Nhiều tường thuật trong phúc âm về sự xuất hiện sau khi phục sinh của Đức Giêsu phản ánh nhiều loại truyền thống mà nó không dễ để hòa hợp. Bài đọc hôm nay được đặt trên “chiều tối ngày thứ nhất trong tuần,” nhưng “các môn đệ” (c. 19; nhiều hơn Mười Một người?) quy tụ ở đó dường như không để ý đến các cảm nghiệm của ông Phêrô, Gioan, và bà Maria Mađalêna ở ngôi mộ trống “vào sáng sớm” cùng ngày hôm đó (như được thuật lại trong các câu 1-10).
Các học giả thừa nhận rằng các thánh sử nhận được các truyền thống đa dạng mà họ lại tiếp tục dẫn giải thêm nữa theo “hoàn cảnh của các giáo đoàn” mà họ viết cho giáo đoàn ấy cũng như mục đích đặc biệt mỗi tác giả tự đặt ra cho mình (Chỉ Thị của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng về Sự Thật Lịch Sử của các Phúc Âm, 1964, số 9). Thánh sử Gioan tường thuật về các môn đệ sợ hãi tụ họp nhau trong phòng đóng kín và thêm vào đó câu chuyện của thánh sử tạo ra về “Tôma hồ nghi” (cc. 24-29; xem sự nhận xét về đoạn này trong chu kỳ C để biết chi tiết). Phần sáng tác mới này tạo ra một khung cảnh rộng hơn để giải thích Đức Giêsu phục sinh đã ra lệnh các môn đệ đưa các thành viên mới vào cộng đồng này như thế nào (cc. 19-21; xem sự nhận xét về chủ đề này trong chu kỳ A).
Tại sao những sự xuất hiện sau phục sinh được dẫn giải đa dạng như thế trong các Phúc Âm? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu cảm nghiệm chung của nhân loại được gọi là những trạng thái ý thức biến đổi và chức năng hay vai trò độc đáo của cảm nghiệm này trong các nền văn hóa cá biệt.
Chín mươi phần trăm các nền văn hóa thế giới thường cảm nghiệm các trạng thái ý thức biến đổi; đó là, họ thoáng thấy một thực tại khác lạ mà nó phong phú hơn thực tại họ thường cảm nghiệm. Tám mươi phần trăm các xã hội vùng Địa Trung Hải được các nhà nghiên cứu điều tra, gồm Hebrew, Hy Lạp, và cổ Ai Cập, có cùng các cảm nghiệm này. Các nhà nhân chủng vật lý học nhận xét rằng tổng quát các xã hội Tây Phương, và nhất là Hoa Kỳ, dường như thành công ngăn chặn khả năng bình thường này của con người (xem nhận xét về sự biến hình của Đức Giêsu, Chúa Nhật II mùa Chay).
Tuy vậy, ngay cả trong các xã hội này, các giấc mơ là một cảm nghiệm quen thuộc và phổ thông về thực tại khác lạ. Các giấc mơ thì không bị ràng buộc bởi thời gian. Từ quan điểm của người mơ, người chết giao thiệp với người sống, và những cảm nghiệm bị tách biệt bởi thời gian và lịch trình khi thức giấc thì cùng lưu chuyển. Các độc giả Kinh Thánh biết rằng các giấc mơ thì thường được tường thuật trong Kinh Thánh (tỉ như, St 37:5-11; Mt 1:20-24; 2:12; 2:13-14, v.v.).
Các thị kiến là một cảm nghiệm khác về thực tại khác lạ thường được tường thuật trong Kinh Thánh (Ds 12:6; 1 Sam 3:16; Êd 8:3; 40:1-2; Mt 17:9, v.v.). Thật hợp lý về văn hóa để bao gồm những sự xuất hiện của Đức Giêsu phục sinh trong loại các cảm nghiệm về thực tại khác lạ, hay các tình trạng ý thức biến đổi.
Các hướng dẫn của Giáo Hội nhắc nhở người đọc Kinh Thánh về sự cần thiết phải phân biệt nhiều tầng lớp hay các giai đoạn truyền thống trong việc dẫn giải các Phúc Âm. Ở dưới đáy vững chắc là truyền thống về các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu, các tông đồ và tất cả những ai giao tiếp với các đấng ấy. Giai đoạn hai của truyền thống là các tông đồ rao giảng những gì họ nhớ được về lời nói và hành động của Đức Giêsu. Và giai đoạn ba là các thánh sử viết xuống trong khoảng năm bốn mươi đến sáu mươi sau cuộc đời ở trần thế của Đức Giêsu.
Vì cảm nghiệm về thực tại khác lạ thì bình thường và phổ thông trong các xã hội vùng Địa Trung Hải, có thể rằng những ai đã thấy Đức Giêsu phục sinh thì họ cảm nghiệm Người trong một trạng thái ý thức biến đổi. Họ được thoáng nhìn vào sự sống phục sinh, một thực tại thực sự hiện hữu và bao gồm nhiều hơn những gì ý thức bình thường của con người cảm được.
Chức năng của những cảm nghiệm như thế trong thế giới Địa Trung Hải là để dẫn dắt dân chúng qua các khó khăn và vấn nạn nếu không thì không giải quyết được. Khi hồ nghi về đường lối hoạt động, hoặc giải pháp thích hợp cho một vấn đề, người Địa Trung Hải tìm sự giúp đỡ và sự khai sáng trong thực tại khác lạ. Họ biết cách đi vào và ra khỏi chiều kích cảm nghiệm này của con người thật dễ dàng như người Tây Phương biết lái xe, biết lập trình máy thu băng, và thưởng thức các dĩa cd.
Ở tầng lớp thứ hai và thứ ba của truyền thống được phản ánh trong Kinh Thánh, những người rao giảng và các thánh sử đôi khi tường thuật truyền thống họ nhận được (những sự xuất hiện của Đức Giêsu phục sinh) và ở những lúc khác họ tạo ra một truyền thống mà nó phản ánh cảm nghiệm thông thường, theo văn hóa vùng Địa Trung Hải (câu chuyện Tôma hồ nghi).
Trong khi khoa học hiện đại ban nhiều ơn phúc cho tín hữu Tây Phương, phúc âm hôm nay đề cao một lĩnh vực cảm nghiệm của loài người mà có lẽ nó nghèo nàn. Những nỗ lực để có lại quà tặng này của Thiên Chúa thì có thể đem lại nhiều ích lợi tinh thần.