Trong hai ngàn năm, những người ngoài Kitô Giáo từng loan truyền những giả dối về Kitô Hữu và Kitô Giáo. Một số điều này được cố ý thi hành và có ác ý, trong khi hầu hết có lẽ được gây ra bởi sự thiếu hiểu biết. Bạn có thể lấp đầy các thư viện với những dối trá từng được nói về Kitô Hữu và Kitô Giáo. Thế giới nói dối về chủ đề này nhiều hơn bất cứ gì khác. Do đó không ngạc nhiên là trong nền văn minh dối trá này, nơi sự thật không có giá trị nhiều, Kitô Giáo là mục tiêu không thay đổi. Trong phần này, chúng ta sẽ nhìn đến một số hiển nhiên nhất trong các sự dối trá, và tại sao nền văn minh này lại bám lấy chúng quá chặt chẽ.
Hãy ngắn gọn tìm hiểu năm điều dối trá lớn nhất về Kitô Giáo. Mục đích của tôi thì không phải để cung cấp những phản bác bao quát cho từng sự dối trá này, nhưng để cung cấp bối cảnh cho sự dối trá lớn nhất trong lịch sử Kitô Giáo.
Nếu người ta tranh luận về việc Đức Giêsu có sống lại hay không, điều đó dễ hiểu. Nếu họ không tin những phép lạ Người làm được tường thuật trong các Phúc Âm, điều đó dễ hiểu. Nhưng Đức Giêsu có hiện diện như một con người đặc biệt đã sống trong một vùng rõ rệt của thế giới tại một thời điểm rõ rệt trong lịch sử hay không, đó là điều ngoài sự tranh luận với bất cứ ai có một chút thành thật về trí năng.
Tài liệu truyền khẩu từ thời tiên khởi Kitô Giáo và các biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu và những giảng dạy của Người thì được truyền lại rất chi tiết. Các văn gia Kitô Giáo sau này ghi lại những gì mà các môn đệ của Đức Giêsu chứng kiến tận mắt và chia sẻ với các cộng đồng Kitô Hữu tiên khởi. Ngoài ra, sử gia Do Thái cũng như La Mã đã viết về Đức Giêsu – nổi tiếng nhất trong những người này là ông Josephus. Tuy vậy, sự dối trá rằng Đức Giêsu chưa bao giờ hiện diện thì vẫn lan tràn và phát triển.
Ngay hôm nay, tôi vừa đọc được những gì mà những ai ghét bỏ Đức Giêsu nói về Người, và gặp được câu này: “Giêsu này thì không gì khác hơn là một kết hợp các huyền thoại lấy cắp, các danh tính lấy cắp, và cả một mớ giảng dạy vô nghĩa, vô giá trị, giả hình và mâu thuẫn. Không bao giờ có một nhân vật trong lịch sử thật hoang đường như tên đần Nagiarét này. Hắn không gì khác hơn một sự lừa dối.”
Trong thời đại này, nền văn minh của chúng ta, một cách tinh tế và dai dẳng, từng đẩy dần Đức Giêsu về cùng một loại như ông già Nôen và Thỏ Phục Sinh. Ý tưởng cho rằng Đức Giêsu thì không khác hơn một điều bịa đặt của người Kitô Hữu tưởng tượng thì vừa không thành thật và vừa là một sự dối trá hoàn toàn. Trong khi ngày càng có nhiều người cho rằng Đức Giêsu chỉ là một ý tưởng, thực tế Người là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại nhiều hơn bất cứ ai khác.
Rất ít biến cố xưa có được sự chắc chắn về lịch sử cho bằng cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Ba ngày sau là khi sự dối trá về Đức Giêsu và Kitô Giáo khởi sự dữ dội và nhanh chóng. Nó phải là một sáng Chúa Nhật nào đó, và không phải mất thời gian lâu để sự dối trá bắt đầu lan tràn về sự phục sinh của Người từ cõi chết.
Sự dối trá đầu tiên và phổ thông nhất là các môn đệ của Đức Giêsu đến ban đêm và đem xác của Người ra khỏi mộ. Có thể chứ? Đúng vậy. Có thật không? Không nhiều như thế. Ngôi mộ đã được niêm phong và được canh phòng. Có lẽ dễ tin hơn là sự kiện rằng chính Giêsu ở Nagiarét, người đã chết trên thập giá sau khi bị tra tấn khủng khiếp, thì đã xuất hiện trong bốn mươi ngày kế đó với hơn năm trăm người vào mười hai dịp khác nhau. Năm trăm nhân chứng này thì nhiều hơn số cần thiết để thuyết phục bất cứ tòa án nào, nhưng bởi vì sự Phục Sinh là trọng tâm của đức tin Kitô Giáo, nó sẽ bị đặt câu hỏi và bị hồ nghi cho đến tận thế. Bây giờ, có thể nào năm trăm người này đều nói dối. Nhưng có bao giờ bạn tìm cách nói vài người nào đó giữ cho một bí mật chưa? Điều này thì hầu như luôn luôn không thành công. Hầu như hai thiếu niên thì thường không thể nói thật cho biết họ ở đâu và làm gì đêm hôm qua. Sau đó là một thực tại không thể quên là nhiều người cho rằng Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết thì đều bị giết vì nói như thế. Ai muốn chết cho một sự dối trá?
