Thánh Robert Bellarmine

(1542-1621)

K

hi Robert Bellarmine thụ phong linh mục năm 1570, vấn đề học hỏi lịch sử Giáo Hội và các Giáo Phụ bị lãng quên một cách đáng buồn. Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, người đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng, vì người dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành. người là linh mục dòng Tên đầu tiên làm giáo sư ở Louvain.

Công trình nổi tiếng nhất của người là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Ðặc biệt nhất là các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. người chọc tức cả nước Anh và nước Pháp khi chủ trương rằng thần quyền của các vua chúa không thể tồn tại. người khai thác học thuyết về thẩm quyền gián tiếp của đức giáo hoàng trong các giao tế nhân sự; mặc dù người bảo vệ đức giáo hoàng chống với triết gia Barclay, người cũng bị Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tức giận.

Bellarmine được Ðức Giáo Hoàng Clement VIII tấn phong hồng y là vì "Người không được những gì xứng với tài học." Trong khi sống ở Vatican, Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh. người giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa chỉ còn những gì thật cần thiết, người ăn các thực phẩm dành cho người nghèo. Ðược biết là người đã chuộc một người lính bị sa thải khỏi quân đội, và dùng các màn cửa trong dinh cơ của người để may quần áo cho người nghèo, vì theo người nói, "Các vách tường không thể bị cảm lạnh được."

Một trong những công việc của người là trở nên thần học gia của Ðức Giáo Hoàng Clement VIII, và chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội.

Sự khó khăn sau cùng lớn nhất trong đời Bellarmine là năm 1616 khi người phải khiển trách người bạn của người là Galileo, người mà người rất khâm phục. Bellarmine đại diện cho Tòa Thánh chuyển trao văn thư cảnh cáo, mà trong đó quyết định rằng lý thuyết về thái dương hệ của Galileo thì trái với Phúc Âm. Sự khiển trách chung quy là một lời cảnh cáo đừng đề cao các lý thuyết chưa được hoàn toàn chứng minh -- khác với giả thuyết. Ðây là một thí dụ điển hình cho thấy các thánh vẫn có thể sai lầm.

Bellarmine từ trần ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho người được bắt đầu năm 1627 nhưng bị đình hoãn cho đến năm 1930 vì lý do chính trị, phát xuất từ các văn bản của người . Vào năm 1931, Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng người là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Thánh Philíp Nêri

(1515-1595)

T

hánh Philíp Nêri, vị "Tông Ðồ của Rôma", là một trong những khuôn mặt lớn của cuộc Cải Cách Công Giáo. Một trong những điều đáng kể của thánh nhân là ảnh hưởng của người , dù người không viết một cuốn sách, không đề nghị một học thuyết gì mới mẻ, và cũng không khởi xướng một phong trào linh đạo nào. Nhưng tinh thần vui tươi và thánh thiện của người đã làm sống dậy tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.

Thánh Nêri sinh ở Florence, nước Ý năm 1515. Ngay từ khi còn trẻ, người đã khước từ cơ hội để trở thành một doanh gia và lên Rôma với ý định tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Trong vài năm, người sống thật đơn giản, ngoài thời giờ học hỏi, người còn đi dạy thêm để đủ sống. Ðây là quãng thời gian cầu nguyện và chuẩn bị cho một ơn gọi mà người chưa biết rõ.

Thành phố Rôma thời bấy giờ trong tình trạng hư nát về tinh thần và đạo đức. Các giáo hoàng thời Phục Hưng thường nổi tiếng về mưu đồ và tài năng chính trị hơn là đời sống gương mẫu. Việc tấn phong các hồng y nếu không được quyết định bởi lý do chính trị thì cũng vì lý do phe cánh. Cả thành phố đắm chìm trong tình trạng hoài nghi yếm thế đối với sứ điệp Kitô Giáo. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Philíp Nêri đã nhận ra ơn gọi của mình, đó là tái-phúc-âm-hoá Rôma.

Quả thật là một công việc táo bạo, nhưng với nhiệt huyết, Nêri đã khởi sự ngay ở các đường phố qua các cuộc đối thoại về tôn giáo với bất cứ ai người gặp, bất cứ đâu có cơ hội. Không bao lâu, những người quen biết người ngày càng đông và cảm mến sự thẳng thắn cũng như khả năng thấu suốt linh hồn của họ mà Chúa đã ban cho người .

Vào năm 1550, khi người ba mươi lăm tuổi, qua sự khuyến khích của cha giải tội, người chịu chức linh mục. Ngay sau đó, người trở thành cha giải tội nổi tiếng và người thường tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện ngay trong khuôn viên các đền thánh ở Rôma.

Ngay trên căn gác của người sinh sống, thường có các buổi hội thảo về đời sống tâm linh của những người theo người , gồm các giáo sĩ cũng như giáo dân. Ðây là khởi sự của Tu Hội Oratory mà đặc điểm là cầu nguyện và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ cũng như mỗi ngày đều có bốn cuộc hội thảo bán chính thức.

Hình thức sinh hoạt "mới lạ" này đã bị Tòa Thẩm Tra nghi ngờ. Có phải Nêri toan tính một loại sinh hoạt thiên về Tin Lành ngay trong thủ đô Rôma hay chăng? Sau giai đoạn đau khổ vì bị cáo buộc là tụ tập những kẻ lạc giáo, mà trong đó giáo dân có thể giảng và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ, cuối cùng Tu Hội Oratory đã được chấp thuận. Hiến pháp của tu hội phản ảnh tinh thần của Thánh Philíp Nêri, chú trọng vào ý chí cá nhân hơn là thẩm quyền pháp lý. Các linh mục không có lời khấn. Họ tự ràng buộc chính mình, vì như Thánh Philíp Nêri đã nói, "Nếu bạn muốn vâng phục, thì không cần đến mệnh lệnh".

