Nền văn minh hiện đại không ngừng cung cấp cho chúng ta những hứa hẹn sai lầm và giả dối.
Để tôi chia sẻ một vài điều về chính tôi: tôi không thích bị lừa dối. Điều này không độc đáo và không đặc biệt. Bạn có thích bị lừa dối không? Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cũng không thích bị người ta nói dối về chính tôi. Một trong những điều khó khăn nhất để hiểu khi bạn xuất hiện trong xã hội như một người có ảnh hưởng là người ta sẽ loan truyền điều dối trá về bạn một cách trơ trẽn và liều lĩnh mà không cần nghĩ lại. Tôi cho rằng bạn cũng không muốn bị nói dối như vậy.
Bây giờ, điều đó có thể quấy rầy bạn ít hơn làm phiền tôi, và nó có thể quấy rầy ai đó ít hơn làm phiền bạn, nhưng không ai ưa thích điều đó. Tôi không biết có ai thích bị lừa dối. Tôi cũng không biết có ai thích bị người ta lừa dối. Thật vậy, một người thích bị lừa dối thì được coi là bị bệnh tâm thần.
Một trong những điều dối trá nhất của nền văn minh này là cho rằng không có chân lý phổ quát. Chủ nghĩa thế tục hiện đại được xây dựng trên sự lừa dối rằng không có gì là chân lý cho mọi người. Tuy vậy, với một thí dụ tương đối đơn giản – không ai thích bị lừa dối – dường như chúng ta đã phá vỡ sự dối trá đó.
Những hứa hẹn hạnh phúc của thế giới là những hứa hẹn không thật, và một hứa hẹn không thật là một sự lừa dối. Triết thuyết của văn minh thế tục về đời sống và hạnh phúc có thể được tóm lược cách cô đọng theo cách này: Ý nghĩa của cuộc đời là có được những gì bạn muốn, và càng có được những gì bạn muốn, bạn sẽ càng hạnh phúc hơn.
Chúng ta biết đó là một hứa hẹn không thật. Chúng ta biết đó là một lừa dối. Tuy vậy, chúng ta vẫn vấp ngã nhiều lần. Nhiều lần chúng ta tự nhủ rằng nếu chúng ta có chiếc xe, bộ quần áo, túi xách, đồng hồ, công việc, hay người trong mộng, v.v., thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Điều này dẫn đến hai hậu quả. Cái thứ nhất thì xấu nhưng không quỷ quái như cái thứ hai. Hậu quả thứ nhất là chúng ta có được chiếc xe, tỉ như thế, và trong một vài ngày hay vài tuần chúng ta thấy thích thú và say mê với chiếc xe ấy. Có chiếc xe đem lại một số hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó thì thuộc về tình cảnh; nó lệ thuộc vào chiếc xe. Nếu chiếc xe bị lấy đi, hạnh phúc cũng tan biến. Thật vậy, có lẽ chúng ta không hạnh phúc hơn như trước khi chúng ta có chiếc xe ấy. Đó là hậu quả thứ nhất – chúng ta có chiếc xe, nó đem lại một số hạnh phúc, và hạnh phúc ấy không bao lâu sẽ phai nhạt.
Như tôi đã nói, hậu quả thứ hai lại càng tệ hơn. Trong tình cảnh thứ hai, chúng ta không có được chiếc xe, công việc, hay người trong mộng, và cả đời chúng ta tự đặt mình vào thân phận nạn nhân vì tin tưởng rằng chỉ khi nào có được chiếc xe, công việc, hay người ấy thì chúng ta sẽ hạnh phúc mãi mãi. Người không bao giờ có được chiếc xe ấy thì không bao giờ tìm cách để hiểu rằng chiếc xe không bao giờ đem lại cho họ hạnh phúc thực sự. Như thế họ sống mãi trong sự hứa hẹn sai lầm.
Có được những gì bạn muốn thì không làm bạn hạnh phúc. Điều này đúng vì nhiều lý do – một, đơn giản là bạn không bao giờ có đủ những gì bạn không thực sự cần.
Tại sao chúng ta dễ sa lầy vào các hứa hẹn hạnh phúc sai lầm thật dễ dàng và thật thường xuyên này? Có cả ngàn lý do, nhưng chính yếu nó nằm ở sự kiện rằng chúng ta có thể rất lười biếng và dễ bị hấp dẫn bởi những hứa hẹn hạnh phúc dễ dàng. Dường như không thể nào đó là sự thật, và quả thật như vậy. Nó là một sự lừa bịp vĩ đại.
Người lừa gạt là người gạt gẫm người khác bằng cách dụ dỗ họ tin vào điều gì đó không có thật. Đã gần một trăm năm kể từ khi Charles Ponzi, cùng tên với mưu đồ Ponzi, bị cầm tù. Nhưng mưu đồ Ponzi ngày nay thịnh hành hơn bao giờ hết. Tại sao? Có phải là người chủ mưu đằng sau ý đồ Ponzi dối gạt chúng ta không? Phải, nhưng chúng ta cũng dối gạt chính mình. Chúng ta biết không thể nào điều đó có thật, nhưng chúng ta tự dối gạt mình vì lười biếng, tham lam, hay một số lệch lạc nào đó về bản tính mỹ miều của con người chúng ta. Chúng ta sa ngã vào những lời hứa hạnh phúc sai lạc của thế gian theo cùng một cách và cùng các lý do.