Sau cùng có một câu hỏi về thân xác đó. Nếu Đức Giêsu đã không sống lại từ cõi chết, xác ấy ở đâu? Ai đó sẽ phải lấy xác ấy đi – nhiều hơn một người, giả sử như thế. Hãy tưởng tượng sự khó khăn là dường nào để giữ bí mật. “Tôi biết xác Đức Giêsu ở đâu!”
Một số điều khủng khiếp đã được thi hành nhân danh Kitô Giáo và bởi Kitô Hữu, tuy thật quan trọng để nhận xét rằng trong mỗi trường hợp, sự diệt chủng được thi hành thì lạc hướng với niềm tin và sự dạy bảo của Kitô Giáo. Một số bác sĩ, luật sư, giáo chức, và những người của mọi tôn giáo đã từng thi hành những điều khủng khiếp nhân danh chức nghiệp hay đức tin của họ. Trong mọi trường hợp, họ nhầm lẫn, sai sót, và trong một số trường hợp họ bị bệnh tâm thần. Nhưng chúng ta không nói rằng bởi vì một số bác sĩ đã làm những điều khủng khiếp ấy, ngành y là một sự dối trá và phải bị xóa bỏ trên mặt đất này. Điều quan trọng là chúng ta không lầm lẫn hành vi cá nhân với Kitô Giáo và giáo huấn Kitô Giáo, ngay cả khi những người đó là Kitô Hữu.
Sự lạm dụng điều tốt lành thì không giảm bớt chính sự tốt lành đó. Một số người lạm dụng vai trò làm cha mẹ, nhưng điều đó không làm cho bổn phận cha mẹ trở nên xấu và sai lầm. Bổn phận cha mẹ là một điều tốt và mỹ miều. Sự lạm dụng điều tốt lành thì không giảm bớt chính sự tốt lành đó. Một số người lạm dụng vai trò của họ là Kitô Hữu nhưng điều đó không làm Kitô Giáo trở nên xấu và sai lầm.
Bây giờ hãy giải quyết sự dối trá rằng Kitô Giáo bóc lột người yếu đuối và ngu dốt. Kitô Giáo từng là người bảo vệ chính yếu các quyền lợi và phẩm giá của con người trong hai ngàn năm. Kitô Giáo thi hành cho người nghèo nhiều hơn bất cứ tổ chức nào khác trong lịch sử. Kitô Giáo từng là người cổ vũ không biết mệt cho thợ thuyền, và Kitô Giáo lãnh trách nhiệm giáo dục nhiều người hơn bất cứ nhóm nào khác thuộc mọi thời đại kể từ khi Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết.
Một cách tổng quát, Kitô Hữu và Kitô Giáo thì không thích hợp với lời cáo buộc này. Nếu Kitô Giáo kiên quyết để người ta yếu đuối và ngu dốt, Kitô Hữu trong mọi thời đại sẽ không phải lao nhọc một cách cần cù để giải thoát hàng tỉ người khỏi sự yếu đuối và ngu dốt.
Như với mọi thứ thuộc Kitô Giáo, thường hữu ích để khởi sự với chính Đức Giêsu. Người không phải là một người ưu tú, nhưng Người có trí tuệ và sắc sảo. Những gì Người dạy bảo là một sự xét lại thâm trầm và xây dựng lại truyền thống trí tuệ của Do Thái. Và tuy thế Người còn có khả năng kinh ngạc là một người theo phái dân túy (populist) – khả năng trình bày những ý niệm và ý tưởng phức tạp nhất trong một phương cách vừa đơn giản và vừa thực tế. Đức Giêsu trình bày sự khôn ngoan thực tiễn và cả các mầu nhiệm siêu nhiên trong các giảng dạy của Người để nhiều người có thể lĩnh hội được.
Kitô Giáo liên lỉ bị kết án là phản trí tuệ và phản khoa học, và có một số nền tảng cho những cáo buộc này. Các trường hợp của Copernicus và Galileo thường được nêu ra nhất, và không thắc mắc là Kitô Giáo đã phản ứng cách nghèo nàn trong cả hai trường hợp. Nhưng điều quan trọng để nhận xét rằng sau những lần Kitô Giáo bị sỉ nhục bởi lỗi lầm này và những lỗi lầm khác, nó đã duyệt xét lại vai trò của mình trong cả hai lĩnh vực trí tuệ và khoa học, và đã thích ứng.