Ngay khi người còn sống, đã có nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời cầu nguyện của người . Vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1544, người được một cảm nghiệm siêu nhiên về tình yêu Thiên Chúa mà sau đó, mỗi khi dâng Thánh Lễ, khuôn mặt người tỏa sáng lạ thường. Dân chúng đều coi người là thánh, nhưng chính người lại giả điên giả khùng với khuôn mặt chỉ cạo râu có một nửa để khỏi bị dân chúng tôn sùng.

Vào những năm cuối đời, thánh nhân là tâm điểm đời sống tâm linh của Rôma trong nhiều phương cách. Không chỉ có các linh mục trong tu hội, mà cả các giám mục và hồng y đã tìm đến căn phòng nhỏ bé của người để xin hướng dẫn tinh thần. Người dân Rôma, ai ai cũng biết đến công việc bác ái của thánh nhân, đặc biệt là việc cung cấp linh mục tuyên uý cho các nhà thương thành phố. Sau cùng, vào ngày 25 tháng Năm 1595, sau khi nghe xưng tội và tiếp khách, trước khi về phòng nghỉ, người tuyên bố, "Rốt cục, chúng ta đều phải chết." Quả thật, đêm ấy người đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.

Thánh Charles Borromeo

(1538-1584)

T

ên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. người sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Ðồng Trent.

Mặc dù người thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng người lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của người là Ðức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn người làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi người chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên người được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm ngoại trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa người đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. người được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.

Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, người là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên người cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.

Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các cộng đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.

Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. người chia sẻ hầu hết phần lương của người cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. người hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, người cố tìm cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, người phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì người vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.

Vào năm 1578, người thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.

Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người . người từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII

(1881 - 1963)

R

ất ít người có ảnh hưởng đến thế kỷ 21 như Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, nhưng người cố tránh sự để ý của thế gian. Thật vậy, một văn sĩ đã nhận xét rằng "tính chất bình thường" của người dường như là một trong những đức tính đáng kể của người .

Là con trưởng trong một gia đình nông dân ở Sotto il Monte, gần Bergamo miền bắc nước Ý, Angelo Giuseppe Roncalli luôn luôn hãnh diện về nguồn gốc mộc mạc của mình. Trong thời gian ở đại chủng viện Bergano, người gia nhập Dòng Ba Phanxicô.

Sau khi thụ phong linh mục năm 1904, Angelo trở về Rôma để học giáo luật. Sau đó không lâu người làm thư ký cho đức giám mục, vừa dạy sử Giáo Hội trong chủng viện vừa đảm trách chủ bút cho tờ báo địa phận.

Trong thời Thế Chiến I, người làm người khiêng cáng cho quân đội Ý. Vào năm 1921, người làm giám đốc quốc gia cho Bộ Truyền Bá Ðức Tin; người cũng dành thời giờ để dạy thần học giáo phụ trong chủng viện của Kinh Thành Vĩnh Cửu.

Năm 1925, người là đại diện ngoại giao cho đức giáo hoàng, lúc đầu phục vụ ở Bulgaria, sau đó ở Thổ Nhĩ Kỳ và sau cùng ở Pháp (1944-53). Trong Thế Chiến II, người làm quen với các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo, và với sự giúp đỡ của đại sứ Ðức ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ðức Tổng Giám Mục Roncalli đã giúp che chở được khoảng 24,000 người Do Thái.

Ðược tấn phong hồng y và được bổ nhiệm là thượng phụ Venice năm 1953, sau cùng người là một giám mục hiệu tòa. Khi gần đến sinh nhật thứ 78 thì người được bầu làm giáo hoàng, lấy tên hiệu là Gioan, là tên của cha người và cũng là tên hai quan thầy của vương cung thánh đường Rôma, Gioan Latêranô. người đảm nhận chức vụ một cách nghiêm trọng nhưng chính người thì rất xuề xòa. Tài dí dỏm của người ai cũng biết, và bắt đầu người gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính trị cũng như tôn giáo trên toàn thế giới.

Các thông điệp nổi tiếng của người là Mẹ và Thầy (1961) và Hoà Bình Trên Trái Ðất (1963). Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nới rộng thành phần Hồng Y Ðoàn và quốc tế hóa tập thể này. Trong bài diễn văn khai mạc Công Ðồng Vatican II, người chỉ trích "các ngôn sứ ngày phán xét" là những người "sống trong thời đại bây giờ nhưng chẳng thấy gì ngoài sự lẩn tránh sự thật và tàn tích." Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đặt tinh thần chung cho Công Ðồng khi người tuyên bố, "Giáo Hội luôn luôn chống lại... những lầm lạc. Tuy nhiên, thời buổi này, Hôn Thê của Ðức Kitô muốn dùng liều thuốc thương xót hơn là sự nghiêm khắc."

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, người nói: "Không phải là phúc âm thay đổi; nhưng chính là vì chúng ta bắt đầu hiểu phúc âm rõ hơn. Những ai sống lâu như tôi... đều có thể so sánh các văn hóa và truyền thống khác nhau, và biết rằng đã đến lúc phải nhận ra dấu chỉ thời gian, để nắm lấy cơ hội và để nhìn sâu vào tương lai."

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho người ngày 3 tháng Chín 2000, và đặt ngày lễ kính là 11 tháng Mười, là ngày Công Ðồng Vatican II khai mở khóa đầu tiên.

© Copyright by Nguoi Tin Huu