dù bạn ở tuổi nào, tôi tuyệt đối tin rằng bây giờ là lúc của bạn. Bây giờ là thời gian của chúng ta.
Mozart mới tám tuổi khi viết hòa tấu khúc đầu tiên.
Charles Dickens khi mười hai tuổi đã bỏ học để làm việc trong một nhà máy, dán nhãn hiệu trên các chai kem đánh giầy, bởi vì người cha phải ngồi tù vì nợ.
Anne Frank mười ba tuổi khi bắt đầu viết nhật ký.
Ralph Waldo Emerson khi mười bốn tuổi đã ghi danh đại học Harvard.
Paul McCartney mười lăm tuổi khi John Lennon mời ông tham gia ban nhạc.
Joan of Arc khi mười tám tuổi đã lãnh đạo quân Pháp đến chiến thắng.
Bill Gates khi mười chín tuổi đã cùng sáng lập công ty Microsoft.
Plato khi hai mươi tuổi đã là học trò của Socrates.
Dietrich Bonhoeffer khi ba mươi ba tuổi thì Thế Chiến II bùng nổ. Ông dạy học ở Hoa Kỳ nhưng quyết định trở về Đức để lãnh đạo Kitô Hữu chống với Hitler và Đức Quốc Xã. Sáu năm sau ông bị hành quyết ở trại tập trung Flossenburg, chỉ hai tuần trước khi quân đội Hoa Kỳ giải phóng trại này.
Coco Chanel khi hai mươi bảy tuổi đã mở tiệm đầu tiên bán y phục phụ nữ.
Henry David Thoreau hai mươi bảy tuổi di chuyển đến ven biển Walden Pond, xây một căn nhà, trồng một khu vườn, và bắt đầu hai năm thí nghiệm sống đơn giản.
Ralph Lauren khi hai mươi chín tuổi đã thành lập công ty Polo.
William Shakespeare khi ba mươi mốt tuổi đã viết tiểu thuyết Romeo and Juliet.
Thomas Jefferson khi ba mươi ba tuổi đã giúp viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập.
Roger Federer khi ba mươi sáu tuổi đã thắng giải quần vợt Úc hai mươi lần.
Mẹ Têrêsa bốn mươi tuổi khi sáng lập Dòng Truyền Giáo Bác Ái.
C. S. Lewis bốn mươi lăm tuổi khi viết cuốn Mere Christianity.
Henry Ford năm mươi tuổi khi ông khởi sự sản xuất dây chuyền đầu tiên.
Ray Kroc năm mươi hai tuổi là người bán sữa khi ông mua lại nhà hàng và chính thức khởi sự hệ thống nhà ăn McDonald’s.
Pablo Picasso khi năm mươi lăm tuổi ông vẽ bức tranh Guernica và mở đầu kỷ nguyên mới trong nghệ thuật.
Dom Pérignon sáu mươi tuổi khi ông sản xuất rượu sâm banh (champagne) đầu tiên.
Oscar Hammerstein II sáu mươi bốn tuổi khi ông viết nhạc kịch The Sound of Music.
Winston Churchill sáu mươi lăm tuổi khi ông trở nên thủ tướng nước Anh và giao chiến với Hitler.
Nelson Mandela bảy mươi mốt tuổi khi ông mãn hạn tù hai mươi năm ở Nam Phi. Bốn năm sau ông được bầu là tổng thống của Nam Phi.
Michelangelo bảy mươi hai tuổi khi ông thiết kế đỉnh vòm của Đền Thánh Phêrô ở Rôma.
Auguste Rodin bảy mươi sáu tuổi khi ông kết hôn với bà Rose Beuret, người mà ông gặp khi hai mươi ba tuổi và yêu thương trọn đời.
John Glenn bảy mươi bảy tuổi khi ông du hành vào không gian.
Benjamin Franklin bảy mươi chín tuổi khi ông phát minh mắt kính hai tròng.
Frank Lloyd Wright chín mươi mốt tuổi khi ông hoàn tất công trình xây cất Bảo Tàng Viện Guggenheim.
Dimitrion Yordanidis khi chín mươi tám tuổi ông đã chạy đua đường trường ở Athens, Hy Lạp.
Ichijirou Arays một trăm tuổi khi ông leo núi Phú Sĩ.