Cùng lúc, việc cáo buộc Kitô Giáo phản trí tuệ thì lố bịch. Các đại học có nguồn gốc từ truyền thống Kitô Giáo thời trung cổ. Các trường trong các giáo xứ và đan viện Kitô Giáo là tiền thân của hệ thống đại học và có từ thế kỷ thứ sáu ở nhiều nơi. Sự gia tăng giáo dục, trường học, và đại học nói riêng thì không liên tục. Các biến cố trên thế giới tỉ như chiến tranh, bệnh dịch, đói nghèo và những thay đổi trong quyền lực chính trị và tôn giáo tất cả đã cản trở sự tiến triển và mở rộng các hệ thống học đường và đại học. Nhưng điều chắc chắn là Kitô Giáo góp phần cho sự phát triển của hệ thống đại học. Hơn nữa, khi nhìn nhận phẩm giá của mỗi một con người, Kitô Giáo trở nên vô địch về giáo dục cho người nghèo. Còn có một nhận xét đặc biệt rằng Kitô Giáo đã tranh đấu cho phụ nữ được cơ hội bình đẳng trong giáo dục. Điều này có thể truy ngược về T. Bênêđích và cô em sinh đôi của người là Scholastica, trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu.
Kết tội Kitô Giáo là phản khoa học thì cũng là một lời dối trá. Thứ nhất, vấn đề không nhỏ khi vạch ra rằng ngay cả các khoa học gia nổi tiếng nhất thường được diễn tả là bị bách hại bởi Kitô Giáo thì chính họ là Kitô Hữu nhiệt thành. Có Kitô Hữu nào chống đối khoa học không? Có. Có Kitô Hữu nào ngày nay phản khoa học không? Có. Nhưng thái độ khái quát của Kitô Giáo ngày nay là đức tin và lý lẽ thì tương hợp và thật vậy không thể tách biệt.
Tuy thế, xã hội tiếp tục chồng chất các lỗi lầm của chúng ta trong quá khứ lên mọi Kitô Hữu ở mọi nơi và mọi lúc. Điều này giống như đổ lỗi cho mọi người Đức bây giờ và mãi mãi về tội của Hitler đối với loài người. Bất cứ ai có chút lương tri đều nhận thấy rằng đây là một điều rất bất công. Nó cũng giống như kết tội người Hoa Kỳ ngày nay hỗ trợ sự nô lệ chỉ vì sự nô lệ từng được hợp pháp hóa trong quốc gia này.
Người vô thần nổi tiếng Christopher Hitchens viết, “Nhờ kính viễn vọng và kính hiển vi, tôn giáo không còn đưa ra một giải thích cho bất cứ gì quan trọng.” Ông nổi tiếng là một người vô thần, nhưng ông còn nổi tiếng vì kết án Kitô Hữu là có cái nhìn hạn hẹp. Và tuy thế, chính những lời của ông dường như là kết quả của một cái nhìn hạn hẹp một cách kinh ngạc.
Khoa học khám phá và diễn tả vũ trụ cho chúng ta, và các định luật tự nhiên được khám phá bởi khoa học sơ phác những thứ tự cân đối của thiên nhiên. Nhưng khoa học không thể cung cấp những câu trả lời thâm sâu cho những câu hỏi cá biệt thâm sâu của bạn. Nó không thể trả lời bốn câu hỏi mà chúng ta đưa ra trước đây: Bạn là ai? Bạn ở đây để làm gì? Những gì quan trọng nhất? Những gì ít quan trọng nhất?
Đối với tôi dường như mọi sự đã xoay chuyển. Trong khi có những lần một số Kitô Hữu phản trí tuệ và phản khoa học, ngày nay phần rất lớn các học viện và khoa học gia dường như phản Kitô Giáo một cách mù quáng – và hơn thế nữa, không giống như cha ông của họ, dường như họ chống đối cả Thiên Chúa. Có lẽ từ đây cho tới một ngàn năm sau họ sẽ tìm thấy sự khiêm tốn mà Kitô Giáo đã tìm thấy để thẩm định lại lập trường của mình, tuy thế tôi hy vọng rằng vì lợi ích cho họ và cho chúng ta điều đó không lâu. Vì đó là niềm tin sâu xa của tôi rằng khoa học sẽ tốt nhất khi đức tin và lý lẽ được kết hợp trong việc theo đuổi chân lý cách mạnh mẽ.
Kitô Giáo có một lịch sử phong phú về trí tuệ và khoa học. Lịch sử đó không phải là không có tì vết; không lịch sử nào như vậy. Và ngày nay, hơn bao giờ hết, Kitô Giáo tán dương tình hữu nghị và sự hợp tác của đức tin và lý lẽ trong công việc tìm kiếm sự hiểu biết hơn nữa về chính chúng ta và về vũ trụ.
