Nguoi Tin Huu Logo
  • Trang Nhà
  • Trang Chính
    • CHIA SẺ
      • ĐỖ TRÂN DUY
      • Lm. HỒNG GIÁO
      • NGUYỄN HUỆ NHẬT
        • TỪ ÁO CÀSA ĐẾN THẬP TỰ GIÁ
        • AI CHẾT CHO AI? AI SỐNG CHO AI?
        • ĐỐI THOẠI VỚI MỘT PHẬN TỬ
      • NHIỀU TÁC GIẢ
    • DÒNG MÁU ANH HÙNG
    • ĐƯỜNG VÀO ĐẠO
    • HIỂU ĐỂ SỐNG ĐẠO
    • HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
    • HỘ GIÁO
    • LỊCH SỬ GIÁO HỘI
    • MÁI ẤM GIA ĐÌNH
    • PHỤNG VỤ
      • Bài Giảng
      • Các Nghi Thức
    • SÁCH & TRUYỆN
  • Trang Hàng Ngày
    • GƯƠNG THÁNH NHÂN
    • SUY NIỆM HÀNG NGÀY
  • Trang Ngoài
    • VIETCATHOLIC
    • CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH ĐÁP CA
    • HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VN
    • DÒNG CHÚA CỨU THẾ VN
    • DÒNG TÊN VN
    • LIÊN HIỆP BỀ TRÊN THƯỢNG CẤP VN
    • TRANG SỨ GIẢ TÌNH YÊU

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

NHỮNG ĐÔI MẮT GIÁNG SINH

Luca 2:22-40

Ngày 5-1-1964 (lễ Thánh Gia), Đức Phaolô VI, nhân chuyến viếng thăm Thánh địa (người là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến Pa-lét-ti-na), đã đọc tại Na-da-rét một huấn từ đầy ý nghĩa. Sau đây là vài trích đoạn: “Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giê-su; đó là trường học của Tin Mừng. Tại đây, trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của việc Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương... Tại đây, chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Ki-tô là ai. Tại đây, chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Người cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo, và tất cả những gì Đức Giê-su đã sử dụng để mạc khải chính mình cho thế gian. Tại đây mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có nghĩa. Tại đây, trong trường học này, chúng ta hiểu được cần phải có một kỷ luật thiêng liêng, nếu chúng ta muốn tuân theo giáo huấn của Tin Mừng và trở nên môn đệ Đức Ki-tô. Ôi, tôi thật lòng mong muốn trở lại làm trẻ thơ và đến học nơi ngôi trường Na-da-rét khiêm nhu nhưng cao cả này! Tôi khao khát biết bao được ở gần bên Đức Ma-ri-a để bắt đầu học lại phải sống như thế nào và tìm hiểu các chân lý của Thiên Chúa khôn ngoan và siêu việt biết bao!”

Điều Đức Phaolô VI bày tỏ trên đây, câu chuyện Tin Mừng hôm nay cũng giúp chúng ta thấy được phần nào, thấy được qua những đôi mắt Giáng Sinh (những đôi mắt thấu hiểu mầu nhiệm Giáng Sinh) của Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, của ông Si-mê-ôn và bà An-na.

1. Của Ma-ri-a và Giu-se

“Khi đã đến ngày các đấng phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem”. Họ bồng con trẻ, còn cụ già Si-mê-ôn ”ẵm Hài Nhi trên tay”. Đứa bé 40 ngày tuổi này bị người ta làm những gì họ muốn: Nhập thể phải đi đến đó. Cái phi thường của Giáng Sinh rơi vào lại trong cái rất tầm thường. Chúng ta đôi khi mơ mộng ra khỏi cuộc sống khiêm hèn của mình để sống điều kỳ lạ, thế mà cảnh này cho ta thấy hai vị thánh cao cả nhất Ki-tô giáo đã vâng theo Lề luật cách rất bình thường.