Đây chỉ là một vài thí dụ đơn giản, nhưng thế gian hứa chúng ta được hạnh phúc trong cả ngàn phương cách. Chúng ta tin những hứa hẹn sai lạc này nhiều khi dễ dàng hơn những lúc khác. Sự khao khát khoái lạc, tiền bạc, của cải, thành công, thế lực, và những điều khác của thế gian nó quyến rũ chúng ta. Dĩ nhiên, kết quả là chúng ta khao khát những điều không tốt cho chúng ta. Chúng ta biết đánh đổi hạnh phúc với khoái lạc là một trao đổi tệ hại, nhưng chúng ta vẫn cứ trao đổi. Chúng ta biết rằng chỉ thi hành những gì chúng ta muốn thì không làm chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta muốn tin là như vậy. Những giả dối và hứa hẹn không thật về hạnh phúc thì đeo cả ngàn mặt nạ, nhưng tất cả bắt nguồn từ triết lý của văn hóa ngày nay. Ý nghĩa cuộc đời là có được những gì bạn muốn, và càng có được những gì bạn muốn thì càng hạnh phúc. Và chúng ta an phận với hạnh phúc giả mạo hạng hai này quá lâu đến độ chúng ta không còn phản ứng với các hứa hẹn sai lầm và giả dối này.
Chúng ta từng bị lừa dối hàng ngàn lần trong đời sống chúng ta về chính bản chất của hạnh phúc và làm thế nào để đạt được. Ngay cả trong vòng Kitô Giáo chúng ta có nhiều cách để nói dối về điều đó, khi có những câu như, “Đó là ích kỷ khi chỉ nghĩ đến hạnh phúc của chính mình,” hoặc “Thiên Chúa không muốn bạn nghĩ về hạnh phúc của chính mình.” Điều đó không đúng. Những điều này cũng là sự lừa dối. Bạn được dựng nên để được hạnh phúc. Thiên Chúa muốn bạn hạnh phúc. Đó là một ý tưởng đáng để suy nghĩ: Thiên Chúa muốn bạn được hạnh phúc. Thế gian nói với bạn rằng Thiên Chúa muốn bạn phải khổ sở, nhưng đó là sự dối trá. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên bạn để hạnh phúc. Đó là lý do người ta tốt lành nhất khi người ta hạnh phúc.
Đừng hiểu lầm tôi – tôi không ảo tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúng ta luôn luôn cực kỳ hạnh phúc và không bao giờ cảm nghiệm sự chán nản, sự bất tiện, hay sự đau khổ. Hiển nhiên những điều này nằm trong hoạch định của Người và góp phần cho công việc của chúng ta là trở nên phiên-bản-tốt-nhất-của-con-người chúng ta. Trong cuộc đời của tôi, cho đến bây giờ tôi có thể nhận thức rằng Thiên Chúa muốn chúng ta được cảm nghiệm hạnh phúc và ngay cả những giây phút vui thích độc đáo ở đời này, và sau đó là niềm vui vô tận và cực kỳ ở đời sau. Tuy vậy, những điều này thì mâu thuẫn với sự đau khổ không thể tránh mà tất cả chúng ta cảm nghiệm trong đời.
Tôi cho rằng điều đó đi đến một câu hỏi nền tảng: Bạn muốn hạnh phúc được bao lâu? Nếu bạn chỉ muốn hạnh phúc trong vài giờ, hãy tìm giấc ngủ trưa. Nhưng tôi muốn hơn thế nữa, và bạn cũng vậy. Chúng ta khao khát một hạnh phúc lâu dài, bền vững, và khi thực sự đi tìm, điều đó là khao khát niềm vui, nó vượt trên hạnh phúc đơn giản.
Điều vui mừng là còn có một lối khác. Bạn không phải ở trên xa lộ giả dối và thấy con đường khốn khổ. Sớm hay muộn chúng ta sẽ nhận ra rằng những gì thế gian cung cấp cho chúng ta thì không đủ để thỏa mãn chúng ta. Chính khi đó, một số trong chúng ta sẽ quay về bốn câu hỏi lớn nhất của đời sống:
Khi chúng ta thắc mắc những câu hỏi quan trọng này, nó sẽ hé mở cho chúng ta thấy niềm say mê cho đời sống. Trong mỗi một câu hỏi này là sự nhận thức rằng mỗi một người thì độc đáo, đời sống thì có ý nghĩa và mục đích, cuộc đời thì ngắn ngủi, và chúng ta là lữ khách đi qua thế giới này, cố nắm bắt hạnh phúc và tò mò muốn biết câu trả lời cho những câu hỏi này cũng như rất nhiều điều khác. Với nhiều người, sự tò mò nhiều nhất giữa hai và ba tuổi, một phần là vì được bảo là đừng hỏi tại sao. Đã đến lúc khơi dậy sự tò mò của bạn về chính bạn, tại sao bạn lại ở đây, điều gì quan trọng nhất, và điều gì ít quan trọng nhất, như thế bạn có thể khởi sự một cuộc đời mà bạn mường tượng được nhiều nhất khi lưu tâm đến các câu hỏi ở cuối chương trước. Bây giờ là thời gian tốt nhất để khởi sự.