Kitô Giáo từng bị kết án là tạo ra những thất vọng đủ mọi loại về tình dục trong các tín hữu vì thái độ bài tình dục. Những người chỉ trích Kitô Giáo thổi phồng điều này thành sự tổng quát hóa thô tục rằng Kitô Giáo chống với sự khoái lạc và vui thích đủ mọi loại. Không phải như vậy – sự thật thì ngược lại. Có thể nhiều người ngạc nhiên khi khám phá ra rằng Thiên Chúa muốn họ có một đời sống tình dục thật tuyệt vời.
Sự mỹ miều và xác thực của tình dục Kitô Giáo là nó bảo vệ người ta khỏi bị trở thành đối tượng và bị sử dụng chỉ vì sự khoái lạc của một người khác. Nếu bạn có đứa con gái, bạn cảm thấy gì khi nó bị lợi dụng bởi một người đàn ông không yêu thương, không chăm sóc nó, mà chỉ để thỏa thích tình dục của ông ấy? Kinh nghiệm của tôi là các người cha sẽ hợp lại để bảo vệ con gái của mình khỏi rơi vào loại hoàn cảnh này. Thiên Chúa muốn bảo vệ mọi con cái của Người khỏi bị đối tượng hóa và bị lạm dụng, về tình dục hay cách khác, và Người kêu gọi mọi Kitô Hữu và tất cả những ai thiện tâm cùng tham gia với Người trong công việc này.
Tình dục con người là một đề tài đáng được đề cập cả một cuốn sách. Tình dục của chúng ta là một món quà quý giá và mạnh mẽ không thể tưởng. Nó hợp lý là điều gì đó thật quý giá nên không thể lạm dụng hay phung phí. Thật khác xa với việc chống đối tình dục, Kitô Giáo thì phò tình dục. Tình dục có thể dẫn đến một niềm vui vô cùng hoặc khốn khổ vô cùng. Thiên Chúa muốn tình dục của chúng ta là một nguồn vui vô cùng cho chúng ta.
***
Ngay từ đầu, không thiếu những lời dối trá về Đức Giêsu, các môn đệ, và tổng quát về Kitô Giáo. Ngày nay cũng không khác. Những dối trá thường xoay quanh Kitô Giáo. Ngày nay những dối trá phổ thông khác gồm: Kitô Hữu ghét tất cả người ngoài Kitô Giáo; Kitô Hữu nghĩ là mọi người khác sẽ xuống hỏa ngục; người khôn ngoan thì không phải Kitô Hữu; Kitô Giáo đang dẫy chết và sẽ không còn hiện diện. Ở đây chúng ta mới chỉ chạm đến bề mặt, nhưng tôi không muốn bao gồm mọi sự dối trá hay ngay cả nhiều sự dối trá.
Tôi muốn nói rõ rằng người ngoài Kitô Giáo thường nói dối về chúng ta ngay từ khởi đầu Kitô Giáo. Hầu hết những dối trá này là hậu quả của sự thiếu hiểu biết, như tôi đã nhắc đến ngay đầu chương này. Một số là hậu quả của việc cố ý thông tin sai lạc, và một số người có ác ý tấn công Đức Giêsu với toan tính làm mất uy tín toàn thể đức tin Kitô Giáo. Một số những giả dối này nhắm đến thần học và đức tin của chúng ta, và số khác nhắm đến lối sống của Kitô Hữu. Điều đáng buồn về các giả dối này là chúng tiêu diệt cơ hội hạnh phúc thực của người ta. Chúng đã gây thiệt hại lớn lao cho rất nhiều người, và thật quan trọng để nhìn nhận điều đó. Những giả dối này đã ngăn chặn hàng triệu, có lẽ hàng tỉ người không khám phá ra niềm vui và sự kỳ tài của Kitô Giáo.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận và đối diện với sự thật không an tâm là Kitô Hữu chúng ta nói dối lẫn nhau, nói dối người khác, và nói dối chính chúng ta với sự bình thường thật đáng ngại. Người ngoài Kitô Giáo có thể nói dối về chúng ta, nhưng chúng ta nói dối chính chúng ta. Chính sự kiện này – chúng ta nói dối chúng ta – là điều đặc biệt quan trọng ở đây. Khả năng con người tự lừa dối mình thì không giới hạn.
Hơn bất cứ gì khác, tôi muốn đưa ra các tình trạng để cùng nhau chúng ta có thể khám phá ra sự lừa dối lớn nhất lịch sử Kitô Giáo. Thật lạ lùng, đó không phải là lời dối trá mà người ngoài Kitô Giáo nói về Kitô Hữu; đó là sự dối trá mà chúng ta nói với chính chúng ta.
Hãy tìm hiểu.