Nhưng hai tâm hồn ấy lạ kỳ đến độ có thể sống cách khiêm tốn một cuộc mạo hiểm kỳ lạ: việc cứu rỗi thế giới, vốn bắt đầu diễn ra nơi họ. Họ vâng lời. Ma-ri-a và Giu-se vâng lời Lề luật để hiệp thông với Thiên Chúa. Biết con mình là Quý tử của Đấng Tối Cao, Ma-ri-a và Giu-se vẫn hiểu rằng mầu nhiệm Nhập thể đòi buộc Đấng nhập thể phải đi trọn vẹn con đường của người phàm, chịu những tất định của lịch sử, tuân hành mọi điều kiện của một cuộc sống giữa xã hội loài người, vâng theo khuôn khổ của các định chế. Cuộc sống chúng ta thường được dệt bằng những tiếng vâng như thế, những tiếng vâng vốn có thể rất đơn giản và rất hạnh phúc (vì nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự và mọi hoàn cảnh) như các tiếng vâng của Ma-ri-a và Giu-se.

Nhưng thình lình niềm vui bị nỗi buồn che phủ: “Còn chính bà, Si-mê-ôn nói với Ma-ri-a, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” Lưỡi gươm nào? Ta thấy qua những gì đi trước: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên”. Nhiều người Do Thái đã từng chờ đợi một ơn cứu rỗi tập thể, hơi máy móc: toàn dân đều được cứu. Đó không phải là ơn cứu rỗi Đức Giê-su mang lại: mỗi người sẽ phải quyết định, đó sẽ là ơn cứu độ bằng niềm tin cá nhân vào Đức Giê-su. Một số sẽ theo, số lớn sẽ chống, khiến Ma-ri-a sẽ tan nát lòng. Đây là điều gian khó mà đôi mắt của bà phải nhận ra đầu tiên, để có thể chân nhận và chấp nhận một lưỡi gươm khác sẽ đâm thâu hồn bà: nỗi đau khổ dày vò bà dưới chân Thập giá.

2. Của Si-mê-ôn và An-na

Sau đôi mắt của Ma-ri-a và Giu-se, giờ đây là đôi mắt của Si-mê-ôn và An-na. Cụ già Si-mê-ôn nói khi ẵm bồng con trẻ: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài”. Đây là những lời mô tả Đấng Mê-si-a, Cứu Chúa của nhân loại, nỗi mong chờ của dân Do Thái và xác tín của Ki-tô hữu.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm thấy khó chịu trước sự bành trướng toàn cầu của ơn cứu độ khởi từ Đấng Mê-si-a của dân Ít-ra-en. Đối với chúng ta, chữ “Mê-si-a” có vẻ sặc mùi Do Thái. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đọc lên Mê-si-a đấy mỗi lần nói Ki-tô. Từ này có nghĩa là “được xức dầu”, Mê-si-a trong tiếng Hip-ri còn Ki-tô trong tiếng Hy-lạp, và lịch sử của nó bắt đầu với vua Đa-vít. Thay mặt Thiên Chúa, ngôn sứ Na-than đã đến nói với Đa-vít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta” (2 Sm 7,16). Từ lời này đã phát sinh quan niệm Mê-si-a hoàng tộc mà mọi niềm hy vọng của Ít-ra-en sẽ dần dần tập trung vào: Đấng Mê-si-a là con vua Đa-vít. Đức Giê-su sẽ đi vào trong trào lưu này bằng cách sẵn lòng chấp nhận được gọi là con Đa-vít, nhưng Người sẽ tự vệ chống lại một quan niệm hiếu chiến và quá hạn chế về sứ mệnh Mê-si-a của Người. Chỉ sau cuộc Vượt qua, được tẩy sạch mọi ý nghĩa chính trị và được hết sức mở rộng, tước Mê-si-a mới trở thành danh hiệu được các Ki-tô hữu dùng để tôn kính Đức Giê-su như Đấng Cứu độ nhân loài và như Con Thiên Chúa: “Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta”.