***
Tại sao tôi nói với bạn về những người này? Hầu hết họ không theo đuổi sự tuyệt hảo Kitô Giáo; ngay cả một số không phải là Kitô Hữu. Vậy tại sao tôi nhắc đến họ khi hành trình của chúng ta sắp kết thúc? Để nhắc nhở mọi người chúng ta rằng con người – bạn và tôi – có những khả năng phi thường. Nhưng rất thường xuyên chúng ta hời hợt với các khả năng này. Rất thường xuyên chúng ta bị kẹt giữa những hối hả và nhộn nhịp của đời sống, rơi vào sự ngơ ngác, và mộng du phần còn lại của cuộc đời. Hoặc chúng ta nghĩ mình không thuộc hạng người đặc biệt và chúng ta không có khả năng thi hành những điều lớn lao.
Nhưng chúng ta sai. Chúng ta có khả năng thi hành những điều lớn lao. Mỗi Giây Lát Thánh Thiện là một điều lớn lao, và bạn có khả năng cộng tác với Thiên Chúa để tạo ra những Giây Lát Thánh Thiện. Và hóa ra những Giây Lát Thánh Thiện là điều mà con người, xã hội, và toàn thế giới cần vào thời gian này của lịch sử.
Dù bạn mười sáu tuổi hay một trăm sáu tuổi, điều đó không quan trọng. Hãy sẵn sàng 100 phần trăm cho Chúa và Người sẽ tìm ra một phương cách để hoạt động mạnh mẽ qua cuộc đời bạn. Tuổi của bạn là vấn đề của Chúa. Bây giờ là thời gian của bạn.
Do đó hãy ra đi và khởi sự tạo được một số Giây Lát Thánh Thiện – từng cái một, nhiều như bạn có thể hàng ngày – và cùng nhau, chúng ta hãy đem một hy vọng mới cho những người cùng thời đại với chúng ta. Xã hội sẽ như thế nào nếu có nhiều người tập trung đến việc tạo ra những Giây Lát Thánh Thiện? Người ở thời đại chúng ta đói khát niềm hy vọng; chúng ta không thể sống sót mà không có món quà xinh đẹp này. Mỗi Giây Lát Thánh Thiện đem cho ai đó, ở đâu đó món quà hy vọng.
Thế giới này sẽ khác biệt vì bạn đang ở đây. Chúng ta có một nghĩa vụ của con người là làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn so với khi chúng ta tìm thấy. Đây là điều thiết yếu của tinh thần quản lý. Bạn không cần phải là Martin Luther King Jr., Mẹ Têrêsa, hay Leonardo da Vinci mới có thể để lại vết tích trên thế giới. Cũng như ba ông lão, bạn có thể để lại vết tích từng phút một, khi bạn chu toàn bổn phận của đời sống hàng ngày với sự nhân từ, khiêm tốn, ân cần, quảng đại, tử tế, phục vụ, hiếu khách, vui vẻ và niềm vui.
Điều gì đó tuyệt vời sẽ xảy ra. Mỗi Giây Lát Thánh Thiện khích động một chuỗi các Giây Lát Thánh Thiện khác. Và mỗi Giây Lát Thánh Thiện tạo ra niềm hy vọng và sự hứng khởi.
Những dối trá sinh ra thất vọng, do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong nền văn hóa dối trá có quá nhiều người thấy thất vọng. Sự dối trá rằng thánh thiện là điều bất khả tạo ra sự thất vọng trong một nhóm người mà họ không bao giờ được mất hy vọng: Kitô Hữu.
Nhưng sự thật phát sinh hy vọng. Và sự thật là, sự thánh thiện là điều khả dĩ cho bạn, cho tôi, và cho người lân cận, từng Giây Lát Thánh Thiện một. Chúng ta có thể hợp tác với Thiên Chúa và tạo ra một Giây Lát Thánh Thiện hôm nay. Đó là sự hoạt động của ơn sủng lạ lùng.
Đừng để mặt trời lặn hôm nay mà không đem cho thế giới một Giây Lát Thánh Thiện. Sự thánh thiện thì có thể. Đây là một sự thật mà nó sẽ đem hy vọng cho một thế hệ thất vọng. Đây là một sự thật mà nó sẽ kết hợp Kitô Hữu để cộng tác với Thiên Chúa và với nhau để biến đổi thế giới… một lần nữa. Đây là một sự thật mà nó sẽ làm cho mọi Kitô Hữu trở nên những người có khả năng. Nếu bạn để cho sự thật này thấm nhập ý nghĩ, lời nói, và hành động của bạn, bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn so với bất cứ thời gian nào trong đời bạn. Tôi lập lại một lần nữa: Điều gì đó tuyệt vời sẽ xảy ra./.
MATTHEW KELLY là một tác giả, diễn giả và cố vấn thương mãi thành công. Các sách của ông được phát hành trên hai mươi lăm ngôn ngữ, từng xuất hiện trong danh sách của các tờ New York Times, Wall Street Journal, và USA Today về các sách bán chạy nhất, và đã bán trên bốn mươi triệu cuốn.