HÃY YÊU KẺ THÙ

Lm. Mark Link, SJ.

Cố Tổng Thống Ronald Reagan chọn ông Edmund Morris làm người viết tiểu sử về cuộc đời và thời gian làm tổng thống của mình.

Ông Morris đặt tên cuốn tiểu sử này là Dutch, biệt danh của ông Reagan khi còn trẻ và kéo dài trong suốt cuộc đời.

Một biến cố bi thảm được viết trong cuốn tiểu sử này xảy ra ba tháng sau khi ông Reagan nhận chức vào năm 1981.

Vào ngày 30 tháng Ba, ông vừa mới chấm dứt bài nói chuyện trong bữa tiệc ở khách sạn Hilton Hoa Thịnh Đốn. Khi ông và đoàn tùy tùng rời khách sạn, một hung thủ đã bắn sáu phát súng. Tổng thống và ba người cận vệ bị trúng đạn.

Bốn phút sau, vị tổng thống được đưa vào bệnh viện Hoa Thịnh Đốn. Ông Morris nói, sự mau chóng cấp cứu đã cứu sống vị tổng thống này. Về sau, ông Reagan nói lại cho ông Morris nghe những gì xảy ra trong tâm trí ông khi các bác sĩ bắt đầu chữa trị. Vị tổng thống nói:

Tôi nhìn đăm đăm lên trần nhà và cầu nguyện. Nhưng tôi nhận ra rằng, tôi không thể xin Chúa giúp tôi trong khi tôi vẫn cảm thấy thù ghét người thanh niên điên loạn đã bắn tôi…

Tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa và, vì thế, cũng được Thiên Chúa yêu thương như nhau. Do đó, tôi bắt đầu cầu nguyện cho anh ta.

Sau khi cầu nguyện cho hung thủ, ông Reagan cảm thấy bình tâm để xin Chúa giúp đỡ ông, và đó là Thiên Chúa đã làm.

Đoạn văn cảm hứng này trong tiểu sử của cố tổng thống Reagan đưa chúng ta đến bài Phúc Âm hôm nay.

Bài này được trích từ Bài Giảng Trên Núi (coi Mátthêu 5:44) trong đó Đức Giêsu nói với các môn đệ:

Hãy yêu thương kẻ thù… và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh chị em.” (Lc 6:27-28)

Điều phi thường là trong hoàn cảnh nguy kịch đó, ông Reagan đã nhớ đến lời giảng dạy khó khăn của Chúa Giêsu. Thật phi thường hơn nữa là ông không chỉ nhớ đến điều đó mà còn thực hành ngay lập tức.

Nói về Bài Giảng Trên Núi, ông Mahatma Gandhi, vị lãnh đạo vĩ đại của người Ấn Độ, đã từng nói với một Kitô Hữu:

Nếu tôi chỉ phải đối diện với Bài Giảng Trên Núi và tôi tự giải thích bài ấy, tôi không do dự nói ngay, “Đúng, tôi là một Kitô Hữu…”. Nhưng một cách tiêu cực tôi có thể nói với bạn rằng phần lớn những gì tín hữu Kitô trải qua thì trái ngược với Bài Giảng Trên Núi.

Điểm ông Gandhi muốn nói là nhiều Kitô Hữu chỉ nói về Bài Giảng Trên Núi và chỉ có như vậy.

Những lời của ông Gandhi nhắc nhở về một bài giảng đã có từ thời Kitô Giáo tiên khởi.

Bài này được viết trong Phụng Vụ Giờ Kinh, là cuốn sách mà các giáo sĩ phải đọc hàng ngày. Một phần của bài giảng ấy viết:

Chúa nói, “Danh ta thường bị xúc phạm bởi những người vô đạo… Tại sao danh Chúa lại bị xúc phạm bởi những người vô đạo? Bởi vì quá nhiều môn đệ của Chúa nói một đàng, nhưng làm một nẻo.”

Khi người vô đạo nghe lời của Chúa qua môi miệng của chúng ta, họ cảm thấy xúc động trước ý nghĩa tốt đẹp và sức mạnh của nó.

Nhưng khi họ nhìn thấy những lời ấy không có ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng rất ít, đến đời sống chúng ta, sự thán phục của họ trở nên sự khinh miệt. (Vol. 4, Wk. 32, Thursday of Ordinary Time)

Điều chúng ta rất cần trong thời đại này là những tấm gương phi thường như của ông Reagan.

Điều này đưa chúng ta đến lời dạy thứ hai của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa nói:

Hãy tha thứ cho người khác, và Thiên Chúa sẽ tha thứ cho anh chị em.” (Lc 6:37)

Một thí dụ khác sẽ minh hoạ điều Chúa Giêsu muốn chúng ta sống mệnh lệnh này.

Bà Hannah là một góa phụ ở Colorado. Con gái của bà bị giết một cách dã man. Tên sát nhân bị kết án và bị tù.

Bà Hannah không thể tha thứ cho tên này, dù bà cố gắng bao nhiêu đi nữa. Điều này đưa đến sự cay đắng mà nó hầu như tiêu diệt sự bình an trong tâm hồn của bà. Một ngày kia, trong sự sầu khổ khôn cùng, bà nhớ đến mệnh lệnh của Chúa là hãy tha thứ cho người khác.

Ba mua một cuốn Kinh Thánh, viết một mẩu tin về sự tha thứ và gửi cho người tù đã giết hại con gái của bà.

Hành động của bà Hannah đã tạo một ảnh hưởng đáng kể cho bà và cả tên tử tù.

Nó đã lấy đi sự cay đắng trong tâm hồn của bà và hoàn toàn phục hồi sự bình an cho bà.

Ảnh hưởng trên người tử tù lại còn đáng kể hơn nữa.

Trước khi nhận được mẩu tin của bà Hannah, anh ngập tràn sự khổ não và nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Sau khi anh nhận mẩu tin này, anh nhận ra rằng nếu bà Hannah có thể tha thứ cho anh thì Thiên Chúa cũng có thể và sẽ tha thứ cho anh.

Bài Phúc Âm chứa đựng một thông điệp mà hàng triệu người cần được nghe và đang chờ đợi lắng nghe.

Đó là một thông điệp mà nó có thể phục hồi sự bình an cho tâm trí và linh hồn của những ai từng bị tổn thương và cả những ai gây nên các thương tích đó. Và một trong những người đó có thể là chính chúng ta.

Chúng ta hãy kết thúc với một mẩu tin được tìm thấy trên thi hài của một đứa trẻ bị chết trong trại tập trung Ravensbruck:

Ôi lậy Chúa, xin đừng chỉ nhớ đến những người thiện tâm, nhưng cả những người có ý đồ xấu xa.

Xin đừng nhớ đến những đau khổ mà họ gây ra cho chúng con.
Xin hãy nhớ đến những kết quả mà chúng con đã đem lại –
tình bạn của chúng con đối với những người khác,
lòng trung tín đối với nhau,
sự can đảm, sự độ lượng và sự vĩ đại của tâm hồn chúng con –
mà vì tất cả những điều này đã phát sinh sự đau khổ cho chúng con.

Và khi họ đứng trước tòa phán xét của Chúa, xin cho tất cả những kết quả mà chúng con gặt hái được từ những đau khổ của chúng con, sẽ trở nên sự tha thứ cho họ.
(Trích trong “Take Up Your Cross” của Mary Craig trong tờ The Way [January, 1973])