Si-mê-ôn quả có một năng lực tiên tri đáng nể! Ông thấy đến Đền Thờ một đôi bạn khiêm hèn chỉ đủ sức dâng một cặp bồ câu non. Nhưng khi ẵm đứa bé trong tay mình, ông nói lên những gì chúng ta sẽ phải nói lúc nghĩ đến Đức Giê-su: mắt tôi đã thấy đấng Mê-si-a, ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Sau cái nhìn tiên tri của cụ ông là cái nhìn của cụ bà ngôn sứ. An-na là gương mẫu những bà góa thánh mọi thời: góa bụa lâu dài trong thanh khiết, ăn chay và cầu nguyện. Bà không rời Đền Thờ. Hôm ấy, được Thánh Thần báo trước, bà đã tuôn trào lời khen ngợi: Hài nhi được Ma-ri-a và Giu-se đem đến trình dâng là đấng Ít-ra-en vẫn đợi chờ! Bà đã nói tiên tri về điều đó qua ba cái tên tạo vầng hào quang quanh bà: An-na có nghĩa là ân sủng. Bà là con gái của ông Pơ-nu-ên: Thiên Chúa là ánh sáng. Và thuộc chi tộc A-se, tên có nghĩa: hạnh phúc. Bà lặp lại tất cả những điều ấy cho mọi người: Hài nhi này là Đấng giải thoát, là ân huệ của Thiên Chúa, là ánh sáng và hạnh phúc cho muôn dân. Họ đã không có vẻ cảm động.

Cái khó tin của mầu nhiệm Nhập thể, đó không chỉ là nó khó tin, mà còn là nó xảy ra chẳng ai để ý. Cả lễ Giáng Sinh của ta hiện nay cũng biến thành dịp vui cho người lớn (ăn nhậu), trẻ nhỏ (nhận quà) và kẻ nghèo (được ủy lạo). Đó không phải là cái mà bà ngôn sứ đã từng thấy: chính tình yêu của Thiên Chúa trong tay của Ma-ri-a, dưới cái nhìn say mê của Giu-se. Chúng ta cần mọi đôi mắt Giáng sinh đó: đôi mắt của Ma-ri-a, Giu-se, Si-mê-ôn, An-na, các mục đồng, các đạo sĩ. Họ giúp chúng ta đi tới tận thâm sâu mầu nhiệm: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một mình.

Thánh Gia và T. Anna - Tranh của Peter Paul Rubens

Liên Lạc Với Chúng Tôi

  • 8810 Diamond Lake Ln - Houston, TX 77083
  • 713-870-8955
  • nth@nguoitinhuu.org

Vể NGƯỜI TÍN HỮU

NguoiTinHuu.org được thành lập năm 1997 với mục đích loan truyền Tin Mừng qua hệ thống tin học và chuyển tải tài liệu. Sứ vụ này được thể hiện qua việc cung cấp MIỄN PHÍ cho tất cả mọi người các kiến thức về đức tin Công Giáo, kể cả tin tức và mọi vấn đề liên quan đến đời sống Công Giáo. Chúng tôi nhất quyết trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội, Đức Thánh Cha và các Giám Mục trên toàn thế giới cùng với hợp nhất với người như các chủ chăn của Giáo Hội, trong khi vẫn cởi mở đối thoại với bất cứ ai.
NguoiTinHuu.org được duy trì bởi Pt. Giuse Trần Văn Nhật với sự cộng tác của các linh mục Việt Nam trên toàn thế giới, nhất là các linh mục và phó tế của tổng giáo phận Galveston-Houston.

How to Help Nguoi Tin Huu

Please pray daily for all the members and benefactors of NguoiTinHuu.org, past and present, living and deceased.

Về Bài Trích Trong www.nguoitinhuu.org

Có thể sử dụng các bài trong www.nguoitinhuu.org cho nhu cầu tinh thần, xin đừng làm thương mãi và xin ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.

Về Bài Gửi Cho www.nguoitinhuu.org

Bài gửi cho www.nguoitinhuu.org thì xin đừng gửi cho chỗ khác.
Khi tự ý gửi bài cho www.nguoitinhuu.org, tác giả đương nhiên cho phép phổ biến theo quy tắc của www.nguoitinhuu.org.
Chúng tôi có toàn quyền kiểm duyệt hay từ chối đăng tải mà không cần nêu lý do.
© 2019 NGUOI TIN HUU - All Rights Reserved.NGUOITINHUU