Người ta có thể thán phục các người sáng tạo sách Bài Đọc khi ấn định cùng một bài phúc âm cho sáng Chúa Nhật Phục Sinh trong cả ba chu kỳ năm phụng vụ. Thánh sử này tường thuật các phản ứng của bà Maria Mađalêna (“xác bị lấy trộm,” c. 2), Gioan (“ông đã thấy và đã tin,” c. 8), và Phêrô (ông quan sát mọi thứ, không nói gì cả, và trở về nhà với những người khác, cc. 6-7, 10)
Các nhà chú giải thật bối rối về nhận xét được đóng ngoặc của thánh sử này: “Hãy nhớ rằng họ chưa hiểu theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (c. 9). Điều này có nghĩa gì nếu ông Gioan “đã thấy và đã tin”? Có lẽ chữ “họ” phải ám chỉ bà Maria Mađalêna và ông Phêrô mà thôi?
Việc nghiên cứu các Phúc Âm cho thấy các sách này chứa đựng tối thiểu ba tầng lớp truyền thống, và Phúc Âm của Gioan đôi khi còn chứa đựng nhiều hơn nữa. Không hồ nghi là câu chuyện này phản ánh việc kết hợp một số truyền thống của thánh sử, mà nó gây ra một số khó khăn trong sự hiểu biết. Sự phát triển này được tìm thấy trong nhiều cuộc nghiên cứu truyền thống tỉ như “Commentary on the Gospel of John” (Chú Giải Phúc Âm Gioan) của cha Raymond Brown.
Trong những suy tư hiện tại, chúng ta quay về sự hiểu biết sâu sắc mới trong cuốn “Biblical Social Values and their Meaning” (Các Giá Trị Xã Hội trong Kinh Thánh và Ý Nghĩa của Chúng), trong đó học giả Kinh Thánh Bruce Malina giải thích rằng trong thế giới Địa Trung Hải xưa, chữ “đức tin” chính yếu để diễn tả sự trung thành và quyết tâm với một người khác. Một người trung thành là người đáng tin cậy, người biểu lộ sự trung thành cá nhân bền bỉ hay trung thành cá biệt “bất kể điều gì.” Nói cách khác, đức tin có thể coi như một chất keo xã hội ràng buộc người ta với nhau trong thế giới này.
Có vẻ hiển nhiên rằng đây là ý nghĩa mà thánh sử Gioan cũng có ý muốn nói. Cộng đồng của ông thực sự lưu tâm đến sự trung thành, đoàn kết, và gắn bó khi đối diện với một thế giới thù nghịch. Nhu cầu của sự trung thành bền bỉ với Đức Giêsu thì hiển nhiên trong sự thường xuyên dùng những chữ “đức tin” và “hãy tin” của thánh sử. Thật vậy, ông dùng một chuỗi chữ đồng nghĩa để nói lên điểm này: “hãy đến,” “ở trong,” “đi theo,” “yêu mến,” “tuân giữ những lời,” “đón nhận,” “để có,” “để thấy.”
Như vậy, người Môn Đệ Yêu Dấu là người đã đến ngôi mộ trống và “đã thấy và đã tin,” ông có một phản ứng khác biệt với cảm nghiệm của bà Maria Mađalêna (người nghi ngờ xác bị trộm) và ông Phêrô (là người hiển nhiên không kết luận gì cả). Gioan đã nhìn thấy những điều khó khăn (một ngôi mộ trống, không có xác, khăn liệm để lại), nhưng vẫn “trung thành, bất kể điều gì” (= tin). Nếu người ta chấp nhận sự giải thích theo văn hóa này, sự nhận xét được đóng ngoặc về việc chưa hiểu Kinh Thánh có thể áp dụng ngay cả cho môn đệ là người đã tin.
“Các tín hữu” Hoa Kỳ sẽ thấy sự giải thích này nhiều thách đố. Trong văn hóa Hoa Kỳ, đức tin mang một đặc tính rất trí thức. Nó chính yếu nhìn đến trí óc hơn là con tim và ý muốn.
Bởi vì nền văn hóa Hoa Kỳ nói riêng và văn hóa Tây Phương nói chung, chữ “đức tin” có sắc thái xa hơn nữa là đòi phải có một chữ về uy quyền, nhất là khi chứng cớ bị thiếu hay yếu kém. Sự kiện rằng không có một thiên sứ hay người nào khác trong cảnh tượng hôm nay để phát biểu một câu có uy quyền như thế làm cho độc giả Hoa Kỳ rất bối rối về phản ứng bình thường của người Môn Đệ Yêu Dấu miền Địa Trung Hải.
Chiều kích đức tin dựa trên lý trí này (và không phải người Địa Trung Hải) thì rất trọng yếu trong y khoa Hoa Kỳ, tỉ như, một thuốc trấn an (placebo) thì có hiệu lực không thay đổi: người uống thuốc ấy tin rằng người cho thuốc (ngay cả một người giả mạo hay một diễn viên) là một người có quyền, họ đủ điều kiện và đáng được tin tưởng.
Sự tương phản giữa sự hiểu biết về đức tin của người Địa Trung Hải và của tín hữu Tây Phương ngày nay thì đặc biệt thách đố vào Chúa Nhật Phục Sinh, lễ chính của niên lịch Kitô Giáo. Người Môn Đệ Yêu Dấu nhìn thấy sự rắc rối bằng chứng nhưng vẫn quyết tâm với Đức Giêsu “bất kể điều gì.” Ngược lại, người Hoa Kỳ nói về “con chuột rời bỏ chiếc tầu chìm,” diễn tả một cảm nghiệm thông thường của những người cơ hội chủ nghĩa và các đồng minh bỏ rơi một người bạn bị thương hay bị kiệt quệ vào những lúc khó khăn. Phúc âm hôm nay cung cấp một cơ hội thật tốt cho tín hữu Hoa Kỳ hãy nghĩ lại phương cách tiếp cận đời sống quá dựa trên lý trí và sự cản trở mà nó có thể đề ra đối với “đức tin thực sự” hay sự trung thành.